Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN, VGP, Quốc hội.vn)
23:13, ngày 11-06-2015
TCCSĐT - Ngày 11-6-2015, Quốc hội khóa 13 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9. Theo chương trình, các Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá việc lựa chọn 4 bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này là sự lựa chọn đúng, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Trong đà tăng trưởng, nền kinh tế có sự phục hồi rõ nét những vẫn còn tồn tại những vấn đề yếu kém, làm ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy, 4 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng đàn trả lời các vấn đề quan trọng của đất nước tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tập trung trả lời về các vấn đề: tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.

 
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết về những giải pháp của ngành trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: hiện chúng ta đang thực hiện theo cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với thị trường. Đất nước nói chung trong đó có ngành nông nghiệp đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên việc định hướng sản xuất cũng phải phù hợp với thế giới. Tuy nhiên Bộ trưởng nhìn nhận, thế giới luôn vận động và thay đổi, chính vì vậy chúng ta không thể trông mong, kỳ vọng 1 thị trường ổn định mà phải làm sản phẩm bám sát và phản ứng nhanh với yêu cầu của thị trường, cả trong nước và thế giới. Theo Bộ trưởng, phải lựa chọn những sản phẩm là lợi thế của đất nước, có sự hỗ trợ bà con làm ra sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hạ, để trong mọi tình huống vẫn có khả năng bán ra nhiều sản phẩm hơn với gía trị lớn hơn cho người nông dân.

Đánh giá trong thời gian tới, hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng vẫn cần tiếp tục cách tiếp cận như thời gian vừa qua. Trong đó tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao sức cạnh tranh nông sản, hỗ trợ nông dân khi thị trường có biến động bất lợi, một mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ bà con để duy trì giá, không bị giảm quá sâu; mặt khác thực hiện các giải pháp có thể giảm thiểu những tổn thất như hỗ trợ nông dân vay vốn vượt qua khó khăn…Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh ngoài giúp nâng cao khả năng chất lượng cạnh tranh cần tập trung vào bảo quản và chế biến, giúp ổn định thị trường.

Thúc đẩy liên kết 4 nhà phát triển

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về những giải pháp để thúc đẩy việc liên kết 4 nhà trong trong thời gian tới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: chủ trương liên kết 4 nhà đã được thực hiện từ 10 năm nay. Bộ trưởng nhận định một số sản phẩm như bò sữa, mía đường… việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên những sản phẩm không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy, chế biến hoặc doanh nghiệp tiêu thụ thì sự liên kết còn lỏng lẻo. Qua tổng kết 10 năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và đề nghị Chính phủ ban hành Quyết định 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để khuyến khích liên kết này mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng cho biết trong năm 2014, đã triển khai thực hiện đối với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đã có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện 72 nghìn ha. Tuy nhiên chỉ có 45 nghìn ha thành công, còn lại là bỏ cuộc giữa chừng.

Đánh giá doanh nghiệp có vai trò chính trong trong mối liên kết này, tuy nhiên việc thực hiện mối liên kết 4 nhà chưa thành công theo Bộ trưởng, một phần rất quan trọng do số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít. Những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết, có năng lực tài chính, có kho tàng, cơ sở chế biến, có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Thêm nữa, trong nông thôn hiện nay, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, các hợp tác xã rất ít, doanh nghiệp rất khó khăn khi liên kết trực tiếp với hàng chục nghìn hộ nông dân. Bộ trưởng cho biết cần có các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân. Một yếu tố quan trọng khác, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát đó sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền địa phương sẽ quyết định tới thành công trong thực hiện liên kết. Bộ trưởng nêu phải thành lập ban chỉ đạo, đưa ra tiêu chí cánh đồng lớn của địa phương, có quy hoạch… tuy nhiên số địa phương làm được điều này rất ít. Theo thống kê của Bộ trưởng thì chưa đến 10 tỉnh làm được yêu cầu này.

Để thúc đẩy chủ trương liên kết 4 nhà trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh ngoài tuyên truyền, vận động nhân dân, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện thực hiện liên kết với nông dân. Đồng thời phát triển mạnh mẽ hơn tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết này; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp…

Hỗ trợ ngư dân vay vốn

Trước lo lắng của một số đại biểu Quốc hội về hiện trạng ngư dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: vấn đề này đã được nhìn nhận nghiêm túc và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67 trong đó nội dung có một phần chính sách hỗ trợ ngư dân đó là cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất. Việc hỗ trợ này với chủ trương giúp ngư dân chủ động về vốn từ nguồn của nhà nước, từ đó không bị phụ thuộc vào thương lái để rồi khi về phải bán sản phẩm cho thương lái, một số trường hợp bị ép giá. Bộ trưởng cho biết thực hiện Nghị định 67, tới nay đã có nhiều ngư dân được vay vốn với số lượng tổng hợp ban đầu là 23 tỷ đồng. Thời gian tới việc cho vay vốn này sẽ tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đây chỉ là một giải pháp. Cùng với đó cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ, đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua các sản phẩm của ngư dân.

Hạn chế sản xuất tự phát, theo phong trào

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề nông dân thiếu liên kết, sản xuất chạy theo phong trào, được mùa mất giá.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính phủ đã có chỉ đạo trong đó tập trung rà soát quy hoạch để hướng dẫn nông dân những hướng sản xuất, cây trồng vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường, có khả năng tiêu thụ tốt hơn. Mặt khác, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, về vốn để nông dân có thể sản xuất ra những sản phẩm với năng xuất cao hơn, giá thành hạ hơn. Đồng thời phát triển mạnh hơn 2 thành phần trong chuỗi giá trị là các tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chỉ khi phát triển theo chuỗi với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn.

Đất lúa là di sản của dân tộc

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc hiện nay người dân không thiết tha trồng lúa và cần những chính sách hỗ trợ như thế nào.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng đât trồng lúa. Trong đó, nghị định đã đưa ra những chính sách để ngăn cản việc chuyển đổi một cách quá dễ dãi đất trồng lúa sang các mục đích khác, đặc biệt là những mục đích phi nông nghiệp như: làm các khu đô thị, xây dựng khu dân cư… Nhờ đó, từ việc mỗi năm chuyển 50.000 ha đất lúa sang việc khác thì đến nay giảm xuống chỉ còn 10.000 - 15.000 ha/năm. Bộ trưởng nhìn nhận đó là một thành công. “Đất lúa là di sản của dân tộc. Đất nước ta không còn đất lúa để mở mang, chúng ta chỉ có vậy và mãi mãi muôn đời. Đây là nguồn sống nên chúng ta phải bảo vệ. Nhưng không phải bảo vệ một cách để nông dân phải gắn với cây lúa, trong khi không có thu nhập cao hơn, mà có thể thay thế bằng những cây trồng khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã có hỗ trợ đối với nông dân trồng lúa. Điều này đã được quy định rõ trong Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương trồng lúa để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên cả nước. Theo Nghị định này, sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, mà Chính phủ sẽ chuyển giao cho chính quyền các cấp để xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện cho nông dân giữ đất lúa và có thu nhập cao hơn khi có cơ hội sản xuất. Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc giữ đất lúa, nhưng có trồng những loại cây khác có thu nhập cao hơn.

Trả lời câu hỏi về việc nông dân bao giờ làm giàu từ trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng:

Phát triển sản xuất lúa gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng để tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm thu nhập. Ở nhiều nơi hiện nay nếu không trồng lúa thì chưa thể trồng cây gì khác. Theo các nhà nghiên cứu, để một hộ trồng lúa có thể sống được bằng thu nhập từ lúa thì phải có diện tích ít nhất 2ha, nhưng ở nước ta có 4,1 triệu ha trong khi có tới 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa. Như vậy, mỗi hộ nông dân trồng lúa chỉ có chưa đến 1/2ha. Bộ trưởng đưa dẫn chứng các tỉnh Thái Bình và Nam Định chỉ 0,3ha; Hậu Giang có 0,8ha. Vụ hè thu năm nay, ở Hậu Giang với sản xuất lúa và giá thành 3.200 đồng, nhưng bây giờ đã bán được 4.200 đồng và 1 kg lúa chỉ lãi 1.000 đồng. Năng suất lúa đạt cao hơn năm trước là 6 tấn/ha, nhưng nông dân trồng lúa ở Hậu Giang cũng chỉ lãi được 6 triệu đồng. Với 0,8ha thì người trồng lúa ở Hậu Giang chỉ được 5 triệu đồng/ha. Bộ trưởng nhận định làm giàu từ trồng lúa là rất khó, nhưng để sống được từ trồng lúa phải có một nền tảng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo mang lại thu nhập cho người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng một kế hoạch xuất khẩu lúa gạo một cách đồng bộ, căn cơ, hiệu quả, nhưng cần phải có thời gian và nguồn lực- Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến việc vì sao Luật Hợp tác xã triển khai chậm và có phải sửa luật hay không, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết:

Sau khi Luật Hợp tác xã được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, trong đó có nêu những chính sách riêng đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cố gắng cùng với các địa phương triển khai thực hiện và đến nay có 10% hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi theo luật, nhưng vẫn còn chậm. Khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Để làm tốt điều đó, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát phải có một cách nhìn mới và không coi hợp tác xã nông nghiệp là một đơn vị sản xuất độc lập mà phải đặt hợp tác xã nông nghiệp trong cả chuỗi sản xuất và không phát triển các hợp tác xã đơn lẻ. Mặt khác, về cơ chế chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc ban hành một nghị định về hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới. Trong nghị định này sẽ đề xuất những cách tiếp cận, cách làm và các chính sách đặc thù cho từng loại hình hợp tác xã nông nghiệp…

Bố trí vốn thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn

Trả lời câu hỏi của đại biểu về Quyết định số 580/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn, trong khi chúng ta lại nhập khẩu hơn 5 triệu tấn ngô năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Quyết định này, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thay vì trồng lúa sẽ chuyển sang trồng ngô cũng như những cây trồng khác và được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền giống. Thực hiện chính sách đó, các địa phương đã triển khai và có trên 53 ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng các cây khác. Các địa phương cũng đã hỗ trợ 93 tỷ đồng cho người dân. Riêng tỉnh Kiên Giang đang chờ Sở Tài chính chưa phê duyệt, do đó chưa hỗ trợ được tiền cho người dân.

Làm rõ thêm vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Kết quả từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các địa phương bố trí, sắp xếp, ưu tiên, nên vừa qua chi cho nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn với 20,1%/năm, trong khi tăng chi cho ngân sách nhà nước 16,1%/năm. Tỷ lệ chi cho nông nghiệp, nông thôn, tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% năm 2013 và năm 2015 là 41,8%; gấp 3 lần so với năm 2008. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp. Theo Bộ trưởng Tài chính, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc bố trí vốn cho nông nghiệp, nông thôn đối với địa phương là tương đối thỏa đáng.

Đối với Quyết định số 580 về hỗ trợ lúa trồng màu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ đã có văn bản nhắc các địa phương báo cáo và đến nay đã có 7 địa phương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp và Cà Mau. Từ đầu năm, Bộ đã ứng chi cho các địa phương 55,5 tỷ đồng để thực hiện. Các địa phương khác chưa có báo cáo, trong đó có tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính sẽ đôn đốc và khi có báo cáo sẽ xử lý ngay.

Quan tâm cung cấp sạch cho người dân

Trước băn khoăn của đại biểu về nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường còn tình trạng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: đây chính là mối quan tâm đặc biệt của ngành. Bộ trưởng cho biết, để giám sát tình hình, Bộ đã ban hành 36 thông tư, 9 quy chuẩn, 20 tiêu chuẩn và 1 chỉ thị để tạo khung pháp lý cho vấn đề bày. Theo Bộ trưởng, những sản phẩm nông sản nông dân làm ra phục vụ cho chính mình thì tương đối đảm bảo nhưng nhưng nông sản dùng để lưu thông trên thị trường thì trong 1 số trường hợp bị ô nhiễm. Hiện, Bộ đang giám sát rất chặt chẽ vấn đề này. Qua giám sát đối với sản phẩm thịt, phát hiện 6,8 % là có nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép; thủy sản là 1,24%; rau 5,4%... Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận người dân hay nghe đến một số sự cố mất an toàn nên có tâm lý cho rằng nông sản thiếu an toàn, nhưng điều đó là hoàn toàn không chính xác vì Việt Nam xuất khẩu nông sản đến hơn 150 nước, trong đó có những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt như Mỹ, Nhật…

Khẳng định không chỉ giám sát thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết ngành rất quan tâm tới việc đảm bảo an toàn cho người dân trong nước. Trong đó tập trung phổ biến cho nhân dân áp dụng các quy trình sản xuất; có sự giám sát và tạo sự liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội là 2 địa bàn lớn để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm sạch.

Cần tiếp tục có chính sách giao khoán bảo vệ rừng hợp lý

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chính sách giao khoán bảo vệ rừng và làm sao để người dân sống được trong công việc này.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định đã có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân nhằm tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập. Chủ trương này đã được thực hiện hơn 10 năm qua và lúc đầu là 50 nghìn đồng/ha, nhưng thời giá thay đổi nâng lên 100 nghìn, 200 nghìn, gần đây có nơi là 400 nghìn đồng/ha. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình một nghị định mới về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đồng bào các dân tộc và những vùng khó khăn. Nghị định sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây, thì mức khoán bảo vệ rừng sẽ nâng lên 400 nghìn đồng/ha. Mặt khác, ngoài chính sách khoán bảo vệ rừng, còn một nguồn khác quan trọng là thu phí dịch vụ môi trường rừng. Tức là nhân dân bảo vệ rừng để có nước cho nhà máy thủy điện hoạt động thì họ phải nộp 20 đồng/ki lô oát giờ vào quỹ. Các địa phương dùng số tiền quỹ đó, quay trở lại khoán cho nhân dân bảo vệ rừng, để tăng thêm nguồn thu nhập. Nhiều nơi hiện nay đã khoán cho nhân dân với mức từ 300-400 nghìn đồng/ha.

Giải trình câu hỏi của một số đại biểu về việc làm rõ trách nhiệm tại sao sau 2 năm mới trồng mới được 3.400 ha rừng

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: trách nhiệm trồng rừng thay thế trước hết thuộc về các doanh nghiệp. Thứ hai là trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, những tỉnh có dự án trồng rừng thay thế, nhưng lại chậm giải quyết vấn đề đất đai và đôn đốc thực hiện. Thứ ba, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ban hành các chỉ thị thực hiện. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra từng danh mục, từng dự án và đôn đốc việc trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện trồng rừng thay thế vẫn còn chậm. Đó là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đôn đốc thiếu quyết liệt trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Còn từ sau kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm rất quyết liệt trong việc chỉ đạo trồng rừng thay thế và sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong thời gian tới- Bộ trưởng thẳng thắn cho biết.

Cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn


Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước có chủ trương nhất quán coi trọng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là vấn đề chiến lược trong lịch sử và cả tương lai. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận được 38 lượt đại biểu chất vấn và chất vấn lại với gần 60 câu hỏi đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về vấn đề này. Các câu hỏi đã trúng lĩnh vực, đặt ra những vấn đề tồn tại và nhìn tới chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nhà chính sách vĩ mô nhưng cũng là chuyên gia sâu sắc, am hiểu về lĩnh vực ngành quản lý. Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về những yếu kém và đưa ra được những giải pháp và quyết tâm thực hiện giải pháp. Đó chính là điều người dân mong đợi. Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại các vấn đề lớn đặt ra đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn qua phiên chất vấn. Đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng “liên kết 4 nhà”; giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch; hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường….

Bên lề Quốc hội


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua phần chất vấn có thể thấy, các đại biểu đã hỏi thẳng và nêu vấn đề cụ thể; trong số đó cũng có những câu hỏi mang tầm vĩ mô. Đối với những vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời được các câu hỏi, nêu rõ những việc đã làm được như xuất khẩu gạo tăng và một số lĩnh vực khác đã làm tốt; kể cả việc chỉ ra các nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian tới. Các đại biểu cũng hoan nghênh việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm của mình, của ngành về những tồn tại của ngành. Do đây là vấn đề rộng nên với những giải pháp mà Bộ trưởng nêu lên cần nhiều ngành, nhiều cấp phối hợp để có giải pháp hữu hiệu hơn và đặt ra thời gian để thực hiện hiệu quả…

Tuy nhiên, ý kiến của các cử tri cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những đầu tư mang tính chiến lược, dài hơi đối với thị trường trong nước và quốc tế để phối hợp tiêu thụ nông sản cho người dân, tránh tình trạng bị động, lúng túng về thị trường. Bộ cần có kế hoạch cụ thể hơn, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao giá trị, hạ giá thành, tăng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cũng như cần linh động, nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt tình hình thị trường, giá cả các loại nông sản để có thể hoạch định chiến lược sản xuất, chế biến cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong mối liên kết "4 nhà", doanh nghiệp và nông dân là hai đối tượng chính; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo vì doanh nghiệp là người đứng ra ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm đầu vào và bao tiêu, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện chưa nhiều, bởi thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp còn quá ít và thậm chí không đến được các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro. Do đó, muốn tái cơ cấu để ngành nông nghiệp phát triển, Nhà nước cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để ngày càng có nhiều doanh nghiệp mở rộng liên kết với nông dân.

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản đang mất giá, đồng thời mất thị trường do xu thế cạnh tranh khốc liệt như các mặt hàng gạo, hành tím, muối, dưa hấu... Nông dân sản xuất thường làm theo phong trào tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp dẫn đến hàng hóa ế ẩm, hoặc được mùa nhưng lại rớt giá. Vì thế, Bộ cần tư vấn, tham mưu cho Chính phủ vạch ra những chính sách dài hơi hơn như dự báo, đưa công nghệ vào để có những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thành lập chuỗi liên kết trong tiêu thụ bao tiêu sản phẩm nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết thúc buổi chất vấn, các đại biểu cho rằng, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cơ bản thỏa mãn câu hỏi của đại biểu đưa ra.

Nghị trường Quốc hội tiếp tục nóng xung quanh vấn đề tiêu thụ nông sản, giá điện, giá xăng

Chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu xoay quanh vấn đề tiêu thụ nông sản, trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

 
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Nhiều nội dung khác liên quan đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho các ngành sản xuất công nghiệp nhằm nâng tỷ trọng nội địa hóa giá trị sản xuất công nghiệp; xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng đã được các đại biểu đề cập và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời tại phiên chất vấn...

Chủ yếu nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng trong buổi chiều tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời, Bộ trưởng cũng trả lời về trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trong quá trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Sáng 12-6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Sau đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo./.