Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam
TCCS - Ngày 13-5-2021, tại hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), nhân dịp Lễ Phật đản Phật lịch 2565 (Dương lịch năm 2021), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, dẫn đầu và các thành viên trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng, ni, phật tử cả nước, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ niềm vinh dự và hoan hỷ chúc mừng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội tín nhiệm cao, bầu giữ chức Chủ tịch nước. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đánh giá cao và bày tỏ sự trân trọng đối với những thành tựu toàn diện và vượt bậc trên mọi lĩnh vực của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và đại diện các thành viên trong Đoàn đại biểu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong 40 năm thành lập, kế thừa tinh hoa 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển về mọi mặt. Hoạt động phật sự được tăng cường, tăng, ni, phật tử luôn đoàn kết, hòa hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo và được đông đảo các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến biên giới, hải đảo đồng tình ủng hộ. Công tác từ thiện xã hội là một trong những trọng tâm của tổ chức tôn giáo này với hàng nghìn tỷ đồng được quyên góp, ủng hộ trong nhiều năm qua, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công và quan tâm đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thường nói.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng tham gia tích cực vào phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, góp phần vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước; tích cực hưởng ứng và thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của các bộ, ngành và lời kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phòng, chống dịch COVID-19. Giáo hội cũng kêu gọi tăng, ni, phật tử đóng góp hàng trăm tỷ đồng chung tay cùng cả nước trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã 3 lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc và trong đó, có sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn thường xuyên quan tâm đến đời sống của bà con, phật tử người Việt Nam ở nước ngoài bằng cả tinh thần và vật chất, qua đó không chỉ khẳng định giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc trong những vấn đề quốc tế.
Các thành viên trong Đoàn đại biểu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, tăng ni, phật tử Việt Nam tin tưởng vào thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là lời hiệu triệu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhằm phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hùng cường. Năm nay, tăng, ni, phật tử Việt Nam sẽ thành kính kính mừng Đại lễ Phật Đản 2021 trong tinh thần giãn cách để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh đồng thời vẫn đem lại các giá trị tinh thần cho cộng đồng, tạo tâm lý lạc quan, phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống và chung tay phát triển đất nước.
Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn.
Vui mừng chào đón Đoàn đại biểu Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội trường Thống Nhất, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là cuộc gặp mặt mang nhiều ý nghĩa giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh Giáo hội chuẩn bị cho Đại lễ Phật Đản 2021; đồng thời diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lúc sinh thời luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các tôn giáo, đồng bào tôn giáo, trong đó có Phật giáo và đoàn kết các dân tộc, tôn giáo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể đồng bào tín đồ Phật giáo Việt Nam nhân dịp Lễ Phật đản; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe đến Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cảm ơn ý kiến đóng góp của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với những công việc của đất nước, Chủ tịch nước cho rằng đó là những ý kiến quý báu, thể hiện những tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đánh giá cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể tăng ni, phật tử cả nước đã có nhiều hoạt động tích cực, chung tay cùng chính quyền các cấp chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; nhất là chỉ đạo tổ chức Lễ Phật đản và sinh hoạt tôn giáo phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay và những hoạt động hỗ trợ cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Phật giáo luôn là một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, có một vai trò rất quan trọng trong việc “Hộ quốc, an dân”. Trong 40 năm qua, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt; luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao kết quả công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, từ thiện cộng đồng; tích cực xây dựng các giá trị đạo đức, hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn…
Chủ tịch nước khẳng định, những thành tựu của Phật giáo Việt Nam cho thấy, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Việt Nam được tôn trọng và pháp luật bảo vệ theo quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên nhiều lĩnh vực xã hội không chỉ là minh chứng sống động cho sự gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc mà còn thể hiện sinh động sự gắn bó giữa đạo với đời, giữa Giáo hội với đất nước, giữa Việt Nam và thế giới.
Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, có trên 90% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo với 24 triệu người là tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số. Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nhà nước Việt Nam bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động theo đúng quy đinh của pháp luật, hiến chương và điều lệ được Nhà nước công nhận; không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ tin tưởng và mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước.
Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực chăm lo thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật; tăng cường công tác đấu tranh đối với việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Giáo hội tổ chức thành công tốt đẹp các sự kiện quan trọng sắp đến, như kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981 - 7-11-2021); tổ chức Đại hội Phật giáo các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 (2022 - 2027)./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương  (30/04/2021)
Thủ tướng: Lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích quốc gia  (10/08/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển