TCCS - Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính là một điều kiện quan trọng đưa Hà Nội trở thành một trong những thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới. Sau gần 15 năm sáp nhập, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị giúp Thủ đô nhanh chóng có diện mạo mới khang trang, hiện đại.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các công tác về quy hoạch. Đến nay, thành phố đã hoàn thành, phê duyệt một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phủ kín 100/%, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, các đồ án quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Các quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch được ban hành cơ bản đầy đủ để triển khai quản lý đô thị, đất đai, đầu tư, xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội ban hành nhiều chương trình công tác về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, gồm: Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 17-3-2021 về “Chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 17-3-2021 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02-3-2022, về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng”. Theo đó, công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Công tác quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-01-2022 của Bộ Chính trị đã đánh giá tổng quát công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: Bước đầu hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hà Nội cũng nhận thức rõ, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thời gian qua vẫn còn những khó khăn và thách thức. Đó là, chưa được định hình rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; tốc độ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý, kiểm soát dân số và giãn dân nội đô còn nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa. Tính đồng bộ còn chưa cao, phát triển đô thị chưa toàn diện.

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, phải kể đến hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức còn bấtcập. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Thể chế liên kết vùng còn nhiều hạn chế, tính gắn kết chưa cao. Một số vấn đề chưa được giải quyết thống nhất, đồng bộ như: việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ở quy mô vùng, liên kết kinh tế vùng giữa Thủ đô với các địa phương chưa thật hiệu quả. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện còn thiếu chặt chẽ, chưa thực sự sâu sát, quyết liệt. Công tác quản lý sau quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được tập trung đúng mức.

Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, với vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa, liên kết vùng để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Đảng bộ Thành phố Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 26-8-2022, đồng thời tiếp tục xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11-11-2022 của Chính phủ bảo đảm thống nhất, toàn diện.

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu, tập trung triển khai một số nội dung và có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ và các chủ trương, nghị quyết, định hướng có liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, triển khai các công tác, chương trình trọng điểm có kế hoạch; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, nhà ở,... để tạo hành lang pháp lý bền vững, thúc đẩy phát triển. Trong đó, kiến nghị nghiên cứu xây dựng điều chỉnh Luật Thủ đô, Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật điều chỉnh Quản lý phát triển đô thị, Luật Đất đai, Luật Nhà ở,...

Thứ hai, tập trung xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 26-8-2022 của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chương trình phát triển đô thị thành phố, Chương trình cải tạo, tái thiết đô thị, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tích hợp, liên kết đồng bộ, đồng thời với Quy hoạch tổng thể quốc gia (được Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17-11-2022; Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25-10-2022), Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan làm cơ sở pháp lý, công cụ để đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng, phát triển.

Thứ tư, triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch. Hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển thành phố thuộc Thủ đô bảo đảm kết nối với các tỉnh, thành phố xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng. Tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại. Phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng, trong đó, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm.

Tập trung phát triển các huyện lên quận, đẩy mạnh tốc độ đô thị, xây dựng đô thị thông minh, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư dọc các con sông. Quy hoạch phát triển các không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn kết với phát triển đô thị, giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời kiến nghị xem xét cơ chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô (được thành lập tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 16-8-2022) bảo đảm thống nhất với cấu trúc trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng./.