Tạo "cú hích" phát triển kinh tế biển

Theo: TTXVN
09:37, ngày 25-09-2011
Vùng duyên hải miền Trung nằm ven khu vực Biển Đông của Việt Nam, bờ biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận dài 1.500km với hàng chục đảo, hệ thống đảo lớn nhỏ, có vị trí chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - an ninh - quốc phòng.

Các đảo và quần đảo có nhiều tài nguyên quý giá như sa khoáng, kim loại, vật liệu xây dựng, dầu khí... góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy, tạo “cú hích” để phát triển kinh tế vùng và đất nước. Việc khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia cũng là điểm cốt yếu trong quá trình này.

Ông Nguyễn Đăng Đạo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: với tiềm năng vô cùng to lớn của Biển Đông, việc nhất quán thực thi phương thức quản lý, khai thác tài nguyên biển và hải đảo theo tinh thần chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là để giải quyết đồng bộ các quan hệ khác nhau trong phát triển. Trong đó, chú trọng cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên địa bàn cho hợp lý; khẩn trương triển khai các quy hoạch sử dụng biển và hải đảo ở địa phương với từng cấp độ khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tính đến các giải pháp thích ứng với biển đổi khí hậu và mực nước biển dâng, trên cơ sở đó phân bổ lại nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển và hải đảo một cách tự phát, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác sử dụng; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên... đang bị giảm sút nghiêm trọng. Chú trọng khai thác các giá trị chức năng của các hệ thống biển, đảo, theo ông Nguyễn Đăng Đạo, trước mắt phải tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản và tăng hiệu suất khai thác hải sản, gắn với bảo vệ môi trường; khuyến khích sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý biển, đảo và cải thiện sinh kế cho họ; áp dụng cách tiếp cận quản lý không gian biển trong quản lý biển, đảo thông qua các mô hình trình diễn và sau đó nhân rộng. Song song áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên môi trường dựa vào cộng đồng...

Phát triển kinh tế biển ở vùng phía Đông kết hợp với khai thác hành lang kinh tế Đông - Tây trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng là bài học được rút ra từ thực tiễn. Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là tỉnh vừa có vùng biển, đảo và tiếp giáp với 2 tỉnh của Lào là Sa-van-na-khẹt và Sa-la-van. Có lợi thế về vị trí địa lý - kinh tế, là giao điểm của tuyến quốc lộ xuyên Việt cả đường bộ, đường sắt, đường biển và tuyến hành lang Đông - Tây qua đường 9 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị đã triển khai các nhóm giải pháp phát triển kinh tế như: tăng cường hoạt động đối ngoại và liên kết hợp tác với các tỉnh, các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế, du lịch và dịch vụ du lịch, khoa học - công nghệ với các nước Lào, Thái Lan, Mi-an-ma và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam...

Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) có chiều dài 1.450 km đi qua lãnh thổ 4 nước Đông Nam Á, Quảng Trị là tỉnh “đầu cầu” của Việt Nam trên tuyến này, nên tỉnh đã chú trọng gắn kết việc phát triển kinh tế biển, đảo trong việc phát triển du lịch, vận tải... đối với những địa phương phía Tây của tỉnh. Trong hơn 10 năm qua, Quảng Trị đã và đang hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để đưa EWEC từ một hành lang “giao thông” trở thành hành lang “kinh tế” thực thụ thông qua việc gắn kết với thúc đẩy đầu tư để tạo nguồn hàng hóa trao đổi thương mại, dịch vụ...

Dạy nghề cho nông dân vùng duyên hải miền Trung đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo trong vùng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: nguồn nhân lực vùng duyên hải miền Trung thuộc nhóm nhân lực trẻ khá dồi dào, trong đó lao động làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng hơn 50%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của lực lượng lao động đạt 28%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 23%. Tuy nhiên so với các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam thì tỷ lệ này còn thấp.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn ở vùng duyên hải miền Trung cần thực hiện một số giải pháp cơ bản. Đó là: rà soát điều chỉnh mạng lưới cơ sở dạy nghề phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề của cả nước và vùng duyên hải miền Trung; gắn dạy nghề với định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời gắn dạy nghề với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của vùng nói riêng và quốc gia nói chung; đầu tư phát triển một số nghề trọng điểm, trong đó có các nghề đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực ASEAN; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động đào tạo (theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp trong các trường dân tộc nội trú, dạy nghề tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề...) phù hợp để dạy nghề, hướng nghiệp nhằm tăng nhanh quy mô đào tạo đối với thanh niên dân tộc thiểu số (hầu như các tỉnh duyên hải miền Trung đều có người dân tộc thiểu số), các xã miền núi và hải đảo, vùng ven biển; tập trung đầu tư đồng bộ cho một số nghề, trong đó có nghề liên quan đến đánh bắt xa bờ, bao gồm đầu tư trang thiết bị, chương trình, học liệu; hình thành các cơ sở dạy nghề trong các khu kinh tế (mỗi khu kinh tế có ít nhất 1 cơ sở dạy nghề) để tiếp nhận lao động nông thôn trong khu vực có khu kinh tế vào học nghề và làm việc... nhằm đạt hiệu quả phát triển kinh tế mang tính bền vững./.