Theo Tổng Cục thống kê, với mức tăng 0,51% so với tháng 8, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 9 đã bước đầu được kiềm chế.

Trước đó, chỉ số này của tháng 8 tăng 0,55% so với tháng 7.

Hơn nữa, mặc dù 7 trong tổng số 10 nhóm hàng được thống kê đều tăng giá so với tháng trước nhưng mức tăng ở tất cả các mặt hàng đều dưới 2%. Nhóm hàng có mức tăng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 1,02%; tiếp đến là dược phẩm, y tế với 0,91%.

Có hai nhóm mặt hàng giá giảm so với tháng trước là phương tiện đi lại và bưu điện, văn hoá thể thao và giải trí.

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là kết quả bước đầu của những biện pháp kiềm chế lạm phát được triển khai khá đồng bộ thời gian qua.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 9 đã tăng tới tới 8,8%, mức cao nhất từ nhiều năm nay.

Việc Chính phủ thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ đầu tháng 8 được coi là một giải pháp tích cực nhưng hiệu quả còn phụ thuộc vào sự kiểm soát của Chính phủ đối với các cơ quan nhập khẩu để cân bằng lợi ích của các doanh nghiệp này với lợi ích chung của xã hội và nền kinh tế.

Để đảm bảo chỉ tiêu kiềm chế CPI không vượt tốc độ tăng trưởng 8,5% của GDP như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm, Bộ Tài chính chủ trương sẽ tiếp tục thanh tra các yếu tố hình thành giá các mặt hàng thiết yếu tại nhiều địa phương trong cả nước từ nay đến hết năm.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, sau đợt thanh tra tại nhiều doanh nghiệp ngành sữa, thép, gas vừa qua, nhiều đơn vị cam kết không tăng giá bán. Tuy nhiên, trước sức ép của nguyên liệu đầu vào, một số doanh nghiệp vẫn buộc phải tăng giá. "Cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép họ giảm giá, những mặt hàng đã theo cơ chế thị trường thì để cho thị trường tự điều tiết", ông Ninh bày tỏ quan điểm.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người tiêu dùng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ xem xét tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nếu đơn vị nào vẫn không cắt giảm chi phí, không điều chỉnh giá bán sẽ bị xử phạt và thu lại toàn bộ phần chênh lệch đó.

Dự báo của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho thấy, năm nay CPI sẽ tăng mức tối thiểu là 8,5% và tối đa là 10%.

Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện này, ông Nguyễn Minh Phong nhận định rằng, từ nay đến cuối năm, giá cả sẽ diễn biến theo xu hướng giảm ở các mặt hàng thuộc diện cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập WTO, tăng ít ở các mặt hàng do một số doanh nghiệp còn độc quyền cung cấp và vừa được Nhà nước giảm kiểm soát hành chính (điện, xăng dầu, thuốc) và giảm đối với những mặt hàng gắn với thị trường và cạnh tranh đầy đủ. Ông Phong cũng cho rằng: “Tổng bình quân xã hội, tức chỉ số CPI, vẫn sẽ tăng và đạt ngưỡng xấp xỉ 2 con số, nhưng sẽ không xảy ra lạm phát hoặc đột biến lớn, gây đổ vỡ hay ngưng trệ nền kinh tế”.