Nhận định này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển vừa diễn ra ở Ghana. Các quan chức và các nhà ngoại giao thế giới đều cho rằng, việc các nước đặt ra mục tiêu Thiên niên kỷ hồi tháng 9-2000 có thể là quá mức. Khi đó, nền kinh tế thế giới đang trên đà phát triển mạnh, những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu chưa nghiêm trọng và lan rộng như hiện nay.

Trái với những dự báo lạc quan cách đây gần 8 năm, thời gian gần đây kinh tế thế giới có biểu hiện suy thoái ngày càng rõ, kể cả những nền kinh tế khổng lồ như Mỹ và EU. Sự tác động mang tính “cộng hưởng” của suy thoái kinh tế, “bão giá” và biến đổi khí hậu đã làm tăng số người nghèo. Tình trạng này xảy ra nghiêm trọng hơn cả ở các nước châu Phi, và ở một số nước thuộc Nam và Tây Á.

Đói nghèo có xu hướng gia tăng, đã kéo theo những hậu quả rất tai hại khác, đặc biệt là làm gia tăng tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi và sự lây lan với tốc độ nhanh hơn của HIV/AIDS...

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Srgjan Kerim đã phát biểu tại Hội nghị và cho rằng: “Chúng ta (ám chỉ Liên hợp quốc) hiện còn chậm và nhìn chung đã làm được quá ít. Liệu đã đi được nửa chặng đường hay chưa còn tùy thuộc vào lăng kính tiếp cận theo góc độ nào”. Ông Kerim cũng chỉ rõ sự tụt hậu do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, do các chính phủ quản lý yếu kém, trình trạng “thắt cổ chai” trong hợp tác chống đói nghèo.

Nếu không có sự nỗ lực mới mang tính toàn cầu và thiếu những chế tài mang tính quốc tế đặt chính phủ các nước vào những ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng trong cuộc chiến chống đói nghèo, thì mục tiêu “Thiên niên kỷ” vẫn còn rất xa vời./.