Tuyên bố của Chủ tịch - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9
1. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM 9) đã được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ 25 đến 26 tháng 5 năm 2009. Đây là hội nghị cấp Ngoại trưởng chính thức đầu tiên của 45 đối tác ASEM, được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngài Nguyễn Tấn Dũng khai mạc và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Ngài Phạm Gia Khiêm, chủ trì.
2. Với chủ đề bao quát “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính và các thách thức toàn cầu”, các Bộ trưởng đã có những phiên thảo luận rất kết quả về nhiều vấn đề mà các thành viên cùng quan tâm và có chung lợi ích, đặc biệt là các chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEM 7 tại Bắc Kinh tháng 10/2008 nhằm duy trì đối thoại ASEM hướng tới Hội nghị Cấp cao Brúc-xen tháng 10/2010, và quyết tâm tăng cường và phát triển sâu quan hệ Đối tác Á – Âu trong khuôn khổ ASEM để ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Hợp tác ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu
3. Các Bộ trưởng đã nghe phát biểu của Giám đốc phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương của IMF, ông Akira Ariyoshi và thảo luận sâu sắc về tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu cùng các tác động của khủng hoảng. Các Bộ trưởng ghi nhận suy thoái kinh tế-tài chính toàn cầu hiện nay là tồi tệ nhất từ sau Đại Suy thoái, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, công ăn việc làm và gắn kết xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng làm giảm mạnh luồng vốn đã tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư giữa và trong các nước châu Á và châu Âu, đe doạ ổn định tài chính và phát triển kinh tế của tất cả các thành viên. Tuy vậy, các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng và đánh giá cao các sáng kiến, như các sáng kiến do nhóm G20 đề xuất. Các Bộ trưởng đặc biệt ghi nhận vai trò tích cực của Hội nghị Cấp cao 7 tại Bắc Kinh trong việc tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn thông qua khuôn khổ G20. Các Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ các biện pháp đã được đưa ra và nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hành động chủ động phối hợp chính sách nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng thống nhất rằng, mặc dù triển vọng tăng trưởng của các nước phát triển cũng như đang phát triển trong năm 2009 xấu đi, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể tồi tệ hơn trong một số nước và khu vực, nhưng có cơ sở để thấy rằng, bằng các nỗ lực phối kết quốc tế và quốc gia thông qua sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ, kinh tế thế giới có thể bắt đầu hồi phục vào 2010 . Về việc này, các Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ Hội nghị của LHQ về Khủng hoảng Kinh tế-Tài chính Toàn cầu và Tác động đối với Phát triển tổ chức tại Nữu ước tháng 6/2009. Hội nghị Cấp cao G8 sắp tới tại A-ki-la và định hướng lâu dài của nó có thể góp phần thực hiện mục tiêu chung toàn cầu.
4. Các Bộ trưởng nhất trí cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở và bình đẳng, tăng cường hợp tác quốc nhằm đạt được đầy đủ và đúng hạn các Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ, trong đó gồm:
- Chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến lợi ích của họ, và thúc đẩy hội nhập khu vực và liên khu vực. Các Bộ trưởng thống nhất nhận định các biện pháp bảo hộ, trong khi có thể giảm bớt khó khăn trong thời gian ngắn cho nước thực hiện, nhưng sẽ dẫn tới các hành động trả đũa có thể làm tổn hại thêm nền kinh tế thế giới và kéo dài thời gian hồi phục. Vì lẽ đó, các Bộ trưởng kêu gọi tất cả các quốc gia không đưa ra hay tăng cường các rào cản thương mại và đầu tư, kịp thời rỡ bỏ các rào cản này nếu có, và không hướng nội những khi có bất ổn tài chính. Theo đó, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết về một hệ thống thương mại quốc tế cởi mở và công bằng hơn, tuân thủ luật lệ và không phân biệt đối xử, và kêu gọi các nước nỗ lực thêm nữa trên cơ sở những tiến triển đã đạt được để kết thúc Chương trình Nghị sự Phát triển Đô-ha một cách cân bằng và đầy đủ như mong muốn, điều hết sức cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tất cả các nước tham gia đầy đủ vào WTO và ủng hộ mạnh mẽ CHDCND Lào sớm gia nhập tổ chức này. Các Bộ trưởng hoan nghênh cam kết của Lãnh đạo các nước G20 trong việc dành ít nhất 250 tỷ đô la hỗ trợ tài chính thương mại trong hai năm tới thông qua các tổ chức đầu tư và tín dụng xuất khẩu, và các ngân hàng phát triển đa phương.
- Thúc đẩy hợp tác và tăng cường quản trị tốt cũng như tính minh bạch tại các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và tại các diễn đàn quốc tế như G20. Các Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ các biện pháp và các hành động phối hợp chính sách đã được nhất trí trong việc tăng cường giám sát và điều tiết tài chính nhằm khôi phục lòng tin của thị trường. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cần cải cách quyền hạn, phạm vi và cách thức quản trị của các định chế tài chính quốc tế để phản ánh những thay đổi của nền kinh tế thế giới, và các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cần có tiếng nói và quyền đại diện lớn hơn. Các Bộ trưởng ủng hộ cam kết của G20 trong việc hoàn thành rà soát hạn mức của Quỹ Tiền tệ quốc tế vào tháng 1/2011 và cải cách quyền đại diện và tiếng nói của các nước tại Ngân hàng Thế giới vào cuộc họp thường niên mùa xuân 2010. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh cam kết của G20 không sử dụng các biện pháp bảo hộ tài chính, đặc biệt việc thực hiện các biện pháp có thể hạn chế luồng vốn toàn cầu, nhất là các luồng vốn đối với các nước đang phát triển. Các Bộ trưởng ủng hộ việc sử dụng đặc biệt và đầy đủ các định chế tài chính quốc tế và tăng khả năng cho vay với các chính sách linh hoạt hơn để hỗ trợ hiệu quả các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, và khuyến khích các nỗ lực ngăn chặn việc rút vốn đầu tư ồ ạt ra khỏi các nước đang phát triển.
- Tăng cường hợp tác phát triển, thông qua các nguồn tài chính bổ sung mới cũng như viện trợ phát triển (ODA) theo các khuôn khổ đa phương và song phương để xử lý các khía cạnh xã hội của phát triển tại các nước đang phát triển. Về việc này, các Bộ trưởng kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết dành 0,7% thu nhập quốc gia (GNI) cho ODA.
5. Các Bộ trưởng khuyến khích các đối tác tăng cường hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEM bằng cách:
- Đẩy nhanh thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ đối tác kinh tế ASEM gần gũi hơn và Tuyên bố Bắc Kinh về Tình hình tài chính quốc tế. Các Bộ trưởng đặc biệt ghi nhận sự cần thiết phải có những sáng kiến hợp tác thực tế nhằm mở rộng thương mại và đầu tư, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi, trong đó có lĩnh vực tài chính, vận tải, năng lượng, khoa học công nghệ, nông-lâm-ngư nghiệp, giáo dục, phát triển đô thị bền vững và du lịch. Các Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải tại Lít-va tháng 10/2009 bắt đầu khởi động đối thoại ASEM về giao thông vận tải. Các Bộ trưởng ghi nhận thành công của Hội nghị Phát triển ASEM tại Ma-ni-la tháng 4/2009 và hoan nghênh kiến nghị về việc tổ chức tiếp Hội nghị Quan chức cấp cao về Phát triển ASEM vào nửa đầu 2010 trước thềm Hội nghị Câp cao ASEM 8 tại Brúc-xen. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận sự cần thiết thiết lập đối thoại ASEM nhằm tăng cường hỗ trợ để giảm thiểu tác động xã hội của khủng hoảng. Các Bộ trưởng hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ ASEM lần thứ nhất về Di cư bất hợp pháp sẽ được tổ chức tại Bu-ca-rét vào nửa đầu 2010.
- Tăng cường hợp tác tài chính, đầu tư và thương mại ASEM. Về việc này, các Bộ trưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tây Ban Nha cho Hội nghị Thứ trưởng tài chính ASEM (2009) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ 9 (2010). Các Bộ trưởng nhất trí cần khôi phục Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM (EMM) trong thời gian sớm nhất và kêu gọi các thành viên ASEM tham dự ở cấp cao nhất. Các Bộ trưởng bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về việc tổ chức EMM ở châu Á trước cuối năm 2009 và hoan nghênh Ấn-Độ sẵn sàng xem xét khả năng đăng cai hội nghị này. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng thực hiện Chương trình Hành động Thuận lợi hoá Thương mại (TFAP) và Chương trình Hành động Thúc đẩy Đầu tư (IPAT) nhằm tăng cường liên kết thương mại và đầu tư Á-Âu.
- Khuyến khích doanh nghiệp thực thi vai trò tích cực hơn trong hợp tác kinh tế ASEM, tăng cường quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các Bộ trưởng hoan nghênh ý định của Bỉ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) bên lề Cấp cao ASEM 8 tại Brúc-xen năm 2010 tiếp theo đà AEBF 11 được tổ chức bên lề ASEM 7.
Nỗ lực chung đối phó với các thách thức toàn cầu
6. Ghi nhận thế giới đang đối mặt với các thách thức toàn cầu nghiêm trọng, các Bộ trưởng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và kêu gọi đoàn kết toàn cầu và phối hợp hành động giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các thể chế quốc tế khác và ASEM nhằm ngăn chặn dịch cúm A (H1N1) bùng phát. Các Bộ trưởng hoan nghênh những hoạt động gần đây của các nước bị tác động hoặc đe doạ bị tác động và kêu gọi có các sáng kiến mới để ứng phó một cách hiệu quả và minh bạch, và phòng chống các đại dịch đối với con người. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết hợp tác quốc tế và khu vực trong việc đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là bệnh dịch xuyên quốc gia và châu lục. Theo đó, các Bộ trưởng hoan nghênh Hội thảo ASEM về Kiểm soát dịch cúm gia cầm do Trung Quốc đăng cai tổ chức và Sáng kiến ASEM về Ngăn chặn nhanh Đại dịch cúm do Nhật Bản tài trợ mà giai đoạn thiết lập kho dự trữ đã được khởi động vào dịp FMM 9. Các Bộ trưởng bày tỏ mong đợi thành công của Hội thảo ASEM về chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh dịch mới xuất hiện sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2009.
7. Các Bộ trưởng hoan nghênh sự hiện diện của Ngài Tiến sĩ Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và ghi nhận những đánh giá của ông về các thách thức gay gắt của vấn đề thay đổi khí hậu, cũng như sự cấp bách của việc tăng cường hợp tác ASEM để đối phó với vấn đề này. Các Bộ trưởng ghi nhận tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nguy cơ tan băng và nước biển dâng, đặc biệt tần suất và cường độ của những hiện tượng thời tiết bất thường, và nhấn mạnh tầm quan trọng cần có sự điều chỉnh thích hợp. Các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, đa dạng sinh học và bảo vệ rừng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại cân bằng về kinh tế, xã hội và sinh thái, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ khí hậu, vào bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học cũng như bảo vệ rừng vốn là các vấn đề then chốt trong chống đói nghèo và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ.
8. Các Bộ trưởng tái khẳng định ủng hộ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Ki-ô-tô, hoan nghênh những tiến bộ thực chất đạt được tại Hội nghị Ba li 2007 và đánh giá cao các nỗ lực của Hội nghị Pô-dơ-nan năm 2008, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì đà tiến triển này. Các Bộ trưởng cũng khẳng định ASEM sẽ tăng cường hợp tác và có những hành động tập thể để Hội nghị Copenhagen COP15 tháng 12 năm 2009 đạt kết quả đầy đủ và hiệu quả như mong muốn, góp phần thực hiện tốt hơn UNFCCC và Nghị định thư Ki-ô-tô, hiện nay, cho đến và sau 2012 theo lộ trình Bali, sự đáp trả mạnh mẽ đối với thách thức khí hậu toàn cầu. Các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng các nước phát triển cần đi đầu và xây dựng các chỉ tiêu trung hạn trong các lĩnh vực kinh tế, cũng như các mục tiêu dài hạn trong việc cắt giảm khí thải, và kêu gọi các nước phát triển xác định các chỉ tiêu này trước khi diễn ra Hội nghị Copenhagen. Các Bộ trưởng ghi nhận việc các nước đang phát triển trong phát triển bền vững cần thực hiện các hành động giảm thiểu khí thải thích hợp ở phạm vi quốc gia bằng việc hỗ trợ công nghệ, tài chính và tăng cường năng lực nhằm đưa các nền kinh tế này tăng trưởng theo hướng thân thiện với môi trường, tuân thủ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt theo khả năng của mỗi nước. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế thị trường, như thị trường các bon..., ủng hộ việc cải thiện các cơ chế linh hoạt và các cách tiếp cận khác trong khuôn khổ Nghị định thư Ki-ô-tô. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cam kết thúc đẩy hợp tác bảo đảm cơ chế tài chính được tăng cường trên cơ sở bình đẳng, hiệu quả và có trách nhiệm, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của UNFCCC và các kết quả nêu trên.
9. Các Bộ trưởng nhấn mạnh ủng hộ hợp tác ASEM chặt chẽ hơn về biến đổi khí hậu và kêu gọi thực hiện nhanh chóng và nhất quán Tuyên bố Bắc Kinh về Phát triển bền vững và Tuyên bố Helsinki về Biến đổi khí hậu. Về việc này, Các Bộ trưởng nhấn mạnh các đối tác ASEM cần phối hợp hoạt động phù hợp với các cam kết UNFCCC của họ để tăng cường khả năng của các nước đang phát triển trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, tăng cường năng lực và đưa những điều chỉnh này vào các chính sách phát triển. Các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEM lần thứ 3 (2007) tại Copenhagen cũng như Tuyên bố Chủ tịch của Hội thảo ASEM về thích ứng với biến đổi khí hậu do Nhật Bản và Uỷ ban châu Âu đồng chủ trì tổ chức tại Tô-ki-ô tháng 10/2008. Các Bộ trưởng đánh giá cao một loạt sáng kiến ASEM trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và dịch bệnh mới xuất hiện, và Diễn đàn về biến đổi khí hậu do Việt Nam, Đan Mạch, Vương quốc Anh, In-đô-nê-xia và EC đồng bảo trợ.
10. Ghi nhận tầm quan trọng của an ninh năng lượng như được ghi trong Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ đối tác Kinh tế ASEM gần gũi hơn và Tuyên bố Bắc Kinh về Phát triển bền vững, các Bộ trưởng khẳng định ủng hộ việc tăng cường hợp tác năng lượng trong ASEM, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ có khả năng thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn năng lượng, phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và thay thế, cũng như thiết lập một thị trường năng lượng toàn cầu ổn định, hiệu quả và minh bạch. Các Bộ trưởng hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng ASEM lần thứ Nhất về An ninh Năng lượng sẽ được tổ chức tại Bỉ vào tháng 6 năm 2009.
11.Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận đa phương và các hành động tập thể trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu và duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Nhắc lại Tuyên bố ASEM về Chủ nghĩa Đa phương đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM thông qua tại Ai-len vào năm 2004, các Bộ trưởng khẳng định lại cam kết ASEM đối với việc tăng cường vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hệ thống đa phương quốc tế, với Liên Hợp Quốc làm trung tâm, trong việc giải quyết các tranh chấp, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy nhân quyền, và hợp tác giữa các quốc gia dựa trên các nguyên tắc đã được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách LHQ, đặc biệt là HĐBA, nhằm tăng cường tính đại diện, hiệu quả và minh bạch của tổ chức này.
12. Nhắc lại quyết tâm thể hiện trong Tuyên bố về Hợp tác Chống Khủng bố Quốc tế của ASEM 4, các Bộ trưởng một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức biểu hiện, vì đó vẫn là mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh quốc tế, đối với phát triển bền vững và ổn định chính trị. Các Bộ trưởng khẳng định lại cam kết ASEM đối với việc thực hiện các bước đi thực tế trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, phù hợp với Chiến lược chống khủng bố Toàn cầu của Liên Hợp Quốc, và các nghị quyết liên quan của HĐBA/LHQ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tham gia các công ước và nghị định thư chủ yếu của Liên Hợp Quốc về chống chủ nghĩa khủng bố trên cơ sở tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân quyền, luật về người tỵ nạn và luật nhân đạo. Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán về Công ước toàn diện chống Khủng bố quốc tế. Các Bộ trưởng hoan nghênh những nỗ lực trong lĩnh vực này và mong đợi sự thành công của Hội nghị chống khủng bố lần thứ 7 của ASEM và các hoạt động chuẩn bị về Hải quan biển, Di cư, Kiểm dịch và An ninh sẽ được tổ chức tại Ma-ni-la tháng 6/2009.
13. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực đa phương trong việc thúc đẩy giải trừ quân bị, Hiệp định không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (WMD) cùng các phương tiện chuyển tải, và tái khẳng định quyền chính đáng của các nước được phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác để bảo đảm thành công của Hội nghị Đánh giá việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ được tổ chức vào năm 2010.
14. Ghi nhận những lo ngại sâu sắc về những vụ cướp biển ngày càng tăng ngoài khơi Xô-ma-li và tầm quan trọng cần giảm thiểu mối đe doạ đối với các tuyến hàng hải, đặc biệt giữa châu Á và châu Âu, các Bộ trưởng nhất trí rằng các đối tác ASEM cần tiến hành các biện pháp thích ứng, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ, và tăng cường hợp tác, gồm cả hỗ trợ nâng cao năng lực, duy trì an ninh hàng hải và chống cướp biển hiệu quả hơn trong khi vẫn bảo đảm việc vận chuyển hàng hoá và người được dễ dàng.
15. Các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về sự biến động giá hàng hoá cơ bản trên thế giới, đặc biệt là dầu lửa và lương thực, một thách thức nghiêm trọng đối với tăng trưởng ổn định, và gây ra những khó khăn lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân ở nhiều nước. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tiến hành các biện pháp chung và toàn diện để ứng phó với khủng hoảng trung hạn và dài hạn, gồm cả việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, thúc đẩy cải tiến trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu cắt giảm một nửa số người bị đói trên thế giới vào năm 2015 như đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ. Các Bộ trưởng kêu gọi tăng cường mọi nỗ lực, gồm cả các hoạt động trợ giúp lương thực, bảo đảm an sinh xã hội bên cạnh những nỗ lực khác để ổn định giá lương thực, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Các Bộ trưởng khẳng định ủng hộ Liên Hợp Quốc đóng vai trò chủ đạo và điều phối trong vấn đề này.
Tăng cường đối thoại chính trị
16. Các Bộ trưởng một lần nữa bày tỏ mong muốn tăng cường đối thoại chính trị Á-Âu và nhất trí cho rằng thúc đẩy đối thoại chính trị trong khuôn khổ ASEM là cần thiết và hiệu quả vì nó góp phần củng cố nền tảng chung, tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Các Bộ trưởng đánh giá cao đối thoại giữa các thành viên ASEM thông qua các hội thảo ASEM không chính thức về nhân quyền được tổ chức hàng năm từ 1998. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết hợp tác trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
17. Các Bộ trưởng khẳng định lại ủng hộ những tiến triển trong tiến trình hội nhập Đông Á, ASEAN và Nam Á, hoan nghênh việc ký kết và bắt đầu có hiệu lực của Hiến chương ASEAN, và việc ký kết Tuyên bố Cha-am Hua Hin về Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009-2015). Các Bộ trưởng hoan nghênh việc Liên minh châu Âu sẵn sàng tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) sau khi các thủ tục pháp lý để sửa đổi Hiệp ước được hoàn tất. Các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận những tiến triển trong tiến trình hội nhập Liên minh Châu Âu và thừa nhận vai trò quan trọng của tiến trình này trong việc tăng cường hoà bình, ổn định và thịnh vượng của châu lục.
18. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển ở Áp-ga-ni-xtan và nhấn mạnh ủng hộ tiến trình hoà giải dân tộc, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Áp-ga-ni-xtan. Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến bộ quan trọng đã đạt được ở Á-ga-ni-xtan, bao gồm cả các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử tổng thống sắp tới, và khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục cải thiện trong quản lý và nhân quyền. Các Bộ trưởng nhất trí về sự cần thiết giải quyết các vấn từ góc độ khu vực nhằm có cách tiếp cận toàn diện với sự tham gia của cộng đồng quốc tế hỗ trợ chính phủ Áp-ga-ni-xtan trong nỗ lực chống khủng bố, xử lý vấn đề trồng thuốc phiện và buôn bán ma tuý bất hợp pháp, tăng cường pháp quyền, và các hành động chống tham nhũng ở mọi cấp chính quyền, qua đó thực hiện các mục tiêu của Chương trình tái thiết và Chiến lược phát triển quốc gia của Áp-ga-ni-xtan. Các Bộ trưởng hoan nghênh vai trò trung tâm và khách quan của LHQ cũng như sự hợp tác ngày càng tăng giữa Ap-ga-ni-xtan và các nước láng giềng và về việc này, ghi nhận các tiến bộ đã đạt được tại Hội nghị hợp tác kinh tế khu vực lần thứ 3 về Áp-ga-ni-xtan tổ chức tại I-xla-ma-bát từ 13-14/5/2009.
19. Trước lo ngại về những diễn biến gần đây liên quan đến Daw Aung San Suu Kyi, các Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình Mi-an-ma. Các Bộ trưởng kêu gọi sớm thả những người đang bị giam giữ và gỡ bỏ các hạn chế đối với các đảng phái chính trị. Các Bộ trưởng ghi nhận thông báo của Mi-an-ma về những diễn biến gần đây và triển vọng tình hình, và kêu gọi chính phủ Mi-an-ma chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử với sự tham gia của nhiều bên vào năm 2010 một cách tự do và công bằng. Các Bộ trưởng hoan nghênh đối thoại cấp bộ trưởng giữa EU Troi-ca và Mi-an-ma, coi đó là bước tiến theo hướng tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Các Bộ trưởng tái khẳng định vai trò trung gian của Tổng Thư ký LHQ và chuyến thăm dự kiến của ông tới Mi-an-ma, và kêu gọi chính phủ Mi-an-ma tạo điều kiện cho các bên liên quan tham gia vào tiến trình mở nhằm mục tiêu hoà giải dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội. Các Bộ trưởng hoan nghênh việc kéo dài thời hạn của Nhóm Nòng cốt Ba bên và kêu gọi Mi-an-ma tiếp tục hợp tác với LHQ và ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp cứu trợ nhân đạo đạt hiệu quả. Các Bộ trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng viện trợ nhân đạo cho nhân dân Mi-an-ma. Các Bộ trưởng khẳng định cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mi-an-ma và trong bối cảnh đó, một lần nữa khẳng định rằng, tương lai của Mi-an-ma nằm trong tay nhân dân Mi-an-ma.
20. Các Bộ trưởng khẳng định cam kết đối với việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vấn đề hạt nhân của I-ran. Các Bộ trưởng kêu gọi I-ran tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đáp ứng yêu cầu của Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Các Bộ trưởng hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Hoa Kỳ trong việc đề xuất một lộ trình nối lại đàm phán và gói sáng kiến đưa ra vào tháng 6 năm 2008. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh cam kết gần đây của Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động ngoại giao trực tiếp với Iran. Các Bộ trưởng kêu gọi các bên liên quan nắm lấy cơ hội này để nối lại đàm phán.
21. Các Bộ trưởng thảo luận những diễn biến gần đây ở Đông Bắc Á, đặc biệt là việc CHDCND Triều Tiên vừa thử hạt nhân và ra “Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 về việc CHDCND thử hạt nhân ngày 25 tháng 5 năm 2009”.
Đối thoại giữa các nền văn hoá và văn minh
22. Các Bộ trưởng ghi nhận từ “Năm Đối thoại giữa các nền Văn hoá và Văn minh của Liên Hợp Quốc” (2001), các quốc gia đã có nhận thức chung rằng toàn cầu hoá bao hàm các lĩnh vực kinh tế, tài chính và công nghệ, các phương diện về con người, văn hoá và tinh thần, sự tuỳ thuộc lẫn nhau và sự đa dạng của nhân loại. Do vậy, đối thoại giữa các nền văn hoá và các nền văn minh là cần thiết. Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến của Ba Lan đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Văn hoá ASEM lần thứ 4 vào năm 2010 để thảo luận về tầm trọng của những vấn đề nêu trên, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề di sản văn hoá. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc đăng cai tổ chức Liên hoan Văn hoá Nghệ thuật ASEM vào tháng 9 năm 2009.
23. Các Bộ trưởng bầy tỏ sự ủng hộ đối với Liên minh các nền văn minh (AoC) và hoan nghênh kết quả của Diễn đàn lần thứ 2 của Liên minh này diễn ra tại Istanbul vào tháng 4 năm 2009, tạo cơ sở cho một cuộc đối thoại toàn cầu cởi mở, không phân biệt để thúc đẩy các nguyên tắc và mục tiêu của AoC tại các quốc gia và khu vực. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh thông báo của các nước thành viên AoC về các kế hoạch quốc gia, các thoả thuận và chiến lược khu vực mới. Các Bộ trưởng hài lòng nhận thấy việc thực hiện các dự án cụ thể và việc triển khai các sáng kiến với sự tham gia của nhiều thành phần do AoC đề xuất trong lĩnh vực giáo dục, thanh niên, di cư và truyền thông đã giúp củng cố những cam kết hỗ trợ đối thoại và hiểu biết giữa các nền văn hoá và tăng cường khả năng của Liên Hợp Quốc đối phó với những thách thức mới nổi lên.
24. Các Bộ trưởng cho rằng đối thoại cần phải nêu bật được tầm quan trọng của những giá trị và đạo đức, thúc đẩy thảo luận mang tính xây dựng và trao đổi ý tưởng tạo thuận lợi cho việc công nhận các giá trị chung, củng cố sự tôn trọng và khoan dung thông qua việc đề cao lương tri và nền tảng chung cho sự tồn tại của con người được hình thành từ trong lịch sử, di sản và truyền thống, đồng thời hướng tới việc đối phó với những thách thức mà hiện đại hoá và toàn cầu hoá mang lại.
25. Các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng giáo dục và đào tạo là những nền tảng cơ bản cho ổn định xã hội và phúc lợi kinh tế cũng như của văn hoá hoà bình và đối thoại giữa các nền văn minh. Các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ Hai tổ chức tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2009, theo đó đã nhất trí về việc thành lập một số nhóm chuyên gia ASEM nhằm nâng cao chất lượng, thúc đẩy việc công nhận bằng cấp lẫn nhau trong giáo dục, đẩy mạnh phát triển các nguồn nhân lực và tạo công ăn việc làm một cách bền vững, nhất là trong lĩnh vực dạy nghề và đại học nhằm hưởng ứng Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2005-2014).
26. Các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận rằng đã có một số cuộc đối thoại tín ngưỡng trong khuôn khổ ASEM, góp phần thúc đẩy việc tôn trọng những giá trị phổ biến đối với tất cả các nền văn minh như đoàn kết, khoan dung, công nhận nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người. Về việc này, các Bộ trưởng hoan nghênh việc Hàn Quốc và Phần Lan sẵn sàng đăng cai tổ chức hội nghị đối thoại tín ngưỡng ASEM tại Seoul vào tháng 9 tới, cuộc họp kín về đối thoại tín ngưỡng và giao lưu văn hoá của các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Indonesia vào cuối năm 2009, và việc tiếp tục các hoạt động chuẩn bị cho cuộc Đối thoại tín ngưỡng tiếp theo của ASEM sẽ diễn ra tại Tây Ban Nha năm 2010. Các Bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ đối với các đóng góp tích cực của Quỹ Á-Âu (ASEF) trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác Á-Âu thông qua trao đổi tri thức, văn hoá, và giao lưu tiếp xúc giữa nhân dân các nước. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của những chương trình điển hình của ASEF trong việc hướng các hoạt động của ASEF vào các ưu tiên ASEM, do đó tăng cường sự hiện diện của ASEM.
Chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 8 tại Bỉ vào năm 2010
27. Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ đã thông báo về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 8 sẽ tổ chức tại Brussels vào tháng 10 năm 2010. Các Bộ trưởng đánh giá cao và bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Bỉ trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị.
Tương lai ASEM
28. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của ASEM như một phương cách độc đáo cho đối thoại và hợp tác giữa châu Á và châu Âu, cam kết tham gia tích cực hơn vào quan hệ đối tác bình đẳng giữa các bên để duy trì và tăng cường hoà bình và ổn định, cũng như thúc đẩy các điều kiện có lợi cho phát triển kinh tế và xã hội bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước.
29. Các Bộ trưởng hoan nghênh Ô-xtrây-lia và Nga xin tham gia ASEM và giao cho các quan chức cao cấp thảo luận về phương thức để cả hai nước này có thể chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Bru-xen. Trong bối cảnh nhiều nước khác cũng muốn gia nhập ASEM, các Bộ trưởng yêu cầu các quan chức cao cấp thảo luận và đề xuất các tiêu chí, nguyên tắc và thủ tục, trên cơ sở của Khuôn khổ Hợp tác Á-Âu năm 2000 liên quan đến việc mở rộng thành viên của ASEM trong tương lai.
30. Các Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của ASEM như một khuôn khổ đối thoại và hợp tác, điểm hội nhập quan trọng giữa Châu Á và Châu Âu, chất xúc tác cho quan hệ Á-Âu trong bối cảnh rộng hơn. Các Bộ trưởng khuyến khích có thêm tiến bộ trong việc thúc đẩy hợp tác với các mục tiêu, các chương trình và dự án có kết quả cụ thể thông qua việc thực hiện sáng kiến Lãnh đạo theo vấn đề và trong việc cải thiện cơ chế quản lý và phối hợp phù hợp với tính chất và sự phát triển của ASEM. Về vấn đề này, các Bộ trưởng hoan nghênh đề xuất thành lập “Văn phòng điều phối Hội nghị Cấp cao ASEM 8”, coi đó là một sáng kiến thí điểm thực hiện trong một năm để chuẩn bị, điều phối và hỗ trợ cho ASEM 8. Các Bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến hợp tác do các đối tác đề xuất (Phụ lục I kèm theo) và Chương trình Làm việc của ASEM giai đoạn 2008-2010 (Phụ lục II kèm theo).
31. Các Bộ trưởng hoan nghênh đề nghị của Hung-ga-ri đăng cai tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng ASEM lần thứ 10 vào năm 2011./.
Hà Nội, Ngày 26 tháng 5 năm 2009
Bắc Giang tăng cường hướng về tổ chức cơ sở đảng  (27/05/2009)
Hà Nội điều động, luân chuyển 16 cán bộ  (26/05/2009)
Thông cáo số 6 kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (26/05/2009)
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay và các giải pháp khắc phục  (26/05/2009)
Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (26/05/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên