Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV họp đợt thứ 2 theo phương thức tập trung
TCCS - Ngày 8-6-2020, tại Hội trường Diên Hồng, Hà Nội, Quốc hội bắt đầu đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 9 theo phương thức họp tập trung.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, Kỳ họp thứ 9 đã đi được nửa chặng đường, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt 1. Quốc hội đã thảo luận về 10 dự án luật, 7 dự thảo nghị quyết; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghe tờ trình về 6 dự án luật khác và các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có hoạt động của Quốc hội, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt ứng dụng khoa học - công nghệ để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn, bảo đảm tiến hành Kỳ họp thứ 9 theo đúng quy định. Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao; số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất sôi nổi, công khai, dân chủ, được dư luận và cử tri đánh giá cao. Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới.
Kết quả khả quan của đợt 1 họp trực tuyến một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan tham mưu, giúp việc đã nỗ lực hết mình để tổ chức thành công đợt 1 của Kỳ họp thứ 9; cũng như sự đồng hành, quan tâm, theo dõi và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài về các hoạt động của Quốc hội.
Ngay sau phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua 3 nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), với kết quả 457/457 đại biểu tán thành, chiếm 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA), với 95,45% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, với kết quả 458/460 đại biểu tán thành, chiếm 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp thông qua Nghị quyết EVFTA và Nghị quyết EVIPA có sự tham dự của đại diện đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 9. Tiếp đó, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết này. Tiếp theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam./.
Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV  (21/05/2020)
Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nga, Belarus  (16/12/2019)
Phát triển kinh tế đất nước phải gắn chặt với gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân  (02/12/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển