TCCSĐT - Ngày 10-6-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo mới nhất mang tên “Triển vọng kinh tế toàn cầu”, trong đó cảnh báo những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong năm 2015. Theo Báo cáo, năm 2015 trở thành năm thứ 4 liên tiếp đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) ra 6 tháng/1 lần, WB nhận định, nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng 2,8%, giảm so với mức 3% mà tổ chức tài chính này đưa ra hồi tháng 01-2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017, theo dự báo, vẫn giữ nguyên ở mức tương ứng lần lượt là 3,3% và 3,2%.

Báo cáo của WB nhận định, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay, 2,4% trong năm 2016 và 2,2% trong năm 2017, từ mức tăng 1,8% đạt được trong năm 2014. “Sự tăng tốc này phản ánh phục hồi tăng trưởng ở khu vực sử dụng đồng ơ-rô, hoạt động kinh tế tiếp tục mạnh mẽ ở Mỹ, và tác dụng ngày càng lớn từ các chính sách tiền tệ, tài khóa và cải cách cơ cấu của Nhật Bản” - WB nhận định.

Những thách thức đối với các nước đang phát triển

Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển giảm và triển vọng tăng trưởng kinh tế đang xấu đi.

Hai là, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Lãi suất tăng sẽ làm cho vốn vay trở nên đắt đỏ hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, có thể sẽ châm ngòi cho một đợt biến động trên thị trường, giảm luồng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Trong trường hợp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng 1 điểm phần trăm, thì dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi có thể giảm 18-40. Đồng nội tệ sẽ mất giá mạnh nhất ở các nước đang phát triển có triển vọng tăng trưởng xấu đi làm gia tăng những rủi ro trong cán cân thanh toán của các nước này.

Ba là, giá nguyên liệu trên thế giới giảm. Đối với các nước xuất khẩu nguyên liệu, việc phải đối phó với giá nguyên liệu trên thế giới giảm cộng thêm dòng vốn bị cắt giảm sẽ đặt ra những sức ép rất lớn về chính sách.

Các nước nhập khẩu hàng hóa tuy được hưởng lợi từ lạm phát thấp, áp lực tài khóa thấp và chi phí nhập khẩu thấp, nhưng giá dầu thấp cũng chỉ góp phần tăng mức độ hoạt động kinh tế một cách yếu ớt do nhiều nước bị thiếu điện, dịch vụ giao thông, tưới tiêu và các dịch vụ hạ tầng cơ bản khác không bảo đảm. Bên cạnh đó còn một loạt những thách thức khác đối với các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, như bất ổn chính trị, hạn hán, lũ lụt do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thuận.

Khi giá hàng hóa tăng mạnh trong những năm đầu thế kỷ XXI, các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ khai thác kim loại, khoáng chất, đầu tư vào khai thác tài nguyên và dẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, viễn cảnh giá nguyên liệu thấp còn kéo dài sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải chuyển hướng từ dựa trên khai thác, xuất khẩu kim loại và khoáng chất sang các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác. Vì vậy cần ưu tiên các chính sách tạo khoảng đệm để có thể chuyển hướng và thực hiện cải cách nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong các ngành phi tài nguyên.

Chủ biên Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015, ông F. Ôn-xo-gê (Franziska Ohnsorge), nói: “Sau bốn năm với thành tích tăng trưởng đáng thất vọng, các nước đang phát triển vẫn chưa lấy lại được đà cũ. Mặc dù điều kiện tài chính thuận lợi nhưng sự sụt giảm tăng trưởng vẫn kéo dài tại nhiều nước đang phát triển do thiếu hụt các dịch vụ trong nông nghiệp, ngành điện, giao thông, kết cấu hạ tầng và các dịch vụ kinh tế cơ bản khác. Chính vì vậy mà tái cơ cấu càng trở nên cấp thiết”.

Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim, nói: “Các nước đang phát triển từng là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu sau thời kỳ khủng hoảng, nhưng nay đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế khó khăn hơn”. Còn theo Giám đốc Viễn cảnh phát triển (WB), ông A. Kô-xê (Ayhan Kose), “nếu các thị trường mới nổi không thực hiện những chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách tài khóa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các hệ quả đi kèm khác”.

Mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển nói chung trong năm 2015 và 2016 được WB hạ xuống mức tương ứng lần lượt là 4,4% và 5,2%, từ mức 4,8% và 5,3% đưa ra trong lần dự báo hồi đầu năm.

Dự báo tăng trưởng tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015 cho biết, tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 6,9% trong năm 2014. Các yếu tố góp phần làm giảm mức độ hoạt động kinh tế bao gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc, các biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với giá cả hàng hoá xuống thấp, kể cả biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, các bất ổn tại In-đô-nê-xi-a liên quan tới cuộc bầu cử, ở Thái Lan, tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư xuống thấp, hạn chế trong thực hiện ngân sách tại Phi-lip-pin,...

Nếu không kể Trung Quốc, nơi đang áp dụng các biện pháp giảm dần tăng trưởng xuống còn 7,4% năm 2014, thì hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục giảm trong năm 2015 mặc dù các biện pháp nới lỏng chính sách đã có tác dụng làm chậm lại quá trình suy giảm. Đầu tư vẫn bị hạn chế, quy mô các chương trình kích thích kinh tế cũng thu hẹp dần.

Dự báo, tăng trưởng toàn khu vực sẽ tiếp tục giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và giữ ổn định ở mức này trong thời gian sau đó. Tại Trung Quốc, tăng trưởng dự báo sẽ đạt 7,1% năm 2015 và 7,0% năm 2016 do áp dụng các chính sách nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng toàn khu vực, không tính Trung Quốc, dự báo sẽ đạt 4,8% vào năm 2015 và 5,4% vào năm 2016 nhờ động lực từ các nền kinh tế lớn trong ASEAN. Trong năm 2015, dự báo, tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a, sẽ giảm xuống 4,7%, sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu; GDP của Thái Lan sẽ tăng 3,5%, xuất khẩu tăng nhẹ; tăng trưởng của Ma-lai-xi-a sẽ giảm xuống còn 4,7% do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cũng vẫn còn chậm. Tại Việt Nam, tăng trưởng được dự báo là 6% năm 2015, 6,2% năm 2016 và 6,5% năm 2017./.