TCCS - Ngày 21-2-2022, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chhí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc _ Ảnh: Thu Thanh 

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Tham dự hội nghị còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, cùng hơn 200 đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, các đoàn đại biểu Quốc hội... của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Hội nghị tổng kết đánh giá ưu điểm, hạn chế công tác hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác của hội đồng nhân dân năm 2022, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh khu vực phía Bắc. Từ thực tiễn hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử tại địa phương.

Trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đánh giá cụ thể các mặt hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, năm 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có việc chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng chương trình công tác, thể chế hóa, ban hành các nghị quyết bảo đảm hoạt động thiết thực, sát với thực tiễn của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương... Hội đồng nhân dân nhiều địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động. Vì vậy, năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm 2021. Thường trực hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã chủ động chỉ đạo, điều hành hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật và đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt công tác. Tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ như tăng số lượng đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật... Hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp của hội đồng nhân dân được chỉ đạo, thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp. Phương thức điều hành kỳ họp có sự linh hoạt, sáng tạo, tổ chức kỳ họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tuyến với trực tiếp, rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở một địa phương đã ban hành ít nhất là 35 nghị quyết, đặc biệt có địa phương ban hành tới 190 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đây là minh chứng rất rõ nét nhất cho hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, góp phần đưa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm bám sát nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; phương thức giám sát theo hướng gọn về thành phần, tăng cường hoạt động khảo sát trước khi tổ chức giám sát; công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản kịp thời, đúng quy định, nhất là từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng; công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện thường xuyên, có hiệu quả; hoạt động của tổ đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và có tính chủ động, linh hoạt hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tại hội nghị _ Ảnh: Thu Thanh

Phát huy những kết quả hoạt động đạt được trong năm 2021, bước sang năm 2022, hội đồng nhân dân các cấp cần tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của Nhà nước; triển khai có hiệu quả đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026” để hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện thường trực hội đồng nhân dân một số địa phương trình bày tham luận về kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động công tác hội đồng nhân dân, như: thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Lai Châu...

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2021, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; việc hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách cam go của đại dịch COVID-19, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với mọi điều kiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao năm 2021 và tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, giai đoạn 2021 - 2026.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, bên cạnh những, kết quả đạt được, hoạt động của hội đồng nhân dân cấp tỉnh các địa phương phía Bắc vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, như chất lượng kỳ họp của hội đồng nhân dân, hoạt động của thường trực hội đồng nhân dân, các ban của hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri. Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của thường trực hội đồng nhân dân có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn...

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: Tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân, tổ đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2013, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu hội đồng nhân dân.

Rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp hội đồng nhân dân”, chất lượng hoạt động của thường trực hội đồng nhân dân, các ban hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố cả về tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền (công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm); quyết định các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực và giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; giám sát hoạt động của thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát cùng cấp, các ban của hội đồng nhân dân, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của ủy ban nhân dân cùng cấp và văn bản của hội đồng nhân dân cấp huyện; tổ chức giám sát theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có kết quả cao nhất. Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị _ Ảnh: Thu Thanh

Kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022 - 2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đoàn đại biểu Quốc hội với hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân, các ban của hội đồng nhân dân, với ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả hoạt động từng cơ quan, tổ chức.

Làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân. Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị hội đồng nhân dân theo khối tỉnh, thành phố. Tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố theo các chuyên đề... Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu của Quốc hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội với hội đồng nhân dân các cấp” và dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân’’ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình các kỳ họp hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật. Công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết của các ban của hội đồng nhân dân phải quyết liệt đổi mới, chủ động từ sớm, từ xa, bảo đảm khách quan, trung thực, có chính kiến. Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn cũng như trả lời chất vấn tại kỳ họp hội đồng nhân dân phải trúng và đúng, lựa chọn những vấn đề nóng, có tính thời sự, liên quan đến cuộc sống, bức xúc của người dân và cử tri. Tăng cường giám sát nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của vấn đề chất vấn, để người dân cảm nhận được những chuyển biến căn bản sau mỗi kỳ họp./.