Những vấn đề cần quan tâm trong phát triển du lịch xanh ở đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Những tác động bất lợi và thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các công trình thủy điện, thủy lợi từ thượng nguồn sông Mê Kông,… đã, đang và sẽ gây ra nhiều tác động, nguy cơ và thách thức nghiêm trọng đối với môi trường, hệ sinh thái và mục tiêu phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long - hạ nguồn sông Mê Kông. Những nguy cơ, thách thức đó đang đặt vùng đồng bằng sông Cửu Long trước yêu cầu phải hướng đến nền kinh tế xanh, nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong bối cảnh đó, ngành du lịch vùng sông nước Tây Nam Bộ cũng đang tìm những hướng đi thích hợp để phát triển mạnh loại hình du lịch xanh - du lịch dựa trên nguyên tắc thân thiện với môi trường.
Tiềm năng lớn cho du lịch xanh
Với đặc thù là vùng có hệ sinh thái đất ngập nước độc đáo, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, sản vật dưới sông trên cạn phong phú, miệt vườn với nhiều loại cây trái sum suê, con người hào hiệp, nghĩa khí,… Đồng bằng sông Cửu Long chứa đựng nhiều giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc mang tính điển hình của vùng. Trong đó, nổi lên 3 giá trị cơ bản:
Một là, giá trị cảnh quan sông nước dọc sông Tiền, sông Hậu, các kênh, rạch gắn với đời sống sinh hoạt truyền thống vùng sông nước (chợ nổi, làng nổi, các làng nghề truyền thống ven sông và trên các cù lao) và sinh kế của cộng đồng hạ lưu sông Mê Kông (trồng lúa nước, trồng cây ăn trái miệt vườn, giăng câu mùa nước nổi, nuôi cá lồng bè trên sông,…).
Hai là, giá trị sinh thái đất ngập nước vùng hạ lưu sông Mê Kông được đặc trưng bởi 3 loại sinh cảnh điển hình là: sinh cảnh đầm nước nội địa (rừng tràm) ở vùng đất than bùn U Minh, vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, vùng Hà Tiên; sinh cảnh đất ngập nước ven biển (rừng ngập mặn) phân bổ tập trung ở vùng ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, đặc biệt là Vườn quốc gia - Khu dự trữ sinh quyển Đất Mũi; sinh cảnh biển - đảo tập trung chủ yếu ở khu vực Phú Quốc - Hà Tiên.
Ba là, giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống mà tiêu biểu là “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với những giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc này, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh - một xu hướng đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.
Du lịch xanh có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Điều này càng có ý nghĩa đối với phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong 3 đồng bằng trên thế giới được xác định là phải gánh chịu nặng nề nhất những tác động của biến đổi khí hậu.
Hòa quyện với con người, thiên nhiên
Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã triển khai nhiều nhóm hoạt động du lịch mang tính chất du lịch xanh theo hướng hòa quyện với con người, thiên nhiên:
Du lịch tìm hiểu sông nước miệt vườn: Tham quan, khám phá, thưởng thức các vườn cây ăn trái, đồng ruộng, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản,…
Du lịch văn hóa, lễ hội: Thưởng thức đờn ca tài tử Nam bộ, ca múa nhạc, tham gia các lễ hội, các hoạt động nghệ thuật, giao lưu văn hóa với cư dân địa phương,…
Du lịch ẩm thực: Ẩm thực sông nước, ẩm thực đường phố, lễ hội ẩm thực, ẩm thực tại các nhà hàng đặc sản,…
Du lịch biển đảo: Du lịch tắm biển, lặn biển, các hoạt động khám phá trên biển,…
Du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, hệ sinh thái biển, môi trường nuôi trồng thủy sản,…
Những năm gần đây, ở một số tỉnh trong vùng cũng đã xuất hiện những cách làm, mô hình phát triển du lịch xanh dựa trên những đặc thù và tiềm năng, lợi thế riêng của địa phương mình.
An Giang: Phát triển du lịch xanh từ mô hình du lịch nông nghiệp
Mô hình này được Hội Nông dân tỉnh An Giang triển khai tại 3 điểm chính là thành phố Long Xuyên, huyện Phú Tân và huyện Tịnh Biên. Trong đó, huyện Tịnh Biên là huyện biên giới, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, có đông đồng bào dân tộc Khmer, khi triển khai mô hình du lịch nông nghiệp đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Mô hình này có các dịch vụ đa dạng như: Homestay, ẩm thực đồng quê, tham quan phum - sóc và các ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, đánh bắt cá trên sông, săn cá bông lau… Đến nay, qua đánh giá bước đầu, mô hình du lịch nông nghiệp ở Tịnh Biên đã giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội địa phương, bảo vệ được môi trường nông thôn.
Đồng Tháp: Chú trọng tổ chức các tua du lịch sinh thái
Trên cơ sở liên kết với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp (Dongthaptourist) đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng của địa phương như: Trải nghiệm Đồng Tháp mùa nước nổi, Trải nghiệm sắc xuân Đồng Tháp, Trải nghiệm Đồng Tháp mỗi ngày mỗi nghề, Khám phá Đồng Tháp Mười, Tua thu hoạch lúa trời mùa nước nổi, Tua đánh bắt cá cùng người dân, Hành trình khám phá miền Tây,… Ngoài ra, Dongthaptourist còn phát huy thế mạnh ẩm thực của địa phương để tổ chức các hoạt động: Ẩm thực mùa nước nổi, Ẩm thực đồng quê, Ẩm thực sen, Ẩm thực trái cây,… Nhờ đó, lượng du khách đến Đồng Tháp những năm gần đây không ngừng tăng. Riêng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim - Tam Nông và Khu du lịch Gáo Giồng, lượng du khách hàng năm tăng từ 40% trở lên.
Vĩnh Long: Phát triển loại hình du lịch Homestay
Với lợi thế nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, nước ngọt quanh năm, có nhiều sông, kinh, rạch, vườn cây ăn trái, nhiều làng nghề truyền thống,… Vĩnh Long đã định hình loại hình du lịch chính của tỉnh là “Du lịch sông nước miệt vườn” với sản phẩm du lịch đặc thù là Homestay. Từ 5 điểm vào năm 2000 đến nay toàn tỉnh có 22 điểm du lịch Homestay đang hoạt động ổn định. Ở các điểm du lịch này, ngoài việc cùng ăn, cùng ở, du khách còn cùng người dân và cộng đồng địa phương trải nghiệm thông qua các hoạt động tát mương bắt cá, hái trái cây trong vườn, đánh bắt thủy sản theo phương pháp truyền thống, đờn ca tài tử, chèo thuyền ngắm trăng, bắt đom đóm,… Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, hằng năm trung bình có khoảng 60% lượt khách quốc tế đến tỉnh được phục vụ tại các điểm du lịch Homestay.
Những bất cập, thách thức
Tuy có bước phát triển nhưng những năm gần đây, hoạt động du lịch nói chung, trong đó có loại hình du lịch xanh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, bất cập và thách thức.
Nổi lên là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, sự suy giảm đa dạng sinh học và giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước điển hình. Ngày càng có nhiều con sông, kênh, rạch bị suy giảm chất lượng nguồn nước do tình trạng sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp; chăn nuôi gia súc - gia cầm không bảo đảm yêu cầu vệ sinh; các chất thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp ven sông. Tình trạng đắp bờ bao tràn lan ngăn lũ để làm lúa vụ ba ở vùng Đồng Tháp Mười; phá rừng ngập mặn ở những vùng cửa sông ven biển để làm ao, vuông nuôi tôm; đánh bắt tận diệt nhiều loài thủy sản;… cũng làm suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thêm vào đó là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các công trình thủy điện từ các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Kông,… Theo Kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng và công bố năm 2012, nhiệt độ trung bình năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng từ 0,3-0,50C đến năm 2020; từ 0,8-,40C vào năm 2050; lượng mưa trong mùa khô và đầu mùa mưa giảm, đến năm 2020 giảm khoảng 3% và đến năm 2050 giảm khoảng 8%; mực nước biển trung bình sẽ tăng thêm 30 cm vào năm 2050 và 75 cm vào năm 2100. Mực nước biển dâng, lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngày càng giảm làm cho tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, sạt lở bờ sông - bờ biển, lún sụp đất gia tăng, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long - trong đó có sự phát triển của ngành du lịch.
Về chủ quan, những hạn chế, bất cập nổi lên trong hoạt động du lịch thời gian qua là tình trạng các địa phương trong vùng chưa chú trọng liên kết phát triển du lịch; nếu có cũng mới chỉ dừng lại ở những thỏa thuận nặng tính nguyên tắc; chưa tạo ra được sự gắn kết rõ nét trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông. Hoạt động xúc tiến du lịch mang tính vùng còn chung chung, chưa tập trung vào sản phẩm đặc thù của cả vùng, chưa làm nổi bật những hình ảnh du lịch có ý nghĩa như điểm đến của vùng; việc xây dựng các sản phẩm du lịch hầu hết dựa vào tài nguyên sẵn có của từng địa phương, thiếu kế hoạch đầu tư dài hạn, chưa chú trọng khai thác hiệu quả những thế mạnh đặc thù về tiềm năng, tài nguyên du lịch và chưa gắn với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và tư vấn các dự án phát triển du lịch nói chung, phát triển du lịch xanh nói riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn rất hạn chế; nguồn nhân lực du lịch của vùng còn thiếu về số lượng, phần lớn chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn thấp hơn so với nhiều vùng du lịch khác trong nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong phát triển du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long;...
Tìm hướng đi bền vững cho du lịch xanh
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một chiến lược tăng trưởng xanh, trong đó phát triển du lịch xanh ở đồng bằng sông Cửu Long càng có ý nghĩa quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của toàn vùng, nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch và tạo ra sự phát triển du lịch hài hòa, bền vững.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 29-12-2011; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-01-2013 đều xác định đồng bằng sông Cửu Long là một vùng du lịch quan trọng với các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Các định hướng phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước), du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội. Toàn vùng sẽ có 04 Khu du lịch quốc gia và 07 điểm du lịch quốc gia. Các Khu du lịch quốc gia gồm có: Happyland (Long An); Thới Sơn (Tiền Giang); Phú Quốc (Kiên Giang); Năm Căn (Cà Mau); các điểm du lịch quốc gia gồm có Láng Sen (Long An); Tràm Chim (Đồng Tháp); Núi Sam (An Giang); Cù lao Ông Hổ (An Giang); thành phố Cần Thơ; thị xã Hà Tiên (Kiên Giang); khu Lưu niệm Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Những khu, điểm du lịch quốc gia này chính là những điểm nhấn quan trọng để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch xanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để du lịch nói chung và loại hình du lịch xanh ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển theo hướng gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, thời gian tới, ngành du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển loại hình du lịch xanh, nhất là những sản phẩm du lịch xanh mang tính đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó làm cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng tích cực tham gia phát triển du lịch xanh. Trong tuyên truyền, cần chú trọng giới thiệu, lồng ghép các mô hình đô thị sinh thái, nông thôn xanh, các mô hình về tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.
Hai là, cần có sự phối hợp giữa các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng để nghiên cứu, đánh giá toàn diện, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống về thực trạng, tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch xanh có tính đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, đề ra chiến lược, kế hoạch dài hạn phát triển các sản phẩm du lịch xanh với những phương thức, bước đi và lộ trình thích hợp; xác định rõ sản phẩm du lịch nào cần được nâng cấp, hoàn thiện và sản phẩm du lịch nào cần được phát triển mới theo hướng “xanh”.
Ba là, các địa phương cần khẩn trương xây dựng những chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” theo Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23-01-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, chú trọng 3 nội dung có tính đột phá là: (1) Xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; (2) Tạo nguồn lực vật chất đầu tư; (3) Phát triển nguồn nhân lực du lịch để triển khai thực hiện đề án.
Bốn là, sớm hình thành Ban Điều phối phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện vai trò “nhạc trưởng” cho các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong vùng. Trên cơ sở có được quy chế hoạt động rõ ràng, Ban Điều phối phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ trì triển khai huy động Quỹ Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng, các hạng mục đầu tư phát triển du lịch vùng; thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng; chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề đội ngũ làm du lịch; thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển du lịch vùng; xây dựng nhãn, tiêu chí nhãn và phát triển nhãn “Sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long”.
Năm là, tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng - nhất là hệ thống đường giao thông kết nối các điểm du lịch, các kênh rạch trên các tuyến tham quan đường sông, hệ thống bến thuyền tại các đầu mối đưa đón khách du lịch tham quan đường sông trên tuyến sông Tiền, sông Hậu; hệ thống thông tin về du lịch sinh thái các vườn quốc gia, khu bảo tồn để bảo đảm thông tin xúc tiến và bảo vệ môi trường; xây dựng, nâng cấp trang web về hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với nhãn “Sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Sáu là, các tỉnh, thành trong vùng thắt chặt mối liên kết, hợp tác để xây dựng các chương trình, dự án phát triển sản phẩm du lịch xanh đặc thù của từng địa phương, của vùng. Sự liên kết này phải được xây dựng trên cơ sở các đề án “Phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”, “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long”; các giá trị văn hóa truyền thống, các điều kiện tự nhiên mang tính bản địa của từng địa phương để tránh trùng lắp, kém hiệu quả.
Bảy là, xây dựng thể chế phù hợp với mục tiêu khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng địa phương tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch xanh mang tính đặc thù của địa phương, của vùng. Trong đó, chú trọng khuyến nghị các doanh nghiệp du lịch sử dụng phương tiện vận chuyển khách, trang thiết bị phục vụ du khách thân thiện với môi trường, phát thải khí nhà kính thấp,... Song song đó, có biện pháp, chế tài hữu hiệu đối với những hành vi cố tình vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.
Tám là, tăng cường và chú trọng sự hợp tác liên kết, tham vấn với các cơ quan quản lý, tư vấn cấp vùng và trung ương đối với những dự án phát triển du lịch xanh nói chung và phát triển sản phẩm du lịch xanh nói riêng có ý nghĩa quan trọng, đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các địa phương nằm trên các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án “Phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020”.
Chín là, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cư dân địa phương phải cộng đồng trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động du khách thực hiện tốt yêu cầu du lịch xanh: Không xả rác, không gây ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ các loài động thực vật tại điểm đến du lịch. Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch cũng cần phối hợp đào tạo lực lượng lao động du lịch xanh tại chỗ, giúp cư dân địa phương phát triển kinh tế theo hướng xanh, thân thiện với môi trường./.
Từ lối học xưa, nghĩ đến lối học nay  (24/01/2017)
Về năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức hành chính  (24/01/2017)
Về năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức hành chính  (24/01/2017)
Bộ Tư pháp tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản  (23/01/2017)
Việt Nam ghi nhận đóng góp của Tổ chức Hòa bình-Đoàn kết Ấn Độ  (23/01/2017)
Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm  (23/01/2017)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay