Bắc Ninh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tạo động lực phát triển

TS Trần Thị Vân Anh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
23:10, ngày 05-06-2024

TCCS - Bắc Ninh có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, phản ánh sinh động truyền thống văn hóa, văn hiến đặc trưng của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, được coi là thế mạnh và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Để tiềm năng, thế mạnh này được khai thác hiệu quả cần nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.

Bắc Ninh có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, phản ánh sinh động truyền thống văn hóa, văn hiến đặc trưng của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (như dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt), nghi lễ và trò chơi kéo co và nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khác, như tuồng, chèo, múa rối nước, hát trống quân...; 8 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 lễ hội truyền thống; 1 loại hình nghệ thuật dân gian hát trống quân Bùi Xá. Các lễ hội truyền thống gắn với không gian và hoạt động tín ngưỡng tại các di tích lịch sử - văn hóa, được phân bố rộng khắp ở các huyện, thị xã, thành phố. Nhiều lễ hội của Bắc Ninh có tầm ảnh hưởng rộng về mặt không gian, giá trị văn hóa và thu hút đông đảo nhân dân thập phương và du khách quốc tế tham gia. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, song cũng là thách thức không nhỏ trong quá trình quản lý và tổ chức lễ hội.

Bắc Ninh còn có 140 làng nghề (62 làng nghề truyền thống, trong đó 5 nghề truyền thống được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giấy, gỗ, gốm, sắt thép, đúc đồng, mây tre, chế biến thực phẩm... chiếm khoảng 10% tổng số làng nghề truyền thống cả nước.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả thực sự đi vào cuộc sống, đã thực hiện đầy đủ, toàn diện nội dung cam kết với UNESCO. Nhờ đó, Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngay sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ; đồng thời thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nội dung cam kết với UNESCO. Công tác tuyên truyền, quảng bá dân ca quan họ Bắc Ninh được tăng cường trên các phương tiện truyền thông, trong nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa lớn của tỉnh, trong nước và quốc tế, như: Chương trình Festival “Về miền quan họ”, chương trình giao lưu nghệ thuật giữa một số di sản trong nước được UNESCO vinh danh; chương trình hát quan họ trên thuyền..., qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa truyền thống của Bắc Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Công tác sưu tầm, nghiên cứu khoa học được tiếp cận đa chiều, góp phần bổ sung, làm giàu giá trị di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh. Việc truyền dạy dân ca quan họ được mở rộng với nhiều hình thức trong cộng đồng dân cư.

Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại_Ảnh: Tư liệu

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 175/2019/NQ-HĐND, ngày 17-4-2019, của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh, về “Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành trong tỉnh”; mức tặng quà tặng cho các làng quan họ gốc ngoài tỉnh, các câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh trong và ngoài tỉnh, thực hiện nghị quyết đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực động viên, khích lệ đối với các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, các câu lạc bộ quan họ trong và ngoài tỉnh, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nói chung; phong trào hát dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng, tạo cơ hội để dân ca quan họ Bắc Ninh lan tỏa và phát triển sâu rộng trong tỉnh và cả nước.

Mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 44 làng quan họ gốc (theo Quyết định 129/QĐ-UBND, ngày 1-2-2019, về việc công nhận làng quan họ gốc trên địa bàn tỉnh) và 150 làng quan họ thực hành (theo Quyết định số 1583/QĐ-UBND, ngày 10-10-2019, về việc công nhận làng quan họ thực hành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đợt 1). Để bổ sung một số loại hình di sản văn hóa, thống nhất thực hiện mức hỗ trợ kinh phí hoạt động và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu xây dựng nghị quyết về quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống tỉnh Bắc Ninh, các câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn dành nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ nghệ nhân. Người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh được cấp bằng công nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, kèm theo tiền thưởng một lần bằng 7 lần mức lương cơ sở. Trong đó, trường hợp người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh thuộc loại hình di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh, được hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng một lần mức lương cơ sở và hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế, mai táng phí. Trường hợp người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, cụ thể là: Đối với danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở và được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế, mai táng phí; đối với danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở và được ngân sách tỉnh hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế, mai táng phí... Đến nay, Bắc Ninh ghi nhận, tôn vinh 203 nghệ nhân, trong đó có 10 nghệ nhân nhân dân, 42 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng và 151 nghệ nhân ở các lĩnh vực, loại hình di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 2 “Nghệ sĩ nhân dân” và 21 “Nghệ sĩ ưu tú” được Nhà nước phong tặng.

Công tác truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch, đề án. Việc đào tạo, truyền dạy dân ca quan họ được quan tâm và duy trì hiệu quả tại hệ thống thiết chế văn hóa, như Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, hệ thống các câu lạc bộ quan họ, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Dân ca quan họ còn được lựa chọn để đưa vào tài liệu giáo dục địa phương ở hệ thống các trường học; các chương trình học hát dân ca quan họ trên đài phát thanh và truyền hình. Các lớp truyền dạy tại cơ sở thu hút đông đảo các học viên tham gia,... góp phần bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ, khơi dậy ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh. Song song đón, việc truyền dạy hát ca trù được duy trì thông qua hình thức sinh hoạt các câu lạc bộ ca trù và qua các lớp học ca trù do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh tổ chức (2 - 3 lớp/năm). Thông qua lớp học, các học viên được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng thực hành bài bản của loại hình nghệ thuật ca trù, được cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành lớp học. Công tác truyền dạy nghề múa rối nước làng Đồng Ngư được quan tâm, thu hút đông đảo học viên tham gia mỗi khóa, góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, khích lệ thế hệ trẻ tham gia học tập, gìn giữ và sáng tạo giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Bắc Ninh còn tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn, với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Bắc Ninh gắn với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa thông qua hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về những giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh vùng đất Bắc Ninh văn hiến với bạn bè quốc tế, tạo ra chất xúc tác thúc đẩy các hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh còn gặp một số vướng mắc, hạn chế. Một số di sản đã mai một, gây khó khăn trong việc kiểm kê. Mô hình du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng chưa tổ chức chuyên nghiệp, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển. Việc khai thác giá trị của lễ hội, làng nghề, nghệ thuật dân gian trong phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Các hoạt động tour, tuyến, chương trình lễ hội, chương trình trình diễn nghệ thuật dân gian gắn với du lịch còn thiếu tính gắn kết, chưa có các sản phẩm du lịch cụ thể.

Do đó trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

Một là, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 581/KH-UBND, ngày 30-12-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29-8-2022, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030”, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Rà soát, sửa đổi, xây dựng các chính sách phát triển văn hóa, con người và du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung để mở rộng thêm đối tượng, loại hình câu lạc bộ được thụ hưởng chính sách đối với làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, các câu lạc bộ nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống tỉnh Bắc Ninh, các câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh, nghiên cứu chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Hai là, triển khai hiệu quả Quyết định số 406/QĐ-UBND, ngày 19-9-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, cần lựa chọn ưu tiên phát triển từ 3 - 5 sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa nổi trội để phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh; gắn kết các sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với mô hình nông thôn mới kiểu mẫu... Chú trọng đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng điểm du lịch và các tuyến giao thông kết nối các di sản văn hóa tiêu biểu; tập trung xây dựng hạ tầng tuyến du lịch bằng thuyền trên Sông Cầu và sông Đuống. Phối hợp với các ban, ngành chức năng để quảng bá du lịch gắn với các chương trình, sự kiện văn hóa, kinh tế - chính trị lớn của tỉnh gắn với việc duy trì, cập nhật thông tin trên Cổng thông tin du lịch thông minh và phát hành các ấn phẩm quảng bá về hình ảnh du lịch của tỉnh. Tích cực tham gia quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; liên kết, phối hợp triển khai các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các lớp hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tồn di sản, phát triển du lịch, truyền dạy các loại hình diễn xướng dân gian cho các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, câu lạc bộ hỗ trợ phát triển kinh tế ở cơ sở. Nghiên cứu đề xuất phát triển mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên du lịch, văn hóa. Đề xuất các phương án số hóa di sản văn hóa, tạo sản phẩm du lịch, quảng bá văn hóa, du lịch dưới nhiều hình thức phù hợp xu thế chuyển đổi số hiện nay. Tổ chức sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, như Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh… để trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân./.