Thành phố Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp
TCCS - Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Có được những kết quả đó là nhờ áp dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp
Mặc dù phải đương đầu với những khó khăn do đại dịch COVID -19, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn không ngừng nỗ lực, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình đa dạng. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội, khẳng định được vị thế trên thị trường. Điển hình như khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh, huyện Thạch Thất phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng. Một số hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ áp dụng công nghệ trên diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, còn có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao từ nước ngoài như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (10ha) tại huyện Chương Mỹ, ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất, cho năng suất và chất lượng cao; mô hình sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2; sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất, đóng gói 100% của Nhật Bản, năng suất hiện đạt 3 tấn/ngày; lương tháng bình quân của công nhân đạt từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Qua đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp đã chứng tỏ nền tảng bảo đảm an ninh lương thực và thế mạnh xuất khẩu của đất nước. Đây cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức xuất khẩu, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đem lại hiệu quả cho bà con nông dân.
Việc xây dựng các mô hình, các trung tâm khuyến nông tại thành phố Hà Nội, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, qua đó giúp nông dân dần thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội vẫn chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng. Cụ thể, ngành nông nghiệp thành phố chỉ có hơn 50ha sản xuất rau, hoa và 20ha nuôi trồng thủy sản ứng dụng các công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao vào sản xuất, còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc ứng dụng một phần hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi; còn thiếu những mô hình mang tính tiên tiến hàng đầu, chứa đựng hàm lượng khoa học - công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nên chưa tạo ra những đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thành phố phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 2 doanh nghiệp); 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;…
Để đạt mục tiêu đó, thành phố Hà Nội cần đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố. Song song với đó, cần xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng như đưa ra kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp
Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ tiên tiến để sản xuất bền vững. Trong đó, các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất, lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường đều được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan... Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thành phố Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên quy mô nông hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi, diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Xác định vai trò của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thành phố đã quy hoạch 9 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kêu gọi đầu tư vào 7 dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mặc dù có lợi thế là trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, có nhiều thuận lợi khi tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, nhưng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa đạt được kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng.
Trong tất cả các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố đều đề cập đến mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, có thể kể đến Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội, “Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao là một trong các nhiệm vụ trọng tâm; Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND, ngày 5-4-2012, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, “Về quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra quan điểm phát triển liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao và thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đó là phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đưa ra định hướng đến năm 2030 phải tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tuy nhiên, các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố phần lớn mới chỉ đề cập đến mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách chung chung, mà chưa đề cập đến các mục tiêu cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của thành phố cũng chưa xác định rõ lĩnh vực nào, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hay chế biến nông sản, là lĩnh vực ưu tiên để thu hút doanh nghiệp đầu tư…
Mặc dù có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, song số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố có xu hướng biến động và tăng không đáng kể trong thời gian qua. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố tăng không nhiều, nhưng lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này lại có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Trong các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Hà Nội, phần lớn thuộc lĩnh vực trồng trọt. Như vậy, có thể nhận thấy, lĩnh vực trồng trọt đang nhận được sự quan tâm đầu tư của các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận như mô hình sản xuất và đóng gói nấm kim châm theo công nghệ của Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (Mỹ Đức) có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động…
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong sáu giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình số 02-CTr/TU. Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình, thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đạt được những kết quả nhất định, tập trung vào lĩnh vực, như hoa, cây cảnh; rau an toàn; chăn nuôi và chế biến thịt tập trung. Các chính sách của thành phố đã và đang tiếp tục tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nghề, hỗ trợ tập huấn về nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ trực tiếp vào sản xuất, các mô hình trình diễn và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Chương trình số 02-CTr/TU đặt ra, các cấp, ngành của thành phố và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc vận dụng các nguồn vốn vào thực hiện nông nghiệp công nghệ cao và linh động vận dụng mọi chính sách triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản gắn với doanh nghiệp để tạo nguồn lực cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp./.
Cơ cấu lại nông nghiệp Hà Nội dựa trên lợi thế so sánh  (29/09/2022)
Hà Nội thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư  (28/09/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên