Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
TCCS - Ngày 5-8-2023, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2023 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2023; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện, phân tích kỹ, khách quan; nêu rõ kết quả đạt được, những việc chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm... Cùng với đó, các đại biểu nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới và đưa ra giải pháp trọng tâm trong tháng 8, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới để thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Các đại biểu nhận định, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7-2023 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 6-2023, đóng góp vào kết quả chung 7 tháng của năm 2023...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ trì, dự các phiên họp, hội nghị, diễn đàn quan trọng; đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế.
Cùng với đó, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và chủ thể liên quan, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7-2023 tốt hơn so tháng 6-2023 và cùng kỳ, trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy. Các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh tăng cường. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, tình hình vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; thu ngân sách tháng 7-2023 giảm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng thấp. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; cầu của các thị trường lớn, truyền thống suy giảm ảnh hưởng xuất khẩu; công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm; công tác lập, thẩm định quy hoạch chưa như mong muốn.
Sau khi phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm những thành tựu và hạn chế trong quá trình phát triển thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cho biết, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, do đó phải kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
“Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 là 6,5%. Do đó, những tháng cuối năm phải có mức tăng trưởng khoảng 9%”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm đời sống nhân dân, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách.
Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; đồng thời theo dõi sát và nắm tình hình bên trong và bên ngoài để có phản ứng chính sách kịp thời.
Cùng với đó, cả nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. Đơn vị chức năng thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu của ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng, tiến độ các tờ trình, báo cáo, tài liệu trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh triển khai các nghị quyết phát triển vùng, hoạt động của hội đồng điều phối vùng; phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý tiếp tục tập trung giải quyết những vướng mắc, bất cập của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh hoạt động hệ thống sàn giao dịch về bất động sản, lao động, đất đai, khoa học - công nghệ…; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài như xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Cơ quan liên quan tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn, bão, mưa lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, kịp thời; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số, sản xuất chip điện tử; chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho năm học mới; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tổ chức khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thực hiện hiệu quả gỡ thẻ vàng IUU.
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ; tập trung tổ chức thực hiện, tạo đột phá hơn nữa trong tháng 8, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia  (14/07/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam