TCCS - Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày 15-11-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, chúc mừng một số nhà giáo tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên, tặng quà nhà giáo Triệu Thị Huệ, người có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh _ Ảnh: TTXVN

** Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, chúc mừng nhà giáo Triệu Thị Huệ tại phường 15, Quận 4. 

Cô Triệu Thị Huệ có 26 năm công tác tại các Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi và Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong. Nhà giáo Triệu Thị Huệ đã không ngừng cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho trường, thành phố, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; biên soạn tài liệu, sách tham khảo. Là một tổ trưởng chuyên môn gương mẫu, năng động, nhà giáo đã cùng tổ bộ môn xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn hiệu quả, tạo được sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần vào thành tích chung của Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong trong nhiều năm liền đạt danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc" và Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố. Cách đây ít tháng, chồng cô giáo Triệu Thị Huệ đã qua đời trong đợt dịch COVID-19.

Chia sẻ, tặng quà nhà giáo Triệu Thị Huệ nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những thành tích của cô giáo đã đạt được. Dù trong hoàn cảnh quê nhà ở miền Bắc xa xôi, cô giáo Huệ vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một người giáo viên và đạt được nhiều thành tích quan trọng.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chia buồn sâu sắc với gia đình cô giáo về nỗi đau mất người thân do dịch COVID-19; mong cô giáo Triệu Thị Huệ kiên cường vượt qua nỗi đau, mất mát. Chủ tịch nước mong muốn cô giáo Triệu Thị Huệ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, truyền cảm hứng tích cực để đào tạo nhân tài cho Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc mừng PGS, TS, nhà giáo Lý Hòa, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới _ Ảnh: vov.vn

** Chủ tịch nước tới thăm, chúc mừng PGS, TS. Lý Hòa, sinh năm 1931, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trú tại phường Tân Mỹ, Quận 7.

Câu chuyện của PGS, TS. Lý Hòa - một người thầy đáng kính, tấm gương cho ý chí kiên cường và vươn lên của một người lính và một sự tận tụy, say mê của một nhà khoa học - đã cuốn hút bao thế hệ học trò. Sau 16 lần mổ trong vòng 5 năm vì vết thương trong chiến tranh, từ kiến thức văn hóa lớp 3, thầy Lý Hòa đã tự học nâng kiến thức lên cho mình tương đương lớp 10, rồi trở thành phó giáo sư vật lý và trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1977, thầy Hòa được phân ngôi nhà 105 (số mới 107) đường Trần Bình Trọng, Phường 2, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là biệt thự có hai cổng, diện tích sân vườn rộng rãi, nhưng thầy đã nhường lại để xây trường mẫu giáo cho các cháu, còn gia đình thầy mua một ngôi nhà trong hẻm sâu ở đường Trần Hưng Đạo.

Ân cần thăm hỏi sức khỏe PGS, TS. Lý Hòa, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước bày tỏ sự tri ân tới nhà giáo Lý Hòa vì những cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Chủ tịch nước nêu rõ, dù nghỉ hưu nhưng PGS, TS. Lý Hòa vẫn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và những đức tính cao đẹp của một nhà giáo lão thành, tiếp tục đóng góp cho việc đào tạo chương trình nghiên cứu sinh vật lý đại cương cho một số trường đại học ở phía Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn PGS, TS. Lý Hòa với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, với tầm hiểu biết sâu về nền giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp, cống hiến cho công tác dạy và học, nhất là bậc đào tạo cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp; tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước./.

Thùy Linh (tổng hợp)