Thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia và bài học cho Quảng Ninh nâng cao năng lực cốt lõi và đổi mới tư duy lãnh đạo doanh nghiệp để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến lần đầu tiên, GDP quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hằng quý đến nay.
Trên bình diện doanh nghiệp, năm 2021 cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục: khoảng 120.000 doanh nghiệp. Thực tế này đặt lên vai mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm một câu hỏi lớn: Làm cách nào để vượt qua thách thức đại dịch và góp sức thực thi các mục tiêu dài hạn mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt và nhiều yếu tố bất định, chúng ta ngày càng nhận thấy rằng, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho khát vọng phát triển dài hạn, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là một yêu cầu then chốt để phát triển năng lực, thay đổi tư duy và tạo vị thế canh tranh nhằm giữ được sự ổn định và đạt được sự tăng trưởng dài hạn cho địa phương và doanh nghiệp.
Mục tiêu của bài viết nêu lại khái niệm đổi mới sáng tạo và đề xuất các biện pháp, kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia. Với mong muốn những giải pháp này nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm nâng cao năng lực cốt lõi và đổi mới tư duy lãnh đạo doanh nghiệp, đòn bẩy quan trọng góp phần giúp Quảng Ninh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm phát triển năng động toàn diện của phía Bắc.
1.1. Đổi mới sáng tạo
• Đổi mới (Innovation): Có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về đổi mới. Hiểu một cách chung nhất, đổi mới là một thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái “một sự vật, hiện tượng mới có giá trị tốt hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các chủ thể trong nền kinh tế - xã hội được tạo ra từ những ý tưởng, sáng kiến hoặc giải pháp mới”. Trong một quốc gia, hoạt động đổi mới thường khởi đầu từ doanh nghiệp và do doanh nghiệp thực hiện. Ở cấp độ doanh nghiệp, định nghĩa về đổi mới sáng tạo như sau:
Theo hướng dẫn OECD Oslo Manual (2005) định nghĩa: Một đổi mới sáng tạo là việc thực hiện/hoàn thành một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) hay một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp tiếp thị mới, hoặc một phương pháp tổ chức và quản lý mới trong hoạt động thực tiễn kinh doanh, tổ chức sản xuất hoặc quan hệ đối ngoại.
Theo Katz (2007), đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, phát triển, và triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới và độc đáo bao gồm đưa ra các sản phẩm, quá trình và chiến lược phát triển mới cho công ty dẫn đến thành công trong kinh doanh và giành được vị trí dẫn đầu thị trường, tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.
Theo Ngo và O’Cass (2009), đổi mới sáng tạo là một quá trình mang tính hệ thống áp dụng những kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực của công ty vào việc thực hiện các hoạt động đổi mới để tạo ra những đổi mới về kỹ thuật (đổi mới về sản phẩm, dịch vụ và quy trình hoạt động) và những đổi mới phi-kỹ thuật (đổi mới về quản lý, thị trường, marketing).
Theo Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Điều 3 khoản 16: Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Phân biệt đổi mới sáng tạo (Innovation) và sáng chế (Invention): Sáng chế là giải pháp kỹ thuật mới dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế mang tính cá nhân, là kết quả của quá trình hoạt động sáng tạo, được triển khai thông qua các kỹ năng và năng lực của các doanh nhân.
Như vậy, khác với sáng chế, đổi mới mang tính tập thể, xuất phát từ nỗ lực chung của nhiều cá nhân và được triển khai thông qua mạng lưới xã hội. Đổi mới là khái niệm bao trùm hơn sáng chế ở chỗ đổi mới là sự thương mại hóa thành công các sáng chế trên thị trường và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nói một cách khác, đổi mới sáng tạo là một quá trình biến các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm dịch vụ mới sản xuất đại trà và thương mại hóa thành công các sản phẩm dịch vụ đó, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
1.2. Vai trò của đổi mới sáng tạo trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế
1.3. Phân loại đổi mới sáng tạo:
Phân theo đổi mới sáng tạo thành 4 loại:
Đổi mới sáng tạo sản phẩm là việc phát minh ra sản phẩm mới hoặc sản phẩm có những cải tiến đáng kể về tính năng hoạt động hoặc mục đích sử dụng như cải tiến về tiêu chuẩn kỹ thuật, linh kiện, vật liệu, phần mềm, sự thân thiện với môi trường và người sử dụng...
Đổi mới sáng tạo quy trình bao gồm những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, máy móc thiết bị hoặc phần mềm. Đổi mới quy trình có thể được tiến hành nhằm cắt giảm chi phí sản xuất hoặc phân phối, nâng cao chất lượng, hoặc để tạo ra và/hoặc cung ứng sản phẩm mới hoặc cải tiến.
Đổi mới sáng tạo marketing và thương mại hóa được thực hiện khi các chủ thể áp dụng các phương pháp marketing mới tạo ra những thay đổi trong thiết kế mẫu mã, phân phối, khuyếch trương và định giá sản phẩm nhằm xác định nhu cầu khách hàng tốt hơn, tìm kiếm thị trường mới, hoặc định vị mới cho sản phẩm nhằm tăng doanh thu, và tạo ra nhiều cách thức thương mại hóa sản phẩm.
Đổi mới sáng tạo tổ chức là việc áp dụng các phương pháp tổ chức, quản lý mới trong thực hiện các hoạt động của công ty nhằm làm tăng hiệu quả kinh doanh trên cơ sở cắt giảm chi phí giao dịch và chi phí hành chính, cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để nâng cao kiến thức, tăng năng suất lao động từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
2.1. Những vấn đề cần ưu tiên trong thời kỳ tới để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, tạo ra các mạng lưới hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kêu gọi và kết nối thành công với các tổ chức hỗ trợ, nhà đầu tư và quỹ đầu tư trên cả nước và liên kết nguồn lực quốc tế cho doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều chính sách và hoạt động đầu tư, hỗ trợ từ quốc gia và từ các địa phương trên cả nước cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Phát triển hạ tầng số: Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng;
- Phát triển nền tảng số: Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng;
- Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Phát triển đồng bộ các thành tố cấu thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: từ vườn ươm, các không gian làm việc chung, các chương trình huấn luyện khởi nghiệp, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần đến cải thiện môi trường pháp lý…
Hàng loạt các chính sách, điều kiện thuận lợi cho môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được hình thành và thúc đẩy thường xuyên trong thời quan qua đã xây dựng nền tảng hệ thống quản trị cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
- Tăng cường quản trị công cho hệ thống đổi mới sáng tạo
- Tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, hình thành các mạng lưới cố vấn, chuyên gia trong nước và quốc tế
- Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp: đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo
Trong chính sách đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp hiện nay, Việt Nam đã và đang từng bước đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp và tập trung cho nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là một trong các yếu tố đem đến sự xoay chuyển tỉ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ trong thời gian qua, tức là trước đây đầu tư cho khoa học - công nghệ từ ngân sách nhà nước khoảng 70% và từ huy động nguồn xã hội hóa là 30%, thì nay thay đổi là 52% và 48%.
2.2. Vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Doanh nghiệp cần lấy đổi mới công nghệ và chất lượng quản lý làm phương pháp then chốt để khắc phục khó khăn và phát triển; phấn đấu làm cho doanh nghiệp thực sự trở thành chủ thể chính của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Để tồn tại và lớn mạnh, các doanh nghiệp cần phải hướng vào thị trường, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, tích cực chuyển hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học, tăng lợi ích kinh tế bằng cách dựa vào tiến bộ công nghệ và nâng cấp công nghệ.
V-startup với vai trò chủ trì nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo QĐ 844/QĐ-TTg, trong nhiều năm qua đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là tìm kiếm một công nghệ phù hợp và đưa vào doanh nghiệp của mình. Sử dụng một sản phẩm công nghệ tốt không phải là sự đảm bảo cho thành công của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải sử dụng linh hoạt để tạo ra lời giải riêng tối ưu cho quy trình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp cũng như trải nghiệm khách hàng hiện có. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và sự thay đổi của thị trường. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực phát triển và nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số liên quan tới tổng thể tổ chức, phạm vi quản trị và sự tương thích của tất cả cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Áp dụng đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số đồng nghĩa với việc phải thay đổi toàn bộ quy trình, cách thức làm việc, và vai trò các nhân sự. Một doanh nghiệp mà lãnh đạo không có tư duy đổi mới, nhân viên không có tư duy số hóa, không chịu thay đổi, văn hóa doanh nghiệp không nuôi dưỡng sự đổi mới thì không một công nghệ nào có thể cứu sống được doanh nghiệp.
2.3. Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, các lãnh đạo doanh nghiệp cần:
+ Thay đổi nhận thức của đội ngũ lãnh đạo về giá trị đổi mới sáng tạo mang lại cho doanh nghiệp. Coi việc đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số là tất yếu và tác động tới doanh nghiệp ra sao trong ngành, lĩnh vực đang hoạt động.
+ Doanh nghiệp truyền thống dựa vào tư duy quản trị, các nguồn lực và mô hình phát triển cũ sẽ gặp nhiều trở ngại và khó khăn khi hội nhập quốc tế. Cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh về đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ trong doanh nghiệp, có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để nâng tầm quản trị của Doanh nghiệp để thích ứng được với môi trường toàn cầu hóa.
+ Minh bạch hoạt động quản trị doanh nghiệp giảm dần sức lao động trong các ngành sản xuất. Đưa các ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất tăng năng suất lao động. Đội ngũ cán bộ, nhân viên không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức về khoa học công nghệ cũng như tìm kiếm giải pháp mới phù hợp với doanh nghiệp.
+ Công nghệ sẽ trở thành một công cụ có ích khi được xây dựng trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Công nghệ sẽ tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận cao nhất trong kinh doanh và gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
3.1. Các kiến nghị chính sách thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
Việt Nam cần đầu tư đáng kể về kết cấu hạ tầng tương ứng để đảm bảo tính bền vững của cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian hỗ trợ nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo, các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ, trung tâm hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các sàn giao dịch công nghệ của quốc gia, vùng và địa phương, có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp lớn của nước ngoài chuyển giao công nghệ và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển của họ ở Việt Nam; tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp trong nước cùng liên kết để phát triển nhanh các lĩnh vực công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng lực công nghệ trong nước.
Thứ nhất, cần tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, và những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển khoa học - công nghệ tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học - công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển khoa học - công nghệ tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, để việc quản lý các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phải thật đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức khoa học - công nghệ công lập. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học - công nghệ; triển khai hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao, huy động được nguồn lực về nhân lực khoa học - công nghệ trong nước và ngoài nước nhất là nhân lực có trình độ cao. Đồng thời, phát huy và thực hiện tốt việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lãnh đạo doanh nghiệp là cốt lõi. Các viện nghiên cứu, trường đại học tăng cường hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy chính doanh nghiệp hiện nay cũng đang hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển khoa học - công nghệ nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, nâng cao năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp thông qua các hoạt động tăng cường hội tụ các nguồn lực về với địa phương, tổ chức các chương trình giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực, thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và mở rộng quy mô phát triển.
3.2. Quảng Ninh tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Năm 2020 và 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong bối cảnh COVID - 19, tỉnh Quảng Ninh là địa phương giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng cả hai năm đều đạt trên 10%, thu ngân sách nhà nước nằm trong top dẫn đầu cả nước. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh đạt 10,05%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,35 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và đứng thứ hai Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Thành phố Hải Phòng). Qua đó, đóng góp cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh tăng 10,7%/năm trong cả giai đoạn 2016 - 2020, gấp 1,6 lần so với cả nước và gấp 1,4 lần so với các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có mô hình kiến trúc chính quyền điện tử phù hợp với hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn và sát với thực tế giai đoạn mới. Chính quyền điện tử Quảng Ninh đã có: Bộ thủ tục hành chính được hoàn thiện, chuẩn hóa ở cả 3 cấp; mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi, nhận tài liệu qua môi trường mạng; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã và đang được quản trị và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã, đồng thời phục vụ, hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp.
Khi công nghệ đi sâu vào các ngành, khả năng cạnh tranh của tỉnh tăng cao, doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn lực, phát triển và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cốt lõi, tạo ra các sản phẩm có giá trị, mang bản sắc địa phương nhưng phát triển thị trường quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Kỳ vọng với các chính sách của địa phương đang từng bước dẫn dắt doanh nghiệp trên địa bàn, thu hút nguồn đầu tư và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, Quảng Ninh sớm trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển năng động của cả nước./.
Phát huy vài trò chương trình phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
Công tác bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay