Sáng 8-5, tại hội trường, Quốc hội đã nghe 6 báo cáo. Trong đó có 3 báo cáo của Chính phủ, đó là tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và báo cáo kết quả sau 5 năm thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện và 3 báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và ông Lê Quang Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Theo báo cáo thẩm tra, nhiều ý kiến tán thành việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, gắn chế độ một người chỉ huy với chế độ Chính uỷ, chính trị viên trong quân đội. Cũng theo báo cáo thẩm tra, vấn đề nhà ở của sĩ quan quân đội đang là một vấn đề hết sức bức xúc. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần sớm có quy định pháp luật cụ thể về vấn đề nhà ở của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và bà Trương Thị Mai, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Theo báo cáo thẩm tra, việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy thời gian qua chưa đạt được kết quả mong muốn. Việc xử lý hình sự người nghiện ma túy theo Điều 199 Bộ luật Hình sự là không phù hợp, không khả thi; biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất tốn kém nhưng hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện cao; các biện pháp giáo dục tại phường, xã chưa có tác dụng tích cực giúp người nghiện từ bỏ ma túy... Từ thực tế đó, Báo cáo cho rằng, cần nhận thức đúng bản chất của nghiện ma túy là một loại bệnh; đồng thời, cũng cần khẳng định người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở nhận thức đó, việc đối xử với người nghiên ma túy nên theo hướng bỏ quy định xử lý hình sự, duy trì xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và khuyến khích hoặc buộc cai nghiện theo phương thức cai nghiện phù hợp với từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể. Người nghiện ma túy vi phạm pháp luật ở mức độ nào thì chỉ nên xử lý về mặt pháp luật ở mức độ đó - điều cơ bản là cần tập trung giáo dục và điều trị cai nghiện phù hợp cho người nghiện ma túy.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17-6-2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố khác trực thuốc trung ương; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 ngày 17-6-2003 của Quốc hội về thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương.

Qua đánh giá tình hình thực tiễn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục quản lý sau cai nghiện đối với những trường hợp đang tham gia đề án và chưa hết thời gian quản lý tập trung như quy định của Nghị quyết cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực. Nhất trí với ý kiến này, Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói rõ, Nghị quyết 16 sẽ hết hiệu lực vào 1-8-2008, trong khi hiện tại đang có khoảng 6.000 người đang được quản lý tập trung sau cai nghiện vì vậy đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương được tiếp tục thi hành các nghị quyết quản lý người sau cai nghiện cho đến khi Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi có hiệu lực. Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng nhất trí với Chính phủ đề nghị Quốc hội bỏ Điều 199 Bộ luật Hình sự, nghĩa là không coi nghiện ma túy là một tội hình sự.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 nội dung: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dầu khí./.