Đoàn thí sinh Việt Nam tham dự IPho 2008

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: IPhO 2008 là cơ hội tốt cho tất các bạn trẻ chứng tỏ năng lực sáng tạo của mình về môn Vật lý, đồng thời là dịp để học sinh của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ giao lưu, học hỏi lẫn nhau và tăng cường các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Sáng 21-7, tại Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39. Tham dự kỳ thi có 376 học sinh đến từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự.

Sau thành công của Olympic Vật lý châu Á lần thứ 5 năm 2004 và Olympic Toán học lần thứ 48 năm 2007, năm nay là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO 2008).

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: IPhO 2008 là cơ hội tốt cho tất các bạn trẻ chứng tỏ năng lực sáng tạo của mình về môn Vật lý, đồng thời còn là dịp để học sinh của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ giao lưu, học hỏi lẫn nhau và tăng cường các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

5 thí sinh Việt Nam dự IPhO 2008 gồm:

1. Đỗ Hoàng Anh: Lớp 12 chuyên Vật Lý Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người đầu tiên có mặt trong đội tuyển Việt Nam tới 4 lần và đã đoạt HCB IPhO lần thứ 38 và 2 HCV Olympic Vật lý châu Á 2008.

2. Nguyễn Tất Nghĩa: Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, HCV IPhO lần thứ 38 và HCV Olympic Vật lý châu Á 2008.

3. Nguyễn Đức Minh: Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, HCB Vật lý châu Á.

4. Huỳnh Như Toàn: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, giải Nhất quốc gia lớp 11, giải nhì quốc gia lớp 12 và HCB châu Á.

5. Trần Anh Vũ: Trường THPT dân lập Đào Duy Từ, Hà Nội, giải Ba quốc gia năm lớp 11 và giải nhì quốc gia lớp 12.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tin tưởng: “Với lòng hiếu khách và sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, các thí sinh sẽ có những điều kiện tốt nhất và công bằng để tranh tài trong cuộc thi đỉnh cao, mang vinh quang về cho quê hương, góp phần vào sự phát triển không ngừng của ngành Vật lý trên thế giới”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Kỳ thi Olympic Vật lý đầu tiên diễn ra vào năm 1967 được tổ chức tại Vac-sa-va (Ba Lan), mới chỉ có 5 nước tham gia. Đến nay, kỳ thi đã thu hút sự tham gia của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy, kỳ thi ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng Vật lý và các tài năng Vật lý trẻ trên thế giới. Đây cũng là điều đặc biệt có ý nghĩa khi mà hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng tiêu cực là giới trẻ ngại học các môn khoa học cơ bản, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài và bền vững của khoa học và các nền kinh tế. Do đó, kỳ thi Olympic Vật lý hàng năm nói chung và năm nay nói riêng sẽ góp phần khích lệ phong trào học Vật lý trên phạm vi toàn cầu và áp dụng kiến thức Vật lý vào các ứng dụng thực tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong chiến lược phát triển con người, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời luôn tìm cách phát hiện sớm các tài năng trẻ trong các lĩnh vực khoa học, trong đó có ngành Vật lý; tạo cho các em những điều kiện tốt nhất để phát huy khả năng thiên bẩm của mình.

Tại lễ khai mạc, Giáo sư Maija Ahtee, Quyền Chủ tịch IPhO 2008 đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị và tổ chức IPhO 2008; đồng thời tin tưởng, kỳ thi sẽ thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp với các thí sinh cũng như các quan khách quốc tế về một đất nước Việt Nam mến khách, có nền văn hoá đa dạng.

Ngày mai (22-7), tất cả thí sinh tham dự IPhO 2008 sẽ bước vào môn thi Lý thuyết. Sau khi thi xong phần thực hành, từ ngày 25 đến 27-7, thí sinh sẽ tham quan Vịnh Hạ Long, thăm cố đô Hoa Lư, thăm khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc và đi thăm một số địa danh khác của Việt Nam./.