Hội nghị cấp cao NATO: kết quả không như Mỹ mong đợi
Hội nghị cấp cao lớn nhất trong lịch sử của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau ba ngày họp từ ngày 1 đến 4-4-2008 tại Bu-ca-rét (Ru-ma-ni) đã bế mạc với những kết quả còn hạn chế. Trong khi đó, các nước thành viên NATO tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và chia rẽ trong nội bộ khối.
Thất bại của kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông
Trong số 35 điểm của chương trình nghị sự, mở rộng NATO về phía đông và tăng cường an ninh ở Áp-ga-ni-xtan là hai vấn đề chính quan trọng được các nước thành viên tập trung thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị. Đối với vấn đề mở rộng NATO, xem xét việc gia nhập của U-crai-na và Gru-di-a lại là vấn đề trọng tâm được quyết định ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị. Theo nguyên tắc của NATO, kế hoạch mở rộng NATO chỉ được thông qua, khi nó nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 26 nước thành viên. Thế nhưng đa số các nước đồng minh NATO, đi đầu là hai nước Pháp và Đức đã khước từ mong muốn gia nhập tổ chức này của U-crai-na và Gru-di-a. Thậm chí họ còn không trao quy chế Kế hoạch hành động thành viên (MAP) - bước đi chính thức đầu tiên để gia nhập NATO cho hai nước này. Thủ tuớng Đức, bà An-giê-la Méc-ken tuyên bố thẳng thừng rằng: “Chúng tôi tin rằng, hiện nay còn quá sớm để trao tư cách tiền thành viên cho U-crai-na và Gru-di-a”, với lý do chính phủ hai nước này không có được sự ủng hộ của ngưòi dân. Hơn nữa, theo như các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức, các nước có xung đột nội bộ (như Gru-di-a đang phải đối mặt với làn sóng phản đối của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a) chưa thể trở thành thành viên của NATO. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, còn có nguyên nhân sâu xa hơn, mà các nước thành viên NATO chủ chốt như Pháp, I-ta-li-a, Đức, Tây Ban Nha không nói ra, đó là không muốn làm tổn hại các mối quan hệ với Nga - nước cung cấp nguồn năng lượng chính cho lục địa châu Âu.
U-crai-na và Gru-di-a từng là một phần của Nga hàng thế kỷ trước khi trở thành những nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây. Nếu hai nước này trở thành thành viên NATO, toàn bộ lãnh thổ của Nga cũng như an ninh của Mat-xcơ-va sẽ luôn luôn nằm trong tầm ngắm của NATO. Còn Mỹ sẽ kiềm chế được vị trí ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và cả thế giới. Bởi thế, từ lâu nay, Mỹ luôn thúc đẩy mở rộng NATO về phía Đông, bất chấp sự phản đối của Nga. Ngay trước khi tới Bu-ca-rét tham dự Hội nghị, Tổng thống G. Bu-sơ đã tới U-crai-na và tại đây, ông đã biểu thị sự ủng hộ không chỉ U-crai-na mà cả Gru-di-a trở thành thành viên của NATO, bằng những ngôn từ rất mạnh, như: “Mỹ có lập trường rất vững chắc để hậu thuẫn cho U-crai-na và Gru-di-a gia nhập NATO”, rằng “cần ấn định những tiêu chuẩn chính thức cho họ gia nhập NATO”. Ông Bu-sơ muốn gây áp lực với các nước thành viên của NATO và cũng để gián tiếp đề cao việc hai nước này đã tiến hành các cuộc “cách mạng sắc màu”, tách khỏi Nga, chuyển sang thân phương Tây mà Mỹ gọi là thể chế “dân chủ” mới. Nhưng, hiện nay với thế và lực mới của Nga, đặc biệt khi nước này đã trở lại vị trí siêu cường và lại có nguồn năng lượng dồi dào, Mat-xcơ-va không dễ dàng để cho Mỹ thực hiện các ý đồ đó. Ngay phương Tây, khi không chấp nhận kết nạp U-crai-na và Gru-di-a, cũng cho thấy họ không vì sức ép của Mỹ mà tự làm khó mình trong các mối quan hệ kinh tế với Nga. Đây được coi là một thất bại cay đắng đối với Mỹ.
Cùng với việc không mời Ma-xê-đô-ni-a gia nhập liên minh, do Hy Lạp dọa phủ quyết trong cuộc tranh cãi về tên gọi của nước này, NATO cũng chỉ đạt được sự đồng thuận trong việc mời Crô-a-tia và An-ba-ni tham gia, nhưng lại không đưa ra được một lộ trình gia nhập cụ thể nào cho hai nước này. Như vậy, nội dung quan trọng của Hội nghị là mở rộng NATO về phía Đông đã không đạt được kết quả như dự tính của Mỹ. Tổng thống Bu-sơ đã không thể lợi dụng được cơ hội cuối cùng này của ông để thực hiện mục tiêu đó – mà giới phân tích quốc tế gọi đó là toan tính chính trị phá vỡ cơ cấu an ninh toàn cầu. Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Nga Xéc-gây Ka-ra-ga-nốp nhận định: “rõ ràng, ông Pu-tin đã chiến thắng. Ông đã thay đổi sắc thái trong quan hệ Nga – phương Tây”. Cụ thể hơn, đó là thắng lợi của những nước không muốn châu Âu bất ổn và đó là thất bại đối với Mỹ - nước ở bên ngoài châu Âu đang tìm cách làm cho khu vực này trở nên bất ổn.
Vấn đề Áp-ga-ni-xtan chưa thể giải quyết
Đối với việc tăng cường lực lượng an ninh tại Áp-ga-ni-xtan, NATO có thể hài lòng khi Nga cam kết cho quá cảnh hàng hoá phi quân sự của NATO sang Áp-ga-ni-xtan. Pháp, Ca-na-đa, mỗi nước đồng ý bổ sung thêm gần 1.000 quân tới miền Nam nước này – nơi các lực lượng khủng bố An Kê-đa và Ta-li-ban đang hoạt động mạnh. Trước đó, Ca-na-đa đã tuyên bố sẽ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào đầu năm tới, nếu các nước thành viên khác không tăng thêm lực lượng tới nước này. Với những động thái đó, NATO đã buớc đầu giải quyết được những bất đồng trong việc duy trì lực lượng an ninh tại Áp-ga-ni-xtan – nơi binh lính NATO được coi là đã không trấn áp được các lực lượng cực đoan Ta-li-ban. Tuy nhiên, điều mà Mỹ cần ở hội nghị cấp cao NATO lần này, là các nước thành viên phải kêu gọi được sự tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, để chia sẻ gánh nặng cho Oa-sinh-tơn trong việc tái thiết Áp-ga-ni-xtan. Nhưng, tại hội nghị, Mỹ vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng nào từ các tổ chức tài chính này.
Và dường như để an ủi người đứng đầu Nhà Trắng, tại Bu-ca-rét, các nước thành viên NATO đã đồng ý với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ tại châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai gọi đó là: “sự tán thành mang tính đột phá” đối với tổ chức liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Thế nhưng, thắng lợi đó đã không còn ý nghĩa, khi ngay trong cuộc gặp cuối cùng trên cương vị Tổng thống của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga, tại Xô-chi – khu nghỉ mát bên bờ biển Đen của Nga, Tổng thống Pu-tin đã kiên quyết phản đối kế hoạch NMD của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hòa Séc. Nếu Mỹ cứ triển khai, chắc chắn Mat-xcơ-va sẽ “chĩa hệ thống tên lửa sang châu Âu”- như cảnh báo của Tổng thống Pu-tin. Khi đó, vì lợi ích của mình, chắc chắn phương Tây sẽ phải suy nghĩ lại sự ủng hộ của họ đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại khu vực này.
Trong khi đó, điều mà các nước thành viên NATO mong muốn là qua Hội nghị này, họ sẽ hàn gắn những mâu thuẫn trong nội bộ khối qua xử lý việc mở rộng NATO và hoạt động của lực lượng an ninh tại Áp-ga-ni-xtan. Thế nhưng, mục tiêu này đã không có kết quả. Với việc các đồng minh chủ chốt như Đức, Pháp đã tỏ rõ không chịu sức ép của Mỹ tại hội nghị cho thấy sự chia rẽ trong NATO vẫn tiếp tục sâu sắc, chưa thể giải quyết.
Bởi vậy, những kết quả đã đạt được tại Hội nghị cấp cao NATO lần này tại Bu-ca-rét không có ý nghĩa chính trị lớn và thực chất. Đó mới chỉ là những giải pháp mang tính thoả hiệp, tình thế. Hơn thế nữa, giờ đây, trong con mắt của nhiều nước, đặc biệt là U-crai-na và Gru-di-a rất nóng lòng muốn gia nhập NATO, thì tổ chức quân sự này đã “không còn là một liên minh thành công và hấp dẫn”. Khi tổ chức hội nghị cấp cao NATO, Mỹ và các nước thành viên rất hy vọng sẽ đạt được những thành công to lớn, để tạo tiền đề tốt đẹp cho Liên minh quân sự này hưóng tới kỷ niệm 60 năm thành lập vào năm 2009. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, Hội nghị đã được tổ chức tại toà nhà nghị viện Ru-ma-ni, được coi là toà nhà lớn thứ hai thế giới (sau Lầu năm góc ở Oa-sinh-tơn ) và thu hút sự tham gia của hơn 50 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, 7.000 quan chức và nhà báo đến từ gần 50 nước trên thế giới. Thế nhưng rõ ràng, kết quả đạt được đã không tuơng xứng với qui mô hoành tráng đó và cũng không được như kỳ vọng của Mỹ.
Kinh tế Đông Á: thành tựu và triển vọng  (10/04/2008)
Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược kinh tế biển và phát triển kinh tế - xã hội địa phương  (10/04/2008)
Xây dựng chính quyền xã vùng đồng bào dân tộc tây Nguyên vững mạnh  (10/04/2008)
Lại bàn về cải cách hành chính  (10/04/2008)
Lại bàn về cải cách hành chính  (10/04/2008)
An ninh lương thực: Vấn đề nóng  (10/04/2008)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên