Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-6 đến ngày 03-7-2016)
Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ: Đạt thỏa thuận tham vọng về năng lượng và môi trường
Các tấm gương hấp thụ năng lượng mặt trời tại nhà máy điện Horus. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 30-6-2016, tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ, Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã cùng công bố Kế hoạch hành động đối tác khí hậu, năng lượng sạch và môi trường Bắc Mỹ. Kế hoạch xác định rõ những mục tiêu và bước đi cụ thể nhằm hướng tới quan hệ đối tác lâu dài ở khu vực trong việc thúc đẩy năng lượng sạch, kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tính cạnh tranh. Đặc biệt tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí đến năm 2025 năng lượng sạch sẽ chiếm 50% tổng năng lượng tiêu thụ ở Bắc Mỹ, tăng mạnh so với cam kết 37% đưa ra trước đó. Các nhà lãnh đạo tin tưởng khu vực Bắc Mỹ “có đủ năng lực, nguồn lực và quyết tâm” để đạt được mục tiêu này. Hội nghị cũng thống nhất tiến hành sửa đổi một số điều khoản của Thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm dỡ bỏ một số quy định về xuất xứ sản phẩm đối với dược phẩm, mỹ phẩm, cao su, kim loại, máy công nghiệp, máy điện, thiết bị chính xác và khí đốt.
Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ, còn được gọi là hội nghị “Ba người bạn” (Three Amigos), lần này diễn ra trong bối cảnh cả ba nước Mỹ, Canada và Mexico đều muốn tái khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ về an ninh, môi trường và thương mại để đối phó với những mối đe dọa cực đoan đang nổi lên trên toàn cầu. Dù các nhà lãnh đạo không đạt được những cam kết mạnh mẽ về an ninh và thương mại như đối với năng lượng và môi trường, song đây vẫn được coi là một thành công lớn của nước chủ nhà nếu đặt trong bối cảnh thực tế của khu vực hiện nay và việc ba nước, sau nhiều căng thẳng, giờ đây đã có thể cùng ngồi lại với nhau để đi tới cam kết mạnh mẽ về những mối quan tâm chung.
Hội đồng Nhân quyền thông qua nghị quyết do Việt Nam là tác giả
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
Trong hai ngày 30-6 và 01-7-2016, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 34 nghị quyết, trong đó có dự thảo nghị quyết về quyền trẻ em và biến đổi khí hậu do Việt Nam là tác giả. Sáng kiến về quyền trẻ em và biến đổi khí hậu đã từng được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giới thiệu vào ngày khai mạc khóa họp 13-6. Trải qua nhiều vòng tham vấn kéo dài trong 3 tuần, Việt Nam và các nước đồng tác giả là Philippines và Bangladesh đã tiếp thu nhiều ý kiến ủng hộ và đóng góp nội dung tích cực của nhiều nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới nghiên cứu quốc tế.
Trong quá trình đó, Việt Nam khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây hậu quả nghiêm trọng lên việc thụ hưởng các quyền con người, trong đó có quyền được sống, quyền có lương thực, quyền được chăm sóc y tế, quyền nhà ở, quyền phát triển. Những nhóm xã hội yếu thế, nhất là trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật có nguy cơ cao bị đói nghèo, thậm chí mạng sống cũng bị đe dọa. Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu, mà tiêu biểu là nạn xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán bất thường,... ngày càng gây tác hại khôn lường, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người dân mỗi năm, phá hủy nhà cửa, trường học, các công trình hạ tầng phục vụ đời sống của người dân, nhất là của trẻ em. Ngoài ra, biến đổi khí hậu không chỉ thách thức an ninh lương thực của riêng Việt Nam, mà còn của rất nhiều nước nhập khẩu lương thực từ Việt Nam.
Liên minh Thái Bình Dương mong muốn mở rộng hợp tác với ASEAN
Ảnh minh họa. Ảnh: EPA/TTXVN
Ngày 01-7-2016, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương đã bế mạc tại thành phố Puerto Varas, miền Nam Chile, với việc ra tuyên bố chung cam kết thúc đẩy các biện pháp tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Chile Michelle Bachelet khẳng định thông qua thỏa thuận thương mại của khối mới có hiệu lực ngày 01-5 vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương có thể tăng trưởng thêm 2% với lộ trình cắt giảm thuế quan đối với 92% các mặt hàng thương mại trong khu vực. Bà M. Bachelet cũng kêu gọi tăng cường đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cũng như chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tổng thống M. Bachelet nhấn mạnh việc tăng cường liên kết khối có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh đang suy giảm và trước tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bà nhấn mạnh thách thức hiện nay của Liên minh Thái Bình Dương là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thâm nhập thị trường quốc tế và khắc phục tình trạng kinh tế bất bình đẳng. Liên minh Thái Bình Dương sẽ mở rộng quan hệ với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và thị trường các nước châu Á. Nhân dịp này, các nguyên thủ quốc gia cũng chúc mừng thỏa thuận ngừng bắn song phương vừa đạt được giữa chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), mở đường cho việc ký kết một hiệp định hòa bình vĩnh viễn, chấm dứt hơn 50 xung đột tại quốc gia Nam Mỹ này, góp phần đáng kể cho hòa bình và an ninh Mỹ Latinh.
Thủ tướng Israel có chuyến thăm lịch sử đến các nước châu Phi
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: huffingtonpost.com
Ngày 04-7-2016, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ bắt đầu chuyến công du lịch sử đến các nước châu Phi trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các đối tác kinh tế mới. Kể từ chuyến thăm Casablanca (Maroc) của cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin năm 1994, đây là chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Israel cũng như của cá nhân Thủ tướng B. Netanyahu đến khu vực này.
Dự kiến ông B. Netanyahu sẽ tham dự một cuộc họp với lãnh đạo các quốc gia Đông Phi, gồm Uganda, Kenya, Rwanda, Nam Sudan, Ethiopia, Zambia và Tanzania. Thủ tướng Israel cũng sẽ tham dự lễ kỷ niệm 40 năm xảy ra chiến dịch giải cứu con tin ở Entebbe, Uganda, khi những kẻ không tặc bắt cóc một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Pháp Air France. Lực lượng đặc nhiệm của Israel đã triển khai chiến dịch giải cứu thành công các con tin, song một thành viên của đội đặc nhiệm là anh trai của Thủ tướng B. Netanyahu đã hy sinh trong chiến dịch này. Israel đánh giá cao các tiềm năng trong quan hệ ngoại giao với các quốc gia châu Phi, vốn đang ngày một chủ động hơn trong các mối quan hệ bên ngoài liên minh châu Phi (AU). Israel coi các nước châu Phi là đồng minh tiềm năng trên các diễn đàn quốc tế, nhất là Liên hợp quốc và các thể chế quốc tế khác. Chuyến thăm của Thủ tướng B. Netanyahu diễn ra trong bối cảnh Israel đang triển khai thực hiện gói viện trợ trị giá 13 triệu USD dành cho các nước châu Phi nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi cũng đang bày tỏ quan tâm đến các thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước của Israel./.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”  (05/07/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-6 đến ngày 03-7-2016  (05/07/2016)
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay tập trận trên Biển Đông  (05/07/2016)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam  (05/07/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ 27-6 đến 03-7-2016)  (05/07/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên