Khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh
1. Đặt vấn đề
Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trong những năm đầu thế kỉ XXI đã, đang làm thay đổi sâu sắc, cấp tiến cách chúng ta sống và làm việc. Công nghệ và số hóa sẽ cách mạng hóa mọi thứ. Việc khai thác sức mạnh của các công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong gia tăng sức mạnh quốc gia, là chìa khóa để mở cánh cửa thành công, giúp Việt Nam hiện thực hóa được các mục tiêu phát triển(1), bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, trở thành một quyết sách lớn: “… đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”(2).
Quảng Ninh là một tỉnh có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số thành công nhờ sở hữu nhiều di sản văn hóa đặc sắc - một lợi thế để Quảng Ninh phát triển kinh tế số, chuyển đổi sự phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Trong tiến trình phát triển của Quảng Ninh, việc đề cao môi trường tự nhiên, bảo đảm an ninh sinh thái, gắn kết hài hòa giữa nâng cao mức sống của người dân với bảo vệ môi trường tự nhiên, khai thác hiệu quả giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử có tầm quan trọng hàng đầu để Quảng Ninh phát triển bền vững, sớm hiện thức hóa được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là xây dựng “tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”(3). Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ tầm quan trọng trong việc khai thác sức mạnh của Trí tuệ nhân tạo (AI) - là công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư - nhằm phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế số.
2. Nội dung
2.1. Tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới và Việt Nam
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI đang tạo ra sự thay đổi thế giới một cách sâu sắc và mang tính hệ thống. Theo quan điểm của người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Klaus Schwab: “… công nghệ số và số hóa sẽ cách mạng hóa mọi thứ và biến câu khẩu ngữ hay bị lạm dụng và thường không chính xác “lần này mọi chuyện sẽ khác” thành ra phù hợp. Nói đơn giản, những sáng tạo lớn về công nghệ sắp thổi bùng những thay đổi lớn lao trên khắp thế giới - như một tất yếu khách quan”(4). Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ cốt lõi của CMCN lần thứ tư. AI có tầm quan trọng đặc biệt, được ví như việc phát minh ra động cơ hơi nước trong cuộc CMCN lần thứ nhất, điện trong CMCN lần thứ hai và máy tính điện tử trong CMCN lần thứ ba. Sunda Pichai - Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google (Mỹ) - tại sự kiện giới thiệu phần cứng mới của Google ở San Francisco (Mỹ) ngày 04 tháng 10 năm 2016, đã cho rằng: “AI là một trong những điều quan trọng nhất mà nhân loại đang hướng tới”(5). Còn nhà Vật lý nổi tiếng, Stephen Hawking, lại có quan điểm khác, khi ông coi AI có thể là “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nền văn minh của chúng ta”(6).
Thế giới vẫn đang trong nỗ lực tìm kiếm đâu là ứng dụng quan trọng nhất của AI. Liệu trợ lý ảo cá nhân có trở thành ứng dụng một công cụ lao động hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân? Làm thế nào để con người làm chủ được AI chứ không là nô lệ của AI?
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là “hệ thống các thiết bị kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí tuệ thông minh của con người”(7). So với các công nghệ mới khác như máy tính lượng tử, 5 G, internet vạn vật (IoT), công nghệ AI có đặc trưng là năng lực “tự học” của máy tính, do đó, nó có thể tự phán đoán, phân tích các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người; đồng thời, nó có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn, tốc độ cao. Hiện nay, mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng 2,2 tỷ Gb dữ liệu mới (tương đương 165. 000 tỷ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty, như Google, Twitter, Amazon, Baidu, Weibo, Tencent, Alibaba,… thu thập để tạo thành “dữ liệu lớn” (big Data)(8). Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đang cạnh tranh mạnh mẽ và quyết liệt về công nghệ AI không chỉ trong Chính trị, Kinh tế - Thương mại, Nghiên cứu và Phát triển mà còn cả trong Quốc phòng - An ninh. Về Chính trị, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc nằm trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc nói chung, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ nói riêng, thể hiện qua các chính sách, chiến lược và những phát biểu của lãnh đạo cấp cao hai nước này. Cựu Chủ tịch Tập đoàn Google Eric Schmitd đã đánh giá công nghệ AI và các công nghệ mới nổi khác đang là trọng tâm trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và vượt cả Mỹ về sức mạnh kinh tế và quân sự. Về Kinh tế - Thương mại - Đầu tư, cạnh tranh về công nghệ AI là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh về Kinh tế - Thương mại Mỹ - Trung. Từ năm 2019 đến nay, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt và đưa vào danh sách đen liên quan đến AI và các sản phẩm an ninh (ByteDance, SenseTime, Megvii…). Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ về đầu tư mới trong tiến trình phát triển AI (Trung Quốc chiếm 48% số lượng vốn đầu tư về phát triển AI toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 38%). Về Nghiên cứu - Phát triển, theo nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ), Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ về số lượng trích dẫn nghiên cứu học thuật liên quan đến công nghệ AI trong năm 2020, chiếm 20,7% tổng số nghiên cứu, cao hơn 19,8% so với Mỹ(10). Một nghiên cứu khác thì cho rằng: Việc áp dụng AI vào các hoạt động kinh tế mang lại nhiều tác động tích cực trong tương lai. Hãng tư vấn Merri Lynch (Mỹ) cho rằng, rô-bốt và AI sẽ giúp tạo ra giá trị tác động từ 14-33 nghìn tỷ USD/năm. Năm 2017, Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) dự đoán tự động hóa sẽ giúp tăng sản lượng tăng trưởng toàn cầu từ 0,8% - 1,4%/năm do các công nghệ AI, đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu(11). Liên quan đến cơ hội thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đầu tư, thu hút hợp tác, theo TS Nguyễn Việt Lâm thì “việc phát triển công nghệ AI được dự báo giúp GDP của Việt Nam tăng 109 tỷ USD vào năm 2030. Báo cáo Quỹ đầu tư toàn cầu về đổi mới, sáng tạo của Xin-ga-po (EDBI) và Hãng tư vấn Mỹ Kearny năm 2020 cho biết, AI có thể giúp tăng thêm 1 nghìn tỷ USD cho GDP của khu vực Đông Nam Á đến năm 2030 nếu các quốc gia trong khối này bắt kịp tốc độ áp dụng”(12).
Năm 2023, thị trường AI toàn cầu đã đạt 196 tỷ USD. Tăng trưởng hàng năm đạt 37,3%. Dự báo tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2023 - 2030 gấp 20 lần(13). Với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân, AI đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong những năm gần đây, nhờ sự bùng nổ của năng lực tính toán đủ để xử lý dữ liệu lớn mà AI, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo Tạo sinh (Generative AI) đã thực sự phát triển mạnh mẽ. Một thực tế là, AI đang chuyển đổi chính chúng ta. Chúng ta cần ứng dụng AI để chuyển đổi mình một cách chủ động và tích cực, cần biến AI thành một công cụ lao động có khả năng sáng tạo vô tận, tạo ra những giá trị chưa có trong tiền lệ. Theo nhận định của ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương, thì: thế giới đang ở giao lộ của sự thay đổi và tương lai của Việt Nam rất hứa hẹn khi chúng ta có khả năng nắm bắt rất tốt các cơ hội từ sự thay đổi đó… sau sự xuất hiện của máy tính để bàn (PC), điện thoại di động, mạng xã hội, điện toán đám mây… AI sẽ chính là làn sóng công nghệ tiếp theo, mang đến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ trong thập kỷ tới(14). Ông Marc Woo cũng cho rằng: có ba xu hướng ứng dụng AI trong thời gian tới là: Thứ nhất, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có một dữ liệu riêng, họ có thể dùng trí tuệ nhân tạo Tạo sinh (Generative AI) để tự xây dựng trợ lý ảo cho mình; Thứ hai, người dùng AI có thể huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn để phù hợp hơn; Thứ ba, xu hướng tích hợp AI vào các hệ thống, sản phẩm. Còn ông Kim Younghun, Giám đốc bộ phận mở rộng AI, Cục xúc tiến Công nghệ thông tin Quốc gia Hàn Quốc lại có quan điểm: điều cần làm là phải thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ AI. Việc giúp mọi người hiểu và biết cách sử dụng AI sẽ giúp loại bỏ rào cản đối với công nghệ này. Nếu không biết cách sử dụng, AI sẽ không thay thế công việc của con người. Nếu ai đó biết sử dụng AI, đó mới chính là người thay thế những người không biết sử dụng. Do vậy, mọi người cần tăng cường sự hiểu biết và khả năng ứng dụng AI để bảo đảm được chỗ đứng của mình trong xã hội(15).
Công nghệ AI được phát triển nhằm hướng tới ba mục tiêu theo ba cấp độ: 1- Xây dựng các khả năng suy nghĩ như con người (AI trình độ cao); 2- Xây dựng các hệ thống vận hành tự động nhưng chưa đạt được tới tư duy như con người (AI trình độ trung bình); 3- Ứng dụng một số tư duy của con người vào các dịch vụ, sản phẩm nhằm tăng giá trị của các dịch vụ, sản phẩm này (AI trình độ thấp)(16). Trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, hiện công nghệ AI hiện mới chủ yếu dừng ở cấp độ thứ ba, thể hiện qua việc ứng dụng về trợ lý ảo, dịch vụ trực tuyến, ứng dụng vào sản xuất, quảng cáo… Sự phát triển của công nghệ AI ngày càng được công nhận rộng rãi như một biểu hiện của sức mạnh toàn diện của mỗi quốc gia, thông qua năng lực thực hiện đổi mới và sáng tạo, có liên quan chặt chẽ đến thứ hạng và trình độ phát triển của các quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp đến xác lập vị thế bá chủ của từng cường quốc trên thế giới. Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam mà Google tiến hành, thì dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD). Trong đó, AI được nhận định sẽ đóng góp lớn vào các lĩnh vực của nền kinh tế số(17).
Kể từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp đã và đang dành sự quan tâm ngày càng lớn nhằm nhận diện tầm quan trọng của công nghệ AI trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới. Từ năm 2014, AI đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên phát triển của Việt Nam. Để tạo lập hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của công nghệ số, biến nó thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn hơn cho đất nước, Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo để trình lên Chính phủ và Quốc hội. Văn bản quy phạm pháp luật này được soạn thảo nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập khi thi hành quy định về công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ Thông tin và hướng tới đề xuất chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển, hạn chế những rủi ro nếu có hoạt động trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số(18). Tháng 01 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạođến năm 2030; đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm danh sách bốn nước dẫn đầu trong Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI(19); xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực. Trên thực tế, tại Việt Nam, AI đã được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử, nhất là trong hệ thống truy vết dịch bệnh COVID-19 phục vụ đắc lực Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Từ năm 2017 đến năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thường niên ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam nhằm thúc đẩy hệ sinh thái AI phát triển và ứng dụng nhanh hơn AI vào các lĩnh vực của đời sống của đất nước. Phát biểu tại sự kiện tổ chức ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, chiều ngày 23 tháng 8 năm 2024, sau khi hoan nghênh một số tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm AI dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã khẳng định: Việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạophải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này… và đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, đầu tư, phát triển, cung cấp sản phẩm trí tuệ nhân tạođể phục vụ đời sống(20). Việc phát triển của công nghệ AI tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đưa đến không ít thách thức trong quản lý, quản trị nó đối với Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Vấn đề đạo đức và phát triển trí tuệ nhân tạocó trách nhiệm đã và đang thu hút được sự quan tâm của các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Công nghệ AI đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ sử dụng công nghệ AI.
Tại lễ công bố chiến lược chuyển đổi AI của Tập đoàn Công nghệ CMC với chủ đề “Enable Your AI-X”, ngày 11-9-2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “Công nghệ số là các công nghệ chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ chủ chốt của công nghệ số chính là AI… Để thúc đẩy nhanh sự phát triển AI tại Việt Nam chúng ta hãy sử dụng dữ liệu của chính tổ chức của mình, của cá nhân mình để phát triển các ứng dụng AI. Công nghệ AI làm trợ lý cho con người thay vì vượt lên trên con người. AI dù có thông tin nhiều hơn, thông minh hơn, nhiều kiến thức hơn nhưng cũng chỉ để giúp con người ra quyết định và làm việc của mình tốt hơn”(21). Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “…Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo phát triển ứng dụng AI là trợ lý ảo. Trợ lý ảo mà Việt Nam đang xây dựng có thể là ứng dụng quan trọng nhất của AI. Hiện nay, toàn cầu vẫn chưa tìm ra ứng dụng AI là gì. Nếu không tìm ra ứng dụng chính thì AI sẽ trở thành bong bóng….Trong phát triển các ứng dụng AI, dùng AI để phát triển đất nước, từ đó làm chủ và phát triển công nghệ AI, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp AI, phải nhận lấy sứ mệnh dùng chuyển đổi AI để thay đổi Việt Nam. Đầu tiên là chuyển đổi AI chính doanh nghiệp của mình trước. Rồi sau đấy mới chuyển đổi AI các tổ chức khác, các lĩnh vực khác. Chuyển đổi AI cả một đất nước thì phải cần đến hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp đầu đàn về AI như CMC phải tạo ra hệ sinh thái này, vì chuyển đổi AI là chuyển đổi cho hàng triệu doanh nghiệp, hàng trăm ngàn hợp tác xã, tổ hợp tác, 5 triệu hộ kinh doanh, 27 triệu hộ gia đình, 44.000 trường học, và còn là cho 100 triệu cá nhân”(22). Tại sự kiện này, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, Chủ tịch của công ty công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng: AI đã tác động đến mọi mặt của cuộc sống, từ kinh tế, xã hội đến chính trị, từ chính phủ đến doanh nghiệp và người dân. Còn Giám đốc chiến lược của CMC Đặng Tùng Sơn thì khẳng định: sự phát triển của AI dẫn tới chuyển đổi đột phá cho mọi ngành nghề, xã hội và đời sống. CMC tiên phong ứng dụng và chuyển đổi AI vào nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho người dân, tổ chức và Chính phủ. Phát triển hệ sinh thái mở AI, dựa trên các sản phẩm dịch vụ con người AI Made by CMC, đồng thời phối hợp cùng các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, mang đến sản phẩm và giải pháp ứng dụng công nghệ AI tiên tiến, ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành khác nhau, làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành và trải nghiệm. Công nghệ AI là một lĩnh vực phù hợp với năng lực của người Việt Nam và CMC, đây cũng là trọng tâm mà CMC sẽ tập trung trong thời gian tới(23).
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tuần lễ số quốc tế 2024 (VIDW-2024) từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại thành phố Hạ Long. Chủ đề chính của VIDW-2024 là trợ lý ảo (trợ lý ảo cá nhân và trợ lý ảo dùng riêng) được hỗ trợ bởi AI. Tại sự kiện rất có ý nghĩa này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: AI là trợ lý cho con người. AI không thay thế con người. AI mà giúp việc cho con người, AI tăng thêm sức mạnh cho con người. Việt Nam coi mã nguồn mở AI là cách để phát triển AI một cách bền vững. Mã nguồn mở tạo ra sự tin tưởng. Mã nguồn mở tạo ra sự phát triển toàn cầu thay vì độc quyền công nghệ(24).
Những năm gần đây, nhờ triển khai mạnh mẽ các chính sách cụ thể về công nghệ AI nên trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có một vị trí ngày càng quan trọng về AI. Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ và tài năng. Nhờ tăng tỷ lệ số lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công nghệ thông tin, Việt Nam có cơ sở để có thể đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực AI. Với việc phổ cập internet và điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là thị trường màu mỡ và tiềm năng của sản phẩm và ứng dụng AI. Trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD vào các startup công nghệ. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã đạt mức độ tương đương Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a. Theo đánh giá của Tiến sĩ Vũ Duy Thức - người lấy bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạotại Đại học Stanford (Mỹ), nhà sáng lập OhmniLabs - thì Việt Nam có lợi thế lớn về con người, nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Bởi theo ông, ở các tập đoàn lớn trên thế giới đều đang có người Việt nắm giữ các vị trí quan trọng(25).
Có thể thấy, công nghệ AI có tầm quan trọng đặc biệt trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Thực tế đó chỉ ra rằng, Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung muốn bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, muốn phát triển nhanh và bền vững thì không thể không khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI).
2.2. Sự cần thiết phải khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có thể khai thác để phát triển công nghiệp văn hóa. Quảng Ninh ngày nay có trên 6.000 km2 diện tích mặt nước biển. Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo, có trên 2.700 hòn đảo lớn nhỏ, chiếm hơn 2/3 số đảo của cả nước (2.077/2.779), hơn 40.000 ha bãi triều và 20.000 ha eo vịnh, trải dài theo đường biển hơn 250 km. Đặc biệt, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới; có nhiều bãi biển đẹp như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn), Trà Cổ (Móng Cái) và các vườn quốc gia, khu bảo tồn như Ba Mùn, Bái Tử Long và Cô Tô. Một lợi thế lớn của Quảng Ninh là có nguồn tài nguyên tự nhiên đặc sắc vào bậc nhất Việt Nam, đó là Vịnh Hạ Long (hai lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc - UNESCO - công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới); quần thể Vịnh Bái Tử Long gồm khoảng 600 hòn đảo đất và đảo đá. Có thể khẳng định: “những tiềm năng khác biệt này tạo cho Quảng Ninh có điều kiện để phát triển du lịch, hướng đến phát triển dịch vụ văn hóa - giải trí”(26). Không chỉ có các di sản thiên nhiên kỳ thú tầm cỡ thế giới như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh còn là “một vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”(27). Thành tựu của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2024 cho thấy, Du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế theo hướng xanh, mà còn là minh chứng về tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch biển của Quảng Ninh hiện tại và mai sau. Theo ước tính của tỉnh, năm 2024, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt khoảng 19 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023(28).
Trong bối cảnh AI đang đem lại những lợi thế lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc; còn ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành và triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và đang đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thì tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh hơn việc triển khai những chính sách cụ thể, có tính đột phá, nhằm khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạotrong phát huy tốt hơn giá trị của các di sản văn hóa.
Để phát triển công nghệ AI và ứng dụng có hiệu quả sức mạnh của AI trong khai thác những giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử tỉnh Quảng Ninh trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa thời gian tới, theo tác giả bài viết, Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung cần coi trọng hơn và đẩy nhanh hơn việc xây dựng dữ liệu về các di sản văn hóa, lịch sử. Dữ liệu chính là nguồn “tài liêu thô”, là đầu vào để các thuật toán của công nghệ AI xử lý, biến thành sản phẩm là các dịch vụ du lịch sinh động, tiện lợi trong kỷ nguyên số, khi mà điện thoại thông minh, mạng internet tốc độ cao, dữ liệu lớn (big Data) đã và đang có tốc độ ngày càng nhanh, năng lực lưu trữ lớn hơn. Không chỉ có vậy, Quảng Ninh cũng cần xây dựng dữ liệu về hệ giá trị của Quảng Ninh (cụ thể là: “tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác”(29). Điều quan trọng là cần biến hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh thành nguồn lực phát triển sao cho hiệu quả nhất, để đem lại nguồn lợi kinh tế cao nhất, đồng thời góp phần quảng bá cốt cách và bản sắc của các cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn Quảng Ninh trong hiện tại và tương lai. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện được hệ giá trị của tỉnh khi quan niệm rằng: Về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo, “hệ đường ray” để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển của tỉnh.
3. Kiến nghị
Để khai thác tối đa sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh, theo quan điểm của tác giả bài viết, Quảng Ninh nên triển khai sớm một số đề xuất sau:
Thứ nhất, cần coi xây dựng “dữ liệu đầu vào” để tạo nguồn “nguyên liệu thô” cho các công nghệ AI xử lý là nhiệm vụ trung tâm trong hoạt động của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp Quảng Ninh.
Thứ hai, cần xác định chiến lược Chuyển đổi AI không chỉ là bước đi đột phá mới của doanh nghiệp, mà còn là một cơ hội lớn để Quảng Ninh bứt phá trong tiến trình phát triển. Vì thế, bộ máy chính quyền các cấp nên đồng hành chặt chẽ hơn, gắn kết hơn nữa với doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi AI.
Thứ ba, Quảng Ninh cần sớm có kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực về AI phục vụ các công tác đặc thù trong từng lĩnh vực (kinh tế, xã hội, quan hệ đối ngoại…), bởi lẽ, nếu không có nguồn nhân lực AI đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thì tỉnh rất khó hiện thực hóa được các mục tiêu phát triển nền kinh tế số. Trường Đại học Hạ Long cần đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề có liên quan đến AI, từng bước đạt chuẩn quốc gia/khu vực/quốc tế. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần tăng cường hơn hoạt động hợp tác, thông qua cơ chế đặt hàng với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín, các tập đoàn công nghệ nổi tiếng trong nước và ngoài nước (FPT, Viettel, VNPT, Bkav, CMC…) trong xây dựng dữ liệu về hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh, đào tạo nguồn nhân lực AI, chuyển giao công nghệ AI... từng bước hình thành hệ sinh thái AI mang bản sắc của Quảng Ninh.
Thứ tư, Quảng Ninh cần ban hành những chính sách ưu đãi cụ thể để đón các “Đại bàng về AI” đến đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp AI của Việt Nam và quốc tế khi hoạt động tại địa phương.
Thứ năm, để phát huy được tiềm năng và thế mạnh về du lịch biển của Quảng Ninh, trước mắt, Quảng Ninh có thể ưu tiên, tập trung nguồn lực và nhân lực nhằm tạo lập các ứng dụng AI trong phát triển Du lịch. Dữ liệu về OCOP - những sản vật mang nặng các giá trị văn hóa Quảng Ninh - cần phong phú, đa dạng hơn, kết nối chặt chẽ với hoạt động du lịch biển, du lịch văn hóa.
Thứ sáu, Quảng Ninh cần tạo lập cơ chế, xây dựng những chính sách có tính khả thi về phát triển, ứng dụng các công nghệ AI, biến Quảng Ninh thành một trong những trung tâm mạnh, điểm sáng về phát triển kinh tế số, một ví dụ tiêu biểu của cả nước về phát huy sức mạnh của AI nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh, có liên quan đến di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ bảy, xây dựng các thành phố của Quảng Ninh thực sự trở thành các thành phố thông minh (smart city), mà nơi đó, không chỉ có các cấp chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức mà từng người dân cần sẵn sàng trở thành tổ chức/doanh nghiệp thông minh, công dân số thông thái. Quảng Ninh cần đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ AI, trước mắt là AI trình độ thấp. Việc giúp mỗi người dân hiểu biết về AI, biết cách sử dụng AI sẽ giúp loại bỏ nhanh rào cản đối với công nghệ này.
Thứ tám, AI có thể đóng góp vào việc làm tăng tốc độ chia sẻ thông tin nhanh chóng, là lợi thế lớn, song cũng kèm theo nhiều bất lợi (tin giả, thông tin sai lệch, độc hại, tấn công mạng, lỗ hổng bảo mật thông tin… Công nghệ AI có thể giúp tạo ra một khối lượng thông tin ảo, phổ biến rộng rãi với tốc độ cao, quy mô lớn trên mạng xã hội, từ đó có thể gây ra sự bất ổn, hoang mang trong xã hội. Vì vậy, để bảo đảm cho các công nghệ AI phát triển lành mạnh, an toàn, Quảng Ninh cần coi trọng công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ tốt dữ liệu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp./.
-----------------------
(1). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 326 - 327)
(2). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 329
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, t. 15, tr. 516
(4). Klaus Schwab, CMCN 4.0, Nxb. Thế giới, 2020, tr. 24
(5). Beck Diefenbach, Reuter: “Google CEO Sundar Pichai takes the stage during the presentation of new Google hardware in San Francisco on Oct. 4, 2016” (Nguồn: https://www.cnbc.com/2018/02/01/google-ceo-sundar-pichai-ai-is-more-important-than-fire-electricity.html, truy cập lúc 9:12 AM ngày 01 tháng 12 năm 2024)
(6). Xem thêm: Beck Diefenbach, Reuter: “Google CEO Sundar Pichai takes the stage during the presentation of new Google hardware in San Francisco on Oct. 4, 2016” (Nguồn: https://www.cnbc.com/2018/02/01/google-ceo-sundar-pichai-ai-is-more-important-than-fire-electricity.html, truy cập lúc 9:12 AM ngày 01 tháng 12 năm 2024).
(7). Dẫn theo: TS Nguyễn Việt Lâm, “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ( Nguồn: Nguồn: Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn) truy cập lúc 7:57 ngày 17 tháng 12 năm 2023)
(8). Dẫn theo: TS Nguyễn Việt Lâm, “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ( Nguồn: Nguồn: Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn) truy cập lúc 7:57 ngày 17 tháng 12 năm 2023)
(9). Dẫn theo: TS Nguyễn Việt Lâm, “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ( Nguồn: Nguồn: Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn) truy cập lúc 7:57 ngày 17 tháng 12 năm 2023)
(10). Dẫn theo: TS Nguyễn Việt Lâm, “Tác động của trí tuệ nhân tạotrong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam”, đăng trong Tạp chí Cộng sản điện tử (Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/821708/tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-trong-quan-he-quoc-te--co-hoi%2C-thach-thuc-va-de-xuat-chinh-sach-tham-chieu-doi-voi-viet-nam.aspx#, truy cập lúc 3:52PM ngày 01 tháng 12 năm 2024)
(11). TS Nguyễn Việt Lâm, “Tác động của trí tuệ nhân tạotrong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam”, đăng trong Tạp chí Cộng sản điện tử (Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/821708/tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-trong-quan-he-quoc-te--co-hoi%2C-thach-thuc-va-de-xuat-chinh-sach-tham-chieu-doi-voi-viet-nam.aspx#, truy cập lúc 3:52PM ngày 01 tháng 12 năm 2024)
(12). Dẫn theo: Trọng Đạt: “Việt Nam phát triển AI lấy lợi ích quốc gia, xã hội, người dân làm trung tâm” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/viet-nam-phat-trien-ai-lay-loi-ich-quoc-gia-xa-hoi-nguoi-dan-lam-trung-tam-2314977.html, truy cập lúc 15:54 ngày 29/11/2024)
(13). Dẫn theo: Trọng Đạt: “Việt Nam phát triển AI lấy lợi ích quốc gia, xã hội, người dân làm trung tâm” (https://vietnamnet.vn/viet-nam-phat-trien-ai-lay-loi-ich-quoc-gia-xa-hoi-nguoi-dan-lam-trung-tam-2314977.html, truy cập lúc 15:54 ngày 29/11/2024)
(14). Dẫn theo: Trọng Đạt: “Việt Nam phát triển AI lấy lợi ích quốc gia, xã hội, người dân làm trung tâm” (https://vietnamnet.vn/viet-nam-phat-trien-ai-lay-loi-ich-quoc-gia-xa-hoi-nguoi-dan-lam-trung-tam-2314977.html, truy cập lúc 15:54 ngày 29/11/2024)
(15). Dẫn theo: TS Nguyễn Việt Lâm, “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ( Nguồn: Nguồn: Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn) truy cập lúc 7:57 ngày 17 tháng 12 năm 2023)
(16). Dẫn theo: Trọng Đạt: “Vị thế đặc biệt của Việt Nam trên bản đồ trí tuệ toàn cầu” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/vi-the-dac-biet-cua-viet-nam-tren-ban-do-tri-tue-nhan-tao-toan-cau-2313368.html, truy cập lúc 15:56 ngày 29/11/2024)
(17). Dẫn theo Trọng Đạt: “Sẽ có chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/lay-y-kien-hoan-thien-du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-2311045.html, truy cập lúc 15:58 ngày 29/11/2024)
(18). Dẫn theo: TS Nguyễn Việt Lâm, “Tác động của trí tuệ nhân tạotrong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam”, đăng trong Tạp chí Cộng sản điện tử (Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/821708/tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-trong-quan-he-quoc-te--co-hoi%2C-thach-thuc-va-de-xuat-chinh-sach-tham-chieu-doi-voi-viet-nam.aspx#, truy cập lúc 3:52PM ngày 01 tháng 12 năm 2024)
(19). Dẫn theo: Trọng Đạt: “Việt Nam phát triển AI lấy lợi ích quốc gia, xã hội, người dân làm trung tâm” (https://vietnamnet.vn/viet-nam-phat-trien-ai-lay-loi-ich-quoc-gia-xa-hoi-nguoi-dan-lam-trung-tam-2314977.html, truy cập lúc 15:54 ngày 29/11/2024).
(20). Dẫn theo: Thái Khang: “Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ chủ chốt của công nghệ số chính là AI” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-cong-nghe-chu-chot-cua-cong-nghe-so-chinh-la-ai-2321074.html, truy cập lúc 17:50 ngày 29/11/2024)
(21). Thái Khang: “Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ chủ chốt của công nghệ số chính là AI” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/ai-se-khong-thay-the-con-nguoi-ma-trao-them-quyen-nang-cho-con-nguoi-2343472.html, truy cập lúc 15:40 ngày 29/11/2024).
(22). Thái Khang: “Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ chủ chốt của công nghệ số chính là AI” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-cong-nghe-chu-chot-cua-cong-nghe-so-chinh-la-ai-2321074.html, truy cập lúc 17:50 ngày 29/11/2024)
(23). Nguồn: https://vietnamnet.vn/ai-se-khong-thay-the-con-nguoi-ma-trao-them-quyen-nang-cho-con-nguoi-2343472.html, truy cập lúc 15:40 ngày 29/11/2024
(24). Dẫn theo: Trọng Đạt: “Vị thế đặc biệt của Việt Nam trên bản đồ trí tuệ nhân tạotoàn cầu” (Nguồn: https://vietnamnet.vn/vi-the-dac-biet-cua-viet-nam-tren-ban-do-tri-tue-nhan-tao-toan-cau-2313368.html, truy cập lúc 15:56 ngày 29/11/2024)
(25). PGS. TS Đào Tuấn Thành (Chủ biên), Khánh Hòa hội nhập quốc tế, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2022, tra. 66
(26). Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Quảng Ninh (2023), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Quảng Ninh, tr. 12
(27). Thu Nguyệt, Khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch biển (Nguồn: https://dulich.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=4699, truy cập lúc 5:44 PM ngày 01 tháng 12 năm 2024
(28). Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Quảng Ninh (2023), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Quảng Ninh, tr. 8-9
(29). Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Quảng Ninh (2023), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Quảng Ninh, tr. 9
Nhận thức về kinh tế di sản và thực trạng ở Việt Nam  (05/12/2024)
Mô hình kinh tế di sản: Từ khái niệm đến thực tiễn và trường hợp Hạ Long “Khi trí tuệ con người muốn, không có gì là không thể làm được” (Leonardo da Vinci)  (05/12/2024)
Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Truyền thông thương hiệu - Trợ lực cho phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay