Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5
TCCS - Ngày 8-3-2022, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề: "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương". Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) tổ chức.
Lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ tham dự trực tiếp tại Hà Nội, trực tuyến tại các điểm cầu ở Hoa Kỳ và nhiều điểm cầu trên thế giới. Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry dự và phát biểu trực tuyến tại đầu cầu Hoa Kỳ.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp hai nước trao đổi với các bộ, ngành hai bên về các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương, xác định những hướng đi mới hướng tới hồi phục kinh tế hậu COVID-19 và đón đầu sự chuyển dịch đầu tư sau đại dịch và dưới tác động của kinh tế số. Trong đó, có nhiều vấn đề mang tính thời sự trong kinh doanh giữa hai nước cũng như trên thế giới, như: thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế...
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã và đang thúc đẩy thực hiện cam kết tại COP26 với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; phát triển hạ tầng, thúc đẩy giáo dục, đào tạo... Đây cũng là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước tình cảm chân thành, quý mến, yêu quý Việt Nam và mong muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam của các quan chức, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Điều này thể hiện sự tin cậy cao của các đối tác Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó tập trung các trụ cột chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt trong quá trình đó, Việt Nam lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay, Việt Nam thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, "chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo đó, Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm đột phá về thể chế, đột phá về kết cấu hạ tầng và đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính.
Cùng với phát triển đất nước, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng có bước phát triển đáng mừng. Sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, toàn diện, trên cả bình diện song phương và đa phương, trên nhiều lĩnh vực hợp tác. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.
Đến nay, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý III-2021. Trước sự bùng phát, lây lan của đại dịch, Việt Nam xác định đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để phòng, chống dịch. Dịch bệnh tác động toàn dân nên có cách tiếp cận toàn dân; người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch.
Việt Nam thực hiện 3 trụ cột trong phòng, chống dịch gồm “cách ly, xét nghiệm, điều trị”; thực hiện công thức phòng, chống dịch “5K + vaccine, thuốc điều trị + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Thời gian đầu phòng, chống dịch, khi chưa đủ năng lực, chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ tiêm vaccine thấp..., Việt Nam phải dùng biện pháp hành chính, do đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi có được công thức phòng, chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên, Việt Nam thay đổi chiến lược sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” và đạt hiệu quả. Thành công này một phần nhờ sự ủng hộ vật chất, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là hỗ trợ vaccine cho Việt Nam của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Hiện nay, Việt Nam đang khẩn trương triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, với quan điểm lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là động lực phát triển và tư tưởng chỉ đạo là xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược lâu dài, mang tính quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực với mục tiêu phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Việt Nam là một trong những nước bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu nên hết sức quan tâm và thấu hiểu về vấn đề này. Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu. Đây cũng là vấn đề tác động đến toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân: người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong chống biến đổi khí hậu và cũng cần đoàn kết, công bằng, công lý.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26), Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Sau COP-26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và triển khai mạnh mẽ thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ cũng như bạn bè quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu này; hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế về chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, công nghệ sạch; đào tạo nguồn nhân lực xanh; công nghệ quản trị xanh...
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam tập trung cho chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đây là một tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay và được Việt Nam thực hiện trên tất cả các lĩnh vực... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận trong hội nghị đều là mối quan tâm chung; phù hợp với xu thế thế giới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hai nước tiếp tục xúc tiến đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước ngày càng thực chất, hiệu quả.
* Cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); đại diện các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh trong khu vực và tại Việt Nam./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022  (04/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể quốc gia và ứng dụng dữ liệu dân cư  (03/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng, then chốt trong việc ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế  (08/02/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên