Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh
TCCS - Ngày 11-6-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15-6-1957 - 15-6-2022) và 15 năm Ngày thành lập thành phố Hà Tĩnh (28-5-2007 - 28-5-2022) do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; tỉnh Bôlykhămxay, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Diễn văn kỷ niệm do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày cho biết, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tình yêu thương sâu nặng. Đặc biệt, sự kiện ngày 15-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc với Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với tỉnh Hà Tĩnh.
Sau chuyến thăm, những lời chỉ bảo ân cần, sát thực tiễn, gần gũi, cởi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy những thành tích, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm, tạo động lực mới để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nên những kỳ tích anh hùng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhớ về Hà Tĩnh là nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh.
Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư, điện biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh. Đặc biệt, ngày 15-6-1957 là mốc son trong trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước khi được đón Bác về thăm. Bác đã để lại những bài học sâu sắc với Hà Tĩnh về tinh thần đoàn kết, tự tu dưỡng, ý chí vươn lên, giữ gìn truyền thống văn hóa, cố gắng sản xuất, làm tốt nhiệm vụ hậu phương với đồng bào miền Nam…
Thủ tướng chỉ rõ, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc sâu và cố gắng làm tốt những lời căn dặn của Bác, đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những thành tựu đó góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả...
Từ một tỉnh thuần nông, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đô thị hiện đại, văn minh, nông thôn đổi mới, tươi đẹp; sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, quy mô kinh tế vươn lên mức khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn và phát huy...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng Hà Tĩnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch, liên kết vùng và quốc tế, phát triển kinh tế số; khai thác các nguồn lực như nguồn nhân lực, đất đai, du dịch gắn với văn hóa còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng…
Thủ tướng đề nghị, Hà Tĩnh cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Với tinh thần dựa vào nội lực như con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài như nguồn vốn, công nghệ, quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, biến truyền thống đoàn kết, văn hóa thành nguồn lực, biến di sản thành nguồn tài nguyên để thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng đề nghị cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Tĩnh tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Thủ tướng tin rằng, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” của Bác sẽ là mạch nguồn, kim chỉ nam dẫn đường cho suy nghĩ và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh. Do đó, tỉnh cần không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX và các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Theo Thủ tướng, Hà Tĩnh cần khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống đoàn kết, lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng của quê hương, ý chí tự lực, tự cường, cầu thị, ham học hỏi của con người Hà Tĩnh. Tỉnh gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, các chính sách xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới với Lào.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, tại buổi nói chuyện với Đoàn cán bộ Hà Tĩnh năm 1966 tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”... Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong muốn và tin tưởng, với truyền thống văn hóa, cách mạng, ý chí kiên cường, vươn lên từ gian khó, Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5-2022 của Chính phủ  (04/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022  (29/05/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ  (21/05/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm