Chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông
TCCS - Sau 3 ngày làm việc, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đối với 4 “Tư lệnh” ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin - truyền thông và người đứng đầu Chính phủ đã khép lại chiều ngày 8-11-2019.
Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, có gần 250 lượt đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung đi thẳng vào các vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận, làm rõ thêm vấn đề quan tâm.
Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. Qua 8 kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã cho thấy sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri; cũng thể hiện trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường. Không khí cởi mở, dân chủ, đổi mới và tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, của lĩnh vực và cam kết khắc phục để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Với nhóm vấn đề thứ nhất liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời những câu hỏi của đại biểu về các vấn đề chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; việc tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong nông nghiệp; mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển…
Một trong những vấn đề hóc búa được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là giải pháp đột phá để cơ cấu lại, phát triển bền vững ngành thủy sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép, gỡ cảnh báo thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu - EC.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua 2 năm triển khai các biện pháp, Việt Nam không còn trường hợp vi phạm khai thác trái phép trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương và các quốc đảo. Tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía nam vẫn còn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện nhiều bước còn chưa tốt; mới có 2 tỉnh thành lập lực lượng kiểm ngư ở địa phương... Do đó, khâu kiểm soát từ đới bờ, đới lộng đến đới khơi hiện nay tuy có một số lực lượng tham gia nhưng chưa đạt hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương quyết liệt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các doanh nghiệp, bà con ngư dân vì quyền lợi lâu dài và uy tín của Việt Nam phải chung tay thực hiện. Xuất khẩu thủy sản sang EU chưa có nhiều ý nghĩa về kinh tế, nhưng đây là danh dự, uy tín của chúng ta. Thông qua việc xóa được thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước khác “một cách hiên ngang".
Về lĩnh vực công thương, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn đối với công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng, chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận trách nhiệm về công tác quản lý của mình trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, cũng như dự báo chưa kịp thời để có những đối sách, biện pháp quyết liệt liên quan đến các dự án điện mặt trời. “Trong quá trình triển khai thực hiện, đúng là đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng, năng lực trong triển khai thực hiện dự án đầu tư về điện mặt trời. Vì vậy, trong một thời gian rất ngắn có sự phát triển bùng nổ, có tới gần 5.000MW điện mặt trời được hình thành và tham gia thị trường phát điện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ. Đối với những hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian tới, lực lượng chức năng quản lý thị trường sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình...
Nội vụ là vấn đề thứ ba được các đại biểu Quốc hội chất vấn, tập trung vào việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Trả lời chất vấn về chủ trương nhập, tách các cơ quan hành chính, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá, có việc chậm thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng, Nhà nước, đồng thời khẳng định khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ hoàn thành việc xây dựng nghị định về vấn đề bãi nhiệm, miễn nhiệm, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, từ chức đối với cán bộ, công chức...
Về vấn đề chậm thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đã triển khai từ năm 2017, song đến nay chỉ nhận được đăng ký của 14 bộ và 22 địa phương, trong đó hai cơ quan tiên phong là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Việc triển khai chủ trương này chậm vì các bộ, ngành, địa phương còn ít nơi hưởng ứng. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ sơ kết thi tuyển cán bộ cấp vụ, cấp phòng để tìm cơ chế nhân rộng...
Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chung quanh công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, còn có sự chậm trễ về cơ chế đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị; chưa có giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề giật tít để câu view trên báo, quản lý các trang tin điện tử, mạng xã hội... Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Báo chí, kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định của pháp luật, phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí, không để xảy ra việc “báo hóa” tạp chí...
Đánh giá tổng quan ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có gần 250 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn và tranh luận. Ngoài bốn bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, còn có các Phó Thủ tướng tham gia giải trình thêm những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các nhóm vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Việc chất vấn một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Đây cũng là những gợi ý để có thể bổ sung vào chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, từ đó có những quyết sách phù hợp hơn trong công tác quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của nhân dân và cử tri.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở chất vấn và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị dự thảo nghị quyết chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện, đồng thời giúp cho Chính phủ, bộ, ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV./.
Thanh Anh (tổng hợp)
Thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và một số cán bộ lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp  (05/11/2019)
Khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII của Đảng  (05/11/2019)
Xây dựng lực lượng công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” - Nhìn từ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng  (25/10/2019)
Mở rộng diện bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội cho khu vực kinh tế phi chính thức  (24/10/2019)
Thực hiện phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (22/10/2019)
Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV  (22/10/2019)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên