Khai thác giá trị kinh tế của di sản tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Quảng Ninh
Khai thác giá trị kinh tế của di sản ở Việt Nam nói chung, ở Quảng Ninh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cả về tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đồng thời tạo ra nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách địa phương và thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với giá trị kinh tế tiềm năng của các di sản nói chung, của Vịnh Hạ Long nói riêng. Nguyên nhân căn bản của hạn chế trong khai thác giá trị kinh tế của di sản chính là vẫn dựa vào truyền thống và kinh nghiệm cố hữu mà chưa hình thành và phát triển được một ngành kinh tế di sản thật sự năng động, hiệu quả.
Khái niệm
Có khái niệm di sản là: (i) Tài sản thuộc sở hữu của thế hệ trước để lại; (ii) Giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa thế giới hay một quốc gia một dân tộc để lại, chẳng hạn Di sản văn hóa. Di sản thế giới là một điểm mốc hay khu vực được lựa chọn bởi UNESCO có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học hoặc hình thức có ý nghĩa khác và được pháp luật bảo vệ bởi các điều ước quốc tế. Các địa điểm này được đánh giá là có tầm quan trọng đối với lợi ích tập thể nhân loại. Tính đến năm 2023, có tất cả 1172 di sản được liệt kê, trong đó có 901 di sản về văn hóa, 231 di sản về những khu thiên nhiên và 40 di sản thuộc cả hai loại. Các di sản đó hiện diện tại 165 quốc gia. Italia là quốc gia có số lượng di sản thế giới được công nhận nhiều nhất (50 di sản), tiếp theo là Trung Quốc (47 di sản) và Tây Ban Nha (44 di sản).
Phân loại di sản
Theo Công ước Di sản thế giới, Di sản gồm 3 nhóm: 1- Di sản văn hóa (Các di tích: Các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hội họa, các yếu tố hay các cấu trúc có tính chất khảo cổ học, ký tự, nhà ở trong hang đá và các công trình sự kết hợp giữa công trình xây dựng tách biệt hay liên kết lại với nhau mà do kiến trúc của chúng, do tính đồng nhất hoặc vị trí trong cảnh quan, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học; Các di chỉ: Các tác phẩm do con người tạo nên hoặc các tác phẩm có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo và các khu vực trongdư đó có các di chỉ khảo cổ có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học; 2- Di sản thiên nhiên (Các đặc điểm tự nhiên bao gồm các hoạt động sáng tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm các hoạt động kiến tạo có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học; Các hoạt động kiến tạo địa chất hoặc địa lý tự nhiên và các khu vực có ranh giới được xác định chính xác tạo thành một môi trường sống của các loài động thực vật đang bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn; Các địa điểm tự nhiên hoặc các vùng tự nhiên được phân định rõ ràng, có giá trị nổi bật toàn cầu về mặt khoa học, bảo tồn hoặc thẩm mỹ; 3- Di sản hỗn hợp (năm 1992, Ủy ban Di sản thế giới đưa ra khái niệm di sản hỗn hợp hay còn gọi là di sản kép, cảnh quan văn hóa thế giới để miêu tả các mối quan hệ tương hỗ nổi bật giữa văn hóa và thiên nhiên của một số khu di sản. Một địa danh được công nhận là di sản thế giới hỗn hợp phải thỏa mãn ít nhất là một tiêu chí về di sản văn hóa và một tiêu chí về di sản thiên nhiên. Cho đến cuối năm 2004, có 6 tiêu chí cho di sản văn hóa và 4 tiêu chí cho di sản thiên nhiên. Đến năm 2005, điều này đã được sửa đổi để chỉ có một bộ 10 tiêu chí, trong đó 6 tiêu chí đầu thuộc về di sản văn hóa, còn các tiêu chí 7 đến 10 thuộc về di sản thiên nhiên.
Di sản của Việt Nam
Việt Nam đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới gồm: 1- Hai di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà, được công nhận năm 1994 và năm 2000 cho riêng Vịnh Hạ Long, năm 2023 mở rộng thêm Quần đảo Cát Bà; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2003 và năm 2015; 2- Năm di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích Cố đô Huế, năm 1993; Phố cổ Hội An, năm 1999; Thánh địa Mỹ Sơn, năm 1999; Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, năm 2010; Thành nhà Hồ, năm 2011; 3- Một di sản thế giới hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2014. Theo một nguồn khác thì Việt Nam có 9 di sản thế giới khi tách quần thể Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà thành di sản thiên nhiên thế giới riêng với đặc điểm là di sản thế giới đầu tiên tại Việt Nam trải rộng trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đồng thời cho rằng đây là tiền đề quan trọng, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn, hướng tới xây dựng mô hình quản lý di sản liên tỉnh, liên biên giới.
Trang web của Cục Du lịch Việt Nam giới thiệu: Nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, vịnh Hạ Long có tổng diện tích 1553km2 với 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng di sản được thế giới công nhận có diện tích 434km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Vịnh Hạ Long chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng cùng nhiều hang động kỳ thú tạo thành một quần thể vừa sinh động vừa huyền bí. Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng hàng nghìn loài động thực vật phong phú, đa dạng. Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa - lịch sử hào hùng của dân tộc. Đến Hạ Long, du khách cũng sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp bình dị và những giá trị văn hóa phi vật thể toát ra từ cuộc sống của những ngư dân tại các làng chài.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận di sản thế giới, bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với những vách dựng đứng nhô lên trên biển. Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi. Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Đó là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.
Di sản của Quảng Ninh
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt. Từ năm 2012 đến nay, qua nhiều đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 164 bảo vật quốc gia, bao gồm hiện vật và nhóm hiện vật. Ngoài 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì Việt Nam còn có 13 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt; Bài Chòi Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (Mộc bản Triều Nguyễn; 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ thời Lê - Mạc; Châu bản Triều Nguyễn; Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm; Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ). Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (rừng ngập mặn Cần Giờ, Đồng Nai, Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau, Lang Biang - Đà Lạt) và 3 Công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông). Cùng với hệ thống di tích, hệ thống bảo tàng đã được phát triển từ một vài bảo tàng xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm hơn 160 bảo tàng. Các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ được hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật quý hiếm và có giá trị cao.
Chỉ riêng TP Hạ Long đã có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh. Trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng Vịnh Hạ Long, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh, 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử. Trên địa bàn TP Hạ Long còn có 16 lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại. Trong năm 2025, TP Hạ Long dự định phục dựng và tổ chức lại 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu bao gồm: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội đền Cái Lân, Lễ hội chùa Long Tiên. Đây là mục tiêu quan trọng nằm trong Đề án "Hạ Long - Thành phố của lễ hội". Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện. TP Hạ Long cũng sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các di tích văn hóa, lịch sử, du lịch lễ hội của thành phố, hay các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương là những cách làm hữu ích, thiết thực nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, quảng bá giá trị di sản.
Kinh tế di sản
Kinh tế di sản được hiểu là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đối với TP Hạ Long, cùng với công nghiệp văn hoá thì kinh tế di sản là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Kinh tế di sản cũng được đề cập trong Đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024 - 2025. Đề án được xây dựng nhằm tạo giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ bền vững dựa trên việc khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của thành phố.
Năm 2019 ở Việt Nam xuất hiện khái niệm rộng: Kinh tế di sản cần được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng các giá trị sẵn có (tự nhiên và xã hội). Di sản theo nghĩa rộng, có trong mọi mặt của đời sống. Kinh tế số, gói dữ liệu lớn (big data), kinh tế sẻ chia (Uber, Grab), internet kết nối vạn vật, sự khác biệt của sản phẩm, giá trị sáng tạo, giá trị gia tăng cũng là các hình thái của kinh tế di sản.
Khẳng định di sản là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế địa phương. Việc tận dụng thế mạnh này để khai thác tốt giá trị kinh tế của di sản rất quan trọng. Có người lại cho rằng: Kinh tế di sản là những giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng. Chính những lợi ích thu được từ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp một di sản tạo nên giá trị sử dụng. Đồng thời nhận định là du lịch chỉ phát triển bền vững khi tạo lập mối quan hệ hữu cơ về lợi ích với cộng đồng cư dân và các ngành kinh tế dịch vụ ở địa phương. Kinh tế di sản chính là để khuyến khích và đề cao các hoạt động tổ chức khai thác những giá trị đặc sắc của các di sản với tư cách là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt để phát triển du lịch bền vững. Văn hóa và du lịch của kinh tế di sản sẽ tạo điều kiện khai thác có hiệu quả lại các di sản với tư cách là tài nguyên du lịch. Nghị quyết của Quốc hội cho phép ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước; cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế hy vọng gỡ “nút thắt” trong việc tạo ra hiệu quả từ kinh tế di sản cho Huế trong thời gian tới.
Một cách tiếp cận có tính kinh tế nhiều hơn lại đưa ra khái niệm: Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Mọi di sản đều có giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế của các di sản không phải thể hiện một cách thông thường trên thị trường, mà nó thường thể hiện ngầm ẩn hoặc gián tiếp qua các giá trị khác. Di sản văn hóa có giá trị biểu tượng, và giá trị đó không đem ra bán trên thị trường như một thứ hàng hóa thông thường, mà phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác để tạo ra giá trị lợi nhuận. Nói cách khác, các di sản đều có tính kinh tế của nó. Cũng chính vì vậy mà khi phát triển kinh tế di sản thì phải nhận thức và hành động theo một chương trình phát triển đặc thù, không theo các quy luật thị trường thông thường, hay nói cách khác là theo các quy luật phi thị trường. Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế, nên phải nhận thức nó trên phương diện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Nếu như bảo tồn di sản văn hoá nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư để bảo vệ, giữ gìn, khôi phục và quản lý di sản là chủ yếu, việc phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì kinh tế di sản lại phải nhấn mạnh đến khai thác giá trị kinh tế nhưng không có nghĩa là không coi trọng việc bảo tồn. Bởi phải bảo tồn được di sản thì mới có nền tảng để phát triển kinh tế di sản. Và kinh tế di sản cũng không được định giá thông thường theo thị trường mà phải có cách định giá đặc biệt, vốn đầu tư lớn và đầu tư lâu dài trong khi doanh thu từ từ, càng về sau càng làm tốt thì lợi nhuận càng tăng. Đặc biệt, nói đến phát triển kinh tế di sản cần phải xem xét một khái niệm vô cùng quan trọng, là yếu tố cốt lõi của kinh tế học di sản. Đó là khái niệm vốn văn hoá. Xét cho cùng, các di sản là một phần của văn hoá. Và kinh tế di sản là loại hình kinh tế phát triển bằng vốn văn hoá. Phân tích các yếu tố của vốn văn hoá là cách thức để tiếp cận và vận dụng vào phát triển kinh tế di sản một cách có giá trị nhất.
Các di sản văn hóa góp phần quan trọng xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Năm 2019, số lượng khách tham quan tới 8 di sản thế giới ở Việt Nam đều tăng. Cụ thể, Quần thể di tích Cố đô Huế đón trên 3,3 triệu lượt khách (khách quốc tế là trên 2,2 triệu), doanh thu từ du lịch đạt 378 tỷ đồng; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón 4.4 triệu khách (2,9 triệu khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng; Phố cổ Hội An đón 5,35 triệu lượt khách (4 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 300 tỷ đồng; Khu Di tích Mỹ Sơn đón 419.000 lượt khách (374.000 khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 61 tỷ đồng; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 921.000 lượt khách (170.000 lượt khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 266 tỷ đồng; Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đón 462.000 lượt khách (trên 230.459 khách quốc tế), doanh thu từ du lịch 11 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón trên 6,3 triệu lượt khách (trên 5,5 triệu khách trong nước), doanh thu từ du lịch đạt 867 tỷ đồng... Có thể thấy di sản Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh tuy đứng thứ hai về lượng khách sau phố cổ Hội An của Quảng Nam nhưng lại vượt xa 7 di sản khác về doanh thu từ du lịch.
Một nguồn khác lại cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, các khu Di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên và đón khoảng 18,2 triệu khách. Tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ tại các khu Di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 2.322 tỷ đồng.
Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 - điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 21-9-2017, Chính phủ ban hành Nghi định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế... Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, trong giai đoạn 2011-2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn từ năm 2011 - 2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Bí thư Thành ủy Hạ Long, Đề án phát triển kinh tế ban đêm nhằm nâng tầm du lịch, dịch vụ của thành phố, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản trên địa bàn thành phố trong tương lai. Ngoài những khu vực du lịch, dịch vụ đêm hiện hữu (quanh khu vực công viên Sun Group, phố đi bộ Bạch Đằng…), cần quy hoạch, phát triển thêm tại các khu vực khác như Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, đồi Đặng Bá Hát. Trên Vịnh Hạ Long, cần nghiên cứu tổ chức các sự kiện âm nhạc trên tàu, xây dựng các tour, tuyến du lịch thăm làng chài. TP Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án công trình như: Di tích đền Bài Thơ, đền Bà Chúa, đền vua Lê Thái Tổ, thực hiện các đề án thành phố của hoa và lễ hội.
Có nhận định đáng lưu ý là bên cạnh những kết quả đã làm được, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là: Việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; Công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại; Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Bên cạnh đó, chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chưa có giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở khái niệm rộng về kinh tế di sản và lấy Hội An là một thí dụ thành công của định hướng đưa di sản trở về với cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng, có đề xuất để kinh tế di sản chuyển hóa thành động lực tăng trưởng cần xác lập vị thế thuộc nhóm nền tảng. Từ đó hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện một số bước đi, tiến hành theo ba giai đoạn (tùy theo điều kiện mỗi địa phương để ấn định):
Giai đoạn I: Cần hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu. Triển khai áp dụng vào thực tiễn các giải pháp phát triển kinh tế di sản, thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư. Phát triển các dự án kinh tế di sản tại các phân vùng, địa phương, lựa chọn các di tích, di sản (cốt lõi) đang thu hút được khách kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản. Triển khai lập các quy hoạch cho từng khu vực di sản trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư tại địa điểm lựa chọn các Vùng di sản trọng tâm của từng phân vùng.
Giai đoạn II: Nhân rộng mô hình: “mỗi di sản một quần cư”; “mỗi quần cư một sản phẩm”; “mỗi sản phẩm một cảnh quan”; “mỗi di sản một phong cách”; “mỗi sản phẩm một chuyên gia”. Và, “mỗi di sản một doanh nghiệp”; “mỗi doanh nghiệp một cộng đồng”. Tiến hành liên kết nhóm di sản tương ứng với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư sở tại. Xác lập các cơ chế, chính sách theo các nhóm và từng di sản cụ thể. Bàn giao di sản cho cộng đồng có trách nhiệm quản lý, khai thác.
Giai đoạn III: Từng bước thực hiện phần việc xã hội hóa hoàn toàn công cuộc bảo tồn và đưa kinh tế di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ tìm các giải pháp phát triển kinh tế di sản của chính mình, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng, chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Đồng nghĩa kinh tế di sản với du lịch (trên phương diện kinh tế, các Di sản văn hóa, đặc biệt di sản thế giới ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu Di sản thế giới của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu ở trong và xung quanh các Di sản thế giới và khẳng định để di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội điều ai cũng có thể nhìn thấy đó là thông qua du lịch) nên nhiều người ngành văn hóa cho rằng để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, hiện nay du lịch văn hóa đã đóng góp 10-15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế. Bộ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định là bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH, biến các giá trị di sản thành tài sản nhưng không phải là bằng mọi giá, đặc biệt là đánh đổi với môi trường. Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH gắn với du lịch cần phải có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người dân tộc thiểu số. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Qua đó, tạo sức bật cho du lịch cộng đồng phát triển, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn. Đặc biệt, cần phải xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các di tích, các địa phương./.
Phát triển đô thị biển, đô thị di sản bền vững thành phố Hạ Long  (06/12/2024)
Phát huy giá trị di sản: Hướng đi bền vững cho kinh tế Quảng Ninh  (06/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững  (06/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm