TCCS - Trong chiến tranh, yếu tố thời gian có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian là điều kiện cần thiết để hai bên đối địch chuẩn bị các hoạt động tác chiến. Nếu người chỉ huy biết vận dụng yếu tố thời gian khéo léo để trở thành lực lượng vật chất tạo nên chiến thắng thì điều đó còn trở thành nghệ thuật quân sự. Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 là những điển hình cho nghệ thuật quân sự đặc sắc, sáng tạo trong vận dụng thời gian, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này_Ảnh: Tư liệu TTXVN

Vận dụng yếu tố thời gian trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Việc vận dụng thời gian trở thành nghệ thuật quân sự thể hiện tập trung ở việc chúng ta chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, lấy thời gian để chuẩn bị các điều kiện và tổ chức tác chiến.

Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp đã bước sang năm thứ 8, nhưng nước Pháp vẫn sa lầy, không có lối thoát. Tháng 7-1953, tướng Nava được đưa sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Để xoay chuyển tình thế trên chiến trường, Nava đề ra kế hoạch gồm hai bước: (1) Trong Thu Đông 1953 và mùa Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược để "bình định" miền Trung và miền Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực; xóa vùng tự do Liên khu V, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng quân đội cơ động chiến lược mạnh; (2) từ Thu Đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, âm mưu giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho Pháp nhằm "kết thúc chiến tranh".

Để thực hiện ý đồ của mình, Na-va mở nhiều cuộc hành quân đánh chiếm, trong đó có cuộc hành quân Hải ly đánh chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng tập đoàn cứ điểm “giữ vai trò chiếc nhọt tụ độc(1) nhằm hút một phần chủ lực Việt Minh để tránh cuộc tổng giao chiến ở đồng bằng; tập trung bình định Liên khu V. Muốn vậy, “tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đủ mạnh(2).

Tháng 10-1953, Bộ Chính trị họp tại Tỉn Keo bàn kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954. Để phá kế hoạch Na-va, Bộ Chính trị chủ trương mở các cuộc tiến công trên các hướng: Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên nhằm phân tán sinh lực địch.

Cuối tháng 11-1953, Na-va cho quân đánh chiếm Điện Biên Phủ. Ngày 7-12-1953, Đờ Ca-xtơ-ri được chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 15-12-1953, địch đã đưa lên Điện Biên Phủ 11 tiểu đoàn tinh nhuệ cùng với xe tăng và các loại pháo 105 ly, 120 ly, 155 ly; xây dựng xong sân bay Mường Thanh và bố trí máy bay chiến đấu. Thêm vào đó là những máy bay chiến đấu ở sân bay Xiêng Khoảng (Lào) cách Điện Biên Phủ 200km; đó là chưa kể sân bay Hồng Cúm và lực lượng máy bay ném bom ở Đông Dương sẵn sàng vào cuộc nếu như Điện Biên Phủ bị tiến công. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí gồm ba phân khu với 49 cứ điểm có thể yểm trợ lẫn nhau, có khả năng phòng ngự độc lập; nhiều cứ điểm được tổ chức thành một cụm cứ điểm, được trang bị hỏa lực mạnh. Trong một báo cáo Tướng Na-va gửi Tổng hành dinh (Đông Dương) có viết, đến ngày 25-1-1954,“ trung tâm đề kháng Điện Biên Phủ hiện chỉ còn lại một số công việc chi tiết để củng cố việc tổ chức phòng ngự đang sắp hoàn thành”(3).

Tuy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không xuất hiện ban đầu trong Kế hoạch của Na-va, “nhưng vẫn là một nước cờ chiến lược đã được Nava có tính trước những hệ quả một cách tỉnh táo”(4). Đã có đến 50 nhân vật tính từ tư lệnh các cấp trong guồng máy quân sự ở Đông Dương và các tướng lĩnh từ Pháp, Mỹ đến thăm Điện Biên Phủ, “nhiều người gọi Điện Biên Phủ là Vec-đong của Pháp trong chiến tranh Đông Dương"(5) và cho rằng, Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá"(6).

Thực hiện kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954, giữa tháng 11-1953, quân ta tiến lên Tây Bắc. Nhận được tin địch chiếm đóng Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh nhận định đây là điều có lợi cho ta. Hạ tuần tháng 12-1953, Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường nhận nhiệm vụ.

Bộ phận chuẩn bị chiến trường được cử đi từ trước và xây dựng phương án tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” như sau: Lợi dụng khi địch chưa kịp củng cố công sự, ta tập trung binh lực từ nhiều hướng thọc sâu vào trung tâm phòng ngự làm phân tán sự tập trung của địch, kết hợp từ trong đánh ra, ngoài đánh vào, “tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong hai, ba ngày đêm liên tục chiến đấu"(7). Thời gian nổ súng dự định là ngày 20-1-1954, sau đó ta lùi lại ngày 26-1-1954 (8) để đưa pháo vào trận địa.

Qua phân tích tình hình ta và địch trên chiến trường Điện Biên Phủ trong những ngày trước khi mở màn chiến dịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận thấy, tại thời điểm này, số tiểu đoàn của ta tham gia chiến đấu tuy vượt số tiểu đoàn của Pháp, nhưng quân số của mỗi tiểu đoàn chỉ bằng 2/3 tiểu đoàn địch; trang bị vũ khí ta yếu hơn địch nhiều. Ta hoàn toàn không có máy bay, xe tăng; ta chỉ có 1 trung đoàn cao xạ để đối phó với không quân địch. Đó là chưa kể ta gặp nhiều khó khăn về đạn pháo, về tiếp tế lương thực, đạn dược; ta còn thiếu cả bản đồ chi tiết về địa hình… Đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” ta sẽ gặp những khó khăn sau:

Thứ nhất, bộ đội mới chỉ “tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều”(9).

Thứ hai, đây là lần đầu tiên, bộ đội ta đánh hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh và pháo binh với quy mô lớn, chưa được qua diễn tập.

Thứ ba, bộ đội mới chỉ quen đánh ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có nhiều kinh nghiệm đánh công kiên vào ban ngày trên trận địa bằng phẳng với kẻ địch chiếm ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng; địa bàn tác chiến kéo dài khoảng 15km và chiều rộng 6 đến 7km.

Thứ tư, hoạt động ở hướng phối hợp chỉ mới bắt đầu, chưa gìm chân quân Pháp. Do đó, Nava có thể điều động lực lượng hỗ trợ mặt trận Điện Biên Phủ.

So sánh lực lượng trên chiến trường vào thời điểm ngày 26-1-1954, tức là ngày ta dự định nổ súng, ta “vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh”(10); “quân địch vẫn là kẻ chiến ưu thế”(11).

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”(12). Như vậy, chỉ đạo của Bác và của Trung ương là “Chỉ được thắng”.

Ngày 26-1-1954, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận họp phân tích, so sánh tình hình địch và ta trên chiến trường đi đến khẳng định, thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” không bảo đảm thắng lợi 100%, “nếu đánh là thất bại”(13). Do đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quyết định đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định sáng suốt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc quyết định bỏ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định chính xác, phù hợp với tình hình thực tế để giảm thiểu tổn thất lực lượng, thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm địch từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch_Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chọn phương án“đánh chắc, tiến chắc” là ta đã khoét sâu vào điểm yếu của “con nhím” Điện Biên Phủ. Đó là, Điện Biên Phủ tuy là một căn cứ quân sự mạnh, nhưng nó thụ động chờ đợi ta quyết định thời điểm và thời gian giao chiến khi ta đã đủ điều kiện. Điểm mạnh của “con nhím” Điện Biên Phủ là nhiều công sự kiên cố, vừa độc lập, vừa liên kết hỗ trợ cho nhau với một hỏa lực mạnh, nhưng điểm yếu là nằm giữa thung lung rừng núi, phải được sự chi viện qua cầu hàng không. Một khi tập đoàn cứ điểm này bị bao vây và đường hàng không bị khống chế là khoét sâu vào nhược điểm này của nó; sức mạnh sẽ không còn. Muốn vậy, ta cần phải có thời gian. Tháng 1, tháng 2 và đầu tháng 3-1954, quân Pháp rải truyền đơn thách đố Việt Minh giao chiến. Họ chỉ nhận lại câu trả lời “im lặng”.

Từ ngày 26-1-1954 đến ngày 13-3-1954 là khoảng thời gian vàng để bộ đội ta bổ sung lực lượng, lương thực, vũ khí, đạn dược, chuẩn bị công sự trú ẩn, trận địa…, đồng thời, bao vây, kìm chân những lực lượng chủ chốt ở Điện Biên Phủ tạo điều kiện cho các chiến trường phối hợp tiêu diệt địch. Trên các hướng phối hợp, quân ta đẩy mạnh hoạt động ở Trung - Hạ - Thượng  Lào, Tây Nguyên, thu hút “gìm chân quân địch trên khắp chiến trường”(14)Trên mặt trận đồng bằng Bắc Bộ, ngày 4 và 6-3-1954, quân ta phá hủy 22 máy bay của Pháp ở Gia Lâm và Cát Bi, đánh mạnh vào đường số 5, góp phần đẩy địch vào thế khó khăn trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ, bởi lẽ “thức ăn” của “con nhím” Điện Biên Phủ chủ yếu được chuyển bằng đường biển cập cảng Hải Phòng, chuyển theo đường số 5 lên Hà Nội, rồi chuyển lên Điện Biên Phủ bằng cầu hàng không.

Sau 19 ngày chuẩn bị, ngày 13-3-1954, chiến dịch bắt đầu với việc quân ta tiêu diệt Phân khu Bắc và cứ điểm Him Lam. Thắng lợi đợt 1 khẳng định tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không thể không công phá.

Để đánh phá trung tâm đầu não mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm (Phân khu Trung tâm), bộ đội ta mất 12 ngày để bổ sung lực lượng, lương thực, vũ khí, thuốc men; chuẩn bị công sự trú ẩn, nhất là xây dựng trận địa bao vây tiến công sẽ quyết định thành công của trận đánh. Từ ngày 30-3-1954 đến ngày 26-4-1954, quân ta mở tiến công đợt 2 kéo dài 27 ngày đêm, siết chặt vòng vây lửa, từng bước bóp chết “con nhím” Điện Biên Phủ.

Sau đợt 2, mặc dù số phận “con nhím” Điện Biên Phủ đã được định đoạt, nhưng quân ta mất 5 ngày chuẩn bị. Từ ngày 1-5 đến 17h30 ngày 7-5-1954, ta mở tiến công đợt 3 đánh vào Sở Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cá-xtơ-ri và Bộ Tham mưu của Pháp cùng toàn bộ số địch còn lại trên mặt trận Điện Biên Phủ. Chiến dịch toàn thắng.

Như vậy, tính từ ngày 26-1-1954, tức là ngày ta dự định thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” (trong vòng hai đến ba ngày đêm) đến ngày 7-5-1954, tức là ngày chiến dịch toàn thắng, tổng cộng có 74 ngày (trong đó, 19 ngày chuẩn bị cho ngày mở đầu; 55 ngày qua 3 đợt tiến công) là thời gian cần thiết cho một trận tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cố gắng quân sự cao nhất của Pháp ở Đông Dương, nhờ đó mới bảo đảm được thắng lợi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian được vận dụng để chuẩn bị các điều kiện như lực lượng, vũ khí, đạn dược, trận địa, các hoạt động phối hợp, tác chiến… từng bước làm suy yếu địch và cuối cùng giành thắng lợi.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”(15); còn Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nói: “Nếu lần đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!”(16).

Di tích đồi A1 năm xưa nay đã được phủ xanh_Ảnh: TTXVN

Vận dụng yếu tố thời gian trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Chúng ta chyển từ phương án giải phóng miền Nam trong hai năm (1975 - 1976), sang phương án giải phóng miền Nam trong một năm (1975); từ phương án giải phóng miền Nam trong một năm sang phương án giải phóng miền Nam trong tháng 5, trước mùa mưa năm 1975 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, theo đó, Mỹ phải chấm dứt dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam. Đây là thời cơ để Đảng ta lãnh đạo việc “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị họp và thông qua Kế hoạch giải phóng trong hai năm (1975 - 1976). “Ngoài kế hoạch chiến lược 1975 - 1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975 (17).

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Chính trị, ngày 10-3-1975, quân ta đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên. Bộ Chính trị trù tính giải phóng Tây Nguyên trong năm 1975, tức là bước thứ nhất trong kế hoạch hai năm. Trận Buôn Ma Thuột nhanh chóng giành thắng lợi, như một đòn “điểm huyệt” làm rung chuyển hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên. Nắm bắt thời cơ, ta tiếp tục bao vây, chia cắt địch ở Kon Tum, Pleiku. Ngày 16-3-1975, địch rút khỏi Kon Tum; ngày 17-3-1975, địch rút khỏi Pleiku, nhưng chúng đã bị ta bao vây, tiêu diệt và tạo nên thảm họa ở Tây Nguyên đối với địch. Chiến thắng Tây Nguyên làm rung chuyển cả chiến trường miền Nam.

Bám sát theo dõi chiến trường và tình hình quốc tế, nhất là nhận định thái độ của Mỹ sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, tại cuộc họp ngày 18-3-1975, “Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975”(18), đồng thời chỉ đạo nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở Vùng I chiến thuật từ Quảng Trị đến Quãng Ngãi, giải phóng Huế - Đà Nẵng. Như vậy, từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm (1975 - 1976), được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương rút xuống còn lại một năm, tức là rút ngắn 50% thời gian so với kế hoạch ban đầu.

Vùng I chiến thuật được Nguyễn Văn Thiệu bố trí binh lực mạnh, chỉ sau Vùng III chiến thuật (bao gồm các tỉnh, thành xung quanh Sài Gòn). Bị tác động mạnh bởi chiến dịch Tây Nguyên, quân địch ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hoang mang, mất tinh thần chiến đấu. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để ta đập tan tuyến phòng thủ Quảng Trị, từ ngày 19-3-1975 đến ngày 26-3-1975, quân ta mở cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Trong lúc chiến sự trên chiến trường Quảng trị, Thừa Thiên - Huế đang diễn ra thuận lợi, ngày 24-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng trong tháng 4-1975 và giải phóng Sài Gòn trong tháng 5-1975, trước mùa mưa năm 1975. Đến đây, kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975 được rút xuống trong tháng 5-1975, trước mùa mưa 1975. Theo đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập mặt trận Quảng Đà giải phóng Đà Nẵng do đồng chí Lê Trọng Tấn làm tư lệnh.

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai sau Sài Gòn, đây là căn cứ quân sự liên hợp rất mạnh, nơi đặt sở chỉ huy của vùng I chiến thuật của quân đoàn I (quân đội Sài Gòn). Tại đây, địch có khoảng 10 vạn quân, đủ các binh chủng và vũ khí hiện đại. Bị thất thủ ở Tây Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, địch co cụm về Đà Nẵng để tử thủ. Địch nhận định cộng sản phải mất một tháng chuẩn bị mới đánh được Đà Nẵng.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, 4-1975)_Ảnh: TTXVN

Trước sức ép các đợt tiến công của ta từ hai hướng Bắc và Nam, “quân hồi vô lệnh”, 10 vạn quân ở Đà Nẵng hoang mang, rệu rã, mất tinh thần chiến đấu. Đà Nẵng hỗn loạn. Trước tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương “hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, đánh cho địch không kịp trở tay”(19), chớp thời cơ giải phóng Đã Nẵng trong vòng 3 ngày. Theo đó, quân chủ lực phía Nam Đà Nẵng được lệnh “theo đường số 1 đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất”(20). Sư đoàn 304 mặc dù bị tiêu hao lực lượng sau khi đánh Thượng Đức được lệnh “phải bằng mọi cách tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Lúc này mọi sự chậm trễ đều có tội”(21).

Với phương châm“táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”, “đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất”, tận dụng thời gian địch mất tinh thần chiến đấu, hỗn loạn, với lực lượng ít hơn địch nhiều, từ ngày 26 đến ngày 29-3-1954, quân ta đã đập tan mọi sự kháng cự của 10 vạn quân địch với trang bị vũ khí hiện đại, giải phóng thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An. Yếu tố thời gian đã được vận dụng cao độ như một lực lượng to lớn, góp phần trong việc giải phóng Đà Nẵng.

Sau thất thủ ở Tây Nguyên, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, chính quyền Sài Gòn co cụm thành lập tuyến phòng thủ từ Phan Rang vào đến Cần Thơ. Chưa đầy một tháng, kể từ khi ta mở chiến dịch Tây Nguyên đến ngày 29-3-1954, ta đã giải phóng từ Quảng Trị vào đến Phan Rang, toàn bộ Tây Nguyên, tốc độ phát triển“một ngày bằng hai mươi năm” và xác định “thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh”(22), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung lực lượng giải phóng miền Nam. Vấn đề ở chỗ, phải tập trung binh khí, kỹ thuật, lực lượng nhanh nhất, mạnh nhất để đánh vào sào huyệt của địch. Theo đó, Bộ Tổng tư lệnh thành lập cánh quân phía Đông gồm 32.000 người, hơn 2.276 xe, pháo, tăng, thiết giáp, vượt hơn 1.000km, thực hiện mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”(23). Hành động thần tốc, táo bạo, kịp thời của cánh quân phía đông đã làm cho địch “không kịp trở tay”. Ngày 16-4-1975, ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang; ngày 21-4-1975, ta giải phóng Xuân Lộc - cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn hướng Đông Bắc. Mất Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn từ phía Đông Bắc được mở toang. Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Sài Gòn hỗn loạn. Binh lính rệu rã, mất sức chiến đấu.

Cũng trong thời gian này, với lực lượng ít ỏi, như một cơn lốc, lợi dụng địch trên các đảo rối loạn, từ ngày 14 đến ngày 28-4-1975, quân ta đã giải phóng quần đảo Trường Sa.

Chiến trường miền Nam như một cơn lốc. Tất cả các cánh quân đều hành quân thần tốc hướng về Sài Gòn, hạ tuần tháng 4-1975 đã áp sát Sài Gòn; dân chúng, người Mỹ và các sứ quán di tản ra khỏi miền Nam; Mỹ tuyên bố cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ. Thời cơ giải phóng Sài Gòn đã đến.

Từ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân nhanh chóng đập tan mọi sự kháng cự cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn vào ngày 30-4-1975. Đến ngày 2-5-1975, ta giải phóng tất cả các tỉnh còn lại.

Từ ngày 10-3 đến 30-4-1954, 55 ngày đêm tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn thời gian, khẩn trương, thần tốc. Từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm, xuống một năm; từ một năm xuống còn trong tháng 5-1975, trước mùa mưa năm 1975.

Phép dụng binh phải thiên biến, vạn hóa. Vận dụng yếu tố thời gian lúc nhanh, lúc chậm để biến thành lực lượng là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, là nghệ thuật quân sự, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đây là một nghệ thuật quân sự sáng tạo của Đảng và của Quân ủy Trung ương.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “nước cờ” có tính toán và đầy tham vọng của Na-va. Tương kế tựu kế để đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch chọn phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” là khoa học và hợp lý. Tranh thủ thời gian, ta khắc phục những khó khăn và hạn chế; phát huy ưu điểm của ta, đồng thời, khoét sâu nhược điểm của “con nhím” Điện Biên Phủ, cũng là khoét sâu nhược điểm “chiến tranh đồn binh” xâm lược cổ điển của địch. Từ chỗ dự định đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ hai đến ba ngày, Bộ Chỉ huy chiến dịch phải cần 74 ngày đêm mới giành thắng lợi “trăm phần trăm”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chuyển kế hoạch giải phóng miền Nam từ hai năm, xuống một năm; từ một năm xuống còn trong tháng 5-1975, trước mùa mưa năm 1975 với phương châm tiến công táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng và cao hơn nữa là Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Khi thời cơ xuất hiện, phải chớp lấy thời cơ. Sau thảm họa của địch ở Tây Nguyên, Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương chớp lấy thời cơ, đẩy nhanh tốc độ tiến công làm cho địch không kịp trở tay, giành thắng lợi bất ngờ, nhanh hơn dự kiến trong khi thế và lực của ta trên chiến trường so với địch có sự chênh lệch chưa nhiều. Ở đây, yếu tố thời gian được vận dụng theo hướng “tốc chiến, tốc thắng”, tiến công thần tốc đẩy địch vào thế “quân hồi vô lệnh”, rối loạn, mất sức chiến đấu rồi tan rã trước sự tấn công mãnh liệt của ta.

Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh có những bước phát triển nhanh và bền vững, luôn giữ vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam_Ảnh: TTXVN

Ở hai thời điểm cuối của hai cuộc chiến tranh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã “thiên biến, vạn hóa” trên cơ sở phân tích tình hình địch - ta trên chiến trường để vận dụng yếu tố thời gian, thực sự trở thành một lực lượng to lớn góp phần làm nên thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây chính là một nghệ thuật quân sự đặc sắc, sáng tạo của Đảng và Quân ủy Trung ương trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc./.

------------------

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 283

(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên phủ, Sđd, tr. 283

(3) Jean Pouget: Tướng Nava với trận Điện Biên Phủ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 234

(4), (5), (6), (7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 284, tr. 348, tr. 324, tr.302

(8) Thời gian nổ súng dự định là ngày 20-1-1954. Tiếp đến, ta lùi lại 5 ngày (ngày 25-1). Sau đó ta lùi tiếp 1 ngày (ngày 26-1-1954)

(9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 300, tr. 323, tr. 366, tr. 275, tr. 301, tr. 360, tr. 304,

(17) Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 170

(18), (19), (20), (21), (22), (23) Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Sđd, tr. 226, tr. 237, tr. 243, tr. 248, tr. 285, tr. 286