TCCS - Ngày 26-8-2019, Đại Hội đồng lần thứ 40 Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 40) với chủ đề chung: “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững” đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, với sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Việt Nam tham dự.

 

Đại Hội đồng AIPA 40 có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ 10 quốc gia thành viên AIPA và các nước quan sát viên, đối tác của nước chủ nhà Thái Lan.

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai phát biểu khai mạc_Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai nêu rõ, AIPA là một khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa các nghị sĩ, nghị viện ASEAN, từ xuất phát điểm khiêm tốn, AIPA đã lớn mạnh và có sự tham gia của 10 nghị viện thành viên của các nước ASEAN, có 12 nghị viện quan sát viên trên thế giới. Đây là một thành công vượt bậc, minh chứng cho khát vọng chung của ASEAN.

Chủ tịch AIPA 40 nhấn mạnh: “Dù đó là vấn đề an ninh, kinh tế hay bình đẳng xã hội, thì lịch sử cũng đã cho thấy chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi phối hợp, hợp tác cùng với nhau. Nhưng lịch sử luôn được viết những trang mới và chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị các “đợt sóng” thay đổi quét đi. Hiện tại, các thách thức liên quan, từ chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu, dòng người di cư, các vấn đề liên quan đến tham nhũng... đều hướng chúng ta tới việc phải nỗ lực hết sức để vượt lên những thách thức làm xói mòn những thành tựu”.

Chủ tịch Chuan Leekpai nhấn mạnh trong thời điểm có nhiều biến động như hiện nay, phải có những biện pháp phản ứng, xử lý rất nhanh chóng. “Chúng ta sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến người nghèo, người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Đây chính là lý do vì sao AIPA 40 lựa chọn chủ đề thúc đẩy hợp tác liên nghị viện vì cộng đồng bền vững. Với tư cách là cơ quan lập pháp của các nước ASEAN, chúng ta là cơ quan quyền lực nhà nước gần gũi nhất với người dân và có vị trí quan trọng trong quá trình rà soát, xem xét nguyện vọng của người dân. Khi chúng ta lắng nghe người dân thì sẽ giải quyết được căn bản, gốc rễ những vấn đề của người dân và hướng tới phúc lợi cho người dân”, Chủ tịch Chuan Leekpai nói.

Trên tinh thần này, Chủ tịch AIPA 40 nhấn mạnh đến 4 vấn đề cần quan tâm.

Một là, các nghị sĩ với tư cách là người đại diện cho người dân có quyền lựa chọn các vấn đề ưu tiên để sử dụng nguồn lực xử lý, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Hai là, các cơ quan lập pháp của các nước trong khu vực phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Ban Thư ký ASEAN để có thể cùng hướng tới những thành công trong tương lai và lâu dài.

Ba là, phải lấy người dân làm trung tâm, đặt người dân lên hàng đầu. “Với dân số 647 triệu người trong ASEAN, thước đo đối với thành công trong công việc của chúng ta chính là phúc lợi của người dân. Nếu chúng ta tăng quyền cho người dân để người dân có thể tự đứng trên đôi chân của mình thông qua việc đem đến cho họ những cơ hội và an ninh thì cộng đồng của chúng ta sẽ phát triển bền vững, lâu dài,” Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai nhấn mạnh.

Bốn là, phải thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền. Với tư cách là các nhà lập pháp, nghị viện các nước cần hướng tới việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Thông qua nguyên tắc pháp quyền mới có thể duy trì được trật tự xã hội và thúc đẩy quá trình người dân tuân thủ pháp luật. Không một quốc gia nào có thể phát triển trên cơ sở vẫn chấp nhận sự bất công và những hành vi không trong khuôn khổ pháp luật.

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 cũng nhấn mạnh với tư cách là cơ quan lập pháp, nghị viện các nước có thể hành động để chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử và thực thi các nguyên tắc giám sát, đẩy lùi các vấn đề về tham nhũng ngay từ trong nội tại xã hội. Một cộng đồng dựa trên cơ sở luật pháp, thúc đẩy pháp quyền thì sẽ đạt được sự công bằng thực tế, đúng đắn.

Ngay sau Lễ khai mạc đã diễn ra Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA 40. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu tại Phiên họp này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA 40_Ảnh: TTXVN 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một năm qua, thế giới đã trải qua nhiều biến động nhanh chóng và phức tạp. Cộng đồng ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt, trong đó nổi lên là vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống…; kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặc dù vậy, ASEAN vẫn đạt được những kết quả khích lệ trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng, các nước thành viên đều duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ (trung bình ở mức 5,1% năm 2018).

Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp ở khu vực thời gian qua cũng khiến chúng ta phải lo ngại. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa qua, các nước đã lên tiếng thẳng thắn về những hoạt động đơn phương trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực tới hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.

Vì vậy, cần khẳng định lại những nguyên tắc và nhận thức chung đã được các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi đối với vấn đề Biển Đông; trong đó có đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, xuất phát từ những bối cảnh nêu trên, cần tiếp tục nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác để qua đó, khẳng định vai trò của ASEAN là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác và phát triển ở khu vực.

“Chúng ta có mặt tại đây hôm nay, khẳng định mạnh mẽ AIPA và các nghị sĩ của AIPA sẵn sàng đồng hành cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng khối bền vững bao gồm các yếu tố: hòa bình, ổn định, dựa trên luật pháp, lấy người dân làm trung tâm, đoàn kết, thống nhất cùng phát triển. Trong tiến trình đó, AIPA và các nghị viện thành viên đã và sẽ tiếp tục góp phần xây dựng ngôi nhà chung ASEAN, thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật, tăng cường giám sát thực thi các cam kết, các kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng và chính sách hợp tác của ASEAN,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và của AIPA, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Quốc hội Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các hoạt động của AIPA, phát huy quan hệ đối tác AIPA - ASEAN.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn AIPA quan tâm một số vấn đề.

Cụ thể là tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN; củng cố đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ứng phó hiệu quả với các vấn đề tác động tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Cùng với đó là củng cố, đổi mới hơn nữa tổ chức và hoạt động của AIPA nhằm phát huy vị thế, vai trò của AIPA, một đối tác quan trọng của ASEAN trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững. AIPA tích cực, chủ động hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong gắn kết tương hỗ giữa triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc vì phát triển bền vững đến năm 2030. Đồng thời, ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về thúc đẩy liên kết khu vực toàn diện và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa, rác thải biển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nghị sĩ, các nghị viện thành viên AIPA tăng cường rà soát hệ thống các văn bản pháp luật trong nước, thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật hoặc công nhận lẫn nhau về pháp lý nhằm phục vụ cho việc triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột với tầm nhìn 2025. Cần tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin trong ASEAN, khu vực và toàn cầu để tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm nâng cao năng lực quốc gia thích ứng với thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách số và ứng phó với các thách thức an ninh mạng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về AIPA, ASEAN tới mọi người dân, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của các nghị sĩ trẻ AIPA vì một Cộng đồng ASEAN bền vững, hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trong năm 2020, năm mà Việt Nam vinh dự mang những trọng trách: là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là Chủ tịch ASEAN, đồng thời Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy AIPA trở thành một tổ chức liên nghị viện hoạt động hiệu quả, thực sự trở thành đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi của mọi công dân ASEAN.

* Trong khuôn khổ các hoạt động tham dự AIPA 40, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự họp Ban Chấp hành AIPA. Tại cuộc họp, Ban Chấp hành AIPA đã thông qua đề cử Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó Chủ tịch Ban Chấp hành AIPA. Theo thông lệ, Chủ tịch AIPA năm sau được bầu làm Phó Chủ tịch Ban Chấp hành AIPA.

Ban Chấp hành AIPA đã thông qua Báo cáo của các hội nghị các nhà tư vấn AIPA Caucus lần thứ 10, Báo cáo cuộc gặp lãnh đạo ASEAN-AIPA tại Hội nghị cấp cao ASEAN 30, Báo cáo cuộc gặp lãnh đạo ASEAN-AIPA tại Hội nghị cấp cao ASEAN 34, Báo cáo kết quả Hội nghị Ủy ban AIPA CODD lần thứ 2 về phòng, chống tệ nạn ma túy; thông qua chương trình hoạt động của Đại hội đồng AIPA 40; thông qua các chủ đề nghị sự của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức và Đối thoại với quan sát viên, khách mời của nước chủ nhà Thái Lan gồm: Ban Thư ký ASEAN, Nghị viện Maroc, Nghị viện Nauy, một số tổ chức nghiên cứu trong khu vực.

Tại phiên họp Ban Chấp hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo về việc Đại hội đồng AIPA 41 sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào cuối tháng 8-2020.

** Bên lề AIPA 40, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin_Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp, hai Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quốc hội hai nước trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả và thiết thực trên tất cả các lĩnh vực.Quốc hội Việt Nam và Campuchia đã hỗ trợ lẫn nhau tích cực tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác cũng như đạt được nhận thức chung trong ASEAN, AIPA. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và Quốc hội Campuchia quan tâm, tạo điều kiện tổ chức các hội nghị về nghị sĩ trẻ, giao lưu nghị sĩ hữu nghị hai nước trong năm 2019, Hội nghị về nữ nghị sĩ Quốc hội hai nước vào năm 2020.

Đồng ý với kiến nghị này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Campuchia khẳng định Hạ viện, Thượng viện Campuchia sẵn sàng ủng hộ Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch AIPA 41 vào năm 2020. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước; ghi nhận, đánh giá cao món quà Việt Nam tặng là công trình Nhà làm việc của Ban Thư ký và các Ủy ban của Quốc hội Campuchia.

Đánh giá cao hai bên đã nỗ lực hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc, đang trao đổi thống nhất các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên nỗ lực sớm hoàn thành 16% còn lại, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cũng bên lề AIPA 40, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc, đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cấp bộ, ngành và địa phương nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp, ủng hộ của Maroc dành cho Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương như việc Maroc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, công nhận kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Maroc tại các diễn đàn quốc tế, đề nghị hai bên tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết. Đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban Hỗn hợp và các cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước.

Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Ông khẳng định Maroc cũng có truyền thống coi trọng tình cảm, tình hữu nghị; đồng thời thông báo sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Maroc tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 tại Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki mong muốn Quốc hội Việt Nam hỗ trợ Maroc trong quá trình trở thành quan sát viên AIPA, cũng như Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ Maroc trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành về ASEAN.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Bangkok.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con Việt kiều tại Thái Lan_Ảnh: TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng đã báo cáo những kết quả công tác của Đại sứ quán thời gian qua. Đại sứ nêu rõ, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đang phát triển tốt đẹp. Hai nước hiện là những đối tác chiến lược đầu tiên của nhau trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2013. Thái Lan hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư đứng trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, từ các dự án lọc hóa dầu đến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng… Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội Thái Lan qua các thời kỳ đều hết sức coi trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nhấn mạnh, cộng đồng kiều bào ở Thái Lan hiện có trên 100.000 người, có bề dày truyền thống cách mạng, các thế hệ trước đây đã từng đóng góp nhân tài, vật lực cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, luôn kính yêu Bác Hồ, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và rộng lòng tham gia, có những đóng góp thiện nguyện cho các phong trào trong nước, như ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nạn nhân thiên tai bão lũ, cho các chiến sĩ nơi hải đảo, biên giới xa xôi... Hiện nay, có khoảng 50.000 người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ đang sinh sống, làm việc tại Thái Lan, nơi tập trung nhiều nhất là thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương các cán bộ, nhân viên trong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và bà con kiều bào về những đóng góp to lớn đó. Lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện đã khắc phục những khó khăn, vất vả trong công việc và cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu vào việc tổng kết những bài học thành công về đối ngoại của Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện trong thời gian qua.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các hoạt động hướng về quê hương của bà con kiều bào tại Thái Lan. Cộng đồng luôn đoàn kết, tương thân tương ái, tuân thủ pháp luật sở tại, hòa nhập với nhân dân địa phương xây dựng và phát triển mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong việc vun đắp quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan. Cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan tiếp tục quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, trong đó có việc duy trì việc dạy và học tiếng Việt cho con con em kiều bào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn bà con kiều bào tại Thái Lan tiếp tục là những hạt nhân tích cực để vun đắp mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng phát triển tốt đẹp và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước./.

BTV/TTXVN