Di sản Phật giáo - tài nguyên văn hóa độc đáo của tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh, địa phương được ví như là hình ảnh của một nước Việt Nam thu nhỏ, hội tụ cả sông, núi, biển, đảo, đồng bằng, trung du… theo nhận xét của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã và đang là một điểm sáng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Với riêng Phật giáo, Quảng Ninh là nơi phát tích của dòng thiền Trúc Lâm trên Yên Tử - “Dẫu ai quyết chí tu hành / Có về Yên Tử mới đành lòng tu”. Ngoài dấu ấn của Yên Tử, trên bản đồ Phật giáo vùng đất mỏ còn có hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh là những ngôi chùa như Lôi Âm, Long Tiên, Cái Bầu…

Thực tiễn cho thấy, Quảng Ninh không phải là địa phương duy nhất ở Việt Nam khai thác và phát triển tài nguyên di sản Phật giáo. Các ngôi chùa ở Quảng Ninh cũng không phải là những ngôi chùa cổ nhất, lâu đời nhất hay kì vĩ nhất. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tác giả, Phật giáo nói chung và các hạng mục di sản chùa Phật giáo ở Quảng Ninh khẳng định được trên bản đồ du lịch, kinh tế di sản có thể bởi những nguyên nhân sau:

Trước tiên, nhờ vào lợi thế địa hình tự nhiên của Quảng Ninh “tựa sơn, hướng bể”. Phong cảnh luôn là một trong số những dấu ấn nổi bật của các ngôi chùa, nhất là những ngôi chùa có sự thu hút lớn đối với du khách thập phương. Các ngôi chùa Phật giáo ở Quảng Ninh, đặc biệt là các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thường nằm trong 2 nhóm, một là những ngôi chùa nằm trên núi như hạt nhân nằm trong tổng thể hệ sinh thái nguyên sơ, bao la, rộng lớn; hai là những ngôi chùa nằm ven biển, nơi du khách vừa tham quan, vừa có thể nghe tiếng sóng biển, phóng tầm mắt ra bờ đại dương, ra vịnh Hạ Long huyền ảo. Nếu đã một lần đặt chân đến Yên Tử, mà cụ thể hơn là đã từng leo hàng ngàn bậc thang từ chân núi lên đỉnh chùa Đồng, đi qua đường Tùng, đường Trúc; ngắm nhìn những ngôi chùa nhỏ cổ kính, cùng các vị thiền sư tĩnh lặng nơi mây trời, bạn sẽ cảm nhận rõ linh khí của vùng đất “phên dậu” phía đông bắc Tổ quốc này.

- Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm, cộng thêm sự nhạy bén để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch di sản rất lớn. Từ năm 2013, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, khẳng định: Phát triển du lịch dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản và lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá… Tạo bước phát triển nhanh, rõ nét về du lịch nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế các di sản, trong đó có di sản Phật giáo nổi bật là Yên Tử. Tỉnh đã bố trí nhiều khoản đầu tư lớn để tu bổ “xanh, sạch, đẹp”, sửa sang, đồng bộ điện, đường, cáp tại các danh thắng chùa Phật giáo. Một điểm nổi bật, đáng chú ý là trong khoảng thời gian dịch Covid-19 tác động đến cả nước, tận dụng thời gian này, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, nhằm tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đặc trưng cho Quảng Ninh khi hoạt động du lịch sôi động trở lại. Di sản văn hóa Phật giáo không chỉ là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại mà còn là nút buộc tạo điều kiện để các địa phương đoàn kết, đồng tâm với nhau trong phát triển kinh tế. Với danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang cùng kết nối để khai thác “kho báu” di sản này.

Phát triển kinh tế, du lịch các địa điểm Phật giáo tại Quảng Ninh còn nằm trong tổng thể định hướng đa dạng và đồng bộ, kết nối và thu hút du khách đến với địa phương tham quan “biển đảo hùng vĩ, trải nghiệm tâm linh, nghỉ dưỡng cao cấp”, luôn tôn trọng yếu tố tự nhiên và bản sắc văn hóa đất mỏ. Một điểm cộng khác của du lịch Quảng Ninh nói chung và kinh tế di sản Phật giáo nói riêng, đó chính là việc địa phương đã rất chú trọng hoàn thiện hệ thống đường giao thông chiến lược với đủ các loại hình (đường bộ, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế…). Quản lý nhà nước về phát triển kinh tế di sản, nhất là di sản Phật giáo cũng là nội dung được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên; thanh tra, kiểm tra đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; quản lý cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch; quản lý lữ hành và vận chuyển khách du lịch; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch được tăng cường… Quản lý du lịch hiện đại, hiệu quả giúp cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, du khách an tâm nghỉ dưỡng, địa phương an tâm “tăng trưởng”.

- Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Phát triển kinh tế nói chung và kinh tế di sản Phật giáo nói riêng luôn phải có sự đóng góp, hỗ trợ, chung sức của các doanh nghiệp. Có thể nói, doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp thông qua các mô hình, phương thức giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, di sản Phật giáo Quảng Ninh đến với du khách khắp trong và ngoài nước. Với lợi ích là địa phương có nhiều tài nguyên du lịch và đặc biệt là có kinh nghiệm khai thác sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, như Khu Du lịch Quốc tế, Sân Golf Tuần Châu; Khu Nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu nghỉ dưỡng Khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng, sân Golf FLC Hạ Long... Các sản phẩm đặc sắc này được xây dựng rất tâm huyết, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm phát triển kinh tế, du lịch khai thác từ điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên của địa phương. Khi trực tiếp khám phá sản phẩm du lịch di sản Phật giáo của tỉnh Quảng Ninh, chúng ta có thể nhận thấy sự đầu tư nghiêm túc, tỉ mỉ, cẩn trọng và không thiếu sự quyết tâm khẳng định giá trị trên bản đồ du lịch đất nước và quốc tế. Chẳng hạn như tại Legacy Yên Tử, doanh nghiệp đã mời kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng với các khu nhà được xây từ chất liệu truyền thống, phối màu và không gian đậm chất văn hóa Việt Nam; những trải nghiệm được sáng tạo, đầu tư kỹ lưỡng nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu giải trí về cả sức khỏe thể chất và tinh thần của du khách. Khu du lịch này nằm ngay trong trung tâm khu di tích, là một mô hình đã khẳng định được tên tuổi và thương hiệu, có thể nhân rộng ở một số địa phương; vừa trải nghiệm dịch vụ lưu trú, sản phẩm tâm linh và nghỉ dưỡng. Cũng nhờ có các doanh nghiệp, một lượng lao động tại chỗ của địa phương có thể trực tiếp tham gia vào quá trình làm giàu trên chính quê hương mình; hiểu và lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa đối với khách du lịch. Có thể nói, đồng hành cùng chính quyền tỉnh Quảng Ninh thì doanh nghiệp có vai trò trợ lực rất lớn để khai thác hiệu quả các giá trị kinh tế di sản Phật giáo.

- Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh: là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển di sản Phật giáo. Tại Quảng Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có nhiều đóng góp khôi phục Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, viết nên truyền thống yêu nước, đạo pháp gắn bó với dân tộc. Không chỉ có Yên Tử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cũng có đóng góp trong việc trùng tu đền chùa ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo như đền - chùa Xã Tắc (Móng Cái), đền - chùa Hải Hà đã được xây dựng. Công an tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành ký quy chế phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Người dân Quảng Ninh cũng là thành tố góp phần giúp địa phương khẳng định được sự thành công trong phát triển kinh tế di sản Phật giáo. Trước đây, Đại Nam Nhất thống chí(1), phần tỉnh Quảng Yên nói về phong tục chỉ vắn tắt về người Quảng Yên (gồm cả Quảng Ninh ngày nay), rằng: “Tục ưa mạnh tợn..., dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển”. Tính cách ưa mạnh tợn này có lẽ xuất phát từ chính điều kiện sinh sống của người dân nơi đây, là đặc trưng chung của người dân miền biển hoặc vùng sơn cước. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ XX trở lại đây, có nhiều người đến sinh sống và làm việc “phu mỏ” nên đã kéo theo nhiều nền văn hóa và đặc trưng riêng hòa chung với văn hóa Quảng Ninh. Hiện nay, nhắc đến Quảng Ninh nói chung và con người Quảng Ninh nói riêng, tinh thần “kỷ luật, đồng tâm” của những người thợ mỏ xưa đã hình thành nên chân giá trị đối với con người Quảng Ninh hiện đại. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân Quảng Ninh đã xây dựng những quy tắc và thực hiện ứng xử văn minh trong du lịch. Thực tiễn cho thấy, những người dân địa phương nơi đây làm du lịch cơ bản bảo đảm sự nhân văn, nghĩa tình, góp phần hạn chế tạo ra các điểm “nóng” về du lịch trong việc tiếp đón, phục vụ khách hàng.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024 (tức là cao điểm du xuân đối với các du khách đi du lịch các địa điểm Phật giáo), Khu di tích và danh thắng Yên Tử đã đón 458.649 lượt du khách trong và ngoài nước. Doanh thu vé tham quan Yên Tử đạt trên 14,585 tỷ đồng(2). Các địa điểm du lịch di sản Phật giáo khác tại các ngôi chùa ở tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên thu hút rất đông du khách, phật tử đến tham quan, chiêm bái, đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Không chỉ đóng góp về kinh tế, di sản Phật giáo còn góp phần giúp cho hình ảnh du lịch nói chung của tỉnh Quảng Ninh định hình trên bản đồ du lịch toàn quốc; là điều kiện để tạo lập nguồn thu nhập chính đáng cho người dân trên chính quê hương.

Thống kê trên địa bàn tỉnh năm 2023 có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng đã được xếp loại, hạng, trong đó có 108 khách sạn hạng 3-5 sao và quy mô tương đương với 13.016 phòng; 14 khách sạn 5 sao với 5.016 phòng; 25 khách sạn và căn hộ du lịch 4 sao, 3.346 phòng; 152 tàu thủy lưu trú du lịch 1.905 phòng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch kết hợp tâm linh tại Quảng Ninh không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn về chất lượng. Với lợi thế tài nguyên thiên nhiên nổi trội, đa dạng và đặc sắc, Quảng Ninh còn thu hút được các nhà đầu tư khách sạn cao cấp như Accor với Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, trong đó có khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery. Nhờ có phát triển du lịch di sản Phật giáo cũng như các di sản trên địa bàn, hạ tầng du lịch của Quảng Ninh ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dễ dàng của khách du lịch quốc tế như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách Ao Tiên, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đó có thể coi là dấu ấn nổi bật, sự cộng hưởng, gắn kết giữa phát triển kinh tế di sản Phật giáo với tổng thể phát triển chung của địa phương.

Thành tựu và lợi thế để phát triển kinh tế di sản Phật giáo tại Quảng Ninh như đã phân tích ở trên là rất đáng ghi nhận, thậm chí là nổi bật so với phát triển du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, phát triển kinh tế di sản Phật giáo có những đặc thù riêng, và bản thân khách du lịch trong tương lai cũng có những yêu cầu, mong muốn cao hơn; những trải nghiệm phải vừa bảo đảm giá trị, vừa cải tiến, đổi mới để thu hút khách du lịch. Rất nhiều di sản, danh thắng nổi tiếng dần mai một theo thời gian, không phải vì sức hút vẻ đẹp thiên nhiên giảm đi mà chính do quá trình khai thác quá mức dẫn đến phá hỏng di sản.

Một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả, giá trị đóng góp của Phật giáo vào quá trình phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới

Thành tựu phát triển kinh tế di sản Phật giáo của tỉnh Quảng Ninh là rất đáng ghi nhận, tuy vậy, trong bối cảnh mới có nhiều biến động, các sản phẩm, loại hình du lịch cũng như thị hiếu của du khách có sự thay đổi, vì vậy, địa phương cần phải có những giải pháp phù hợp để vừa phát huy kết quả tích cực, vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua.

Thứ nhất, để không bị động trước sự phát triển, tỉnh Quảng Ninh cần có những nghiên cứu và đưa ra được dự báo về xu hướng phát triển kinh tế di sản Phật giáo trên bình diện nhiều yếu tố, từ du lịch, giao thông đến môi trường. Tạo sự kết nối giữa các địa phương trong phát triển kinh tế di sản, nhưng đồng thời cũng phải cho các địa phương, các cộng đồng chủ động phát triển kinh tế di sản dựa vào đặc trưng văn hóa của mình, nhất là những đặc trưng về các ngôi chùa Phật giáo. Đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu và nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các địa điểm Phật giáo để thu hút khách du lịch, phật tử nước ngoài; lấy đó là mục tiêu, xu hướng mới cần phải đi trước, đón đầu. Hình thành chuỗi kết nối di sản, đưa Yên Tử định hình trên bản đồ di sản Phật giáo thế giới; ở Việt Nam thì tạo lập tour kết nối di sản phối hợp với các điểm chùa nổi tiếng như Chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Thứ hai, thiết kế thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng. Hầu hết các ngôi chùa nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt tại các địa điểm du lịch lớn của Thái Lan, Nhật Bản đều rất uy nghiêm. Sự uy nghiêm đó xuất phát từ tín ngưỡng tôn giáo cũng như truyền thống văn hóa. Tuy vậy, tính uy nghiêm nhưng không hề cứng nhắc, khiến cho du khách cảm thấy những di sản Phật giáo này thực sự là biểu tượng của vùng đất, địa phương đó. Những sản phẩm du lịch di sản Phật giáo của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai, có thể sẽ đi vào chiều sâu hơn là chiều rộng, tức là cần tạo tác được bản sắc. Ví dụ, đến thăm những chính điện lớn thì cần phải rửa tay, không dùng điện thoại quay chụp hay ăn mặc phản cảm. Thiết kế các sản phẩm du lịch mới như mô hình phim, kính chiếu 3D để du khách khám phá, trải nghiệm di tích bằng công nghệ; bên cạnh việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên là con người thực tế, cần tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng các hướng dẫn viên du lịch thông minh, giúp du khách hiểu thêm về di tích nhưng thật cơ động khi di chuyển, chi phí hợp lý; đưa những hình ảnh về di sản Phật giáo Quảng Ninh vào các chương trình truyền hình, khám phá, phim quốc tế để lan tỏa ra thế giới… Tuyên truyền, tổ chức các chương trình thực tế, phát hành ấn phẩm, sách báo, tiểu thuyết về Phật giáo gắn liền với các di sản phật giáo tại Quảng Ninh để mở rộng thêm tệp khách hàng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, phát huy tinh thần kỷ luật, đồng tâm, nhất định thắng lợi trong phát triển kinh tế di sản Phật giáo. Con người là gốc của mọi việc; đối với phát triển kinh tế di sản Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, con người vừa là chủ thể khai thác, vừa là chủ thể chịu tác động trực tiếp. Do vậy, muốn phát triển du lịch di sản một cách tầm cỡ và hiệu quả hơn, người dân Quảng Ninh phải thực sự nâng tầm với tinh thần kỷ luật, đồng tâm hơn nữa.

Tính kỷ luật phải được thể hiện từ tư duy và hành động của chính quyền, người dân, doanh nghiệp, Giáo hội Phật giáo tỉnh trong việc bảo tồn giá trị văn hóa di sản Phật giáo; không để lợi ích kinh tế phá hủy di sản. Kiên quyết xử lý, chấm dứt các hành vi làm xấu đi hình ảnh du lịch di sản Phật giáo. Quyết tâm nâng cao chất lượng phục vụ du khách, lấy du khách là trung tâm của du lịch di sản Phật giáo. Kỷ luật, trách nhiệm hơn nữa trong việc khôi phục, trùng tu di sản Phật giáo; nâng cao sản phẩm du lịch với chất lượng vươn tầm thế giới, hướng nhiều hơn đến phân khúc khách hàng có thu nhập cao ở trong và ngoài nước.

Thứ tư, với lợi thế có cửa khẩu, tỉnh cần phối hợp với các cơ quan trung ương tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch, như áp dụng nhận diện khuôn mặt trong thủ tục xuất, nhập cảnh, sử dụng hộ chiếu điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ, xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường…/.

----------------------

(1) Viện Sử học: Đại Nam Nhất thống chí, Nxb. Khoa học - Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 13.

(2) Dẫn theo: Báo Quảng Ninh điện tử,  https://baoquangninh.vn/tren-370-000-luot-du-khach-den-yen-tu