Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-01 đến ngày 05-02-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vov)
21:16, ngày 06-02-2017

TCCSĐT - Ngày 02-02, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực, thực phẩm thế giới trong tháng Một vừa qua đã tăng lên mức cao nhất gần 2 năm qua, chủ yếu do giá đường, giá xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn đồng loạt tăng cao.


Gần 9.000 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 90.000 tỷ đồng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Một, từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, không khí khởi nghiệp trong tháng đầu tiên của năm khá sôi động, cả nước có 8.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký đạt 90.300 tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó, các doanh nghiệp thành lập mới dự kiến sẽ tạo thêm 104.100 việc làm cho xã hội, tuy nhiên chỉ bằng 83,9% cùng kỳ.

Điểm đáng chú ý, số doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tháng đạt 5.564 đơn vị và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại gần 14.600 doanh nghiệp.

Các ngành hấp dẫn vốn đầu tư từ xã hội phải kể đến nhóm nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 2,4% số doanh nghiệp và tăng 658% về vốn đăng ký. Kế đến là nhóm y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng tương ứng 57,6% và tăng 455,5%.

Mặc dù chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 13,9%, song số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong ngành lại tăng 3,4% và tăng 401,2% về vốn đăng ký. Doanh nghiệp nhỏ vẫn là đối tượng dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế, trong số 1.583 doanh nghiệp giải thể trong tháng (tăng 18,3% so với cùng kỳ) thì có đến 1.460 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 92,2% và tăng 16,3% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng là khá lớn, với 13.289 doanh nghiệp, tăng 6,7% so với cùng kỳ, bao gồm 6.822 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 6.467 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Trung Quốc tăng lãi suất ngắn hạn khi nền kinh tế dần ổn định

Ngày 03-02, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng Trung ương) đã tăng lãi suất ngắn hạn trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán 2017. Đây là tín hiệu tiếp theo cho thấy sự thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu đang dần ổn định. Cụ thể, PBoC đã tăng lãi suất đối với các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) đảo ngược thời hạn 7 ngày từ 2,25% lên 2,35%; lãi suất qua đêm đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc cơ chế cho vay thường trực (SLF) từ 2,75% lên 3,1%.

Theo các chuyên gia, động thái trên củng cố quan điểm cho rằng Bắc Kinh muốn ngăn chặn dòng vốn chảy ra và những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong nước do tình trạng đầu tư ồ ạt dựa trên nguồn vốn vay trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, việc thắt chặt lãi suất cho thấy PBoC mong muốn kiểm soát mức độ linh hoạt của chính sách trong khi cố gắng giữ đà tăng trưởng kinh tế không giảm tốc trở lại.

Hồi cuối tháng 01-2017, PBoC đã tăng lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ khi đưa ra công cụ thanh khoản này vào năm 2014. Đây cũng là lần đầu tiên PBoC tăng lãi suất kể từ tháng 7-2011.

FAO: Giá lương, thực phẩm thế giới tăng cao nhất trong 2 năm


Ngày 02-02, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực, thực phẩm thế giới trong tháng Một vừa qua đã tăng lên mức cao nhất gần 2 năm qua, chủ yếu do giá đường, giá xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn đồng loạt tăng cao.

Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO, thước đo sự thay đổi hàng tháng của giá các mặt hàng thực phẩm cốt yếu gồm ngũ cốc, các loại hạt lấy dầu, các sản phẩm từ sữa, thịt và đường, đứng ở mức 173,8 điểm trong tháng Một vừa qua, tăng so với mức 170,2 điểm của tháng 12-2016. Như vậy, giá lương thực, thực phẩm trên các thị trường toàn cầu trong tháng Một đã tăng 2,1% so với tháng trước đó và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016, lên mức cao nhất kể từ tháng 02-2015

FAO dự báo sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới trong niên vụ 2016 - 2017 có khả năng sẽ đạt 2,592 tỷ tấn, củng cố thêm khả năng đây sẽ là một vụ thu hoạch ngũ cốc kỷ lục.

Việt Nam tăng 9 bậc trong bảng chỉ số môi trường kinh doanh

Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới năm 2016 về môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Kết quả trên cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức, nhiều tiêu chí xếp hạng còn thấp, như khởi sự kinh doanh (xếp thứ 121), nộp thuế và bảo hiểm xã hội (xếp thứ 167), giải quyết phá sản doanh nghiệp (xếp thứ 125)...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn Chính phủ, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Chính phủ đã tích cực thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Thời gian qua, thông qua việc trình Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...; đồng thời, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều Nghị quyết quan trọng, Chính phủ đã tạo khung khổ pháp lý cơ bản đồng bộ cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện, đưa các chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo.

Quốc hội Anh thảo luận dự luật kích hoạt tiến trình Brexit

Ngày 31-01, các nghị sỹ Anh đã có bước đi quan trọng hướng tới việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, khi chính thức thảo luận dự luật cho phép Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May "kích hoạt" Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon khởi động tiến trình chia tay mái nhà chung châu Âu.

Dự luật được Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis trình lên Quốc hội ngày 26-01 vừa qua và dự kiến sẽ dễ dàng thông qua Hạ viện, nhưng sẽ bị kẹt lại tại Thượng viện, nơi đảng Bảo thủ của bà May không chiếm đa số.

Trong ngày 01-02, Quốc hội Anh tiến hành bỏ phiếu cho phép dự luật này tiếp tục được xem xét trong các phiên họp của ủy ban quốc hội từ ngày 06-02 đến 08-02 tới, để cân nhắc các điều khoản sửa đổi quan trọng về nhiều vấn đề như việc tiếp cận thị trường châu Âu. Dự luật sau đó sẽ được chuyển lên Thượng viện để thảo luận từ 20-02 tới và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 07-3 tới.

Dự luật nói trên phác thảo chiến lược đàm phán về tiến trình Brexit do chính phủ của Thủ tướng May đề xuất. Văn bản này vạch ra những đề xuất cụ thể về pháp luật trong tương lai và định hình cơ sở cho các cuộc tham vấn và thảo luận. Đây được coi là một trong những dự luật minh bạch nhất để bảo đảm hiệu lực quyết định của người dân, cũng như tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao Anh.

Thủ tướng Anh May đang đứng trước áp lực phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội nhanh chóng do đã hứa với các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ "kích hoạt" Điều khoản 50 - thủ tục pháp lý khởi động tiến trình đàm phán 2 năm về Brexit, trước khi tháng 3 kết thúc.

Trước đó, London cũng đã tìm cách tự "kích hoạt" điều khoản này mà không thông qua Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết buộc chính phủ của bà May phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội về động thái này. Các cuộc đàm phán rời EU của Anh này dự kiến kéo dài khoảng 2 năm và được dự báo sẽ là một trong những cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử hình thành EU./.