Nước Nga sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin: Thành tựu và vấn đề
Ngày 7-5-2008, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Đ. Mét-vê-đép. Ngay sau đó, ngày 8-5-2008, ông V. Pu-tin được Đu-ma quốc gia Nga bầu vào vị trí Thủ tướng chính phủ với số phiếu áp đảo (392/448 phiếu). Đây là kết quả tín nhiệm cao của người dân Nga đối với ông sau 8 năm cầm quyền với "di sản" là một nước Nga hùng mạnh.
Thành tựu sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin
Bức tranh toàn cảnh của nước Nga từ khi Tổng thống V. Pu-tin lên cầm quyền đến nay đã trở nên sáng sủa hơn nhiều. Sau 8 năm, V. Pu-tin đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của nước Nga, đưa đất nước này hồi sinh mạnh mẽ, tạo cơ sở hiện thực để Nga tái khẳng định vị thế, vai trò của một cường quốc trên thế giới.
Một nền kinh tế phục hồi ngoạn mục. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga hằng năm ở mức bình quân 6,4%, đặc biệt năm 2007 tăng ở mức cao nhất 8,1%, đưa Nga trở thành một trong mười nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính chung trong 8 năm qua, GDP của Nga tăng khoảng 70%, công nghiệp 75%, đầu tư 125%. Năm 2006, Nga đã thanh toán hết khoản nợ 23,5 tỉ USD cho Câu lạc bộ các chủ nợ Pa-ri trước thời hạn, nhờ đó, tiết kiệm được 12 tỉ USD và được các nước phương Tây công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Thặng dư ngân sách cũng đạt mức kỷ lục, năm 2006 là 77,3 tỉ USD, năm 2007 là 44 tỉ USD. Dự trữ vàng và ngoại tệ tăng nhanh, đến giữa tháng 2-2008 đạt khoảng 485 tỉ USD, chiếm vị trí thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, chính phủ Nga đang thực hiện chính sách quản lý hiệu quả nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao trong nhiều năm qua. Từ năm 2004, Nga đã dành hơn một nửa số doanh thu từ dầu lửa và khí đốt để lập Quỹ Bình ổn quốc gia nhằm sử dụng cho các khoản chi trả nợ, cải cách lương hưu, giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế,... Quỹ Bình ổn quốc gia hiện chiếm khoảng 9% GDP của Nga(1). Cuối tháng 1-2008, quỹ này đã tách thành Quỹ Dự trữ (nhằm bảo vệ Nga trước những đột biến tài chính toàn cầu) và Quỹ Phúc lợi quốc gia (được sử dụng để cải cách lương hưu). Tổng thống V. Pu-tin và các nhà lãnh đạo Nga coi đây là nội dung cơ bản của "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội", là "chính sách đầu tư vào con người, đầu tư cho tương lai của đất nước". Ngoài ra, năm 2007, ngành công nghiệp chế biến và nhiều ngành kinh tế khác đã có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế Nga (chiếm 2/3 mức tăng trưởng GDP), giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ như trước kia.
Mức sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế phục hồi đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ Nga thực hiện các chính sách xã hội tích cực như xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng, trường học, bệnh viện, tăng lương cho người lao động, người nghỉ hưu... Trong 8 năm, thu nhập thực tế của người dân Nga đã tăng hơn gấp đôi, tỷ lệ dân cư sống ở mức đói nghèo đã giảm từ 30% năm 2000 xuống còn 14% năm 2007. Chính phủ Nga đã xúc tiến thực hiện 4 chương trình quốc gia về cải thiện nhà ở, giáo dục, y tế và khoa học với tổng số tiền đầu tư khoảng 5 tỉ USD lấy từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Nga đã ngăn chặn được đà suy giảm dân số kéo dài hơn 15 năm qua bằng các chính sách, biện pháp khuyến khích sinh con (năm 2007, chính phủ Nga ban hành sắc luật nâng mức trợ cấp nghỉ thai sản; mỗi bà mẹ sinh con thứ hai trở lên sẽ được nhận số tiền trị giá 10.650 USD). Kết quả là lòng tin của đông đảo người dân Nga, nhất là giới trẻ vào chính quyền, đặc biệt là đối với Tổng thống V. Pu-tin nhiều năm nay liên tục tăng cao.
Duy trì sự bình ổn chính trị. Có thể nói, chính quyền của Tổng thống V. Pu-tin trong 8 năm qua bằng nhiều biện pháp, chính sách khác nhau đã chấm dứt cục diện chính trị hỗn loạn trước đó ở Nga trong một chừng mực nhất định. Trật tự hiến pháp và không gian pháp lý chung đã được phục hồi và củng cố. Dưới sự điều hành của Tổng thống V. Pu-tin, nhà nước Nga đã có những sửa đổi căn bản bộ máy quản lý, tập trung nhiều quyền lực hơn cho chính quyền trung ương; đồng thời, quyền lực của các vùng, các tỉnh tự trị ở địa phương được phân định rõ ràng, nhiều chức năng kinh tế, xã hội được chuyển giao cho các vùng. Nga đã không để xảy ra cuộc "cách mạng màu sắc", bảo đảm được sự bình ổn chính trị; không bị các cuộc "cách mạng màu sắc" ở một số nước SNG tác động tiêu cực đến đời sống chính trị của đất nước. Chính phủ Nga đã cương quyết trong việc sử dụng các công cụ của nhà nước nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương, chống tham nhũng, xác lập một "nền dân chủ có thể kiểm soát". Theo như nhận định của một chính trị gia Trung Quốc, đây là con đường chính trị được tìm ra sau khi nước Nga đã trải qua tiến trình chuyển đổi hơn mười năm gian truân, là sản phẩm được kết hợp giữa quan niệm giá trị phương Tây và văn hóa chính trị truyền thống của Nga, là sự lựa chọn khó khăn giữa tự do và dân chủ trong trật tự, ổn định. Tổng thống V. Pu-tin đã nhiều lần khẳng định rằng nước Nga quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ, song theo một cách riêng, và không ai có thể áp đặt mô hình dân chủ kiểu phương Tây cho Nga.
Tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Nước Nga dưới thời V. Pu-tin đã thực sự giành lại vị thế cường quốc hàng đầu thế giới với nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng nhanh, ảnh hưởng chính trị lớn cùng những lợi thế truyền thống như dầu khí, hạt nhân... Đây là những nhân tố quan trọng tạo cơ sở cho Tổng thống V. Pu-tin thực hiện chính sách đối ngoại của một cường quốc theo cách riêng của mình. Ông đã thực hiện chính sách đối ngoại nổi tiếng "thực dụng", tận dụng tối đa các lợi thế hiện có của Nga nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vai trò, vị thế của nước Nga trên trường quốc tế. Thông qua ngoại giao đa phương và song phương, các diễn đàn, các tổ chức quốc tế, Nga tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm xoa dịu các cuộc "xung đột" trong khu vực cũng như trên thế giới; đặc biệt nêu cao vai trò của Liên hợp quốc nói chung, của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng; kiên trì đấu tranh chống lại ý đồ thiết lập trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường hay một nhóm nước lớn phát triển chi phối; ủng hộ thiết lập một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm. Nga đã phản đối gay gắt cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở I-rắc cũng như kế hoạch của Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) ở Đông Âu, lôi kéo U-crai-na, Gru-di-a vào NATO; lên án những động thái gây căng thẳng, ngờ vực lẫn nhau trong quan hệ quốc tế. Nga mở rộng ảnh hưởng, sự hiện diện về chính trị và kinh tế ở một số khu vực như châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Mỹ La-tinh; có những động thái tích cực như xóa nợ cho những nước nghèo nhất trên thế giới... Với Mỹ và các nước lớn châu Âu, mặc dù còn có những bất đồng, nhưng dù muốn hay không, những nước này cũng không thể qua mặt Nga trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như mở rộng khối NATO, hay các vấn đề về an ninh năng lượng. Nga đã đóng vai trò đáng kể trong việc kiềm chế chính sách đơn phương của Mỹ.
Những thành công mà Tổng thống V. Pu-tin gặt hái được qua 8 năm cầm quyền là rất lớn. Ngày 14-2-2008, trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Tổng thống, ông V. Pu-tin phát biểu rằng: "Tôi là người giàu nhất châu Âu và cả thế giới này... bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Nga dành cho tôi chính là sự giàu có lớn nhất của tôi".
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thành công không thể phủ nhận, nước Nga còn những vấn đề chưa giải quyết được và những mục tiêu vẫn còn dang dở.
Nước Nga "hậu V. Pu-tin" với những vấn đề còn nổi cộm
Về kinh tế, Nga chưa khắc phục hoàn toàn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, khoản thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu (gần 50%). Chính phủ Nga chưa khống chế được tình trạng lạm phát cao (năm 2006 là 9,7%, năm 2007 là 11%) - một yếu tố tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga hiện nay. Nhìn chung, kinh tế Nga phát triển chưa bền vững, khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước chưa cao, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thuận lợi.
Về chính trị - xã hội, nước Nga "hậu V. Pu-tin" đang đứng trước khá nhiều vấn đề nan giải như nạn quan liêu, tham nhũng vẫn mang tính chất phổ biến; tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiếp tục gia tăng; chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng tăng; an ninh xã hội chưa được bảo đảm. Điều đáng lo ngại còn ở chỗ, tình trạng suy giảm về dân số, về tuổi thọ bình quân của nước Nga chưa được cải thiện đáng kể. Về tư pháp, các điều kiện cho ngành tư pháp chưa thực sự độc lập với ngành hành pháp và lập pháp; cải cách hệ thống tư pháp chưa đạt mục tiêu đề ra, cho đến nay, các thủ tục tố tụng vẫn chưa minh bạch và rõ ràng. Về chính trị, sự chia rẽ, nhất là sự thờ ơ về chính trị của công chúng đã làm cho đa số các chính đảng và phong trào chính trị ở Nga không có được cơ sở xã hội sâu rộng, vững chắc. Phần lớn các chính đảng ở nước Nga hiện nay chưa thực sự đóng vai trò là những tổ chức đại diện cho lợi ích của quần chúng lao động.
Trên trường quốc tế, mặc dù nước Nga thời V. Pu-tin đã gia tăng ảnh hưởng, có tiếng nói đối trọng trong nhiều vấn đề chính trị - an ninh thế giới, nhưng chưa có được những đồng minh, những nước sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong quá trình chuyển đổi của Nga hay thực lòng ủng hộ Nga trong giải quyết những bất đồng với Mỹ và phương Tây. Quan hệ giữa Nga và một số nước SNG, nhất là với Gru-di-a và U-crai-na đang nằm trong tình trạng "bất ổn". Với tư cách là nước lớn và mạnh nhất trong SNG, Nga dường như đóng vai trò hạt nhân gắn kết các nước thành viên, nhưng trên thực tế, chính sách của Nga với tổ chức liên kết này xem ra chưa đủ mạnh, và SNG hiện nay gần như đang đứng bên bờ vực của sự tan rã.
Đối với khu vực châu Âu, nếu như nước Nga thời Tổng thống V. Pu-tin đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với Mỹ và các nước lớn EU nhờ những nhượng bộ của Nga sau "sự kiện ngày 11-9-2001", cùng với việc nâng cao nội lực và sức mạnh tổng hợp quốc gia, song những nhân tố gây căng thẳng từ bên ngoài biên giới Nga vẫn không ngừng gia tăng kể từ cuối năm 2003, nhất là khi xảy ra các cuộc "cách mạng màu sắc" ở một số nước SNG có bàn tay dàn dựng của Mỹ. Nga đang trong tình thế không mấy dễ chịu trong quan hệ với Mỹ và EU xung quanh những bất đồng về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vấn đề Cô-xô-vô độc lập hay những cáo buộc của Mỹ và EU về vấn đề dân chủ của Nga... Ngoài ra, cho đến nay, Nga vẫn chưa gia nhập WTO và OECD, trong khi NATO và EU không ngừng được củng cố và mở rộng đến sát biên giới của Nga.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù vai trò và ảnh hưởng của Nga đã tăng lên, nhưng chưa tương xứng với tầm vóc hiện có của Nga. Vị thế của Nga trong các tổ chức, các diễn đàn khu vực và liên khu vực như APEC, ARF, ASEM,... chưa thực sự nổi trội. Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) - trong đó Nga và Trung Quốc là hai nước sáng lập viên - hoạt động chưa hiệu quả, chưa tạo được đối trọng với NATO. Mặc dù quan hệ giữa Nga với các nước trong khu vực, nhất là với những nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện và nâng lên tầm cao mới về chất, nhưng xét về nhiều mặt, Nga vẫn chưa phải là đối tác hàng đầu của họ. Có thể nói, so với Liên Xô trước đây, sức lan tỏa của văn hóa và ảnh hưởng chính trị - cái gần đây được các chiến lược gia Mỹ gọi là "sức mạnh mềm" (soft power) - của Nga hạn chế hơn rất nhiều.
Tóm lại, sau 8 năm cầm quyền, với những bài học kinh nghiệm đắt giá trong đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của mình, cựu Tổng thống V. Pu-tin vẫn tràn đầy sinh lực, nhất là khi ông không lui vào hậu trường, mà chỉ hoán đổi vị trí, trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp. Tổng thống V. Pu-tin, giờ đây là Thủ tướng V. Pu-tin, cùng Tân Tổng thống Đ. Mét-vê-đép sẽ đưa nước Nga bước vào giai đoạn phát triển mới, đi tới một tương lai tươi sáng vì đông đảo người dân lao động Nga, góp phần vì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới./.
Hãy thêm một lần làm việc thiện, hiến máu cứu người  (11/06/2008)
Phát huy vốn xã hội trong bảo vệ môi trường  (11/06/2008)
Phát triển thị trường nông sản nước ta trong điều kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới  (11/06/2008)
Đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (11/06/2008)
Cần tiếp tục ráo riết chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất  (11/06/2008)
Thi đua là yêu nước  (11/06/2008)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên