Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-5-2016)
TCCSĐT - Ngày 27-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí thực thi các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu giữa lúc các nước chung nhận định về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia
Chiều 23-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa quốc gia và Ban Chỉ đạo điều hành giá, kiện toàn nhân sự hai ban chỉ đạo này.
Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cuối năm 2015, Quốc hội đã thông qua Nghị định thư sửa đổi để đưa Hiệp định tạo thuận về thương mại WTO (TF) vào Hiệp định Marrakesh thành lập WTO, trong đó, phần III của Nghị định thư quy định các thỏa thuận về thể chế quy định việc thành lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia. Để thực hiện cam kết này, Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia.
Thành lập từ năm 2011, Ban Chỉ đạo đã tổ chức triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN toàn diện, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải cách quy trình thủ tục tới việc chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để kết nối và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Đối với khu vực và quốc tế, từ tháng 9-2015, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối thành công với 4 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore để trao đổi Giấy chứng nhận mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu xuất xứ từ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế này có hiệu lực trong năm nay.
Hiện có 9/14 bộ tham gia cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, trong đó các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế là những Bộ tham gia tích cực, hiệu quả nhất. Tổng số thủ tục hành chính đưa lên cơ chế một cửa quốc gia tới nay là 31 thủ tục với số hồ sơ hành chính được xử lý là 90.000 bộ cho gần 6.000 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.
Standard Chartered là Ngân hàng cung cấp nguồn vốn tốt nhất Việt Nam
Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam vừa được vinh danh là Ngân hàng cung cấp nguồn vốn và vốn lưu động tốt nhất Việt Nam, Nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất Việt Nam ở nhiều hạng mục trong khuôn khổ Giải thưởng Tripple A về Nguồn vốn, Thương mại và Quản trị Rủi ro năm 2016 của Tạp chí tài chính hàng đầu thế giới The Asset trao tại Hong Kong.
Cụ thể, Standard Chartered được vinh danh là Ngân hàng cung cấp nguồn vốn và vốn lưu động tốt nhất cho các công ty đa quốc gia, công ty nội địa lớn, các tổ chức tài chính và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Đối với hạng mục Nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, Standard Chartered được ghi nhận là Ngân hàng giao dịch tốt nhất, Ngân hàng quản lý dòng tiền tốt nhất, Ngân hàng đối tác về công nghệ và các giải pháp điện tử tốt nhất.
Trong những năm gần đây, Standard Chartered luôn đi đầu trong quá trình số hóa, quá trình này, kết hợp với các giải pháp đi đầu thị trường, giúp ngân hàng mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn và hỗ trợ quá trình hoạt động của họ hiệu quả hơn.
Ngân hàng cung cấp đầy đủ các giải pháp quản lý dòng tiền, trong đó nổi bật là giải pháp thu tiền toàn diện đa kênh bao gồm các kênh tiền mặt, thẻ, trực tuyến và ví điện tử.
Nền tảng kỹ thuật số và các liên kết sáng tạo của Standard Chartered mang đến các giải pháp giá trị gia tăng cho mạng lưới khách hàng rộng khắp Việt Nam, cho phép các doanh nghiệp và các công ty bảo hiểm tiếp cận với khách hàng trên khắp cả nước kèm theo tiện ích hệ thống báo cáo và kiểm soát trung tâm.
Giải thưởng Tripple A của tạp chí The Asset là giải thưởng uy tín được trao tặng hằng năm cho các tổ chức có kết quả nổi trội về cung cấp dịch vụ nguồn vốn, quản trị rủi ro và các giải pháp về vốn lưu động tốt nhất cho khách hàng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Standard Chartered Việt Nam được trao tặng giải thưởng này.
Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết bác bỏ giám sát cá da trơn
Rạng sáng 26-5 theo giờ Việt Nam, với 55 phiếu thuận và 43 phiếu trống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố từ cuối năm 2015.
Các thượng nghị sỹ Mỹ ủng hộ nghị quyết đã nêu rõ tính chất trùng lặp, lãng phí, không cần thiết và bảo hộ thương mại của chương trình giám sát trên, nhấn mạnh nguy cơ gây tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hậu quả là các biện pháp trả đũa của các nước nhằm vào xuất khẩu nông sản của Mỹ.
Thượng nghị sỹ McCain đã cáo buộc Chương trình Giám sát cá da trơn là một nỗ lực trá hình nhằm bảo vệ các công ty cá da trơn ở miền Nam nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh với các nhà nhập khẩu Việt Nam. Để có hiệu lực, nghị quyết này còn phải được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu quá bán và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật.
Trước đó, ngày 02-12-2015, USDA đã chính thức công bố các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cá da trơn. Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận sẽ tác động tới các nhà cung cấp nước ngoài cũng như các nhà sản xuất của Mỹ.
Giới quan sát nhận định các quy định mới một khi được áp đặt trước hết sẽ khiến các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ cũng gặp khó khăn vì phải chi thêm hàng triệu USD để tuân thủ những tiêu chuẩn mới. Ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ chủ yếu tập trung ở các bang miền Nam như Alabama, Arkansas, Mississippi và Texas. Theo số liệu của USDA, trong vài năm qua, vì nhiều lý do, diện tích nuôi cá da trơn của Mỹ đã bị thu hẹp, từ khoảng 65.000ha năm 2008 xuống chỉ còn một nửa, khoảng 23.000ha. Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng họ phải giảm diện tích nuôi cá vì giá ngô, nguồn thực phẩm chính để nuôi cá, trong vài năm qua tăng giá khá cao.
Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trung Quốc hạ giá NDT thấp nhất trong 5 năm trở lại đây
Theo Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc, tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ ngày 25-5 đã giảm 225 điểm cơ bản xuống mức 6,5693 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3-2011.
Trên thị trường ngoại hối của Trung Quốc, giá đồng Nhân dân tệ được phép dao động cao hơn hoặc thấp hơn tối đa 2% so với tỷ giá tham chiếu trong từng ngày giao dịch. Tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ so với USD được ấn định dựa trên các mức giá trung bình do các nhà tạo lập thị trường đề xuất trước khi mở cửa thị trường liên ngân hàng mỗi ngày giao dịch.
Giới chuyên gia nhận định việc đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh cho thấy thị trường vẫn thận trọng trước tình trạng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cũng như những đồn đoán về khả năng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Để trấn an các nhà đầu tư toàn cầu, giới chức Trung Quốc tiếp tục khẳng định nước này không có ý định hạ giá đồng Nhân dân tệ nhằm giành lợi thế cạnh tranh. Bắc Kinh cam kết sẽ dần dần thiết lập cơ chế tỷ giá dựa trên nhu cầu và nguồn cung của thị trường với tính chất linh hoạt và thả nổi hai chiều.
G7 nhất trí phối hợp ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Ngày 27-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí thực thi các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu giữa lúc các nước chung nhận định về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu với báo giới sau 2 ngày Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở tỉnh Mie, miền Trung nước này, Thủ tướng Abe cho biết nếu các nước phản ứng không thích hợp, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản cũng khẳng định các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thúc đẩy thực thi một cách phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu. Ông cam kết Nhật Bản sẽ huy động mọi chính sách có thể để thúc đẩy mạnh mẽ chính sách "Abenomics" - một chính sách kinh tế kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và chi tiêu tiền tệ linh hoạt.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề nguồn cung dư thừa của Trung Quốc và một số chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước có nguy cơ "làm rối loạn thị trường".
Ý nghĩa của việc học và dạy lịch sử  (31/05/2016)
Ý nghĩa của việc học và dạy lịch sử  (31/05/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-5-2016)  (30/05/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên