Giáo dục Hà Nội đổi mới và hội nhập
TCCS - Trong giai đoạn đổi mới đất nước, nhất là từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ngành giáo dục Thủ đô luôn tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tiếp tục vị trí đứng đầu cả nước.
Những thành tích ấn tượng
Năm học vừa qua, chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn của Hà Nội tiếp tục giữ vững và có nhiều khởi sắc. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 197 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đạt 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia 2019, 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lí, Hóa học tháng 7-2019, 3 học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Trong công tác tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng phương án đổi mới kỳ thi tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2019 - 2020 theo phương thức “thi tuyển” 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư Lịch sử. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Hà Nội có 166 bài thi đạt điểm 10, cao nhất cả nước; 46.569 bài thi đạt điểm giỏi từ 8 trở lên, chiếm 11,6%; tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 96,18%. Các trường học ở Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. Theo đó, kết quả tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1, 6 và xác nhận nhập học vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2019 - 2020 đạt tỉ lệ cao, lần lượt là 85%, 85% và 90%.
Trong công tác phổ cập giáo dục, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao kết quả phổ cập cho các cấp học. Thành phố Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2... Với những kết quả đã đạt được, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
Giáo dục Hà Nội đã thực hiện đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô. Nêu rõ quan điểm, đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng trong quá trình dạy học, ngành giáo dục Hà Nội đã triển khai bồi dưỡng đại trà cho 64.451 lượt cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của 30 quận, huyện, thị xã... Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; cũng như sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, việc giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống mang bản sắc Hà Nội thanh lịch, văn minh là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã biên tập, chỉnh lý nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu “giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” để giáo dục giá trị sống mang bản sắc Hà Nội được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông ở Hà Nội từ năm 2008 đến nay. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang, “bộ tài liệu có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục đạo đức, giá trị sống mang bản sắc Hà Nội. Từ những học sinh không ở trung tâm Thủ đô cho đến các em vùng ngoại thành xa xôi đều có ý thức trong giao tiếp ứng xử; quan hệ gia đình cũng được chú ý và thay đổi”. Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô triển khai giảng dạy bộ tài liệu giáo dục an toàn giao thông để qua đó tuyên truyền phổ biến cho học sinh phổ thông về Luật Giao thông và thực hiện đúng quy định khi đi trên đường.
Nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế
Phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô. Nhận thức được điều này, Hà Nội đã chú trọng thực hiện trường chuẩn quốc gia và đến nay đã có sự phát triển đáng kể. Tính đến giữa tháng 10-2019, toàn thành phố có 1.458 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,8%. Có 6 đơn vị đứng đầu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt chuẩn trên 90% là Bắc Từ Liêm 90,5%, Đan Phượng 90,4%. 4 đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn trên 80% là Nam Từ Liêm 89,7%; Long Biên 84,2%; Tây Hồ 84%; Gia Lâm 82,9%. Thành phố Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ hoàn thành trường chuẩn quốc gia để có điều kiện tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã công nhận được 18 trường chất lượng cao. Mô hình trường chất lượng cao đang phát huy tác dụng tốt đối với học sinh và phụ huynh, đặc biệt là hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đổi mới và hội nhập.
Ngành giáo dục Hà Nội còn góp phần giúp Thủ đô trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Nhằm tạo ra môi trường học tập có chất lượng, tiệm cận với mô hình trường chuẩn quốc tế, cũng như giúp học sinh tiết kiệm thời gian và chi phí học tập, tạo hành trang bước vào các trường đại học quốc tế, năm học này, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Chương trình song bằng trung học cơ sở (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 8 trường trung học cơ sở trên địa bàn Thủ đô. Vừa mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2017 - 2018 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, hầu hết các học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ A Level đều đạt kết quả tốt. Các học sinh học chương trình đào tạo song bằng ở các trường trung học cơ sở cũng đáp ứng tốt những yêu cầu của chương trình đào tạo. Từ những hiệu quả đó, các nhà trường mong muốn thành phố cho phép mở rộng chương trình song bằng tú tài ở nhiều trường khác, tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại.
Để có những kết quả trên cũng như đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông, ngành giáo dục Thủ đô đã tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng. Đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, ngành đã đề xuất kế hoạch và triển khai phân bổ hơn 40 tỷ đồng cho 5 huyện khó khăn, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở công lập. Đến nay, đáp ứng nhu cầu về chỗ học, các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được hơn 70 trường học với kinh phí 4.105 tỷ đồng. Khối trực thuộc xây mới và đưa vào sử dụng 2 trường trung học phổ thông công lập kinh phí 250 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa, xây thêm hơn 5.000 phòng đáp ứng chỗ học cho học sinh. Hiện đã có 102 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 14.825 tỷ đồng, sử dụng 1.826.350 m2 đất. Có 68 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động ngay trong năm học mới này. Do đó, những khu vực trước đây có sĩ số học sinh/lớp đông thì năm học này đã được cải thiện.
Đặc biệt, xác định giáo viên là nhân tố quan trọng trong qua trình đổi mới giáo dục, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở tất cả các cấp học, ngành giáo dục Hà Nội đã triển khai bồi dưỡng đại trà cho 64.451 lượt cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của 30 quận, huyện, thị xã... Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; cũng như sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang, trong năm học 2019 - 2020 này, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục theo quan điểm lấy giáo dục trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành; giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập./.
Tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020  (26/10/2019)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm