Trong 6 tháng đầu năm 2008, đặc biệt là trong tháng 6, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều điểm mờ nhạt, và có cả những bất cập mới nảy sinh, một số vấn đề xã hội bức xúc đã xuất hiện. Việc đưa ra những giải pháp để kiềm chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2008 là hết sức cần thiết.

Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế có một số dấu hiệu tích cực, thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, đầu t­ư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục. Trong 6 tháng đã có 487 dự án đ­ược cấp mới với số vốn đăng ký đạt 30,94 tỉ USD, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2007. Vốn đầu tư­ mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tiếp đến là dịch vụ, còn lại là khu vực nông lâm thuỷ sản. Hình thức đầu tư­ cũng đa dạng. Quy mô vốn của các dự án đầu tư mới không chỉ tăng mà còn đổi mới về cơ cấu, chuyển từ dịch vụ sang xây dựng khu công nghiệp lọc dầu và liên hợp sản xuất thép. Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng lên tới 5 tỉ USD, mức cao nhất trong các năm gần đây, cũng là một điểm sáng so với các năm trước.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu tăng 31,8%. Vượt qua những khó khăn do thị trường biến động và chi phí đầu vào tăng cao, kim ngạch xuất 6 tháng đạt 29,69 tỉ USD, tăng 31,8% so cùng kỳ năm 2007. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao. Có 9 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD

Thứ ba, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa, sản xuất lương thực cả nước vẫn tăng trưởng khá trong vụ lúa đông xuân và vụ lúa hè thu. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát; tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 2124 nghìn tấn, tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, tốc độ lạm phát có chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã tăng chậm lại. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2008 tăng 2,14% so với tháng 5-2008. Như vậy, tốc độ tăng CPI tháng 6 đã giảm so tốc độ tăng CPI tháng 5-2008.

Thứ năm, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2008 vẫn duy trì được ở mức khả quan so với yêu cầu về tiến độ thực hiện dự toán và mức thực hiện cùng kỳ tháng trước. Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong kỳ tiếp tục đạt khá, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu.
 
Thứ sáu, tình hình xã hội ổn định, số hộ thiếu đói giảm dần trong tháng 6. So với tháng 5-2008, số hộ thiếu đói giảm 43,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 41,0%.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng nêu trên, nền kinh tế cũng đang đứng trước những tồn tại, khó khăn và bất cập không thể xem nhẹ.

Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2008 tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2007; tính bền vững của tốc độ tăng trưởng GDP chưa đều và chưa được bảo đảm. Điều này được thể hiện trên các ngành sản xuất và các hoạt động dịch vụ, nhất là công nghiệp và xây dựng. Công nghiệp tăng trưởng chậm và không đều trong 6 tháng qua; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tốc độ tăng đều chậm lại hoặc giảm so cùng kỳ.

Hai là, nông nghiệp tuy có khởi sắc nhưng không đều và chưa vững chắc. Tình hình nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó khăn: tiêu thụ cá tra khó khăn, một phần do nhiều doanh nghiệp thiếu vốn thu mua cá, phần khác giá xuất khẩu đang bị ép giá ở thị trường nước ngoài; hoặc, sản lượng tôm sú nuôi cũng giảm do giá xăng dầu và các chi phí khác cho đi biển liên tục tăng, tàu thuyền phải nằm bờ, thời gian bám biển khai thác của ngư dân giảm so cùng kỳ năm trước.

Ba là, nhập siêu còn lớn, 6 tháng đạt 14,78 tỉ USD, bằng 50% kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008, là mức cao nhất so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ nhập siêu 4,8 tỉ USD, bằng 21,3% kim ngạch xuất khẩu). Nguyên nhân là do tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu.

Bốn là, tốc độ lạm phát tuy có giảm nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn còn cao, còn có yếu tố chưa bảo đảm bền vững. Trên thực tế, tốc độ tăng giá của tháng 5 là đột biến do yếu tố đầu cơ lương thực, sang tháng 6, yếu tố đó không còn, giá lương thực giảm, kéo theo giá thực phẩm tăng chậm, tác động trực tiếp đến CPI chung cả tháng 6 là điều tất yếu.

Năm là, thu chi ngân sách có tiến bộ, nhưng chưa bền vững, chưa đều. Sáu tháng đầu năm 2008 vẫn còn 9/64 tỉnh, thành phố số thu đạt dưới 40% dự toán được giao. Chi ngân sách nhà nước bằng 48,3% dự toán.

Xuất phát từ tình hình trên, xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu cần tập trung trong 6 tháng cuối năm.

- Tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ để phát triển sản xuất, kiềm chế nhập siêu, kiểm soát tiền tệ, giá cả và bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy vai trò chủ đạo của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước trong tổ chức, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp của Chính phủ, cũng như sự tham gia đồng bộ, đều khắp của các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng...

- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tập trung cao độ nguồn lực của Nhà nước, các doanh nghiệp và của dân cư để đảm bảo nông nghiệp phát triển toàn diện, tăng trưởng bền vững, cân đối cả lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp nhằm mục tiêu giữ vững an ninh lương thực, thực phẩm và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tăng trưởng nông nghiệp nhanh và bền vững vừa là giải pháp kiềm chế lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tận dụng thời cơ giá gạo thế giới tăng cao, thị trường khan hiếm lại vừa đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Giải pháp này vô cùng quan trọng, là chìa khóa để thực hiện thành công các giải pháp của Chính phủ.

Để thực hiện tốt giải pháp này, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tăng cường đầu tư củng cố hệ thống đê, kè, hồ chứa; chủ động các phương án phòng, chống bão lũ, lốc xoáy, dịch bệnh, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong vụ lúa hè thu và vụ mùa. Khôi phục và phát triển chăn nuôi trong mọi điều kiện của thời tiết và biến động của thị trường thế giới về phân bón, vật tư nông nghiệp. Trước mắt, Nhà nước cần xem xét trợ giá bán lẻ phân bón cho nông dân (giá urê đã tăng 2 lần trong thời gian ngắn) để bảo đảm mức đầu tư thâm canh lúa vụ hè thu và vụ mùa năm 2008 đạt năng suất cao.

Chính phủ cần sớm ban hành Quyết định tăng cường quản lý chặt đất lúa 2-3 vụ ăn chắc theo hướng cấm chuyển đổi tự phát sang các mục đích khác phi nông nghiệp trên phạm vi cả nước để đảm bảo an ninh lương thực và kế hoạch xuất khẩu gạo 4,5 triệu tấn trong năm nay, duy trì trong dài hạn. Tháo gỡ những khó khăn, nhất là vốn và thị trường trong sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực nhà nước (6 tháng chỉ tăng 6,9% về giá trị sản xuất) để đảm bảo nhịp độ tăng trưởng cao hơn, nhất là các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thuỷ sản.

- Kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết hoặc chưa có điều kiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ; nguồn vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tự huy động và tự quyết định đầu tư; vốn vay của các ngân hàng thương mại đầu tư vào các lĩnh vực ngoài chức năng của doanh nghiệp (bất động sản, chứng khoán, tài chính). Các loại dự án cần cắt giảm nên tập trung vào các lĩnh vực xây dựng trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp, các công trình phục vụ phi sản xuất chưa cần thiết và các dự án treo.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp kinh tế, hành chính để quản lý chặt các hoạt động tài chính, tiền tệ, thị trường giá cả trong mọi tình huống. Tăng cường khả năng thanh khoản cho các ngân hàng. Đáp ứng đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp, kiểm tra chặt và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, vi phạm quản lý ngoại hối. Tổ chức lại hệ thống phân phối, bán lẻ, lưu thông hàng hoá nhằm chống đầu cơ, găm hàng, gây sốt ảo, làm rối loạn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng. Phát huy vai trò chủ đạo thực sự của hệ thống thương mại nhà nước trong quản lý thị trường, giá cả.

- Xử lý bài toán giá bán lẻ xăng dầu. Đối với giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu cần xem xét mức độ bù giá cho các doanh nghiệp và giá bán lẻ sao cho hợp lý, nhằm vừa kiềm chế lạm phát, nhưng lại vừa giảm gánh nặng bù lỗ cho ngân sách nhà nước (6 tháng đã bù lỗ hơn 13.700 tỉ đồng), và chống buôn lậu qua biên giới. Hiện nay giá dầu thô thị trường thế giới đã vượt 140USD, có lúc lên trên 147USD/thùng, như vậy, giá xăng dầu nhập khẩu sẽ tăng, mức bù lỗ của Nhà nước chắc sẽ tăng theo. Nếu cứ tiếp tục bù lỗ giá xăng dầu đối với mọi đối tượng tiêu dùng, kể cả các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp dịch vụ, khách sạn, nhà hàng... là không hợp lý. Ngoài ra, tăng giá xăng dầu cũng là biện pháp giảm ô-tô, xe máy nhập khẩu, lưu thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường, góp phần giảm cơn sốt giá xăng dầu thế giới, tạo động lực để thực hành tiết kiệm, như kinh nghiệm của Trung Quốc./.