Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại Australia và New Zealand
TCCS - Từ ngày 12 đến 21-11-2023, Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản do PGS, TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản, làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại Australia và New Zealand.
Thông tin trên Tạp chí Cộng sản điện tử phiên bản tiếng Anh là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho Đảng Cộng sản Australia
Tại buổi làm việc ngày 14-11 với Đảng Cộng sản Australia, ông Andrew Irving, Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Australia và các cán bộ phụ trách Tạp chí Australian Marxist Review (AMR), tuần báo Guardian - hai cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Australia - cho rằng, Đảng Cộng sản Australia có lịch sử quan hệ tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn tìm hiểu về tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam, đặc biệt là về quá trình đổi mới, để làm kinh nghiệm tham khảo nhằm phát triển đường hướng hoạt động của Đảng Cộng sản Australia trong thời gian tới.
Ông Andrew cho biết, những bài viết trên Tạp chí Cộng sản điện tử phiên bản tiếng Anh là nguồn thông tin hữu ích đối với Đảng Cộng sản Australia, đặc biệt là trong việc giáo dục, tuyên truyền giúp những thành viên trẻ của đảng hiểu đúng về chủ nghĩa xã hội và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội... Ông Andrew cũng chia sẻ, Đảng Cộng sản Australia có ý tưởng cử những thành viên trẻ sang tìm hiểu về Đảng Cộng sản, trau dồi lý luận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như học hỏi quá trình phát triển của Việt Nam... Ông cũng mong muốn có sự hợp tác trao đổi thông tin giữa hai cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Australia với Tạp chí Cộng sản trong thời gian tới.
Tuần báo Guardian phát hành khoảng 1.000 - 1.200 bản/kỳ, nội dung chủ yếu là những vấn đề người dân lao động Australia và thế giới đang phải đối mặt, chủ yếu hướng tới bạn đọc là người lao động. Tuy nhiên, sự tác động, ảnh hưởng của tuần báo Guardian là lớn hơn số lượng phát hành, bởi báo sẽ tăng lượng phát hành vào mỗi lần có sự kiện của Đảng hoặc những cuộc biểu tình của người lao động, đồng thời số lượng người đọc phiên bản điện tử khá nhiều, nhất là thành viên tổ chức công đoàn, những nhà hoạt động xã hội, vì một Australia trở nên tiến bộ hơn... Trong khi đó, tạp chí AMR là tạp chí chuyên về lý luận và những vấn đề quan trọng của Đảng Cộng sản Australia, phát hành 3 - 4 số/ năm, mỗi số khoảng 200 - 300 bản, có những kỳ in lại khi cần thiết...
Tại buổi làm việc, PGS, TS Phạm Minh Tuấn giới thiệu về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; khái quát những nét chính về Đảng Cộng sản Việt Nam, về công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam từ năm 1986 đến nay, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây. PGS, TS Phạm Minh Tuấn cảm ơn sự đánh giá tích cực về những thông tin trên Tạp chí Cộng sản điện tử tiếng Anh đã giúp Đảng Cộng sản Australia có thêm nguồn tài liệu tham khảo có giá trị và cho biết, rất sẵn sàng hợp tác trao đổi thông tin giữa Tạp chí Cộng sản và hai cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Australia trong thời gian tới...
Quan hệ Việt Nam và Australia đang rất phát triển
Cũng trong ngày 14-11-2023, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đã đến thăm và làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney. Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Australia đang rất phát triển, hợp tác đảng rất tốt, là một trong những điểm đáng chú ý của hoạt động đối ngoại năm 2023, năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng cho biết, theo thống kê năm 2021, cộng đồng người Việt Nam tại Sydney có 117.907 người, chiếm 37% trong tổng số 320.758 người tại Australia.
Để gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong nhiều năm qua, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt tập trung vào việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ trẻ - những người hiểu biết, cởi mở và hội nhập tích cực, năng động. Đời sống của bà con Việt kiều đều khá ổn định, với nhiều nghề phổ biến là tài chính, y, luật sư, đầu tư bất động sản...
Ngày 16-11-2023, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia. Đại sứ Nguyễn Tất Thành đánh giá, quan hệ Việt Nam và Australia có những điều rất đặc biệt, chí tình, hết sức cởi mở, thẳng thắn, chia sẻ.
Thứ nhất, Australia là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 26-2-1973). Australia cũng là nước phương Tây đầu tiên đón lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm chính thức, gồm Chủ tịch Quốc hội (năm 1990), Thủ tướng Chính phủ (năm 1993) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1995). Dù khác biệt về thể chế chính trị, hai nước ngày càng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, đã xây dựng quan hệ đối tác toàn diện (năm 2009), đối tác toàn diện tăng cường (năm 2015), đối tác chiến lược (năm 2018).
Thứ hai, năm thập niên qua, Australia luôn chủ động phát triển quan hệ với Việt Nam, với việc hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) bắt đầu ngay từ năm 1974. Sau khi đóng góp tích cực trong giải quyết vấn đề Campuchia, Australia là nước phương Tây đầu tiên nối lại ODA, đến nay, đã giúp Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD, trong đó hỗ trợ thiết thực cho một số kết cấu hạ tầng quan trọng như đường dây 500kV Bắc - Nam, hai cây cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, giúp phát triển viễn thông và ngân hàng. Gần đây, nhiều nước phương Tây cắt giảm ODA, song Australia vẫn hỗ trợ Việt Nam hằng năm 80 triệu AUD, năm 2023 tăng 18% lên 93 triệu AUD.
Thứ ba, về giáo dục, học bổng được trao cho sinh viên Việt Nam tới Australia từ tháng 2-1975. Đại học nước ngoài đầu tiên lập cơ sở tại Việt Nam là Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) của Australia (năm 2000). Đến nay, các trường đại học của hai nước đã có 45 chương trình liên kết đào tạo, 200 chương trình hợp tác giảng dạy và tuyển sinh liên thông; có 26.000 du học sinh đang học ở Australia, 15.000 người đang học tại các cơ sở của Australia ở Việt Nam. Tính đến nay, đã có hơn 80.000 du học sinh Việt Nam tốt nghiệp các trường ở Austalia.
Thứ tư, Australia luôn chí tình hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề đang đặt ra, cần sự giúp đỡ, sẻ chia, điển hình như trong đại dịch COVID-19, dù Australia cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Australia là nước hỗ trợ vaccine đầu tiên cho Việt Nam trong số các nước khu vực Đông Nam Á, tổng số các đợt lên tới 26,4 triệu liều vaccine.
Dù có nhiều bước tiến, đạt được không ít thành tựu trong quan hệ giữa hai nước trong suốt 50 năm qua, nhưng cũng còn những vấn đề cần cải thiện. Theo Đại sứ Nguyễn Tất Thành, Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia giai đoạn 2020 - 2023 xác định ba trụ cột hợp tác, gồm: kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng và đổi mới - sáng tạo... Để quan hệ hai nước đem lại hiệu quả thiết thực hơn, ngoài các lĩnh vực trên, hai bên cần hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực mới, cùng có lợi, như ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế tri thức, chuyển đổi số và hợp tác đa phương.
Australia triển khai hiệu quả nhiều dự án ở Việt Nam
Ngày 16-11-2023, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản làm việc với Đại học Quốc gia Australia (ANU). TS Đỗ Nam Thắng - giảng viên cao cấp ANU - cho biết, Việt Nam và Australia đều quyết tâm và có nhiều nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cả hai nước đều có chung mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Việt Nam và Australia đều có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió, đặc biệt là gió ngoài khơi; đều có những trải nghiệm thuận lợi và khó khăn trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu có thể trao đổi, học hỏi thông qua hợp tác. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giữa hai nước cũng có nhiều dư địa hợp tác, đặc biệt là về giống cây, chăn nuôi...
Ngày 17-11-2023, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản làm việc với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR). Đại diện ACIAR cho biết, trung tâm đã thành lập được 41 năm, thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực chính là nông nghiệp, thủy sản, rừng... nhằm giúp phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác trọng tâm, dẫn đầu ở khu vực ASEAN. Ngoài việc đào tạo, nâng cao năng lực cho người dân, ACIAR còn đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ. Trung tâm đã cung cấp hơn 120 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ... cho các cán bộ Việt Nam sang học tại Australia. Đến nay, ACIAR đã có 240 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư là 150 triệu đô la Australia (AUD), tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào các lĩnh vực trồng rừng, sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản... Các dự án đều hướng đến việc phòng trừ dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát triển bền vững...
Trước đó, ngày 15-11-2023, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đến thăm, làm việc với Trung tâm Bảo vệ giống và thực vật quốc gia, Trường Đại học Western Sydney. Giáo sư Yi-Chen Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại Western Sydney, cho biết, Trường Đại học Sydney có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam rất tốt, hiện trường có cơ sở ở Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Bảo vệ giống và thực vật quốc gia được thành lập năm 2017, do Chính phủ Australia tài trợ với mục đích nhằm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp bền vững, chất lượng, giá trị cao. Các mô hình công nghệ nhà kính trồng dưa chuột, ngô, dâu tây... đã được triển khai cho hiệu quả cao, nhiều mô hình đã được chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam, nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam và New Zealand có nhiều dư địa hợp tác toàn diện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Australia, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại New Zealand. Ngày 20-11-2023, buổi làm việc tại Quỹ châu Á New Zealand có sự tham dự của ngài Anand Satyanand - nguyên Toàn quyền New Zealand, hiện công tác tại Trường Đại học Waikato; ông James Kember - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế, nguyên Đại sứ New Zealand tại Việt Nam; Tiến sĩ Rob Rabel - Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Trường Đại học Victoria Wellington, Chủ tịch Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam, cùng đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, đại diện lãnh đạo và các thành viên Quỹ châu Á New Zealand.
PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản giới thiệu những nét cơ bản về Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới và những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực; về chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản, mục đích của chuyến công tác và trả lời các câu hỏi mà phía bạn quan tâm...
Bà Suzannah Jessep - Giám đốc Chương trình nghiên cứu và kết nối, Quỹ châu Á New Zealand - cho rằng, quỹ có vị trí quan trọng trong việc giúp New Zealand xây dựng quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á; đồng thời cung cấp những kinh nghiệm, nguồn lực giúp người dân New Zealand tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn ở châu Á, nhất là những cá nhân, doanh nghiệp trẻ.
Ông James Kember - Phó Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ New Zealand tại Việt Nam - cho biết, quỹ giống như một think-tank của New Zealand, có chức năng kết nối những nhà nghiên cứu, khoa học của New Zealand và châu Á, trong đó có Việt Nam, hình thành những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, nhất là những vấn đề chính sách mà thế giới, khu vực đang quan tâm... Riêng với Việt Nam, từ năm 2008, Viện Quan hệ quốc tế đã có sự hợp tác với Học viện Ngoại giao và duy trì các hoạt động tích cực, hiệu quả kể từ đó đến nay.
Tại buổi làm việc, đa số các thành viên của New Zealand đều cho rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand đã có nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào ngày 22-7-2020. Việt Nam và New Zealand thúc đẩy hợp tác, tin tưởng, vì lợi ích chung, mong muốn giữ gìn hòa bình và hợp tác của khu vực dựa trên luật lệ, không phải dựa trên quyền lực... Tuy nhiên, hai nước cần mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác mà New Zealand có thế mạnh.
Cùng ngày, đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản làm việc với đại diện Bộ Văn hóa và Di sản New Zealand về những vấn đề liên quan đến quản lý báo chí, xử lý thông tin giả, thông tin sai lệch trên không gian mạng, vấn đề chuyển đổi số trong báo chí, xu hướng phát triển của báo chí trong tương lai...
Ông Andrei Zubkov - phụ trách báo chí và truyền thông của Bộ Văn hóa và Di sản - cho biết, New Zealand không có luật riêng để quản lý báo chí, không tiến hành cấp phép trong hoạt động báo chí. Chính phủ chỉ quản lý đài truyền hình quốc gia, trong khi báo in, báo mạng điện tử hầu hết do hai công ty truyền thông tư nhân lớn nhất New Zealand quản lý, đầu tư; hiện mỗi công ty có hơn 100 tờ báo từ trung ương đến địa phương. Các tờ báo cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động để thích ứng với hệ sinh thái truyền thông số hiện nay, đồng thời cân đối nguồn tài chính để duy trì sự hoạt động hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số.
Cũng trong ngày 20-11-2023, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand. Đại sứ Nguyễn Văn Trung cho biết, theo số liệu điều tra dân số năm 2018 của nước sở tại, có 9.365 Việt kiều tại New Zealand; tuy nhiên, theo thông số của Sở Di trú nước bạn, hiện có khoảng 11.000 người Việt Nam tại New Zealand, ngoài Việt kiều còn có các du học sinh, người lao động. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 3.100 lao động Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.
Cộng đồng người Việt sống rải rác khắp đất nước New Zealand, trong đó khoảng 2/3 tập trung ở Auckland - thành phố lớn nhất New Zealand, chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Trung, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand luôn chấp hành nghiêm luật pháp nước sở tại, làm việc chủ yếu ở lĩnh vực nhà hàng, xây dựng, thẩm mỹ... Có nhiều người Việt Nam đã trở thành cán bộ các cơ quan chính quyền nhà nước New Zealand, chủ yếu là du học sinh sau khi tốt nghiệp ở lại làm việc, chiếm khoảng 60-70%. Đặc biệt, tại cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hồi trung tuần tháng 10-2023 vừa qua, lần đầu tiên có một nghị sĩ gốc Việt trúng cử, đó là Phạm Thị Ngọc Lan (Lan Phạm), người sinh ra và lớn lên ở Wellington...
Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand, Đại sứ Nguyễn Văn Trung cho rằng, thời gian tới, ngoài nông nghiệp, giáo dục, hy vọng sẽ triển khai thêm một số lĩnh vực mới mà bạn có thế mạnh, như ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển xanh, hợp tác biển, đại dương; an ninh - quốc phòng.../.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (21/11/2023)
Lãnh đạo Ban Biên tập, Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản chúc mừng ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên một số trường, học viện nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam  (18/11/2023)
Lãnh đạo Ban Biên tập, Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản chúc mừng ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên một số trường, học viện nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam  (18/11/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh  (16/11/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam