Ra mắt bản phỏng dịch “Nhật ký trong tù” của nhà thơ Quách Tấn

NGUYỄN THỊ THÙY LINH
Tạp chí Cộng sản
17:25, ngày 19-05-2023

TCCS - Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023) và 80 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (1943 - 2023), ngày 18-5-2023, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách “Nhật ký trong tù” bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

Đến dự buổi tọa đàm ra mắt sách có nhà nghiên cứu Hán học, PGS, TS Lê Văn Toan; nhà sử học Dương Trung Quốc, cùng các độc giả, nhà báo đến tham dự và đưa tin.

Tác phẩm “Nhật ký trong tù” là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác. Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó (tháng 8-1942 - tháng 9-1943), Người đã sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).

Các diễn giả tham gia tọa đàm_Ảnh: Nguyễn Linh

Tập thơ phản ánh một cách chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Nhà tù là nơi diễn ra nhiều tệ nạn (đánh bạc, buôn bán, hối lộ…), với bao bất công, ngang trái, đày ải, áp bức người dân trong cảnh khốn cùng. Mỗi bài thơ trong tập Nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào. Mặc dù chịu bao khổ cực, áp bức nhưng Người luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đến mọi người đặc biệt là những người bạn tù xung quanh.

Toàn bộ tập Nhật ký toát lên tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.

PGS, TS Lê Văn Toan cũng giải thích vì sao Quách Tấn không để là “dịch” mà để là “phỏng dịch” tập thơ “Nhật ký trong tù”. “Có lẽ Quách Tấn khiêm tốn vì biết ở Việt Nam có nhiều người am hiểu chữ Hán và đã dịch thành công “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Hơn nữa, việc để phỏng dịch sẽ cho phép người dịch được dịch theo cảm xúc của mình và dịch phần lớn các bài thơ theo thể lục bát chính - một sáng tạo của Quách Tấn”, PGS, TS Lê Văn Toan bộc bạch.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, để “Nhật ký trong tù” - bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn đến gần với bạn đọc, điều khó khăn nhất với ông là thuyết phục gia đình dịch giả, nhà thơ Quách Tấn. Bởi sinh thời trong lần gặp gỡ, nhà thơ dặn ông “chỉ xem và không được lan truyền ra ngoài”.

“Tôi đã bàn bạc, thuyết phục nhà văn Quách Giao là con trai của cụ Quách Tấn, bởi tôi nhìn thấy giá trị rất lớn của bản dịch này. Thế hệ trẻ cần thấu hiểu văn chương của Bác Hồ và đọc bản dịch này chính là cách để nhìn nhận rõ hơn về văn chương của Người”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh. Tại buổi tọa đàm, các diễn giả nhận định, giá trị lịch sử của tác phẩm gắn với thời kỳ đất nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, gắn với con người lịch sử Hồ Chí Minh./.