Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 15-3-2021, tại nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xem xét lần cuối công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về công tác nhân sự; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đặc biệt, theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ dành thời gian khá quan trọng để thực hiện công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh của Nhà nước. Do đó, tại phiên họp này, công tác nhân sự cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm việc tiến hành tại kỳ họp được chặt chẽ, đúng quy trình và bảo đảm các thủ tục đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội. Các báo cáo công tác nhiệm kỳ đã được xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội, cũng như các cơ quan hữu quan. Các nội dung này tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận để làm sâu sắc, toàn diện hơn, bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, đồng thời cũng làm nổi bật những đổi mới, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV và đưa ra những kiến nghị để chuyển giao cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới. Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị tốt các nội dung trình Quốc hội, nhờ đó các dự án, dự thảo đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 pháp lệnh, 32 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng.
Trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập dự kiến chương trình giám sát để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Công tác chuẩn bị cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn ở Quốc hội được thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng trọng tâm; tiếp tục có sự đổi mới, linh hoạt để bảo đảm nâng cao chất lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quan tâm, chỉ đạo và chủ trì tổ chức thực hiện chương trình giám sát bảo đảm đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm và linh hoạt, phù hợp với thực tế, đạt mục tiêu đề ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn tại 5 phiên họp, lựa chọn các nhóm vấn đề nổi cộm, bức xúc, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; lần đầu tiên tiến hành chất vấn, giám sát lại đối với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; giám sát 7 chuyên đề với nhiều cải tiến về cách thức tổ chức, tiến hành hoạt động của đoàn giám sát; tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 8-2020; xem xét, quyết định nhiều nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ bội chi, nợ công, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô, an toàn, an ninh tài chính quốc gia; ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt, trong năm 2020 đã kịp thời cho ý kiến, quyết định nhiều chính sách về thuế, phí, tín dụng, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 46 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2021; xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, nhiệm kỳ khóa XIV đã thành công; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri và nhân dân giao phó; góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến cụ thể để hoàn thiện các dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11.
Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với hai dự thảo báo cáo.
Về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV do Trưởng ban Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn 6 hạn chế: vẫn xảy ra tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn; một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả khi cử tri yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, chất lượng; vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất, có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến của cử tri không đồng tình; một số kiến nghị của cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm; vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật.
Về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề.
Đó là đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV để báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành với dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với những kết quả cụ thể đã được tổng hợp, trong đó có 1.810 ý kiến đã được giải quyết, trả lời, đạt 95%. Theo các ý kiến phát biểu, dự thảo báo cáo của Ban Dân nguyện đã đánh giá kỹ, có số liệu minh chứng rõ ràng. Cùng với các mặt đã làm được, báo cáo cũng đánh giá 6 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục rà soát, nhất là với 5% kiến nghị chưa được trả lời và những câu trả lời còn chung chung, chưa chính xác, nhằm để trả lời cử tri một cách nhanh nhất.
Kết luận nội dung này, trên cơ sở các ý kiến đã phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo; gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc khẩn trương, những nội dung còn lại để chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một cách thận trọng, thấu đáo và đã có kết luận từng nội dung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu hoàn chỉnh các nội dung quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về công tác chuẩn bị nhân sự, kiện toàn các chức danh tại một số cơ quan nhà nước, trên cơ sở kết luận, biểu quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu cần chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, nhất là quy trình giới thiệu, bầu, miễn nhiệm hay phê chuẩn để bảo đảm đúng Hiến pháp, pháp luật.
Còn 9 ngày nữa Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần khẩn trương chỉ đạo để hoàn thiện những công việc trước khi bàn giao. Việc bàn giao này là để tạo tiền đề cho Quốc hội khóa XV, vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải chuẩn bị chu đáo để Chủ tịch Quốc hội mới có thể bắt tay ngay vào công việc một cách trôi chảy.
Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Kỳ họp dự kiến kéo dài 12 ngày, khai mạc ngày 24-3 và bế mạc ngày 8-4-2021./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thường trực Chính phủ họp về mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng  (02/03/2021)
Bế mạc Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (23/02/2021)
Khai mạc Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (22/02/2021)
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng  (26/01/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam