Đưa Bình Thuận trở thành tỉnh có nền kinh tế biển phát triển mạnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ

NGUYỄN MẠNH HÙNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận
00:07, ngày 23-10-2019

TCCS - Nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, Bình Thuận đã xác định mục tiêu “tập trung xây dựng tỉnh có kinh tế mạnh về biển trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ; bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển và có đóng góp quan trọng vào kinh tế của tỉnh...”. Để thực hiện chủ trương này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phải triển khai những bước đi cụ thể, vững chắc.

Khai thác lợi thế điện mặt trời, Bình Thuận phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước_Ảnh: TTXVN

Những kết quả đạt được

Xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng của biển trong chiến lược của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007, về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (Nghị quyết số 09) và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30-5-2007, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 14-6-2007, Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XI đã ban hành Chương trình hành động số 07-NQ/TU nhằm phát huy lợi thế, phát triển kinh tế biển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 07 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản có liên quan để triển khai thực hiện(1), đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, đáng chú ý là Tỉnh ủy khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 3-11-2016, về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025; tập trung đầu tư đào tạo các nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện xây dựng Bình Thuận thành trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; quan tâm đào tạo nghề quản trị resort bảo đảm đạt cấp độ ASEAN và các nghề, như sửa chữa máy tàu, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí bảo đảm đạt cấp độ quốc gia.

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09, đến nay tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nổi rõ là: nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của kinh tế biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển nhanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân vùng ven biển và hải đảo; kết cấu hạ tầng ven biển tiếp tục được quan tâm đầu tư; các tuyến đường ven biển được nâng cấp, mở rộng; các khu dân cư, khu đô thị du lịch ven biển được quy hoạch, xây dựng nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển du lịch ven biển; hệ thống kè bảo vệ bờ biển, kết cấu hạ tầng nghề cá(2) và hệ thống nước sinh hoạt ven biển được chú trọng đầu tư, xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.

Nhằm khai thác lợi thế, Bình Thuận đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch và nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó lượng du khách quốc tế tăng bình quân 12,8%/năm; doanh thu từ du lịch tăng trưởng bình quân đạt 24,78%/năm; giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức tăng bình quân 12,3%/năm. Hoạt động du lịch đã thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và hỗ trợ các ngành, nghề khác cùng phát triển, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách.

Huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận)_Nguồn: Zing.vn


Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả, nhất là công nghiệp năng lượng khu vực ven biển và tại huyện đảo Phú Quý phát triển khá nhanh và đa dạng (thủy điện, nhiệt điện than, điện đi-ê-den, điện gió và điện mặt trời) với tổng công suất đạt 3.322,5MW; sản lượng điện phát ra hằng năm khoảng 13 tỷ kWh. Ngoài ra, có khoảng 90 dự án điện mặt trời, 19 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương khảo sát hoặc đầu tư, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện, lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong vùng lãnh hải Việt Nam thuộc phạm vi tỉnh quản lý có 3 mỏ dầu khí đã khai thác hiệu quả là mỏ Rạng Đông, Ru Bi, Sư tử Đen (sản lượng 80 nghìn thùng dầu/ngày). Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển từng bước được đầu tư với 2 dự án nghiền bột zircon, với tổng công suất 15 nghìn tấn/năm và 1 dự án luyện xỉ titan công suất 24 nghìn tấn/năm đã triển khai xây dựng... góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh.

Để phát triển kinh tế thủy sản, tỉnh đã chú trọng phát huy năng lực khai thác hải sản với việc đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có 7.054 tàu cá với tổng công suất 1.066.035CV; tàu cá có công suất từ 90CV trở lên có 3.046 chiếc (tăng 1.843 chiếc so năm 2007), trong đó có 179 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ (năm 2007 toàn tỉnh chưa có tàu dịch vụ hậu cần xa bờ); công suất bình quân tàu thuyền toàn tỉnh đạt 151,12CV/chiếc, tăng 93,34CV/chiếc so với năm 2007; sản lượng khai thác hải sản năm 2018 đạt 217.770 tấn, tăng 33% so với năm 2007. Việc khai thác lợi thế tự nhiên vùng biển đã đưa sản xuất tôm giống trở thành thế mạnh nổi trội của tỉnh, chiếm trên 25% lượng tôm giống sản xuất của cả nước, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm thương phẩm trên thị trường các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO; xây dựng mối liên kết chuỗi từ khâu khai thác đến thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, sản xuất nước mắm phát triển ổn định với sản lượng trong năm 2018 đạt trên 40 triệu lít, tăng 66,2% so năm 2007.

Có thể khẳng định rằng, thực hiện Nghị quyết số 09 của Đảng mà hơn mười năm qua, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh tế biển của tỉnh được giải quyết và từng bước phát triển ổn định trên tất cả các mặt, ngành thủy sản đóng góp khoảng 6,8% GRDP của tỉnh (nếu tính cả phần giá trị gia tăng từ chế biến thủy sản thì đạt khoảng 15% GRDP); giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 150 triệu USD, chiếm gần 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Khó khăn, vướng mắc và một số kinh nghiệm

Công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại các địa phương có biển còn chậm, chất lượng đồ án chưa cao; nguồn ngân sách lập quy hoạch chưa được bố trí kịp thời. Việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cụ thể là thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các cơ sở du lịch ven biển. Tình trạng sạt lở bờ biển ở một số khu du lịch, khu dân cư ven biển tiếp tục xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiến độ và giá trị đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư thứ cấp còn khó khăn. Mặc dù điện gió là một lợi thế tiềm năng sẵn có của tỉnh, nhưng quá trình đầu tư và phát triển các dự án vẫn gặp trở ngại vì chính sách hỗ trợ phát triển điện gió của Nhà nước chưa đủ mạnh. Trong khi đó, nguy cơ cao về ô nhiễm, không khí, nguồn nước... từ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân chưa được giải quyết triệt để; các hoạt động dầu khí, vận tải trên biển luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu; rác thải trên biển ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái biển và các ngành kinh tế khác.

Việc phát triển du lịch biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn thiếu, nhiều nơi phát triển chưa đồng bộ, chưa tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Vướng mắc giữa phát triển du lịch và khai thác quặng sa khoáng titan ven biển hoặc giữa phát triển du lịch và phát triển kinh tế hải sản chưa được tháo gỡ. Nhiều dự án không thực hiện được do chồng lấn quy hoạch khai thác quặng sa khoáng titan; kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại không ít khu vực ven biển còn thiếu (chưa có hệ thống cấp điện, cấp và thoát nước sinh hoạt, xử lý nước thải,...) đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản còn gặp khó khăn do không đủ phương tiện, lực lượng để quản lý nên hiệu quả có phần hạn chế, dẫn đến nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao ngày càng cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác không đúng quy định. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển và cơ sở đào tạo chưa đồng bộ, công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và việc làm, định hướng nghề nghiệp tại các vùng kinh tế biển chưa sát với thực tiễn.

Từ thực tiễn thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện chiến lược và các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về biển, đảo. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xã hội đối với vấn đề biển, đảo.

2- Khi tiến hành quy hoạch phát triển vùng ven biển, đảo của địa phương phải thực hiện nghiên cứu một cách khoa học, khách quan, toàn diện, cụ thể,... có như thế mới phát huy được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Coi trọng cơ chế phân công, phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong đầu tư phát triển để phát huy cao nhất lợi thế so sánh của các vùng, các địa phương.

3- Phát triển kinh tế vùng ven biển, hải đảo phải gắn với giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội, dân sinh, nâng dần đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã ven biển, hải đảo; phải gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong từng ngành, từng dự án.

4- Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với tính chất, đặc điểm từng vùng biển để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản bảo đảm để họ có thu nhập và đời sống ổn định; đồng thời, thực hiện sự phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp

Kế thừa, phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là tiền đề quan trọng để Tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2045, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh và trở thành tỉnh có nền kinh tế mạnh về biển, làm giàu từ biển. Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian tới, Bình Thuận sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá vị thế, tiềm năng của biển nước ta nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng, chú trọng việc quảng bá thương hiệu sản phẩm có lợi thế của địa phương nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch biển, đảo tại tỉnh.

Hai là, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ven biển và hải đảo, bao gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông, các tuyến luồng hàng hải, nhằm kết nối các trung tâm phát triển ven biển với cả nước. Chú trọng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ cho phát triển kinh tế biển vốn là thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá theo quy hoạch; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình đê, kè bảo vệ bờ biển và trồng rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, chắn cát, hạn chế biển xâm thực, thích nghi với biến đổi khí hậu.

Ba là, liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế biển với các ngành, lĩnh vực liên quan, như đào tạo, dạy nghề, ứng dụng khoa học - công nghệ...; gắn kết phát triển các ngành kinh tế biển với phát triển các trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp. Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư khu vực ven biển và hải đảo phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên kết hợp phát triển điện gió và du lịch vùng biển Tuy Phong, Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Quý, Kê Gà, Hàm Tân, La Gi,... đưa tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Chủ động các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng tham gia các dịch vụ phụ trợ cho sản xuất năng lượng tái tạo trên địa bàn, để phát triển các ngành kinh tế biển dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư theo quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né(3), khu du lịch Phú Quý; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan, đa dạng sinh học vùng biển đảo, như các khu bảo tồn biển Hòn Cau, Cổ Thạch, Hòa Thắng - Hòa Phú, Mũi Né, Kê Gà, Hòn Lan, La Gi, Phú Quý để đến năm 2030, Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Sáu là, để phát triển kinh tế hàng hải, tỉnh sẽ thu hút đầu tư cảng biển Sơn Mỹ, đầu tư nâng cấp cảng vận tải Phan Thiết. Nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cửa biển; quản lý, khai thác có hiệu quả cảng Phú Quý, Vĩnh Tân, Phan Thiết, phát triển đội tàu vận chuyển khách từ đất liền ra huyện đảo Phú Quý. Nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ gắn với đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hàng hải; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hoa tiêu, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ khác nhằm thu hút các hãng vận tải, đoàn tàu cập bến tại các cảng của tỉnh Bình Thuận./.

------------------------------------

(1) Quyết định số 1613/QĐ-UBND, ngày 26-7-2010, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, trong đó có 12 danh mục các chương trình phát triển, 26 danh mục các dự án đầu tư phát triển, 31 danh mục các dự án kết cấu hạ tầng, sản xuất, kinh doanh kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư trên các lĩnh vực và nhiều quyết định, chính sách hỗ trợ các địa phương và nhân dân các khu vực ven biển, đảo tập trung phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh

(2) Khu chế biến thủy sản phía Nam cảng cá Phan Thiết, khu quy hoạch chế biến nước mắm Phú Hải, vùng nuôi tôm công nghiệp Núi Tào, công trình nâng cấp cảng cá Phan Thiết, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải (cấp vùng). Triển khai thi công Dự án khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1); khởi công xây dựng công trình: khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý (giai đoạn 1)

(3) Quyết định số 1772/QĐ-TTg, ngày 18-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt quy hoạch tong thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030