Công tác bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19
Quảng Ninh có diện tích đất liền 6.100 km2; có 13 huyện, thị xã, thành phố (4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện), 177 xã, phường, thị trấn; với dân số trên 1,3 triệu người. Ngay từ khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), tỉnh đã sớm nhận diện rõ những nguy cơ tác động vào địa bàn của một địa phương tuyến đầu, vừa có đường biên giới trên bộ, trên biển, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia, có đường hàng không, là địa bàn trọng điểm du lịch, có độ mở giao thương lớn; đồng thời là địa phương được Trung ương giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ đón các công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch, với phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", phù hợp với thực tiễn của tỉnh; kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, nảy sinh mầm bệnh trên địa bàn; tạo môi trường an toàn để tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội; đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho người lao động.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2021
Trong 2 năm 2020 - 2021, với những diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” - thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) năm 2020 đạt 10,05%, đứng thứ 3 toàn quốc; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 10% so với dự toán trung ương giao đầu năm (tổng thu đạt 49.500 tỷ đồng), trong đó thu nội địa tăng 7% so với cùng kỳ, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người trong tỉnh đạt trên 6.700 USD, tăng 8,4% cùng kỳ. Năng suất lao động bình quân đầu người đạt 292,9 triệu đồng, tăng 10,6% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 85.369 tỷ đồng, tăng 11,3% cùng kỳ.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) tiếp tục được duy trì kết quả cao, ước đạt 10,28%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, cao hơn nhiều lần so với GRDP của cả nước (GRDP 2021 cả nước ước đạt 2,5%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 7.614 USD, tăng trên 9,0% so với cùng kỳ. Năng suất lao động xã hội ước tăng 9,6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 135.043 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2.562 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 51.064 tỷ đồng, bằng 115% dự toán trung ương giao, bằng 100% dự toán tỉnh giao, tăng 4,0% cùng kỳ, trong đó: Thu từ xuất nhập khẩu đạt 11.000 tỷ đồng, bằng 91% cùng kỳ; thu nội địa đạt 40.064 tỷ đồng, tăng 24% dự toán trung ương giao, tăng 1% dự toán tỉnh giao, tăng 8,0% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 33.176 tỷ đồng, bằng 92% dự toán, tăng 29% cùng kỳ.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình và giữ vững được địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Với những kết quả đạt được rất toàn diện và nổi bật trong hai năm 2020 và 2021, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện “mục tiêu kép”.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Toàn tỉnh hiện có trên 13.000 người thuộc diện hưởng chính sách người có công với cách mạng; 41.804 người hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng theo chính sách của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh; 245 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập. Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo đến cuối năm 2021: Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh còn 380 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng số hộ dân; 2.504 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,6% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân và 5.553 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,48% tổng số hộ dân (số hộ nghèo ở thành thị là 172 hộ, chiếm 0,07% tổng số hộ dân vùng thành thị; số hộ nghèo ở nông thôn là 1.354 hộ, chiếm 1,15% tổng số hộ dân vùng nông thôn).
Trong bối cảnh khó khăn và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng ưu tiên cho công tác bảo đảm an sinh xã hội một cách đồng bộ, toàn diện; bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác cần trợ giúp xã hội. Công tác bảo đảm an sinh xã hội đã được thực hiện tốt nên qua các đợt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đời sống cho nhân dân luôn được bảo đảm, không có người dân bị thiếu đói do dịch bệnh.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã nhận định đúng và nhận diện trước tình hình, ban hành hết sức kịp thời các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, với phương châm, nguyên tắc “3 trước, 4 tại chỗ”. Tập trung cụ thể hóa và triển khai kịp thời các giải pháp đặc biệt linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình địa bàn tuyến đầu; ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo như: chỉ thị, kế hoạch, hoàn thiện kịch bản ứng phó, cùng các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thống nhất, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Định kỳ chiều thứ hai hằng tuần, khi cần thiết và đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy - Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 đều tổ chức họp để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và có các thông báo kết luận, chỉ đạo triển khai trong toàn tỉnh, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã ban hành 61 văn bản của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch trên toàn tỉnh. Các nội dung chỉ đạo thể hiện đầy đủ mọi chủ trương, tinh thần, định hướng bao trùm, cụ thể, đầy đủ mọi nhiệm vụ giải pháp hết sức chiến lược, bài bản, sát đúng tình hình, khoa học, logic, thực tiễn, với phương châm 3 trước: nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án vật tư trước và 4 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Với quan điểm “phòng là chính, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên, hằng ngày, cơ bản, chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa quyết định; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các chiến lược: (1) Kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào tỉnh, bao gồm trong nội địa và tuyến biên giới trên bộ, trên biển; gắn với siết chặt quản lý dân cư, cư trú, tạm trú, tạm vắng, di biến động dân cư. Phát huy tối đa vai trò của các tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng tại khu dân cư và trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ quan, đơn vị. (2) Chủ động tầm soát trên diện rộng theo chỉ định, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời các nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng, không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh theo cơ chế giám sát toàn diện, thường xuyên, liên tục, có hệ thống. Khuyến khích người dân thực hiện xét nghiệm tự nguyện có trả phí; (3) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi thái độ và hành vi của người dân trong phòng, chống dịch ngay tại cơ sở, thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập đông người, khai báo y tế toàn dân. Triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch COVID-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly”; (4) Củng cố năng lực truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly và điều trị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; (5) “Ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình”. Cô lập ca bệnh, khóa chặt ổ dịch, cắt đứt nguồn lây nhiễm ngay khi phát hiện, tuyệt đối không bỏ sót F1, F2, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Kiên trì giữ vững thành quả phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, chăm lo và bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, giữ vững các trụ cột của các ngành sản xuất, kinh doanh ít chịu tác động của dịch bệnh (trọng tâm là ngành than, điện, xi măng, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…), từng bước phục hồi ngành du lịch, dịch vụ khi có cơ hội kiểm soát được tình hình.
Tỉnh ủy - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh; ban hành các Quyết định thành lập các tiểu ban, quy định chức năng nhiệm vụ lề lối làm việc của các thành viên, các tiểu ban và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm của tổ chức, rõ trách nhiệm của cá nhân, gắn với việc đánh giá, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, lãnh đạo quản lý; kịp thời biểu dương khen thưởng, phê bình, rút kinh nghiệm, qua đó xây dựng lên nền nếp, kỷ cương của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
Thực hiện các Nghị quyết, thông báo của Tỉnh ủy - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh, trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp nhận, xử lý trên 10.000 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; ban hành gần 1.000 văn bản chỉ đạo, điều hành, xử lý các nội dung về phòng, chống dịch; các văn bản được ban hành kịp thời, đồng bộ, đúng quy định và đáp ứng, giải quyết được các tình huống phát sinh trong thực tế công tác phòng, chống dịch liên quan đến tất cả các lĩnh vực.
Về công tác ban hành các cơ chế, chính sách: Tỉnh đã chủ động, kịp thời ban hành các Nghị quyết chuyên đề riêng về cơ chế, chính sách với các giải pháp trọng tâm cơ bản, bảo đảm linh hoạt trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với những tình huống cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các nguồn lực bảo đảm phương châm 3 trước, 4 tại chỗ; bảo đảm đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể:
a) Các nghị quyết hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động
- Nghị quyết số 326/NQ-HĐND, ngày 8-2-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; theo đó, đã tăng mức dự phòng ngân sách ở các cấp lên 4% tổng chi ngân sách địa phương. Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua tài sản, cắt giảm chi hội họp, đào tạo, thăm quan, học tập, công tác phí, cắt giảm những nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dành toàn bộ nguồn tiết kiệm thường xuyên ngân sách các cấp kết hợp với nguồn huy động hợp pháp khác để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Quảng Ninh được sớm mua vắc xin phòng, chống dịch COVID -19 để tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.
- Nghị quyết số 332/NQ-HĐND, ngày 24-3-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 118/2018/NQ-HĐND, ngày 13-7-2018, của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh và Nghị quyết số 326/NQ-HĐND, ngày 8-2-2021, của Hội đồng nhân nhân tỉnh, về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; theo đó, kịp thời bổ sung sửa đổi nội dung về chính sách phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 8-2-2021, của Chính phủ.
- Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 17-6-2021 và Nghị quyết số 50/2021/NQ-HĐND, ngày 13-11-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đến hết năm 2022: (1) 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số xã (13 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 18% số xã (12 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; (2) Phấn đấu trên địa bàn các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà không còn các điểm ngập lụt; (3) 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất; (4) 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện; giải quyết các vấn đề nước sinh hoạt và nước sản xuất trên địa bàn; đến hết năm 2025: Bảo đảm kết cấu hạ tầng thiết yếu; 40% số xã (26 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23% số xã (15 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% người dân các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được xem truyền hình, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và của tỉnh Quảng Ninh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở các địa bàn biên giới; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổng vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là: 4.200 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách tỉnh: 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện: 1.500 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 200 tỷ đồng.
- Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh như: Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND, ngày 14-5-2020; số 286/2020/NQ-HĐND, ngày 8-9-2020; Nghị quyết số 316/2020/NQ-HĐND, ngày 8-12-2020, về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020, 2021, theo đó miễn, giảm một phần trong năm 2020, toàn bộ trong năm 2021 phí tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh; hỗ trợ vé xe bus từ Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đến thành phố Hạ Long và Uông Bí.
b) Các nghị quyết về bảo đảm an sinh xã hội
- Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND, ngày 16-7-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội các các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của Tỉnh lên 450.000 đồng/tháng (cao hơn 1,25 lần so với mức chuẩn của Trung ương); mở rộng hơn các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội so với quy định của Trung ương, như: (1) Người từ đủ 75 tuổi trở lên được trợ cấp hằng tháng (Trung ương: 80 tuổi); (2) Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ cấp hằng tháng, được hỗ trợ bảo hiểm y tế. (3) Người cao tuổi không có khả năng lao động, thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; (4) mở rộng hơn các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người bị ốm đau và một số đối tượng khác thuộc diện khó khăn được hỗ trợ, trợ giúp xã hội. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các chính sách hỗ trợ, trợ giúp xã hội là 428.722 triệu đồng/năm, với 40.382 người thuộc diện được thụ hưởng chính sách.
- Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND, ngày 9-12-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó tỉnh Quảng Ninh chỉ quy định mức học phí bằng mức thấp nhất trong khung học phí mà Chính phủ quy định. Đặc biệt năm học 2021 - 2022 để giảm bớt khó khăn cho học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND, ngày 27-8-2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, trong đó miễn học phí cho tất cả học sinh công lập và tư thục bằng mức học phí công lập, kinh phí dự kiến khoảng 138 tỷ đồng với tổng số 222.483 học sinh được thụ hưởng chính sách, trong đó: 85.553 học sinh mầm non; 3.500 học sinh tiểu học ngoài công lập; 92.099 học sinh trung học cơ sở và 41.421 học sinh trung học phổ thông.
Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND cũng đồng thời quy định một số chính sách đặc thù, như: Chính sách hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 (ngoài đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ); hỗ trợ những người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa có quy định hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng phòng, chống dịch tại Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ như: Lực lượng làm nhiệm vụ tại các trạm chốt khác phục vụ phòng, chống dịch (ngoài các trạm, tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; ở các khu khoanh vùng phong tỏa, cách ly tập trung); chưa có chế độ chi cho chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS- COV-2 theo yêu cầu phòng, chống dịch (ngoài các đối tượng tại khu cách ly y tế tập trung; bệnh viện); hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa với giá trị hiện vật tối đa 80.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 (ngoài phần chi trả của quỹ bảo hiểm nếu có) theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Hỗ trợ chi phí mai táng phí,… Dự kiến kinh phí thực hiện là 286.427 triệu đồng.
- Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 17-6/2021: Theo đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND, ngày 28-5-2014, của Ủy ban nhân dân tỉnh cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đến hết ngày 31-12-2025. Dự kiến có 64.655 người thuộc diện được thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí là 250 tỷ đồng/năm
Bên cạnh các chính sách đặc thù riêng, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, như: Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19-10-2020; Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 8-10-2021, của Chính phủ.
Kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội
Về lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa và thể thao: Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em đạt nhiều kết quả. Các chỉ tiêu chương trình mục tiêu về y tế được triển khai thực hiện bảo đảm kế hoạch, hết năm 2021 đạt 55 giường bệnh, 14,85 bác sỹ, 2,6 dược sỹ đại học và 23 điều dưỡng trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số, tăng 1,4% so với cùng kỳ; số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4 đã nhanh chóng chặn đứng mọi nguồn lây, giữ vững địa bàn “an toàn - ổn định”. Quảng Ninh đã tập trung tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay; đến hết ngày 17-12-2021, đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho đối tượng cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, đang tiêm vét số còn lại. Tổng số liều vắc xin đã tiêm cho trẻ em đạt 238.339. Kết quả triển khai thực hiện tiêm chủng nhóm từ đủ 18 tuổi trở lên: Tổng số đối tượng tham gia tiêm chủng: 984.508/1.021.596 đạt 96,37%; số đối tượng được tiêm đủ 2 mũi 950.928 người đạt 93,08% tổng số đối tượng.
Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và có những chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất cho giáo dục, đào tạo được tăng cường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học được đẩy mạnh; tổ chức an toàn thành công các kỳ thi, học sinh được học tập trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 87,66%. Công tác văn hóa, thể thao được quan tâm; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: Tính đến ngày 15-12-2021, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như sau: Tỉnh đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19-10-2020, cho 87.347 người, số tiền 97.708 triệu đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 8-10-2021 (không bao gồm kinh phí thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất) cho 5.733 đơn vị, doanh nghiệp (221.693 người) với số tiền 60.514 triệu đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021 cho 5.340 đơn vị, doanh nghiệp (412.438 người) với số tiền 591.529 triệu đồng.
Về chính sách trợ giúp xã hội: Tính đến ngày 15-11-2021, tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đối với 41.804 đối tượng với tổng kinh phí khoảng 260 tỷ đồng (trong đó đối tượng theo chính sách của trung ương là: 37.131 đối tượng; đối tượng theo chính sách của tỉnh là 4.673 đối tượng). Công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tập trung tại cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh bảo đảm đúng quy định; hỗ trợ 16 người bị thương nặng, kinh phí 77 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho 1.595 đối tượng, kinh phí 11,121 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí làm nhà, sửa chữa nhà ở cho 4 hộ, với kinh phí 100 triệu đồng. Bảo đảm 100% đối tượng đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng chế độ, chính sách.
Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Tỉnh đã giải quyết kịp thời, đúng chế độ chính sách cho 7.796 người có công, thân nhân người có công và các đối tượng theo Nghị định, Quyết định của Chính phủ; thực hiện chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng cho trên 13.000 đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân với tổng số tiền 323,350 tỷ đồng;
Về các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội khác: Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Trung ương, vào các dịp lễ, Tết trong năm, tỉnh Quảng Ninh đều bố trí ngân sách tỉnh để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng yếu thế khác trong toàn tỉnh. Dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 17.334,5 triệu đồng để tặng quà cho 16.968 người có công và thân nhân liệt sĩ. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện tặng quà cho 207.344 người với tổng kinh phí 103.445,61 triệu đồng; dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tặng quà cho 223.131 người, với số tiền 118.646 triệu đồng.
Công tác an sinh xã hội trong thời gian tới
Dự báo diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và tình hình lao động việc làm, thu nhập của người dân. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình mới, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản và các giải pháp thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Thứ nhất, phương án bảo đảm công tác y tế đối với tình huống khi có 1.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh; đối với tình huống khi có từ 1.000-5.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, phương án bảo đảm cơ sở cách ly: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt các cơ sở cách ly với năng lực cách ly toàn tỉnh (đợt 1) là 293.717 người, trong đó năng lực cách ly tại cơ sở cách ly tập trung: 125.141 người; tại nhà có phòng riêng đủ điều kiện cách ly tại gia đình: 168.576 người
Thứ ba, phương án diễn tập ứng phó với các tình huống dịch bệnh COVID-19 theo các cấp độ.
Thứ tư, phương án bảo đảm về lương thực, thực phẩm, theo đó,
Một là, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND, ngày 3-9-2021, về việc cung ứng, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu bảo đảm về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá trong trường hợp thực hiện “Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa đối với từng đối tượng cụ thể (bệnh nhân, bác sĩ, điều dưỡng, nhân lực phục vụ tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị; các cơ sở cách ly tập trung; đơn vị lực lượng vũ trang; người dân và người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp; tổ dân khu phố bị phong toả do có các ca F0 (vùng đỏ); đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (nghèo, thất nghiệp, không có khả năng tự nấu ăn…).
Hai là, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng 8 phương án, kế hoạch bảo đảm hàng hóa thiết yếu phù hợp với từng thời điểm và diễn biến dịch bệnh; Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa; kịp thời cập nhật phương án bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong trường hợp giãn cách xã hội 1 tháng. Thành lập 3 tổ điều phối hàng hóa theo 3 vùng gắn với Trung tâm chỉ huy cấp tỉnh, huyện. Triển khai các điểm bán lưu động (theo nguyên tắc 1 chiều, 1 cung đường 2 điểm đến” tại khu vực có điểm bán ngừng kinh doanh để bảo đảm phục vụ nhân dân liên tục không để người dân bị khó khăn trong mua sắm hàng hóa thiết yếu. Triển khai 402 điểm bán lưu động bố trí tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các khu vực đất trống…) và điểm giao dịch của hệ thống bưu điện; đồng thời, tăng cường các kênh bán hàng đa phương tiện: bán hàng qua website, hotline, app.... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Thứ năm, tiếp tục duy trì, tổ chức thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội; thực hiện chi trả đẩy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi hằng tháng của Nhà nước, của Tỉnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác cần được trợ giúp xã hội./.
Vai trò của lực lượng công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới ở tỉnh Quảng Ninh  (27/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay