Khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch tâm linh tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay
Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Quảng Ninh là tỉnh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh. Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch tâm linh Quảng Ninh.
Du lịch tâm linh và xu thế phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam hiện nay
Khái niệm du lịch tâm linh đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ở nước ta mới chỉ được nói đến trong khoảng hơn chục năm qua khi mà điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần con người được nâng lên. Trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch, ở nước ta những năm gần đây, loại hình du lịch tâm linh với các tour hành hương về Đất Tổ, tham quan vùng văn hóa với các di sản, di tích văn hóa độc đáo, thăm viếng các cơ sở thờ tự, di tích, danh thắng… được tổ chức ngày càng nhiều.
Xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa về tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với sự hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi tham gia các hoạt động du lịch. Du lịch tâm linh luôn gắn liền với những không gian văn hóa, cảnh quan nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch mà du khách mong muốn. Vì vậy, du lịch tâm linh không chỉ là hành trình tâm linh mà còn là cơ hội để du khách tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Thông qua việc tham quan các di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo, du khách có thể tìm hiểu về các lễ hội truyền thống, về đời sống tâm linh, phong tục tập quán của người Việt Nam. Mặc dù vậy, du lịch tâm linh vẫn có những đặc điểm khác với du lịch văn hóa thông thường, bởi ngoài hoạt động chiêm bái vẻ đẹp của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch tâm linh thường gắn với các hoạt động hành lễ và các trải nghiệm khác liên quan trực tiếp đến tôn giáo, tín ngưỡng và niềm tin của con người.
Du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến ở Việt Nam. Số lượng khách du lịch tâm linh ở Việt Nam ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa, cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.
Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh nước ta ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Hầu như tất cả các tỉnh/thành Việt Nam đều có những điểm du lịch tâm linh. Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn, các địa phương cần phát huy để nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2019, trong số 85 triệu lượt khách nội địa, có đến 34,85 triệu lượt khách (chiếm 42%) đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh…)(1). Du lịch tâm linh trở thành loại hình du lịch được đặc biệt quan tâm ở các địa phương trên cả nước. Theo thống kê, lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tăng đáng kể, cho thấy nhu cầu tìm về với những giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống đang ngày càng được chú trọng. Năm 2020, Tây Ninh nổi lên như một điểm sáng của ngành du lịch Đông Nam bộ với lượng khách khoảng 4,7 triệu lượt, đạt 87% so cùng kỳ 2019, trong đó, riêng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (bao gồm khu tâm linh - lễ hội) thu hút hơn 2,1 triệu lượt khách (chiếm gần 50% lượng khách cả tỉnh)(2).
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế - xã hội các địa phương, du lịch tâm linh ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu khách hàng của các doanh nghiệp. Nhiều cơ sở tôn giáo lớn trên khắp cả nước được đưa vào tour của hầu hết các hãng lữ hành. Xu hướng kết hợp du lịch tâm linh với nghỉ dưỡng đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều khu du lịch tâm linh hiện nay đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, điển hình là khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình),…
Di sản văn hóa - tiềm năng lớn trong phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh xác định là một loại hình góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng, 466 di tích kiểm kê và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc(3). Đến nay, khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Có thể nói, Quảng Ninh là tỉnh thành hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh. Có vị trí địa lý trên vùng Đông Bắc Tổ quốc, địa hình kết hợp đồng bằng, trung du và miền núi cao. Tại Quảng Ninh có nhiều địa danh lịch sử, di tích lịch sử văn hóa tâm linh có tiềm năng, giá trị. Đồng thời, các điểm du lịch thiên nhiên, khu vui chơi giải trí, kinh tế phát triển và sự đầu tư bài bản cũng là động lực để du lịch tâm linh tại đây phát triển mạnh mẽ.
Quảng Ninh có hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo gồm nhiều chùa, am, tháp, bia, đền, lăng mộ trải khắp tỉnh, tập trung ở Uông Bí và Đông Triều. Hầu hết những công trình này nằm ở không gian thiên nhiên khoáng đạt là những tài nguyên rất có giá trị để phát triển du lịch tâm linh. Nhiều di tích lịch sử là những điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo các du khách, trong đó có thể kể đến các di tích như: Quần thể di tích Yên Tử, Đền Cửa Ông, Chùa Cái Bầu, Cụm di tích danh thắng núi Bài Thơ, Chùa cổ Hồ Thiên, Chùa Lôi Âm. Quần thể di tích Yên Tử không chỉ là điểm đến tâm linh nổi tiếng của Quảng Ninh và cả nước. Mỗi năm nơi đây đều đón hàng chục nghìn người về tham quan, hành hương, vãn cảnh. Đây là một quần thể di tích tâm linh với đình, đền, chùa. Trong đó, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là một gian điện rộng lớn, được ví như trường học của người tu hành, các vị sư được dạy đọc kinh, triết lý Phật giáo; Đền Cửa Ông là một ngôi đền linh thiêng nằm tại thành phố Cẩm Phả, gắn với địa điểm du lịch thiên nhiên nổi tiếng vịnh Bái Tử Long. Đền cửa Ông vừa là một di tích lịch sử mà còn mang những giá trị kiến trúc, văn hóa, bản sắc, tâm linh độc đáo với rất nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa khác nhau: lễ hội tưởng nhớ vị tướng tài ba Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng có công lao to lớn trấn ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc, kèm theo lễ lớn của vùng như lễ xin mở hội tại Đền Thượng, lễ Cầu siêu, lễ xin ở cửa Đền và dâng hương rước Đức Ông… Ngoài ra có thể kể đến nhiều địa danh khác như: Chùa Lôi Âm có địa chỉ tại phường Đại Yên - thành phố Hạ Long, chùa Cái Bầu (Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Giác), chùa Hồ Thiên và khu di tích lịch sử nhà Trần, chùa Long Tiên - ngôi chùa lớn nhất tại thành phố Hạ Long, chùa Ngọa Vân từ lâu đã được coi là nơi phát tích của thiền phái trúc lâm Yên Tử, đình Trà Cổ xây dựng từ thời Hậu Lê ( năm 1461), với lịch sử lâu đời và nét kiến trúc cổ kính, mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa, chùa Ba Vàng tọa lạc ở vị trí non nước hữu tình, “lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông” với đặc trưng không gian yên bình, thanh tịnh và linh thiêng.
Trong đó, các di sản văn hóa Phật giáo được coi là tiềm năng lớn cho du lịch tâm linh ở Quảng Ninh khi hội tụ đầy đủ các điều kiện cơ bản, vừa đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng vừa thỏa mãn nhu cầu thư giãn nghỉ ngơi của du khách trong loại hình du lịch này như: là nơi phát tích của triều Trần, nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm, nơi viên tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi có chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, nơi gắn liền với những nhân tài anh kiệt thời Trần. Đặc biệt, Quảng Ninh có khu di tích danh thắng Yên Tử là nơi hình thành và phát triển của dòng thiền thuần Việt Trúc Lâm Yên Tử.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Bên cạnh đó, sự đầu tư phát triển du lịch tâm linh thông qua công tác bảo tồn, khai thác hiệu quả hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây chính là điểm tựa quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Quảng Ninh như một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút trên bản đồ du lịch thế giới.
Thực trạng phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và những vấn đề đặt ra
Tại Quảng Ninh có nhiều địa danh lịch sử, di tích lịch sử văn hóa tâm linh có tiềm năng, giá trị. Đồng thời, các điểm du lịch thiên nhiên, khu vui chơi giải trí, kinh tế phát triển và sự đầu tư bài bản cũng là động lực để du lịch tâm linh tại đây phát triển mạnh mẽ. Nếu như các loại hình du lịch khác chỉ thỏa mãn một số ít nhu cầu của du khách thì du lịch tâm linh lại khác biệt hơn, bởi nó gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của con người từ bao đời nay. Du lịch tâm linh nói chung và du lịch tâm linh Quảng Ninh vừa mang ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa bản địa lại vừa là liều thuốc tinh thần, thỏa mãn nhu cầu du lịch, thăm thú của mọi người… Mỗi điểm đến sẽ có một ý nghĩa riêng, một câu chuyện riêng, giúp du khách có thêm những kiến thức mới, những hiểu biết mới về lịch sử, văn hóa. Có thể kể đến nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh hiện nay như: đền Cửa Ông, chùa Long Tiên, các điểm du lịch tâm linh khác như: Khu di tích danh thắng Yên Tử (Uông Bí), chùa Ngọa Vân (Đông Triều), đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), chùa Ba Vàng (Uông Bí)…
Ngày 16/11/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 6970/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”. Trong gần 10 năm, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, khẳng định sự kiên trì và những nỗ lực để đi đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở giảm bớt phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn, tăng dần phát triển các nguồn tài nguyên vô hạn, lấy phát triển dịch vụ, du lịch là trọng yếu. Trong đó, tập trung đầu tư trực tiếp nhiều nhất cho du lịch, xây dựng Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hoá - lịch sử - tâm linh đặc sắc. Để thu hút du khách, nhằm phát triển du lịch tâm linh, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch hợp lý, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích, cũng như kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý, tổ chức, thực hiện văn minh lễ hội tại tất cả các điểm du lịch, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, thu hút nhiều các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn về du lịch phát triển các sản phẩm đẳng cấp tại tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh kết nối hạ tầng đồng bộ đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường thủy để thúc đẩy kết nối vùng ở cấp quốc gia, liên kết vùng ở cấp quốc tế và tạo động lực thúc đẩy phát triển giao thông, dịch vụ, du lịch, giúp tỉnh bứt phá trong phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1 - 6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70 - 100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn(4). Qua đó có thể thấy, di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch tâm linh ở Quảng Ninh hiện nay. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch tâm linh phát triển và ngược lại du lịch tâm linh phát triển cho thấy hiệu quả từ công tác bảo tồn, khai thác tốt các giá trị của di sản. Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan của di sản, Quảng Ninh đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch.
Một số điểm hạn chế trong hoạt động du lịch tâm linh ở Quảng Ninh
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do tính chất đặc thù, hoạt động du lịch tâm linh tại Quảng Ninh hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Các tour du lịch tâm linh tại Quảng Ninh thường tập trung vào hoạt động trải nghiệm và thực hành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên, nhiều khách du lịch tham gia hoạt động này lại chưa thực sự có kiến thức và thông tin đầy đủ về loại hình tôn giáo tín ngưỡng tại điểm du lịch đó. Điều đó đôi khi dẫn đến nhiều hiểu lần không đáng có trong loại hình dịch vụ này. Việc trục lợi từ hoạt động tâm linh dẫn đến nguy cơ càng phát triển du lịch tâm linh, càng dễ xảy ra mê tín, dị đoan, thương mại hóa. Niềm tin và tính thiêng dễ bị trục lợi, biến thành yếu tố mê tín, dị đoan với những biểu hiện hết sức đa dạng, từ đơn giản như lạm dụng đốt vàng mã, bói toán cho đến những hình thức phức tạp hơn như lừa đảo, trục lợi, mất an ninh, an toàn về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều người đi lễ đầu năm cầu may có một cách hiểu lệch lạc về một nét đẹp văn hóa vốn có trong phát tâm công đức, góp phần tham gia tu bổ đền, chùa khi trở thành hình thức “rải tiền lễ”, “khoán ước”, “trả tiền cầu may”, “vay mượn, đút lót với chư Phật, thánh thần,... Hiện tượng cúng lễ hóa vàng mã quá nhiều, chưa được ngăn chặn hiệu quả, gây lãng phí lớn, tổn hại cảnh quan, môi trường và sức khỏe mọi người. Nhiều hoạt động du lịch tâm linh bao hàm thêm những hiện tượng bói toán, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, dâng sao giải hạn đầu năm.
Một số di tích, lễ hội xảy ra tình trạng cướp lộc dẫn đến ẩu đả, một số địa bàn xảy ra tình trạng lập đền, miếu… giả “ăn theo” cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thật. Gần đây, những hình thức trục lợi từ hoạt động tâm linh có xu hướng tinh vi hơn, đặc biệt là thêu dệt những câu chuyện làm “thiêng hóa” cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thu hút tín đồ; việc khuyếch trương các kỷ lục của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để thu hút Phật tử đến chiêm bái… Không ít trường hợp, nhân viên tại các khu du lịch tâm linh đã giải thích sai lạc về ý nghĩa, giá trị của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, về “tính thiêng” của đối tượng thờ phụng nhằm mục đích câu khách.
Ngoài ra, về việc khai thác các điểm du lịch, trong đó có du lịch tâm linh, hiện nay nhiều địa phương giao cho tư nhân khai thác. Sự phát triển du lịch một cách mất cân bằng và không được kiểm soát tốt cũng có thể là nguyên nhân làm mất đi tính xác thực, tính toàn vẹn, những giá trị độc đáo của các di tích. Hiện tượng bê tông hóa cảnh quan, phá vỡ cấu trúc văn hóa, xâm hại môi trường, cộng đồng địa phương không được trao quyền… sẽ dẫn đến phát triển du lịch tâm linh không bền vững.
Ngoài ra, vẫn còn một số khó khăn khác như: Mặc dù được đánh giá là dòng sản phẩm có sức hút lớn, nhưng du lịch tâm linh tại Quảng Ninh vẫn mang tính thời vụ, lượng khách thường tập trung nhiều vào đầu năm và cuối năm; công tác tuyên truyền, quảng bá, đầu tư về di tích còn hạn chế; lượng khách tham quan hằng năm tăng mạnh nhưng thời gian lưu trú ngắn; các cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí xung quanh di tích còn hạn chế về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa giữ chân được du khách; đội ngũ nhân viên, thuyết minh còn thiếu, chưa chuyên sâu...
Giải pháp phát huy giá trị của di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch tâm linh ở Quảng Ninh hiện nay
Thực tế, du lịch Quảng Ninh đã qua giai đoạn phát triển “nóng”, do đó, để tiếp tục duy trì, phát triển và thu hút du khách đến nhiều hơn, không thể chỉ dựa vào tiềm năng sẵn có mà quan trọng hơn là tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp, sáng kiến trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch… Một số giải phá cơ bản có thể thực hiện như sau:
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn nữa
Xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đầu tư vào các khu du lịch tâm linh tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, kỹ thuật; tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp các điểm đến thành các khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí gắn kết các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách.
Xây dựng những sản phẩm văn hóa đặc trưng, độc đáo phục vụ mục tiêu phát triển du lịch tâm linh của vùng, đặt trọng tâm khai thác thế mạnh tiềm năng các di sản văn hóa Phật giáo để tạo nên những sản phẩm văn hóa đặc trưng và hấp dẫn đối với du khách. Quảng Ninh cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh (hành hương, hội thảo, chương trình học tập, nghỉ dưỡng, tham quan di tích, tuyến du lịch tâm linh...) nhằm thu hút du khách, nâng cao hiểu biết về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Đa dạng hóa nội dung gói sản phẩm du lịch tâm linh: hành hương kết hợp nghe thuyết giảng, học thiền, tham quan địa điểm tâm linh, tham dự lễ hội và các sự kiện tâm linh, tham dự các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tâm linh, chữa bệnh, nghỉ dưỡng, tập luyện yoga,…. Trong đó, có thể tập trung khai thác và phát triển các sản phẩm văn hóa Phật giáo như: tổ chức các hoạt động trong những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, lễ Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, thiền sư Pháp Loa nhập tịch, các hội nghị hội thảo về Phật giáo nhằm lan tỏa giá trị của di tích. Thêm nữa, có thể tổ chức các hoạt động nghi lễ Phật giáo để các cư sĩ tham gia khóa tu theo nhật kì.
Đối với Phật tử và du khách cần tổ chức trải nghiệm đời sống Phật môn, tham gia sinh hoạt cùng tăng ni; trải nghiệm ẩm thực chay của Phật giáo, xây dựng các thực cảnh cho sân khấu, điện ảnh kêu gọi các nhà văn, biên đạo đạo diễn diễn viên dựa trên các cấu tứ câu chuyện được ghi chép trong sử sách về các huyền thoại tâm linh gắn với di tích để sân khấu hóa. Có thể xây dựng thực cảnh từ câu chuyện Trần Nhân Tông bỏ cung vào Yên Tử rồi bị triệu hồi, 2 lần dẹp quân Nguyên Mông, trao ngôi báu và vào Yên Tử, truyền ấn cho nhị tổ Pháp Loa, thuyết pháp giảng kệ, Điều Ngự giác hoàng viên tịch, Pháp Loa in khắc kinh, Nhị tổ rước xá lỵ của Phật hoàng về kinh…
Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các di sản văn hóa tâm linh hấp dẫn
Sử dụng đúng và hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông, vì thông tin không đầy đủ hoặc thiếu vắng các dữ liệu đáng tin cậy về mức độ, sự năng động và đặc tính của các dòng sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, sẽ là những hạn chế lớn trong các chiến lược phát triển du lịch tâm linh của nhiều cơ quan, tổ chức địa phương, vùng và quốc gia, trong cả các khu vực công, tư và xã hội dân sự. Các nhà quản lý trong lĩnh vực này cần có hiểu biết và có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ thông tin hiện có vào việc quản lý dòng du khách cả về mặt không gian và thời gian. Tìm kiếm và thực hiện hiệu quả biện pháp quảng bá và marketing sản phẩm và dịch vụ mới liên quan tới du lịch tâm linh.
Đẩy mạnh đầu kết cấu hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch tâm linh
Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch tâm linh nhằm phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong loại hình du lịch này. Đồng thời, tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch tâm linh; làm tốt công tác xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tâm linh, gắn du lịch tâm linh với những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút và giữ chân du khách. Chú trọng chất lượng của các sản phẩm du lịch tâm linh hiện có nhằm nâng cao giá trị để thu hút du khách tiềm năng. Đồng thời cũng có chính sách thu hút khách du lịch như: Miễn vé cáp treo cho học sinh, sinh viên, người già vào mùa hè (mùa thấp điểm)… Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh hình thức này cần đầu tư việc đào tạo, xây dựng hệ thống hướng dẫn viên có kiến thức, kĩ năng, có thái độ và phong cách phục vụ đủ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các khu du lịch tâm linh.
Thúc đẩy hợp tác, giao lưu quốc tế trong quản lý và đầu tư cho các hoạt động du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh cần thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh mới, đa đang và phong phú, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch hướng tới mục tiêu đón được nhiều khách du lịch tâm linh trong nước và quốc tế. Việc liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các tỉnh thành nhằm mục đích tăng cường các khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng, bảo vệ và gìn giữ các giá trị truyền thống; xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh nhằm tạo cơ hội việc làm, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm về du lịch tâm linh, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, cần mở rộng các hoạt động liên kết phát triển du lịch tâm linh nhằm khuyến khích giáo dục và đào tạo, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng trong quản lý du lịch, các nhóm dân cư đặc biệt với người dân bản địa thông qua phát triển du lịch tâm linh; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy hòa hợp, đảm bảo sự tồn tại của các giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ.
Bên cạnh ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, của những người đi lễ, du xuân, cần sự chủ động vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt quy định của pháp luật trong việc tổ chức hoạt động phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát, có biện pháp chế tài, xử lý những vi phạm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Điều quan trọng nhất là phải có sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch. Mục tiêu lớn nhất là có được sự thống nhất, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên sức mạnh tập thể. Vì lợi ích chung của ngành, của địa phương. Muốn làm được như vậy, cần xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ, thống nhất và phối hợp hành động vì lợi ích chung trong đó sẽ có lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp. Trên một địa bàn nhất định, ở mỗi thời điểm sẽ có các chương trình du lịch tâm linh khác nhau để có thể cùng một lúc phục vụ nhiều đoàn khách, nhiều đối tượng khách khác nhau.
Du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch tâm linh Quảng Ninh hiện nay. Nếu có những định hướng đúng đắn, công tác đầu tư đồng bộ, chắc chắn, tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa loại hình du lịch tâm linh phát triển đúng tầm, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh tỏng bối cảnh hiện nay./.
---------------------
(1) Tạp chí Công thương điện tử, Du lịch tâm linh thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, 22-11-2021, https://tapchicongthuong.vn/du-lich-tam-linh-thuc-day-kinh-te-dia-phuong-phat-trien-85366.htm
(2) Tạp chí Công thương điện tử, TL đã dẫn
(3) Hằng Ngần, Nguyễn Thơm, “Du lịch tâm linh thu hút khách đầu năm”, Báo Quảng Ninh điện tử, 25-2-2024, https://baoquangninh.vn/du-lich-tam-linh-3285635.html
(4) Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên để phát triển du lịch tâm linh”, 9-10-2020, https://bvhttdl.gov.vn/quang-ninh-di-san-van-hoa-tai-nguyen-de-phat-trien-du-lich-tam-linh-20201009101230501.htm#:~:text=Khai%20th%C3%A1c%20l%E1%BB%A3i%20th%E1%BA%BF%20n%C3%A0y,B%E1%BA%A7u%20(huy%E1%BB%87n%20V%C3%A2n%20%C4%90%E1%BB%93n)%E2%80%A6
Khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Nhận thức về kinh tế di sản và thực trạng ở Việt Nam  (05/12/2024)
Mô hình kinh tế di sản: Từ khái niệm đến thực tiễn và trường hợp Hạ Long “Khi trí tuệ con người muốn, không có gì là không thể làm được” (Leonardo da Vinci)  (05/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay