Ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
TCCSĐT - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 22-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
* Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Các đại biểu cho rằng hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt giảm cơ chế xin cho, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có những bước tiến rất quan trọng. Nổi bật là hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tích cực ngăn ngừa sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, trong khi dịch bệnh này đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới.
Các đại biểu Quốc hội nhận định nhiều vụ án lớn, quan trọng đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh; công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, kiểm toán và các cơ quan chức năng đã chuyển nhiều vụ việc cho các cơ quan điều tra xử lý; an ninh quốc phòng được giữ vững; đối ngoại đạt nhiều thành tựu khi tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế...
Những kết quả đó không chỉ thể hiện nỗ lực của chính phủ, các cấp, các ngành, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các đại biểu cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời các cơ quan chức năng phải có những giải pháp mang tính chiến lược, tạo niềm tin trong nhân dân.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính
Các đại biểu đánh giá năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Các lĩnh vực xã hội khác đạt một số kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Các đại biểu chỉ rõ kết quả này là nhờ sự chỉ đạo và việc thực hiện linh hoạt, quyết liệt các biện pháp điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đoàn Cần Thơ) đánh giá điểm sáng trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ là nợ công Việt Nam tới cuối năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (cuối năm 2018, nợ công là 58,4%; nợ Chính phủ 50%).
Lý giải về kết quả này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đó là do tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm gần đây, chính sách tài khóa tốt, nguồn thu tăng nên áp lực phải huy động thêm để chi ngân sách giảm.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế khá cao (quý 1-2019 đạt 6,79%) nhưng thấp hơn mức cùng kỳ năm 2018. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, cung cầu hàng hóa được bảo đảm.
Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019 là khá toàn diện, không chỉ thành tựu về kinh tế mà cả các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt những kết quả quan trọng, quốc phòng an ninh được giữ vững...
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ cần chú ý tác động từ bên ngoài. Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng nên khi kinh tế thế giới biến động, chắc chắn sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực tới Việt Nam, trong đó cần xem xét kỹ tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp năm nay bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, dịch bệnh; giá nông sản thấp hơn năm trước sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu của ngành, tỷ trọng của ngành trong GDP đồng thời tác động đến 70% người dân ở khu vực nông thôn và làm nông nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lo lắng về giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP), BOT, BT ngành giao thông gặp rất nhiều khó khăn...
Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong thời gian tới, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đẩy mạnh dự án trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều vướng mắc hiện nay là do tổ chức thực thi không tốt, chứ “không đổ thừa cho luật được”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng năm 2018 đã đạt 7,08%, cao nhất từ năm 2008 đến nay. Chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn, điển hình như đóng góp của khai khoáng vào GDP đã giảm dần, trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp ngày càng tích cực hơn. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) hiện nay đã chiếm 45,2%, kéo theo Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) cũng tăng.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự lo lắng khi bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế giới hiện nay diễn biến rất phức tạp.
Khi thương mại thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động. Chính phủ cần xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Một số đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường sự chủ động và phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; xử lý tình trạng “tín dụng đen”, sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện, tập trung vào tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.
Đề nghị kiểm toán việc điều hành giá điện
Việc tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ sáng 22-5.
Hôm qua (21-5), Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội giải trình cụ thể về quyết định tăng giá điện, thời điểm tăng cũng như kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về tăng giá.
Chia sẻ với Báo cáo của Chính phủ nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay là chưa hợp lý.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện Nhật Bản có biểu giá điện chia làm 3 bậc thang, Hàn Quốc 3 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc nhưng Việt Nam lại chia thành 6 bậc.
Đặc biệt, với Việt Nam, bậc thang thứ 1 từ 1 - 50 kWh quá thấp, bậc 2 cũng chỉ từ 51 - 100 kWh để hưởng mức giá 1.678 đồng/kWh.
“Tôi nghĩ nên hợp nhất 2 bậc một, ví dụ bậc 1 từ 0 - 100kWh, rồi bậc 2 từ 101-300 kWh (tức là ghép bậc 3 - 4 lại) vì nhu cầu sử dụng điện của người dân hiện nay tăng lên do thu nhập tăng lên, các điều kiện sinh hoạt để phục vụ đời sống cũng tăng theo. Do đó, định mức thang bậc phải thay đổi. Có như vậy, việc tăng giá điện mới không ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh cử tri rất quan tâm vấn đề điều chỉnh giá điện, xăng dầu, dù Bộ đã có giải trình về cơ chế tính nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.
Đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.
“Nếu kiểm toán thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống, nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định việc tăng, giảm giá điện là bình thường nhưng đại biểu cho rằng các cơ quan cần tuyên truyền tốt hơn, đưa thông tin chính sách hợp lý, có lộ trình thực hiện để nhân dân hiểu và đồng thuận.
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước
Phân tích những vấn đề “nóng” đang xảy ra mà dư luận xã hội rất quan tâm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng các cơ quan chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, tránh tình trạng giải quyết theo phong trào.
“Chúng ta cần đi trước một bước, có những phương án đề phòng chứ không nên để sự việc xảy ra rồi mới tìm hướng xử lý”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng ý thức chấp hành pháp luật của người dân là then chốt để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng hiện nay còn rất hạn chế. Dân chủ là tốt nhưng phải gắn liền với kỷ cương, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo đại biểu, việc vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi, hay những hành động lệch chuẩn vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng chưa được xử lý nghiêm minh nên đã tạo những thành thói quen xấu.
“Tại sao người dân Việt Nam ra nước ngoài rất tuân thủ pháp luật nhưng khi trở về lại vẫn vi phạm, hay người nước ngoài sang Việt Nam cũng có hành vi coi thường pháp luật”, đại biểu nêu quan điểm.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu cho rằng quan trọng là do quản lý nhà nước, xử lý vi phạm còn hạn chế. Hiện đã có những tín hiệu đáng mừng là nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, nhưng mới mang tính tình thế chứ chưa có giải pháp mang tính chiến lược.
Theo đại biểu, nhiều sự việc xảy ra nhưng chỉ khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc nên vẫn chưa bảo đảm tính công bằng trong việc thực thi pháp luật.
Cho rằng pháp luật liên quan đến các vấn đề xã hội phải có tính khả thi và thực tiễn mới đem lại hiệu quả, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lấy ví dụ hành động sàm sỡ phụ nữ mà chỉ bị phạt 200.000 đồng là không đủ răn đe, hay việc uống rượu sau khi lái xe gây tai nạn ở mức nhẹ chỉ bị phạt hành chính cũng không đem lại hiệu quả...
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), cho biết cử tri rất bất an trước những vấn đề đang diễn ra như đạo đức nhà giáo, lái xe gây tai nạn...
Theo đại biểu, các lái xe vẫn thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng, nên phải xem xét đến tính chính xác trong việc kiểm tra của cơ quan chức năng, hay có lỗ hổng nào dẫn đến sự thiếu sót.
Đại biểu đề nghị các ngành liên quan cần thực hiện tốt công tác kiểm tra định kỳ, nhất là Bộ Y tế phải kiên quyết trong việc kiểm tra sức khỏe của lái xe... để hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc, giúp người dân yên tâm khi ra đường.
Công khai kết quả xử lý vi phạm pháp luật
Phân tích những khó khăn trong việc xử lý các sự việc liên quan đến pháp luật, đại biểu Hầu Văn Lý (Hà Giang) cho biết quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật còn hạn chế.
“Chúng tôi rất khó chịu khi phải nghe điện thoại của người quen để xin xỏ khi vi phạm luật giao thông”, ông Hầu Văn Lý nêu ý kiến.
Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông và nâng cao ý thức của người dân, đại biểu Hầu Văn Lý đồng ý với nhiều đại biểu khác trong việc nâng cao mức phạt nhưng cũng cần xem xét mức độ vi phạm đến đâu để có chế tài xử lý công bằng, vì hành vi vô tình vi phạm luật giao thông khác với việc cố tình.
Về ý kiến cho rằng pháp luật đang chạy theo dư luận, đại biểu Hầu Văn Lý khẳng định không hẳn như vậy, mà việc xử lý các vụ án có hiệu quả hay không liên quan đến nhiều yếu tố.
Đại biểu Hầu Văn Lý cho biết nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, người nhà nạn nhân khởi kiện rất căng thẳng, nhưng vì lý do nào đó lại từ chối việc giám định tử thi, thậm chí còn rút đơn kiện, nên cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc đánh giá nguyên nhân, mức độ thương tích.
“Nhiều vụ án hòa giải xong, người nhà nạn nhân lại khởi kiện, nhưng nạn nhân đã hỏa thiêu thì chẳng còn chứng cứ gì để điều tra”, đại biểu Hầu Văn Lý cho biết.
Nêu quan điểm về những vấn đề gây bức xức trong xã hội, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết qua tiếp xúc cử tri, người dân rất quan tâm đến tình trạng tai nạn giao thông và những gian lận trong ngành giáo dục.
Theo đại biểu, đa số cử tri yêu cầu cơ quan chức năng cần đánh giá được nguyên nhân gây ra những tình trạng trên và công bố công khai kết quả xử lý để tạo niềm tin trong xã hội.
Phân tích về việc xử lý gian lận trong thi cử, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án xử lý quyết liệt hơn chứ không thể buông lỏng như thời gian qua.
“Đã gian lận là hủy luôn kết quả thi chứ không thể trừ đi điểm gian lận mà đủ điểm đỗ vẫn tiếp tục đi học được”, đại biểu nêu ý kiến.
Để việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp hữu hiệu, nhưng cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như trao thẩm quyền cho người thi hành công vụ, tránh trường hợp người thực thi pháp luật không bảo vệ được sự an toàn của chính mình khi rơi vào tình trạng nguy hiểm.
“Nhiều trường hợp bị lâm tặc tấn công, nhưng cán bộ kiểm lâm dù có súng cũng không dám bắn do vướng những quy định của pháp luật”.
Còn nhiều ý kiến về việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam
Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Trong đó, những quy định của dự thảo về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Đa số ý kiến đại biểu tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.
Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam cần phù hợp với Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, các luật khác có liên quan, cùng với các điều ước quốc tế về nhân quyền, lao động...
Quy định chặt chẽ về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Cũng tại hội trường, các nội dung chủ yếu được thảo luận liên quan đến dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại...
Về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở nước ta. Sau khi cân nhắc kỹ, các cơ quan thống nhất nên giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án là phù hợp với bản chất hoạt động thi hành án đối với pháp nhân thương mại là hoạt động tư pháp.
Theo phương án này sẽ bảo đảm sự tập trung, thống nhất về đầu mối quản lý Nhà nước cũng như tổ chức thực hiện trong lĩnh vực này; kế thừa và phát huy kinh nghiệm về thi hành các hình phạt đối với cá nhân theo Luật hiện hành có tính chất tương tự (các hình phạt bổ sung đối với cá nhân “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” có tính chất tương tự hình phạt “cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” đối với pháp nhân thương mại). Theo phương án này thì cơ bản không làm tăng biên chế, bộ máy, ngân sách nhà nước.
Ngoài những nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể khác cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp./.
Lãnh đạo Chính phủ tiếp các Đoàn đại biểu người có công  (22/05/2019)
Liên minh châu Âu trước cuộc bầu cử nghị viện  (22/05/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-5-2019)  (22/05/2019)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên