Việt Nam - Lào trao đổi kinh nghiệm về chính sách pháp luật trong giáo dục nghề nghiệp và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
* Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam và Lào, ngày 27-9, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề: “Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm” và “Công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan Quốc hội và Chính phủ và các bộ, ngành liên quan”.
Tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội Lào; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan Việt Nam và Lào.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou thay mặt Quốc hội và các báo cáo viên của Lào đến từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thủ đô Vientiane, tỉnh Bolikhamxay, tỉnh Vientiane, các bộ, ngành liên quan của Lào nhiệt liệt chào mừng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các cán bộ trong đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Lào và tham dự hội thảo về chủ đề thực hiện vai trò giám sát giáo dục nghề nghiệp và xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou cho rằng, đây là chủ đề có ý nghĩa quan trọng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nhân dân trong điều kiện mở rộng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Chủ đề này có liên hệ trực tiếp với hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, việc giám sát thực hiện pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp trong quản lý, giải quyết các vấn đề trong xã hội, nhất là giải quyết vấn đề việc làm, giáo dục, nâng cao tay nghề người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước, bảo đảm giải quyết tranh chấp trong xã hội một cách đúng đắn, theo pháp luật, công bằng, an toàn, trật tự xã hội được bảo đảm .
Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou nhấn mạnh, tiếp tục truyền thống của mối quan hệ hợp tác và sự đoàn kết giữa Quốc hội Lào và Việt Nam đi vào chiều sâu trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, trong thời gian qua, hai Quốc hội Lào và Việt Nam coi hình thức cùng tổ chức hội thảo là một hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm trao đổi bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện vai trò lập pháp ngày càng vững mạnh.
Hai chủ đề của hội thảo liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cả Quốc hội và Hội đồng nhân dân, từ đó đặt ra yêu cầu phải cùng nhau tham gia vào việc giải quyết những vấn đề trên của nhân dân một cách phù hợp và đúng pháp luật, bảo đảm quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam cùng với Quốc hội Lào tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác quản lý của mỗi nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 của Việt Nam và khóa 8 của Lào, Quốc hội của hai nước đến nay đã 8 lần tổ chức hội thảo chung, trong đó Chủ tịch Quốc hội hai nước đã cùng nhau đồng chủ trì 4 cuộc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Có thể nói, quan hệ hợp tác nghị viện đặc biệt đó chỉ có thể có được giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào. Điều này càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề quan trọng của đất nước và là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm ở Việt Nam đã được quy định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, trong đó Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” (Điều 35, khoản 1). Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã thể chế hóa quy định này của Hiến pháp thành các quy định của pháp luật.
Việt Nam luôn xác định chính sách về việc làm là một trong những chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay từ sau đổi mới, Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch và đầu tư ngân sách cho hoạt động này. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có Chiến lược việc làm giai đoạn 2011 - 2020, Quỹ hỗ trợ việc làm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành triển khai đồng bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách trợ cấp mất việc làm, bảo đảm an toàn việc làm; chính sách hỗ trợ việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Cùng với đó, việc đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư và tạo điều kiện để người dân được đào tạo nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm có thu nhập.
Hiện nay, cùng với việc triển khai đồng bộ thực hiện chính sách việc làm và giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước về lao động - việc làm; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người lao động và người sử dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với phát triển kinh tế toàn cầu ngày càng lớn như hiện nay.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng với quá trình phát triển đất nước, tính dân chủ ngày càng được mở rộng thì việc người dân có đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan nhà nước cũng ngày càng nhiều và đòi hỏi chất lượng việc xử lý ngày càng cao, công khai, minh bạch.
Xác định rõ công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với tinh thần “lấy dân làm gốc”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước theo tinh thần “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tập thể và cá nhân, năm 1998, lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo trên tinh thần kế thừa các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các văn bản dưới luật nhằm mục đích để việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức và cơ quan.
Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến năm 2011, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Khiếu nại và năm 2018 đã ban hành Luật Tố cáo. Với việc đổi mới này càng khẳng định tư tưởng của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quá trình giải quyết xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải gắn thực hiện “công bằng, dân chủ” trong đường lối phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, hiện nay tại Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ có sự phối hợp khá chặt chẽ, nhịp nhàng trong vấn đề này, mặc dù công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, có mặt nhạy cảm, cần nỗ lực hơn nữa để ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam trân trọng và chúc mừng trước những thành tựu mà nhân dân các dân tộc Lào đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith đứng đầu, nhân dân các dân tộc Lào anh em sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra. Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Quốc hội Lào, tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, kết quả hợp tác, tích cực góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
** Chiều cùng ngày, tại Thủ đô Vientiane đã diễn ra Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng I, II, III, Huân chương Hữu nghị và Huy chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho tập thể, cá nhân của Quốc hội Lào.
Tham dự lễ trao tặng có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc Lào Pany Yathotou, cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội hai nước.
Theo Quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập ngày 21-9-2019, do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ký, Việt Nam trao tặng 4 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 13 Huân chương Độc lập hạng Nhì và 30 Huân chương Độc lập hạng Ba cho 12 tập thể và 35 cá nhân thuộc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào.
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký Quyết định tặng thưởng 21 Huân chương Hữu nghị; 17 Huy chương Hữu nghị cho 4 tập thể và 34 cá nhân thuộc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã có thành tích xuất sắc trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Quốc hội, các cơ quan Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được hình thành trong quá trình lịch sử lâu đời. Đặc biệt trong hơn 8 thập kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản chung vô giá của hai nước chúng ta.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Hai dân tộc Việt Nam và Lào đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, xây đắp nên mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, trở thành tài sản chung vô giá và là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm cho sự thành công của cách mạng mỗi nước”.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào vẫn luôn không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trên cả các kênh Đảng, Nhà nước và hợp tác, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, chúng ta tự hào về quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt, hiệu quả giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhiều tập thể và cá nhân của Quốc hội Lào, các cơ quan của Quốc hội Lào đã có những thành tích xuất sắc và đóng góp quan trọng vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào”.
Việc trao tặng huân, huy chương là phần thưởng cao quý và sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những công lao đóng góp của các đồng chí; là sự gửi gắm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam mong muốn các đồng chí nỗ lực nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt các tập thể, cá nhân được trao tặng huân chương, huy chương, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sysay Leudedmounsone chân thành cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã trao tặng các phần thưởng cao quý cho tập thể, cá nhân của Quốc hội Lào; nêu rõ, đây không chỉ là vinh dự của các cá nhân, tập thể được trao tặng mà còn là vinh dự chung của Quốc hội Lào, khẳng định sự thành công trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hai nước Lào và Việt Nam./.
BTV/TTXVN
Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam luôn vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn  (16/09/2019)
Khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/09/2019)
Bế mạc Đại Hội đồng AIPA 40, Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên  (29/08/2019)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay