Truyền thông Mỹ và cách đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam
TCCSĐT - Đề cập vai trò của truyền thông Mỹ, các nhà nghiên cứu truyền thông đều thống nhất nhận định: từ chỗ chỉ là những tờ báo thuộc địa của Anh, giai cấp tư sản cầm quyền ở Mỹ đã dần xây dựng lên một hệ thống thông tin lớn nhất thế giới, tạo ra cách đưa tin kiểu Mỹ và định hướng thông tin không chỉ đối với công chúng trong nước mà cả trên thế giới.
Năm 1950, Tổng thống Mỹ H. S. Truman tuyên bố trong buổi lễ thành lập Ủy ban Thông tin tuyên truyền Liên bang: “Chúng ta cần buộc thế giới phải nghe những gì ta nói. So với các hoạt động đối ngoại khác, nhiệm vụ đó không kém phần quan trọng… Điều đó cũng quan trọng như sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế”.
Nhìn lại 100 năm về trước với 05 cuộc chiến tranh mà Mỹ tham chiến, kể từ cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898 (1), có thể rút ra nhiều nhận định khác nhau về vai trò của truyền thông Mỹ trong chiến tranh. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi cách đưa tin của truyền thông Mỹ, nhất là khi đã thoát khỏi vòng cương tỏa của giới cầm quyền nước này để đưa tin một cách minh bạch, công khai và nhanh nhất.
Giai đoạn 1954 - 1963
Không phải ngẫu nhiên mà truyền thông Mỹ và phương Tây thay đổi cách nhìn và đưa tin về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, bởi nó cần những cú hích mạnh từ những gì diễn ra tại chiến trường miền Nam Việt Nam trong vòng 10 năm.
Thật vậy, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, báo in gần như đóng vai trò độc quyền về truyền thông và thông tin. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, báo in vẫn đóng vai trò thông tin quan trọng nhưng đã dần bị lấn lướt bởi đài phát thanh. Trong suốt hai thập niên Chiến tranh lạnh (1945 - 1964), mọi phương tiện truyền thông trên thế giới bị kiểm soát bởi quyền lực chính trị. Mọi vấn đề quốc tế, kể cả truyền thông, thông tin đều tập trung vào cuộc đối đầu ý thức hệ giữa hai phe. Thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam thời gian đầu cũng không nằm ngoài quy luật này.
Truyền thông nói riêng và công luận Mỹ nói chung về cơ bản ủng hộ các chiến lược toàn cầu của Mỹ, từ chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” đến chiến lược “vượt trên ngăn chặn” hay “phản ứng linh hoạt”. Cũng vì lẽ đó, truyền thông Mỹ không quan tâm đến, hay nói đúng hơn là ủng hộ việc Chính phủ Mỹ giúp đỡ quân sự cho quân đội viễn chinh Pháp ngay từ năm 1950 và sau đó trực tiếp can thiệp, hất cẳng Pháp và ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng hòa dưới chiêu bài “chống lại sự bành trướng của cộng sản” ở châu Á, “bảo vệ thế giới tự do”, không thực hiện Hiệp định Geneve. Đi liền với đó là chế độ kiểm duyệt báo chí hết sức chặt chẽ được áp dụng trong hai cuộc chiến tranh thế giới và trong hai thập niên đầu Chiến tranh lạnh. Rất ít thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam được cập nhật trên các phương tiện truyền thông nói chung và truyền hình Mỹ nói riêng. Chỉ có một số phóng sự được thực hiện và chủ yếu là về “sự xuất hiện của lực lượng cộng sản” ở miền Nam Việt Nam và những cuộc hành quân “tiễu trừ cộng sản” của quân đội Sài Gòn được cố vấn quân sự Mỹ chỉ đạo.
Chính vì vậy, nhận thức của công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam ở giai đoạn này cũng khá mờ nhạt. Chính phủ Mỹ tạo ra một hệ thống thông tin nhằm định hướng tư tưởng cho công chúng Mỹ, khiến họ tin rằng cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là nhằm bài trừ “cộng sản” và việc “hậu thuẫn Việt Nam Cộng hòa” là “nghĩa cử tốt đẹp, cao cả” của nước Mỹ.
Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Mỹ vẫn nắm hoàn toàn quyền kiểm soát truyền thông, mọi tin tức xuất hiện trên truyền hình nói riêng và các phương tiện truyền thông nói chung đều chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Chính phủ Mỹ. Truyền thông và công luận Mỹ về cơ bản ủng hộ các chiến lược toàn cầu của nước này, ủng hộ Chính phủ Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Giai đoạn 1960 - 1968, truyền hình Mỹ bắt đầu tìm cách vượt khỏi sự kiểm soát của Chính phủ Mỹ và mang đến những thông tin xác thực về cuộc chiến tranh Việt Nam cho công chúng Mỹ. Thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam xuất hiện khá đều đặn, tăng dần về số lượng trên các kênh truyền hình của Mỹ và trở thành một trong những mối quan tâm của người dân Mỹ.
Giai đoạn 1965 - 1968
Trong giai đoạn này, truyền thông Mỹ đã có nhiều thay đổi trong cách thức đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Thứ nhất, tổ chức xây dựng đội ngũ đưa tin hùng hậu. Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là giọt nước tràn ly, không chỉ làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền hình Mỹ đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà còn tác động đến mối quan hệ của chính quyền Mỹ với truyền thông nước này, góp phần đảo ngược chiều dư luận Mỹ, từ chỗ ủng hộ chuyển sang nghi ngờ, phản đối và cuối cùng là lên án chính quyền tham chiến. Tổng thống Mỹ R. Nixon khi đó đã nói: “Kẻ thù nguy hiểm, tồi tệ nhất của chúng ta là báo chí”.
Thứ hai, quay và dựng thành sản phẩm. Để chuẩn bị cho việc đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam đến với người dân Mỹ nói chung và công chúng nói riêng, các đài truyền hình của Mỹ đã chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận, từ đội ngũ phóng viên, quay phim, hỗ trợ, cho đến các thiết bị phục vụ công việc này. Họ quay các hình ảnh về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, tiếp đó chuyển các hình ảnh đã được quay đến Tokyo (Nhật Bản) để dựng thành sản phẩm truyền hình và cuối cùng là chuyển sản phẩm này về Mỹ.
Thứ ba, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh. Đây là cách thức đưa tin rất mới. Với phương thức này, thông tin sẽ đến được với người xem một cách nhanh nhất và cập nhật nhất. Thực tế cho thấy, tham gia tường thuật và phát trực tiếp qua vệ tinh về một cuộc chiến tranh là công việc hết sức cam go nhưng cũng vô cùng quan trọng, bởi khi ở chiến trường, giữa những làn bom đạn và những tiếng thét la, cảm xúc của người xem về sự thật của toàn bộ cuộc chiến tranh được đẩy lên cao nhất. Nếu người làm báo dành trọn con người mình với mọi giác quan, tình cảm, ý nghĩ, thậm chí dám liều cả mạng sống của mình để có được những thông tin nóng hổi về cuộc chiến tranh, người xem sẽ có được cái nhìn chân thực nhất về mọi mặt của cuộc chiến.
Đề cập đến những người đã làm thay đổi cách thức đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam, không thể không kể tới Walter Cronkite (04-11-1916 - 17-7-2009) - một phóng viên, nhà báo Mỹ, cũng là người tiên phong cho những chương trình truyền hình đầu tiên được phát sóng trên toàn nước Mỹ. Được mệnh danh là “người đàn ông đáng tin cậy nhất nước Mỹ”, W. Cronkite nắm giữ vị trí dẫn chương trình kênh “CBS Evening news” với các bản tin gắn liền những sự kiện lịch sử quan trọng trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX. Phóng sự của W. Cronkite đã tác động mạnh mẽ đến cách đưa tin của truyền thông cũng như công luận Mỹ. Theo cựu Trưởng Văn phòng đại diện Đài NBC Steinman tại Sài Gòn: “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh đầu tiên được phát sóng rộng rãi trên truyền hình Mỹ”. Trong giai đoạn 1965 - 1968, khoảng 86% chương trình tin tức hằng đêm của Đài CBS và NBC tập trung vào chiến trường Việt Nam, thu hút gần 50 triệu người Mỹ theo dõi. Năm 1964, chỉ có 40 phóng viên chiến trường nước ngoài ở Việt Nam, nhưng sau 01 năm (năm 1965), con số này đã tăng lên 419 người và sau đó là trên 600 người.
Những hình ảnh phản ánh sự thật tàn bạo của cuộc chiến, về những khu phố hoang tàn đổ nát do bom đạn và hàng nghìn người dân vô tội nằm la liệt khắp nơi, đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ dưới bàn tay lính Mỹ - những người được “chiêu mộ” cho cuộc chiến này với mục đích “tiêu diệt mầm mống cộng sản độc hại đang lan rộng ở Đông Nam Á”, khiến người dân Mỹ hết sức bàng hoàng, sửng sốt. Tại khu vực Lầu Năm Góc và phố Walls, làn sóng biểu tình đã tăng đến mức không thể kiểm soát. Hàng chục nghìn thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch, xuống đường phản đối, không sang Việt Nam tham chiến. Các sàn chứng khoán tại phố Walls không thể hoạt động do dòng người phản đối chiến tranh tràn xuống đường quá đông, khiến giá cổ phiếu của Mỹ bị sụt giảm nhanh chóng…
Đáng chú ý, những phóng sự của W. Cronkite đã khiến nhiều người trong giới cầm quyền Mỹ xem xét lại chính sách chiến tranh của Mỹ. Hệ quả là, ngày 29-02-1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Namara đã từ chức; Quốc hội Mỹ không chấp nhận tăng quân như đề nghị của Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam - tướng William Childs Westmoreland - mà yêu cầu cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn để có thể thay thế quân đội Mỹ trên chiến trường, từng bước rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Việt Nam.
Thực tế chứng minh, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong cách thức đưa tin về quan hệ quốc tế của truyền thông Mỹ.
Một là, sự phát triển của công nghệ thông tin. Có thể nói, truyền hình là một trong những phát minh công nghệ vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Sự ra đời của truyền hình đã thay đổi toàn diện cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Truyền hình giúp cho đời sống giải trí, thông tin kinh tế, chính trị - xã hội của con người trở nên toàn diện hơn. Và cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là một trong số những đề tài lớn của truyền hình Mỹ giai đoạn từ 1960 - 1975.
Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX, truyền hình được xem là nguồn thông tin chính và có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với người dân Mỹ. Bên cạnh sự phát triển của truyền hình, công nghệ vệ tinh truyền thông cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trên cơ sở tiến bộ của khoa học - kỹ thuật về mặt lan truyền tin tức, các nhà báo, phóng viên chiến trường trong cuộc chiến tranh Việt Nam truyền tin trực tiếp thông tin qua vệ tinh về Mỹ mà không cần qua xử lý. Điều này đáp ứng được tính thời sự và giúp công chúng Mỹ cập nhật thông tin một cách nhanh chóng nhất.
Hai là, tự do báo chí và tính khách quan trong cách đưa tin. Bước vào những năm 60 của thế kỷ XX, với sự phát triển nhanh chóng vượt bậc của công nghệ thông tin, truyền hình đã thực sự có chỗ đứng vững chắc trong truyền thông. Những người làm báo không còn phải viết những bài báo quá dài, hay mô tả bằng lời những chi tiết của sự kiện, mà chỉ cần ghi hình và ghi âm, sau đó dựng thành phóng sự hoặc phát trực tiếp trên truyền hình. Điều đó càng kích thích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà báo, phóng viên Mỹ đến đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhận thấy “mối đe dọa” từ truyền hình, Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ (MACV) đã bổ nhiệm ông Barry Zorthian làm cố vấn truyền thông cho tướng W. C. Westmoreland, có nhiệm vụ cung cấp thông tin và kiểm soát việc đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam trên các kênh truyền hình Mỹ, như CBS, NBC. Các phóng viên muốn quay phim, chụp ảnh phải có giấy phép. Tuy nhiên, nhiều phóng viên vẫn tìm cách tiếp tục có mặt tại hiện trường để thu thập tin tức và chụp những bức hình, ghi lại các đoạn phóng sự một cách chân thực, đã làm lay động bao trái tim của những người dân Mỹ. Họ đã vượt qua rào cản về ý thức hệ, nhìn nhận cuộc chiến dưới góc độ khách quan, góc độ con người, góc độ đạo đức nghề nghiệp để bóc trần sự thật về cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đánh dấu bước ngoặt về tự do báo chí tại Mỹ và kể từ đây, “sự hợp tác về thông tin” giữa MACV và báo chí đã chấm dứt. Hàng loại bản tin, phóng sự chân thực về cuộc chiến tranh tại Việt Nam được phát liên tục và thường xuyên trên sóng truyền hình Mỹ. Từ đây, cuộc chiến tranh tại Việt Nam được gọi là “cuộc chiến truyền hình đầu tiên”.
Tóm lại, kể từ năm 1960, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tự do báo chí cũng như sự khách quan trong cách đưa tin, truyền hình Mỹ đã thay đổi cách truyền tin đến với công chúng. Họ đi theo hướng tôn trọng sự thật, phản ánh chân thực, chính xác và kịp thời toàn bộ sự thật về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Truyền hình, truyền thanh của Mỹ đã có một sức ảnh hưởng to lớn đến công luận Mỹ trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Chính nền truyền thông đó đã làm thay đổi thái độ của công chúng Mỹ, khiến họ chuyển từ ủng hộ sang chống đối dữ dội sự can thiệp và tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, đẩy cuộc chiến vào bế tắc và chấm dứt cuộc chiến với thất bại thuộc về phía Mỹ.
Từ cuộc chiến tranh Việt Nam có thể đưa ra một số nhận xét về vai trò của truyền thông trong quan hệ quốc tế nói chung và cách đưa tin về các sự kiện quốc tế nói riêng, như sau: 1- Chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi hoàn toàn cách “làm tin” và “truyền tin” của mọi phương tiện truyền thông đại chúng; 2- Truyền thông Mỹ ngày càng tách khỏi chính trị, thoát khỏi vòng cương tỏa, kiểm soát, thậm chí là kiểm duyệt của các cơ quan công quyền; 3- Truyền thông ngày càng thực hiện một cách độc lập và chuyên nghiệp vai trò theo dõi và đưa tin về những sự kiện quốc tế; 4- Truyền thông ngày càng có thái độ phê phán và định hướng theo cách riêng của từng phương tiện; 5- Truyền thông đã tác động mạnh mẽ đến công luận và hướng công luận phản ứng, thậm chí hành động theo hướng mà truyền thông chỉ ra; 6- Cùng với sự xuất hiện của internet, công nghệ số,… truyền thông đưa tin ngày càng nhanh và minh bạch./.
(1) Năm cuộc chiến tranh mà Mỹ trực tiếp tham chiến, bao gồm: chiến tranh với Tây Ban Nha (năm 1898), Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh (năm 2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên - giá trị hiện nay  (24/04/2019)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên - giá trị hiện nay  (24/04/2019)
Đồng chí Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc  (24/04/2019)
Đa dạng hóa phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh của thanh niên  (24/04/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam