Phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở
TCCSĐT - Việt Nam hiện có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp tại 11.162 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong cả nước. Những năm qua, y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những giải pháp mà ngành y tế cần triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.
Mô hình bác sỹ gia đình dành cho tuyến cơ sở
Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh(1), là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án Phát triển đào tạo bác sĩ gia đình với sự tài trợ bởi Quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Đến nay có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng y học gia đình đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.
Từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Giai đoạn 2013 - 2015: Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Giai đoạn 2015 - 2020: Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn quốc.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi phòng khám bác sĩ gia đình là sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; tham gia hệ thống chuyển tuyến; là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu; tư vấn sức khỏe; nghiên cứu khoa học và đào tạo... Hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm thiểu bức xúc của xã hội...
Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được hình thành và phát triển đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Theo các nghiên cứu gần đây, phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc giải quyết 80% các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Hiện nay, Bộ Y tế đã phân công và chỉ đạo các vụ, cục chức năng bắt tay vào xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Bác sỹ gia đình. Trong đó có việc xây dựng quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của bác sỹ gia đình; mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình với trạm y tế và bệnh viện tuyến trên; đưa ra cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng danh mục thuốc, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn của bác sỹ gia đình; đào tạo bác sỹ gia đình, cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ gia đình.... Khi đó, đội ngũ bác sỹ được đào tạo kiến thức về bác sỹ gia đình sẽ phục vụ tại chỗ nhu cầu chăm sóc khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Điều này rất thiết thực, người dân không phải đi xa và đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, ngoài khám, chữa bệnh ban đầu, người dân còn được hướng dẫn các phương pháp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe.
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Theo thống kê hiện nay, cả nước có 669 bệnh viện/trung tâm y tế huyện với 78.481 giường; 354 phòng khám đa khoa khu vực với 4.437 giường; 4 nhà hộ sinh với 85 giường, 11.162 trạm y tế xã với 49.544 giường; 100% số xã có trạm y tế, khoảng 60% đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 95% thôn bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, 240 phòng khám bác sĩ gia đình, tư nhân.
Mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến xã, phường có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện nay, trên cả nước có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và có thể kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho mỗi người dân… Thời gian qua, y tế cơ sở có vai trò tích cực, có mô hình mạng lưới rộng lớn và thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu. Những thành tựu của y tế cơ sở Việt Nam triển khai thời gian qua được tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới vì chúng ta có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã/phường, thậm chí tới cả y tế thôn bản.
Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế phát triển chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới. Theo thống kê có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện, 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, người bệnh chỉ đến bệnh viện khi có bệnh phải chữa trị. Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Bình quân các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50% - 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản và số lượng cũng rất hạn chế…
Trên thế giới, ở nhiều quốc gia mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển và được người dân tin tưởng lựa chọn. Vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
Để đổi mới hoạt động của trạm y tế cơ sở, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. 26 trạm y tế điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường, tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế. Các trạm có nhu cầu có thể bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Với các trạm y tế chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung cấp theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm... Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn 2018 - 2020 cho 4 tỉnh phía Bắc gồm huyện Bát Xát (Lào Cai); huyện Trấn Yên (Yên Bái); huyện Ba Vì, Đan Phượng, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm (Hà Nội) và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm, bảo đảm đủ thuốc cấp phát cho người dân... Trong năm 2019 sẽ hoàn thành mô hình điểm tại 26 trạm y tế điểm. Đối với các trạm y tế chưa làm điểm, các tỉnh không có trạm y tế điểm xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019 - 2023) hoàn thành đầu tư, nhân lực và đưa vào hoạt động trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình.
Ngành y tế tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có những đổi mới đột phá, thực chất về cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã/phường nhằm thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép. Đồng thời, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở, ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước…
Hiện có trên 80% trạm y tế có bác sỹ, thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu của người bệnh, song không ít trạm y tế thiếu cán bộ y tế, năng lực chưa đáp ứng khiến người dân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện. Trước sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, như tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, tiểu đường gây quá tải cho tuyến trên trong khi hoàn toàn có thể quản lý và điều trị tại trạm y tế, do đó, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ trạm y tế xã, phường giúp tăng niềm tin của nhân dân với y tế cơ sở, nâng cao đời sống cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã cử nhiều giảng viên là lãnh đạo, các chuyên gia y tế giỏi về đào tạo cũng như chuyển giao kỹ thuật cho các trạm y tế giúp người dân tin tưởng hơn vào y tế cơ sở.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Năm 2012, trong 520.000 trường hợp tử vong, trong đó 73% là do bệnh không lây nhiễm; 43% trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay mới có trên 30% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 - 69 tuổi, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán; bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi từ 18 - 69 tuổi được chẩn đoán chiếm 43,1% và số chưa được chẩn đoán là 56,9%. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe nhân dân, khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở.
Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025”. Việc cử cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước, đồng thời có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại địa phương, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Có thể nói, nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc đổi mới hệ thống khám bệnh, chữa bệnh theo 3 tuyến, thôi áp dụng phân tuyến, phân hạng bệnh viện như hiện nay.
Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn, trọng tâm là khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; đến năm 2025 có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế sẽ chọn một số bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, ưu tiên các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tương đương thuộc các sở y tế có các trung tâm, phòng đào tạo, chỉ đạo tuyến đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật phù hợp cho y tế xã, phường. Xây dựng mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên về khám, chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng, thống kê số trạm y tế, số cán bộ làm nhiệm vụ tại trạm để có kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Xây dựng danh mục kỹ thuật, gói kỹ thuật thuộc 28 chuyên khoa, chuyên ngành có người bệnh khám, chữa bệnh ở tuyến xã, phường để xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, đề cương chuyển giao kỹ thuật. Tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ hoặc đào tạo từ xa sử dụng Telemedicin hoặc E-learning nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh, quản lý, như kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh… Đào tạo kỹ năng giảng viên (TOT: Train of the trainer) cho các bệnh viện tuyến dưới. Theo đó, trong thời gian tới cần tập trung đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp bách để bổ sung danh mục kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề tại các trạm y tế xã, phường. Hoàn thiện cơ chế tài chính, danh mục trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao.. để phục vụ công tác chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả. Thí điểm thành lập phòng khám vệ tinh của một số bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương đặt tại trạm y tế xã, phường.
Năm 2019, ngành y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 25-10-2017, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 25-10-2017, về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 25-10-2017, về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 25-10-2017, về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 01/NQ-CP, của Chính phủ, ngày 01-01-2019, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP, của Chính phủ, ngày 01-01-2019, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đồng thời tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật y tế và truyền thông giáo dục sức khỏe đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân. Trong đó, một trong 06 vấn đề được ưu tiên là tập trung vào các hoạt động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất để tránh suy dinh dưỡng, béo phì, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc, tăng cường vận động thể lực; chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp… Triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân./.
----------------------------------------
(1) PGS.TS. Alain J. Mongtegut, MD, FAAFP, Chủ tịch Hiêp hội Bác sĩ gia đình Bắc Mỹ, Trưởng Trung tâm sức khỏe toàn cầu, chăm sóc ban đầu - Bộ môn Y học gia đình - Viện Đại học Boston, Hoa Kỳ
Liên minh châu Âu trước cuộc bầu cử nghị viện  (22/05/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-5-2019)  (22/05/2019)
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu tập trung điều tra, truy tố 08 vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm  (21/05/2019)
Thông cáo số 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV  (21/05/2019)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên