TCCS - Ngày 22-4-2020, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tiến hành Hội nghị lần thứ hai mươi ba để thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu _ Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tham dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các đồng chí ủy viên ban thường vụ Thành ủy, ủy viên ban chấp hành Đảng bộ thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Hội nghị được kết nối trực tuyến ở 4 phòng họp khác nhau để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I-2020, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng còn lại năm 2020; báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên địa bàn thành phố; các nội dung chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và công tác cán bộ; điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh), hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (Ga Hà Nội - quận Hoàng Mai) và số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã gợi mở, nêu vấn đề đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận. Đồng chí cho biết, cho đến nay, dư luận quốc tế cơ bản thống nhất đánh giá, Covid-19 là đại dịch lớn nhất hành tinh, làm thay đổi đời sống con người lớn nhất kể từ sau Thế chiến lần thứ 2, đặt ra thách thức toàn diện cho cả thế giới và Việt Nam về bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, xã hội. Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và nhiều khách vãng lai, Thủ đô Hà Nội là một địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước.

Trong bối cảnh đó, cùng với tập trung phòng, chống dịch Covid-19, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo duy trì tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng trưởng 3,72%. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo vừa qua, nhất là trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền cùng đoàn kết, đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu, giảm thiểu thiệt hại, nỗ lực phục hồi, “nạp năng lượng, tạo hiệu năng" để kinh tế Thủ đô có thể bật tăng trở lại khi khống chế được dịch bệnh.

Đề cập cụ thể từng vấn đề theo chương trình hội nghị, gợi ý cụ thể từng nội dung cần tập trung thảo luận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp cơ sở, tiến tới đại hội cấp đảng bộ trực thuộc Thành ủy, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng và hướng tới nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Thủ đô và đất nước, trong bối cảnh cả thế giới và đất nước đối mặt với nhiều thách thức lớn từ dịch Covid-19. Những nội dung của hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Đại hội XIII của Đảng.

Thay mặt Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong quý I-2020, mặc dù chịu tác động mạnh và nhanh của dịch Covid-19, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Trong quý II-2020, căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I-2020, thành phố dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%...

Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung, phát biểu thảo luận, đại diện các sở, ngành, quận, huyện cơ bản đồng tình với báo cáo của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Đáng chú ý, các ý kiến khẳng định, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, vai trò quản lý, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Ủy ban nhân dân thành phố là cơ sở quyết định giúp cho thành phố thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng; đến nay đã kiểm soát được tình hình, khống chế được các ổ dịch lớn.

Lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Cục Thuế Hà Nội; các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Sóc Sơn... đều khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, các đơn vị, địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, trên cơ sở chủ động, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, vướng mắc hiện nay của các dự án đầu tư công là liên quan đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cần thực hiện chính sách khuyến khích nông dân không bỏ ruộng. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, sở đã tham mưu, đề xuất với thành phố phương án điều chỉnh chương trình dạy và học. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên triển khai dạy và học trực tuyến, tinh giản nội dung dạy học cho phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, đã xác định kịch bản cụ thể nhằm bù đắp nguồn thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2020.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn kiến nghị, thành phố cần sớm lập ban chỉ đạo phát triển đầu tư công và giải ngân để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về giải phóng mặt bằng. Đồng chí cũng đề nghị nâng mức cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên, ngoài 10% đã xác định từ đầu năm; đồng thời, rà soát, củng cố cơ chế tạo động lực cho đấu giá đất để bù thu từ dịch vụ mới bảo đảm thu chi ngân sách, điều hòa chi ngân sách. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, huyện đã xây dựng các kịch bản nhằm phát huy nội lực của địa phương và tận dụng nguồn lực hỗ trợ của thành phố để sẵn sàng phục hồi kinh tế. Huyện cũng đã tiến hành rà soát và triển khai các giải pháp, phối hợp với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ ban hành kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thành phố cũng sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cùng với việc tập trung phòng, chống dịch Covid-19 sẽ chú trọng điều hành các hoạt động và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Hà Nội sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thành phố để vận hành bộ máy điều hành trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát; xử lý các tình huống khẩn cấp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố điều hành phần thảo luận tại hội nghị _ Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã nghe báo cáo, thảo luận về 3 tờ trình của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Thành ủy cho chủ trương về: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại khu vực giai đoạn 1 và một phần giai đoạn 2 dự án Thành phố thông minh thuộc xã Hải Bối (huyện Đông Anh); triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai theo phương thức đầu tư hình thức ODA; triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “Tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc”. Hội nghị cũng đã nghe tờ trình, bỏ phiếu bầu bổ sung hai ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó, đồng chí Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy (từ tháng 2-2020 đã được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố) và đồng chí Nguyễn Chí Lực, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã trúng cử.

Hội nghị cũng đã nghe các tờ trình, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy về chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, bao gồm: Báo cáo tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đề án phân bổ số lượng đại biểu dự Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và phương hướng công tác nhân sự Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã thống nhất cao về số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 71 đồng chí, giảm 5 đồng chí, theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Phương án là chuẩn bị tối đa 81 đồng chí để bầu 71 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hội nghị đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng, trách nhiệm các báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và đồng tình, nhất trí cao với nội dung các báo cáo, tờ trình. Ngoài số lượng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng thống nhất quan điểm, cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố hợp lý, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển, tính đại diện các ngành, các khu vực (không nhất thiết địa phương nào cũng tham gia cấp ủy, mà nếu ai xứng đáng, được đại hội tín nhiệm bầu thì vào); ưu tiên đại diện những ngành, lĩnh vực quan trọng của thành phố. Thành ủy Hà Nội cũng phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Thành ủy; tỷ lệ cấp ủy viên là cán bộ trẻ tuổi từ 10% trở lên.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khẳng định, kiên quyết không vì số lượng, cơ cấu mà đưa vào cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo những cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn. Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.

Cũng tại hội nghị, các đồng chí Thành ủy viên đã thống nhất số lượng đại biểu dự Đại hội XVII Đảng bộ thành phố là 500 đại biểu, bảo đảm cơ cấu hợp lý, hài hòa ở các ngành, lĩnh vực, địa phương, các tầng lớp xã hội, với tiêu chí là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, đại diện cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần đổi mới của Đảng bộ Hà Nội, có khả năng đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự thành công của đại hội. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu báo cáo để chỉ đạo thực hiện các quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII theo đúng quy định; báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua Đề án nhân sự cấp ủy và phương án nhân sự cụ thể tại hội nghị Thành ủy./.