Diễn đàn Tương lai ASEAN với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm"
TCCS - Ngày 23-4-2024, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn.
Với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm", tại diễn đàn, các diễn giả chia sẻ ý tưởng mới và sáng tạo để lãnh đạo các nước ASEAN tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược, tầm nhìn của khu vực và mỗi nước, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bàn về tương lai và hoạch định cho tương lai đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thế giới ngày nay đang đứng trước những bước ngoặt lớn, trong đó nổi lên 3 xu hướng chiến lược: Một là, xu hướng cạnh tranh, phân tách ngày càng gay gắt giữa các nước lớn đang đặt ra những thách thức lớn đối với đoàn kết và hợp tác ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Hai là, xu hướng phát triển bùng nổ của các công nghệ mới vừa mở ra các cơ hội phát triển đột phá, vừa tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu, nhất là các nước đang phát triển và kém phát triển. Ba là, xu hướng phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh vừa là thời cơ, vừa là sức ép lớn, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, cách tiếp cận mới, mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, vì lợi ích lâu dài.
Gần 3 thập niên tham gia ASEAN, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế; luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Con đường phát triển của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập luôn gắn liền với ASEAN và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ chặt chẽ này. Xuyên suốt quá trình đó, con người đóng vai trò là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức vì là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi với quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế.
Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cần thực hiện 5 tăng cường, gồm:
Thứ nhất, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Phát huy vai trò trung tâm ASEAN; đồng thời tôn trọng sự khác biệt, bảo đảm hài hòa lợi ích; kiên định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề an ninh - phát triển của khu vực và thế giới.
Thứ hai, tăng cường tin cậy chiến lược trong ASEAN và trong quan hệ với các đối tác; góp phần ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, bền vững cho ASEAN trong thời gian tới.
Thứ tư, tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thứ năm, tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là hợp tác công tư; tạo đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia, giúp ASEAN phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng tổ chức diễn đàn trong năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi Lào đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN; cho rằng diễn đàn là sự kiện rất có ý nghĩa với sự tham gia, đóng góp ý kiến của đại diện các chính phủ, học giả, nhà nghiên cứu ở khu vực và thế giới, đồng thời thể hiện đóng góp chủ động, thiết thực của Việt Nam cho Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh mới, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho rằng, ASEAN cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức vì Cộng đồng ASEAN và vì người dân ASEAN. Thời gian tới, ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN; gắn kết nội khối, đề cao vai trò Trung tâm của ASEAN và luật pháp quốc tế; làm chủ vận mệnh của mình; duy trì ổn định, thúc đẩy hợp tác, phát triển; tăng cường các mục tiêu kinh tế; giảm khoảng cách phát triển; tăng trưởng bao trùm và bền vững… đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của ASEAN và đem lại lợi ích cho người dân ASEAN. Lào nỗ lực hết mình thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024; hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và các đối tác; tạo nền tảng vững chắc của ASEAN trong tương lai.
* Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề: “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết, là nước Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đang thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Lào cũng xây dựng các khung chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN, qua đó thúc đẩy hợp tác, tận dụng tối đa lợi ích công nghệ số mang lại, biến ASEAN thành chủ thể có tính cạnh tranh cao, ứng phó hiệu quả với các thách thức.
Thủ tướng Chính phú Phạm Minh Chính cho rằng, trong thế giới ngày nay, cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, là một động lực tăng trưởng mới cho phát triển nhanh, bền vững, vì tương lai thịnh vượng của ASEAN, khu vực và toàn cầu, với Kế hoạch tổng thể số ASEAN 2025, ASEAN đã thống nhất cách tiếp cận tổng thể, chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - coi đây là một động lực then chốt để phát triển kinh tế bao trùm và bền vững.
Việt Nam xác định chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là một định hướng phát triển chiến lược đến năm 2030; với quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng của chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các nước đối tác sẽ nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực gắn kết, tự lực, tự cường, tự chủ, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững, bao trùm của từng quốc gia thành viên ASEAN, khu vực và thế giới./.
Hà Phương (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 6 nhiệm vụ trong công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới  (22/12/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ giáo viên  (18/11/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước  (15/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam