Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ đăng quang của Nhật Hoàng
TCCS - Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, ngày 22-10-2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito tại Tokyo, Nhật Bản. Điều này thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, đang có những bước phát triển vượt bậc; mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhà vua mới cũng như Hoàng gia Nhật Bản.
Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản
Nhật Hoàng Naruhito lên ngôi ngày 1-5-2019 sau khi Vua cha Akihito thoái vị ngày 30-4-2019, đưa Nhật Bản bước vào thời đại Lệnh Hòa (Reiwa). Nhật Hoàng được coi là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito được tổ chức trang trọng với sự tham dự đông đảo của khách mời trong và ngoài nước.
Hơn 186 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cử đại diện tham dự Lễ đăng quang của Nhật Hoàng lần này, trong đó có 15 Nhà vua/Quốc vương các nước, 7 Hoàng Thái tử, 3 đoàn là thành viên Hoàng gia, 67 đoàn cấp Tổng thống, 12 đoàn cấp Phó Tổng thống, 25 đoàn cấp Thủ tướng… Đây được coi là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế nhất mà Nhật Bản từng tổ chức.
Tại Lễ đăng quang, Nhật Hoàng Naruhito đã tuyên thệ sẽ hành động theo đúng Hiến pháp, hoàn thành trọng trách là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Nhật Hoàng bày tỏ mong muốn Nhật Bản, với trí tuệ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân dân Nhật Bản, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp vào tình hữu nghị và hòa bình của cộng đồng quốc tế, cũng như lợi ích và sự thịnh vượng của nhân loại.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về hợp tác Viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, đối tác thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 29,16 tỷ USD (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 14,98 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018), nhập khẩu đạt 14,18 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2018). Hiện Nhật Bản có 4.291 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,36 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến tháng 1-2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ). Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Hơn 40 cặp địa phương của Nhật Bản - Việt Nam đã ký văn bản hợp tác, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh - Osaka; Thành phố Hồ Chí Minh - Nagano; Thành phố Hồ Chí Minh - Yokohama; Đà Nẵng - Sakai; Đà Nẵng - Yokohama; Hà Nội - Fukuoka; Đồng Nai - Hyogo; Bà Rịa - Vũng Tàu - Kawasaki; Phú Thọ - Nara; Huế - Kyoto; Hưng Yên - Kanagawa; Hải Phòng - Niigata; Nam Định - Miyazaki; Quảng Nam - Nagasaki; Cần Thơ - Hyogo... Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt khoảng 330.000 người, đứng thứ 3 trong tổng số người nước ngoài ở Nhật Bản. Người Việt sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại Tokyo và các tỉnh Aichi, Saitama, Osaka.
Việc Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ đăng quan Nhà vua Nhật Bản Naruhito tại Tokyo không chỉ thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, được Chính phủ, Hoàng gia Nhật Bản đánh giá cao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nước trong thời gian tới cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoàng gia Nhật Bản, mà còn khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội XII của Đảng đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
** Bên lề sự kiện chính thức Lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương với Thủ tướng Séc Andrei Babis, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Tổng thống Albania Ilir Meta. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với các nhà lãnh đạo về những biện pháp đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với cả 3 nước vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu mà nhân dân ba nước đã dành cho Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, coi đây là tài sản quý để Việt Nam cùng các nước phát triển quan hệ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Lãnh đạo cả ba nước đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam, nhất trí cần phát huy sự tin cậy và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước để tăng cường quan hệ song phương. Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là khi Việt Nam làm Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại buổi gặp Thủ tướng Séc Andrei Babis, Thủ tướng Séc đánh giá cao những kết quả hợp tác cũng như trao đổi đoàn gia tăng giữa hai nước thời gian gần đây, tin tưởng khi Hiệp định tự do thương mại (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) đi vào hiệu lực sẽ đóng góp thiết thực cho quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng Andrei Babis khẳng định sẽ tạo thuận lợi để Hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm khai trương đường bay trực tiếp giữa Hà Nội - Praha, tạo điều kiện cho giao thương giữa hai nước. Thủ tướng Andrei Babis cho biết phía Séc đang triển khai các biện pháp về lãnh sự để tạo thuận lợi hơn cho đi lại của công dân Việt Nam sang Séc, sẵn sàng tiếp nhận người lao động có tay nghề cao, các điều dưỡng viên; mong muốn thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, khai thác mỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, hàng chục nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Séc sẽ là cầu nối quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước.
Trong buổi tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai bên cần phát huy những thế mạnh của nhau để khai thác các tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai nước, trong đó cần chú trọng hợp tác giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa chất, dược phẩm… Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy sớm cuộc họp của Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật giữa hai bên để trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hai nước đã phối hợp tích cực trên các diễn đàn quốc tế; khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Bulgaria tăng cường hợp tác với ASEAN khi Việt Nam làm Chủ tịch năm 2020; đồng thời mong muốn Bulgaria sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ và thúc đẩy đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và tiếp tục thúc đẩy Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Albania Ilir Meta, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi thông tin về nhau, trong đó có hình thức tổ chức các diễn đàn kinh tế thương mại để doanh nghiệp và người dân hai nước nắm bắt được các cơ hội giao thương. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cần sớm thúc đẩy đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định bảo hộ và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước nhằm tạo cơ sở thuận lợi hai bên tăng cường hợp tác kinh doanh.
Thủ tướng Séc, Tổng thống Bulgaria và Tổng thống Albania vui vẻ nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp, góp phần đưa quan hệ với Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.
*** Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản dự Lễ đăng quang của Nhật Hoàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số địa phương, tổ chức Nhật Bản
Tại buổi tiếp ông Yuji Kuroiwa, Thống đốc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi tới người dân Nhật Bản vùng bị nạn do cơn bão Hagibis gây ra; bày tỏ cảm ơn những tình cảm mà chính quyền và nhân dân Kanagawa dành cho Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Thống đốc Yuji Kuroiwa và chính quyền tỉnh trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kanagawa với Việt Nam qua những sáng kiến, hoạt động thực chất, trong đó có việc đưa các “Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa” và “Lễ hội Kanagawa tại Hà Nội” trở thành những sự kiện giao lưu văn hóa có quy mô hàng đầu được tổ chức thường niên tại hai nước.
Nhấn mạnh đến quy mô dân số, tiềm năng của Kanagawa, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn đẩy mạnh quan hệ với Nhật Bản nói chung và tỉnh Kanagawa nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thống đốc Yuji Kuroiwa và chính quyền tỉnh Kanagawa khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; thúc đẩy giao lưu địa phương, hợp tác du lịch, giao lưu văn hóa; hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng, sinh viên người Việt Nam sinh sống, học tập tại Kanagawa; tăng cường hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực, mở rộng tiếp nhận thực tập sinh và lao động Việt Nam.
Thống đốc Yuji Kuroiwa đã thông tin với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình hợp tác giữa tỉnh Kanagawa và Việt Nam, trong đó có kế hoạch tổ chức Lễ hội Kanagawa tại Hà Nội lần thứ 2 (tháng 11-2019), thu hút đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Nhật Bản đến tham dự. Thống đốc Yuji Kuroiwa cũng cho biết, các doanh nghiệp của tỉnh quan tâm tìm kiếm khả năng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam; mong muốn tăng tiếp nhận lao động của Việt Nam thời gian tới.
Tại buổi tiếp ông Okada Naotosi, Chủ tịch, Tổng Giám đốc báo Nikkei, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc báo Nikkei tổ chức thường niên Hội nghị Tương lai châu Á, là diễn đàn có uy tín, thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia châu Á.
Trao đổi với lãnh đạo báo Nikkei về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng, là một trong những quốc gia tăng trưởng dẫn đầu khu vực và trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo Nikkei tiếp tục thường xuyên, nhanh chóng mang tới cho bạn đọc Nhật Bản thông tin cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó tích cực góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Okada Naotosi cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp; bày tỏ những ấn tượng sâu sắc về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đất nước, con người Việt Nam. Tổng Giám đốc báo Nikkei cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên cử đại diện cấp cao tham dự Hội nghị Tương lai châu Á, trong đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự năm 2017, tích cực đưa ra các đề xuất, giải pháp cho các vấn đề chung của toàn cầu và châu Á, đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc báo Nikkei Okada Naotosi bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được đón Lãnh đạo Việt Nam tới dự Hội nghị Tương lai châu Á trong năm 2020, khi Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Okada Naotosi cũng thông tin đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về sự quan tâm rất cao của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với hợp tác kinh tế với Việt Nam trong thời gian tới và khẳng định báo Nikkei mong muốn tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tại buổi tiếp ông Masayoshi Son, Tổng Giám đốc Tập đoàn SoftBank - tập đoàn đầu tư tài chính lớn nhất Nhật Bản - với phạm vi đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tựu kinh doanh của SoftBank trên phạm vi khu vực và toàn cầu, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đột phá để cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người dân trên toàn thế giới. Thủ tướng hoan nghênh việc SoftBank mở rộng đầu tư vào Việt Nam - một quốc gia đang có môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và đã đạt được những thành tích hết sức ấn tượng về kinh tế, là quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực và trên thế giới.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đem lại lợi ích cho mỗi bên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ vui mừng vì trong quá trình đó, có sự đóng góp của SoftBank thông qua các dự án hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng cũng hoan nghênh SoftBank mở rộng các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Quỹ Tầm nhìn SoftBank hiện đang đầu tư tới 100 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và và tạo nên các ngành công nghiệp, dịch vụ mới.
Tổng Giám đốc Tập đoàn SoftBank cho biết trong những năm qua, SoftBank đều thu về lợi nhuận tốt từ các khoản đầu tư tại Việt Nam, nhất là thông qua các hoạt động đầu tư quỹ, các công ty công nghệ đem lại giá trị gia tăng cao, trong đó có Grab. Ông Masayoshi Son cũng cho biết, SoftBank đã đầu tư 3 tỷ USD vào Grab, giúp Grab trở thành tập đoàn kinh doanh dịch vụ kết nối di chuyển hàng đầu Đông Nam Á, nhất là ở các thị trường Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore… SoftBank cũng mong muốn sẽ thông qua Grab tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ tài chính và xe điện của Việt Nam. Ông Masayoshi Son bày tỏ vui mừng chứng kiến thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cho rằng, trong tiến trình phát triển, Việt Nam cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, bởi điều này sẽ làm giảm rủi ro và đồng thời mang lại những công nghệ mới cho ở Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, đại diện lãnh đạo Grab cho biết, nhờ khoản đầu tư của SoftBank, Grab đã đầu tư hơn 200 triệu USD vào Việt Nam; tạo ra hơn 220.000 cơ hội kiếm thêm thu nhập tại Việt Nam. Vào tháng 8 vừa qua, SoftBank cũng đã cam kết thông qua Grab triển khai đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính và xe điện.
Hoan nghênh các hoạt động đầu tư của SoftBank và Grab vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn SoftBank cần mở rộng quy mô đầu tư hơn nữa, tạo dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam bằng những dự án quy mô đặc biệt lớn, phù hợp với tầm vóc tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản và tương xứng với mối quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị không chỉ dịch vụ tài chính, vận tải công nghệ, SoftBank cần hướng đến đầu tư vào Việt Nam trong cả những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, trong đó có dự án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để SoftBank đầu tư thành công tại Việt Nam.
**** Tối ngày 22-10-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Tiệc Hoàng gia do Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản chủ trì. Đây cũng là hoạt động cuối cùng trong khuôn khổ chuyến tham dự Lễ đăng quang của Nhà Vua Nhật Bản của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc./.
Nhật Linh (tổng hợp)
Đưa Bình Thuận trở thành tỉnh có nền kinh tế biển phát triển mạnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ  (23/10/2019)
Thực hiện phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (22/10/2019)
Nhận thức và ứng xử đúng quy luật với vấn đề bóc lột trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (22/10/2019)
9 tháng, doanh thu của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng  (22/10/2019)
Đốt kép lò hơi ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Một giải pháp, đa lợi ích  (22/10/2019)
Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV  (22/10/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên