Trong bối cảnh một số động lực tăng trưởng cũ đã “tới hạn” hoặc không còn phù hợp với xu thế phát triển, kinh tế di sản văn hóa được nhiều địa phương, vùng và quốc gia xem là động lực tăng trưởng mới, bởi nó có thể tạo ra sự đột phá, hướng tới sự phát triển bền vững với yếu tố cốt lõi là sự vào cuộc của toàn xã hội. Tại vùng Đông Nam Bộ, những năm gần đây, việc khai thác, phát triển kinh tế di sản văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn có thể là bài học để các địa phương khác tham khảo, vận dụng.

Kinh tế di sản văn hóa - động lực tăng trưởng mới

“Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(1). Trong đó, di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật; còn di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia... Nếu như bảo tồn di sản văn hoá xem trọng yếu tố đầu tư nhằm bảo vệ, giữ gìn, khôi phục, quản lý di sản là chủ yếu và việc phát huy, khai thác giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì phát triển kinh tế di sản văn hóa lại chú trọng thêm đến khai thác giá trị kinh tế từ di sản văn hóa sẵn có. Mặc dù di sản văn hóa thường không có thị trường mua bán trao đổi, nên các phương pháp định lượng giá trị theo giá thị trường không thể áp dụng; di sản văn hóa cũng không phải là hàng hóa có thể sản xuất được, do đó, việc sử dụng chi phí sản xuất để ước lượng giá trị kinh tế của di sản văn hóa không phải là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, di sản văn hóa một khi được khai thác, phát huy tốt, nó sẽ sẽ mang lại giá trị kinh tế, chuyển hóa thành nguồn lực tăng trưởng đối với một địa phương, một vùng hay một quốc gia. Như vậy, mọi di sản văn hóa đều có giá trị kinh tế, giá trị kinh tế của di sản văn hóa không thể hiện một cách thông thường trên thị trường, nó phải chuyển đổi thông qua các loại hàng hóa khác để tạo ra giá trị lợi nhuận.

Nói đến phát triển kinh tế di sản, cần phải xem xét đến yếu tố cốt lõi của kinh tế học di sản, đó là vốn văn hoá - những lợi ích giá trị mà di sản văn hóa tạo ra, vậy nên, kinh tế di sản là loại hình kinh tế phát triển bằng vốn văn hoá, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Do đó, kinh tế di sản văn hóa cần được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng những giá trị có sẵn chủ yếu thông qua hoạt động du lịch để biến di sản văn hóa không chỉ thành tài sản, là nguồn lực dồi dào, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế; mà còn là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, làm giàu thêm sắc thái và sự đa dạng văn hóa.

Theo nghĩa chung nhất, nguồn lực được hiểu là tổng thể các giá trị vật chất và phi vật chất để phục vụ cho một mục tiêu phát triển nhất định của một chủ thể cụ thể. Bởi vậy, để nguồn lực di sản văn hóa trở thành động lực tăng trưởng mới, đòi hỏi người làm và thực thi chính sách phải nhận thức nó dưới góc độ kinh tế học, nghĩa là, phải nghiên cứu, đánh giá đúng lợi thế của di sản văn hóa đó để đề ra chủ trương, chính sách đặc thù nhằm đầu tư, kinh doanh và thu lợi nhuận. Cần lưu ý rằng, trong quá trình phát triển kinh tế di sản văn hóa không nên định giá thông thường theo quy luật thị trường, mà cần định giá theo tính chất đặc thù, bởi vốn đầu tư cho di sản văn hóa là không hề nhỏ, làm lâu dài, doanh thu không đến một cách ồ ạt, nhưng nếu làm tốt thì lợi nhuận mang lại ngày càng tăng. Từ những phân tích đó để thấy rằng, phát triển kinh tế di sản không phải chuyện ngày một ngày hai, càng không thể nóng vội, làm ăn chớp nhoáng, chộp giật, mà phải kiên trì, nghiêm túc, có định hướng chiến lược rõ ràng, lâu dài.

Trong xu thế phát triển kinh tế hiện đại của các quốc gia, kinh tế du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế quốc dân, trong đó, di sản văn hoá được các định là “tiềm năng”, là “tài sản”, là “sản phẩm” có vai trò quan trọng để kinh tế du lịch phát triển. Thực tiễn ở nước ta nói chung và tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nói riêng nhiều năm qua đã minh chứng rằng, hiệu quả kinh tế từ các di sản văn hóa đem lại đều thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu ở trong và xung quanh các di sản văn hóa đó, nên hầu hết các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa được UNESCO công nhận đã góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân. Chính vì thế, di sản văn hóa ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành động lực tăng trưởng mới, trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi có di sản văn hóa.

Tiềm năng và cách tiếp cận trong phát triển kinh tế di sản văn hóa ở vùng Đông Nam Bộ

Đông Nam Bộ là vùng đất có lịch sử hình thành, phát triển hơn 300 năm, nơi sinh sống, tụ họp, giao lưu của cư dân nhiều vùng miền, nhiều dân tộc nên có nhiều luồng văn hóa khác nhau. Suốt chiều dài lịch sử đó, cộng đồng người Việt đã khai hoang, mở cõi, tổ chức sản xuất, giao thương, sinh hoạt cộng đồng; tham gia chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc với những trang sử hào hùng, bất diệt. Giờ đây, Đông Nam Bộ(2) không chỉ là vùng phát triển kinh tế năng động của cả nước, mà còn là nơi hội tụ nhiều sắc thái, giá trị văn hóa, hầu hết các di sản văn hóa nơi đây đã được công nhận cấp quốc gia và quốc tế.

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đã và đang sở hữu một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể đa dạng, phong phú. Để chuyển hóa hệ thống di sản văn hóa hiện có thành động lực tăng trưởng mới, những năm qua, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ luôn xác định văn hóa, trong đó có vốn quý di sản là sức mạnh nội sinh, mạch nguồn lưu giữ bản sắc, truyền thống. Từ đó, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đề ra chủ trương, chính sách gìn giữ, bảo tồn, khai thác, phát triển, lan tỏa giá trị các di sản văn hóa nhằm góp phần thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng(3), với tinh thần: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội”(4), đặc biệt, khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1230/QĐ-TTg, ngày 15-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa nói chung, giữ gìn, bảo tồn và đặc biệt là khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói riêng theo cách tiếp cận từ những khía cạnh cơ bản: xác định rõ không gian, giá trị kinh tế, giá trị văn hóa - xã hội của di sản văn hóa để đề ra các chủ trương, chính sách mang tính giải pháp(5); đồng thời, mỗi tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đều lựa chọn điểm nhấn nổi bật nhất trong hệ thống di sản văn hóa để đưa vào khai thác du lịch, phục vụ du khách, góp phần phát triển kinh tế di sản.

Đông Nam Bộ cùng Tây Nam Bộ là hai tiểu vùng thuộc không gian văn hóa Nam Bộ sở hữu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Vùng Đông Nam Bộ còn có hàng trăm loại di tích khảo cổ, lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, thắng cảnh và lịch sử cách mạng có giá trị đã được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó, nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia đặc biệt.

Không chỉ là đô thị hạt nhân, trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) còn là nơi sở hữu nhiều di sản văn hóa nổi tiếng, với 185 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất) và 58 di tích cấp quốc gia, như: Bến Nhà Rồng,  Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Căn cứ Rừng Sác, Nhà thờ Đức Bà, hay lễ hội Nghinh Ông (Thành phố Hồ Chí Minh), lễ hội Tết Việt... Để khai thác và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa sẵn có, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) xác định du lịch gắn với sự kiện là một trong 7 trụ cột phát triển ngành du lịch và du lịch văn hóa lịch sử là một trong bốn nhóm sản phẩm chính (văn hóa lịch sử, hội nghị - hội thảo - triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực và du lịch kết hợp mua sắm) luôn có sức hút lớn với với du khách. Theo đó, TPHCM phát động chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng, qua đó các quận, huyện phối hợp các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch, tất cả chương trình này đều gắn với các di sản, di tích văn hóa lịch sử và được khai thác rất hiệu quả. Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, những năm qua, có khoảng 50% du khách quốc tế và 28% khách nội địa đến nơi đây có nhu cầu du lịch tìm hiểu lịch sử - văn hóa, khám phá và trải nghiệm dấu ấn riêng của những điểm đến.

Tỉnh Đồng Nai có 68 di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ là di tích lịch sử cấp quốc gia và hai di tích quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Mộ Cự Thạch Hàng Gòn ở thành phố Long Khánh là một công trình kiến trúc bằng đá lớn, có thể được coi là “độc nhất vô nhị” đối với các nước Đông Nam Á và nghề gốm Tân Vạn, nghề dệt thổ cẩm Tài Lài... Với tiềm năng có được, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai lựa chọn phát du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, phát huy các sản phẩm du lịch tham quan di tích, trải nghiệm sinh thái gắn với các kỳ nghỉ cuối tuần của người lao động, du khách.

Xác định du lịch gắn với di sản văn hóa là loại hình du lịch có sức hút rất lớn đối với du khách, nhất là khách quốc tế, bởi tỉnh Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu 48 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, tiêu biểu là: Khu Di tích Lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo, Di tích Lịch sử văn hóa Bạch Dinh, Di tích trận địa Pháo cổ và Hầm  thủy lôi Núi Lớn; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ giỗ Bà Phi Yến tại di tích An Sơn miếu và lễ hội Nghinh Ông đình thần Thắng Tam... cùng nhiều lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Để khai thác hiệu quả hệ thống di sản này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên kết với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ để xây dựng các tour liên kết vùng (như tuyến “một cung đường, hai điểm đến” nhằm khai thác thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM), mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm văn hóa. Được thiên nhiên ưu đãi với khoảng 306km bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh công tác việc xúc tiến, quảng bá du lịch biển, đảo để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; cùng với đó, xây dựng và triển khai các tour du lịch nối tuyến với hệ thống di sản văn hóa.

Tại tỉnh Tây Ninh, với chủ trương lựa chọn tài nguyên văn hóa mang tính đặc thù, không trùng lặp với các địa phương trong vùng để quảng bá, giới thiệu đến du khách và đặc biệt chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Một trong những “đặc sản” du lịch chính là du lịch gắn với tâm linh, tín ngưỡng, bởi Tây Ninh có những lễ hội rất nổi tiếng như: Lễ hội Xuân núi Bà Đen - được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Nam Bộ” diễn ra từ mùng 4 Tết, kéo dài đến hết tháng Giêng, thu hút hàng triệu du khách; Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tổ chức vào dịp Đại lễ là Vía Đức Chí Tôn (mùng 8 tháng Giêng) và Hội yến Diêu Trì Cung (rằm tháng 8). Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh chú trọng đến việc liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ để khai thác hiệu quả giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích cách mạng miền Nam (gồm: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) rất hiệu quả. Hay việc phục dựng, đưa vào trình diễn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer (xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) nhằm phục vụ du khách đã tạo ra sức hút du lịch, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là một trong những ví dụ sinh động việcphát huy vai trò chủ động của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức sống bền lâu cho di sản.

Được xem là địa phương giàu trầm tích văn hóa, tỉnh Bình Phước có 47 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh Bình Phước xác định các giá trị di sản văn hóa là nguồn tài nguyên phong phú tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Do vậy, để tạo sự khác biệt, mang sức cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế di sản, tỉnh Bình Phước đã tổ chức phục dựng một số lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc như mừng lúa mới, phá bàu, xuống đồng...; đặc biệt, dù nghệ thuật cồng chiêng không nổi tiếng như vùng Tây Nguyên, nhưng được các tộc người S’tiêng, M’nông thực hành, sáng tạo trở thành sản phẩm nghệ thuật thu hút khách du lịch.

Với nguồn lực văn hóa phong phú, độc đáo với 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 13 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 50 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng, ntỉnh Bình Dương luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát huy nguồn lực văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển. Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương thực hiện thí điểm thành lập ban quản lý di tích cấp huyện bằng hình thức quản lý tự chủ, một số mô hình quản lý di tích trực thuộc phòng văn hóa và thông tin; tất cả di tích xếp hạng cấp tỉnh đều được thành lập ban, tổ quản lý di tích phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo mô hình quản lý di tích đặc thù để khai thác, phát huy giá trị. 

Như vậy, với tiềm năng, tài nguyên văn hóa sẵn có, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau để đề ra chủ trương, chính sách trong khai thác, phát triển kinh tế di sản văn hóa ở các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ có thể nhận thấy, mỗi địa phương đều chọn những điểm nhấn nổi bật nhất trong hệ thống di sản văn hóa để đưa vào hoạt động khai thác du lịch. Bởi vì, các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản, quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động của di sản, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Vấn đề đáng ghi nhận là, ngày càng nhiều cá nhân, đơn vị sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong kinh doanh, phát triển kinh tế thể hiện ở chỗ: Nếu như việc tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống tại các khu du lịch sinh tháu thu hút đông đảo du khách, thì nhiều bảo tàng, khu di tích lịch sử, văn hóa đã tiên phong trưng bày, trình diễn các loại hình di sản văn hóa để du khách thưởng lãm. Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa được thương mại hóa, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản; việc phát huy nguồn lực di sản văn hóa còn tạo động lực kéo theo sự phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ, mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, ngồn nhân lực... Những dấu ấn đó, còn là thành quả của các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Xuất phát từ thực tiễn trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy, khai thác để phát triển kinh tế di sản ở các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, có thể đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, xem trọng việc nâng cao nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân để họ hiểu rằng: Di sản văn hóa là tài sản vô giá, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc; di sản văn hóa còn là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi vùng và cửa đất nước. Qua đó, từng cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân ý thức được chính họ là chủ nhân của nguồn tài nguyên di sản văn hóa đó, nên phải có tinh thân trách nhiệm tự giác chăm lo, giữn giữ và vun đắp cho các di sản; tổ chức truyền dạy, tạo điều kiện để các nghệ nhân biểu diễn, giới thiệu, phục vụ các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình đến du khách.

Hai là, trong bối cảnh có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã có cách tiếp cận bằng sự chủ động lựa chọn tài nguyên văn hóa mang tính đặc thù, bản sắc văn hóa bản địa, không trùng lặp với các địa phương khác trong vùng để xúc tiến, quảng bá. Theo đó, chú trọng xây dựng, phát triển các tour du lịch đa dạng nối tuyến đến với các di sản văn hóa đặc trưng, nét riêng để du khách không chỉ cảm nhận và thấm đẫm những giá trị chiều sâu di sản văn hóa của địa phương, mà còn có niềm tin trong việc chọn vùng đất hay địa phương làm điểm đến, làm nơi đầu tư đáng tin cậy; đưa du khách đến trải nghiệm nhiều sắc thái văn hóa trong cùng một hành trình.

Ba là, chú trọng thực hiện “mục tiêu kép” - vừa khai thác, phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch, vừa bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa. Muốn thực hiện hiệu quả mục tiêu này, các cơ quan chức năng phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, có nghĩa là, quan điểm đó phải đáp ứng đồng thời yêu cầu tăng trưởng kinh tế, xã hội ổn định và môi trường được bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Vì vậy, để phát triển du lịch nói chung, phát triển kinh tế di sản nói riêng theo hướng bền vững cần dựa trên các trụ cột chính, đó là: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.

Bốn là, từ năm 2020, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch giai đoạn 2020 - 2025 với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Trong đó, những nội dung hợp tác phát triển du lịch bao gồm: kết nối tour, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, mời gọi đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, và kết nối giao thông. Cùng với đó, mỗi địa phương đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đặc thù riêng gắn với phát triển kinh tế di sản văn hóa, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu chung cho toàn vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh cả trong nước và quốc tế.

Năm là, để nguồn tài nguyên di sản văn hóa phát huy được giá trị, trong điều kiện đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên còn thiếu, việc áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải tính hấp dẫn về lịch sử, văn hóa, con người rất quan trọng. Vì vậy, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã triển khai ứng dụng mã QR, thực hiện số hóa thông tin điểm du lịch là các di tích của địa phương, giúp người dân và du khách dễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin về các điểm đến.

Sáu là, chú trọng xây dựng, hình thành các tuyến, điểm du lịch, ả vùng đệm và xung quanh các khu di sản văn hóa nổi tiếng với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo; phát triển kinh tế loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy để thu hút lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Qua đó, vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương./.

----------------------

(1) Điều 1, Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 (bổ sung năm 2009, 2013).

(2) Theo Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó, vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

(3) Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn vể chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 165.

(5) Đó là: Quyết định số 5979/QĐ-UBND, ngày 29-12-2006, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; Kế hoạch số 1628/KH-UBND, ngày 31-07-2019, của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, về “Kế hoạch tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”; Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 19-5-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, “Về thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 6754/KH-UBND, ngày 26-12-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về “triển khai chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030”.