Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến ngày 16-10-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vov.vn)
20:54, ngày 17-10-2016

TCCSĐT - Đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng thông minh trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9 chỉ đạt 42,2 tỷ USD, giảm 31% so với quý II và giảm 43% so với cùng kỳ năm 2015.

Kiểm toán Nhà nước có thêm công cụ nâng cao chất lượng kiểm toán

Một loạt yêu cầu về đạo đức kiểm toán viên, cách đánh giá, xử lý rủi ro, lưu ý khi kiểm toán với tập đoàn, tổng công ty vừa được Kiểm toán Nhà nước đưa ra theo tiêu chuẩn quốc tế. Những nội dung này được hy vọng không chỉ giúp chuẩn hóa hoạt động của Kiểm toán Nhà nước mà còn nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong khu vực công.

Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mới ban hành với 39 chuẩn mực kiểm toán Nhà nước và danh mục thuật ngữ theo hướng tuân thủ các yêu cầu của ISSAI có vai trò làm kim chỉ nam dẫn đường cho kiểm toán viên khi tác nghiệp kiểm toán. Hệ thống chuẩn mực cũng sẽ giúp nâng cao đạo đức kiểm toán viên, kiểm soát chất lượng kiểm toán, và đặc biệt là việc đánh giá về tính trọng yếu, rủi ro, hạn chế các sai sót trong công tác kiểm toán. Đây là lần đầu tiên hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mới dành riêng một chuẩn mực để quy định về bộ quy tắc đạo đức ứng xử của kiểm toán viên (CMKTNN- 30).

Ban hành Nghị định quy định miễn thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng


Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong đó có quy định miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng như: Hàng hóa của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; quà biếu, quà tặng; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu; hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định; hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Nghị định cũng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 5 năm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí; hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động đóng tàu, tàu biển xuất khẩu; giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hàng hóa nhập khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho giáo dục; hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan.

Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường; hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế, hàng hóa có trị giá tối thiểu, hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu giảm xuống mức thấp đáng lo ngại

Số liệu thống kê mới nhất từ Bloomberg New Energy Finance công bố ngày 10-10 cho biết đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch trong quý III vừa qua đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2013, chủ yếu do đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại châu Âu và đầu tư dự án tại Trung Quốc, Nhật Bản giảm đáng kể.

Báo cáo trên chỉ ra rằng đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng thông minh trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9 chỉ đạt 42,2 tỷ USD, giảm 31% so với quý II và giảm 43% so với cùng kỳ năm 2015. Đầu tư của Trung Quốc giảm 51% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 14,4 tỷ USD trong khi đầu tư của Nhật Bản giảm 56% xuống còn 3,5 tỷ USD.

Nga, Ấn Độ ký thỏa thuận lập quỹ đầu tư chung trị giá 1 tỷ USD

Nga và Ấn Độ đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư chung với số vốn 1 tỷ USD. Thỏa thuận này được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ tám Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Đại diện góp vốn Nga trong quỹ này là Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), phía Ấn Độ là Quỹ cơ sở hạ tầng và đầu tư quốc gia Ấn Độ (NIIF) và mỗi bên đóng góp 500 triệu USD.

Tổng thống Putin cho biết quỹ đầu tư chung sẽ tài trợ cho các dự án đầu tư chung trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và công nghệ mới. Tại cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Nga - Ấn Độ vào tháng Chín vừa qua, hai bên đã thỏa thuận 20 dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, xây dựng và công nghệ mới.

Quan chức điều hành Quỹ RDIF, Kirill Dmitriev cho hay quỹ này sẽ “hỗ trợ các cơ hội đầu tư hấp dẫn và sự gia tăng hoạt động kinh doanh của Nga ở Ấn Độ”.

MAS duy trì lập trường chính sách trung lập cho đồng đôla Singapore

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (Ngân hàng Trung ương-MAS) ngày 14-10 cho biết sẽ vẫn duy trì biên độ chính sách hiện hành đối với đồng đôla Singapore với biên độ là 0%, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát vẫn ở mức thấp.

MAS cho biết lập trường chính sách này được đưa ra là phù hợp với "dự báo triển vọng khiêm tốn hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2016". Theo MAS, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore sẽ không có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2017, phản ánh nhu cầu toàn cầu yếu và mang tính chu kỳ cũng như yếu tố cấu trúc của nền kinh tế Đảo quốc Sư tử vốn chủ yếu là dựa vào xuất khẩu.

Động thái này của MAS được cho là phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế cũng như giới quan sát, trong bối cảnh số liệu kinh tế quý III vừa công bố không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Cũng theo MAS, dự kiến lạm phát lõi sẽ tăng nhẹ vào khoảng 1% trong năm nay và dao động ở mức từ 1 - 2% trong năm 2017, trong bối cảnh giảm sút của thị trường lao động và sức mua tiêu dùng giảm.

Do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, nên MAS sử dụng chính sách tiền tệ thay vì lãi suất như một công cụ để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Theo đó, Singapore kiểm soát giá trị đồng SGD so với một giỏ các đồng tiền của các đối tác và đối thủ thương mại lớn. Điều này cho phép MAS điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng đô la Singapore tăng hoặc giảm so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính trong một biên độ giao dịch dựa trên tỷ giá hối đoái danh nghĩa (Neer).

Trước đó, vào tháng Tư, trong một động thái được cho là khá bất ngờ, MAS đã thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích hoạt nền kinh tế đang ì ạch khi giới phân tích cảnh báo nguy cơ suy giảm kinh tế. Các nhà phân tích nhận định nếu rủi ro chính trị tại các cuộc bầu cử Mỹ, trưng cầu dân ý ở Italia và cuộc bầu cử châu Âu có tác động tiêu cực tới thị trường tài chính trong một thời gian lâu dài, thì nhiều khả năng MAS sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2017.

Các nước trên thế giới kêu gọi tăng hợp tác vì an ninh lương thực

Các nước cần phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống nghèo đói, thúc đẩy các nỗ lực chung vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Đây là lời kêu gọi của lãnh đạo các nước tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới (16-10) tại trụ sở của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ở Rome, Italy.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong một hành động tập thể khẩn cấp là con đường duy nhất để thế giới chiến thắng được đói nghèo.

Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano Da Silva khẳng định cộng đồng quốc tế chỉ có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đề ra khi các vấn nạn như biến đổi khí hậu và nghèo đói cùng được giải quyết một cách triệt để. Ông nhấn mạnh những yếu tố mang tính quyết định đối với an ninh lương thực và nông nghiệp như đất đai, rừng cây và đại dương đã và đang bị xói món nghiêm trọng do tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên và các hình thái thời tiết cực đoan.

Cũng tại sự kiện, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định cuộc chiến chống "giặc" đói trên toàn cầu cũng là vấn đề chính trị quan trọng và chống lãng phí thực phẩm là một trong những giải pháp hàng đầu. Tháng Tám vừa qua, Italy thông qua dự luật yêu cầu mỗi năm giảm 1 triệu tấn thực phẩm lãng phí. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ giữa tháng 9.

Liên hợp quốc đã chọn ngày 16-10 hằng năm là Ngày Lương thực thế giới. Chủ đề năm nay có tên gọi "Khí hậu đang biến đổi, lương thực và nông nghiệp cũng bị tác động"./.