Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-3-2019)
TCCSĐT - Việc Tổng thống Mỹ D. Trump đề nghị các nước đồng minh châu Âu “tiếp nhận lại” các tay súng thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là những công dân châu Âu bị bắt tại Syria, đã làm bùng nổ những phản ứng trái chiều. Số phận của các tù nhân IS là công dân châu Âu đang trở thành bài toán khó, chưa có lời giải khi cuộc chiến chống IS đang dần đi đến hồi kết.
Châu Âu đối mặt với thách thức hồi hương các tay súng IS
Những tay súng IS. Ảnh: TTXVN
IS đã thực sự lớn mạnh và mở rộng hoạt động ở Iraq và Syria vào năm 2014. Song đến cuối năm 2017, IS đã mất đến 95% lãnh thổ mà tổ chức này từng kiểm soát ở Iraq và Syria. Dù đã để mất nhiều vùng lãnh thổ, nhưng IS vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới. Những thành phần đứng đầu của IS đang bị truy nã và chắc chắn sẽ bị loại bỏ, song những kẻ lãnh đạo ở cấp thấp hơn được cho là sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trong bóng tối. IS và Al Qaeda sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn bởi thế giới hiện đang thiếu vắng một kế hoạch và chiến lược chống khủng bố hiệu quả, sự thù địch địa chính trị và tranh giành vị thế siêu cường giữa các nước vẫn tiếp diễn, và thất bại trong việc giải quyết tận gốc những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Trong bối cảnh IS đang dần bị tan rã, số lượng các chiến binh nước ngoài quay trở lại châu Âu đang có xu hướng tăng lên. Đây thật sự là một thách thức lớn với các nước châu Âu. Cơ quan phụ trách Quốc phòng - An ninh thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, đã có khoảng hơn 5.000 người châu Âu gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq. Khi IS bị mất đi các vùng lãnh thổ mà tổ chức này đã từng kiểm soát, sẽ có từ 1.200 đến 3.000 “tay súng IS” quay trở lại lãnh thổ châu Âu.
Các chuyên gia cảnh báo, khi những tay súng IS này quay trở lại châu Âu, họ vẫn có thể duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và vì vậy, nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu là rất lớn. Do nhiều nước châu Âu tham gia vào các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria, Libya, Iraq và Afghanistan, nên châu Âu trở thành mục tiêu trả đũa điên cuồng của các tổ chức khủng bố. Trong bối cảnh đó, thời gian gần đây, nhiều tranh luận đã nổ ra về khả năng nhiều nước châu Âu có sẵn sàng tiếp nhận trở lại những công dân từng tham gia IS hay không.
Đáp lại sức ép từ phía Mỹ, Chính phủ Anh đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ D. Trump. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh T. May, các tay súng IS này nên được đưa ra xét xử tại nơi mà chúng phạm tội, và Chính phủ Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế khác để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp của Pháp N. Belloubet khẳng định, Pháp chưa có chính sách mới đối với việc hồi hương những công dân Pháp gia nhập IS ở Syria mà việc hồi hương những người này hiện vẫn thực hiện theo “từng trường hợp một”.
Đứng trước yêu cầu của Mỹ, Ngoại trưởng Hungary P. Szijjarto đã thẳng thắn thừa nhận, vấn đề này là “một trong những thách thức trước mắt lớn nhất của chúng tôi trong những tháng tới”. Thụy Điển, nước có khoảng 100 công dân tham gia IS, song cũng không muốn họ quay trở lại nước này. Còn tại Áo, ngày 06-3, Bộ trưởng Nội vụ Áo H. Kickl cũng khẳng định nước này sẽ không tiếp nhận lại những đối tượng đã gia nhập IS và từ bỏ giá trị của xã hội Áo. Cho đến nay, chỉ có Đức cho biết nước này có thể tiếp nhận lại các tay súng tham gia IS bị bắt giữ ở Syria, nhưng với điều kiện những đối tượng này được quyền tiếp cận lãnh sự.
Có thể thấy, số phận của hàng trăm tay súng thánh chiến châu Âu từng chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức IS thực sự là một vấn đề lớn. Rõ ràng nhiều rủi ro đang rình rập không chỉ với châu Âu mà là cả thế giới.
Xây dựng bức tường biên giới với Mexico: Tổng thống D.Trump còn gặp nhiều khó khăn
Tổng thống Mỹ D. Trump dùng quyền phủ quyết. Ảnh: TTXVN
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống D. Trump ban bố nhằm trực tiếp huy động nguồn vốn từ công quỹ liên bang cho dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Diễn biến này cho thấy, chính quyền của Tổng thống D. Trump tiếp tục gặp khó khăn trong vấn đề vốn dĩ đã rất phức tạp này.
Ngày 14-3, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống D. Trump ban bố liên quan đến vấn đề an ninh biên giới. Trước đó, ngày 26-02, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ D. Trump khẳng định ông sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ kết quả bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ. Trong trường hợp Tổng thống dùng quyền phủ quyết, Quốc hội cần đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ và dự kiến sẽ có đủ lá phiếu cần thiết từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump bày tỏ tin tưởng quyền phủ quyết của ông sẽ không bị đảo ngược.
Bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico chính là nguyên nhân khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho tài khóa 2019. Theo đó, Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22-12-2018, gây tác động tiêu cực đến người lao động và sự vận hành của bộ máy chính phủ. Tiếp đó, ngày 25-01-2019, Tổng thống D. Trump ký thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động đầy đủ trở lại, mở đường cho các cuộc đàm phán với các nghị sĩ về biện pháp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, chính trường Mỹ lại dậy sóng trở lại khi ngày 15-02, Tổng thống D. Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cho phép ông có được ngân sách xây dựng bức tường biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico qua các nguồn tài chính mà không cần phải có sự đồng ý của Quốc hội.
Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống D. Trump đã hiện thực hóa một trong những ưu tiên hàng đầu được cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đó là xây dựng bức tường biên giới phía Nam để ngăn dòng người nhập cư từ các nước Trung Mỹ, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm xâm nhập vào Mỹ. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng cho thấy Tổng thống D. Trump không chấp nhận “xuống nước” bất chấp những cảnh báo và đe dọa rằng, hành động đơn phương và mang nặng quyền lực hành pháp kiểu này sẽ khiến Tổng thống D. Trump phải đối mặt với rắc rối pháp lý.
Với việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng thuận thông qua dự luật chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống D. Trump ban bố, có thể thấy chính trường Mỹ lại tiếp tục nóng lên với những rạn nứt ngày càng trở nên sâu sắc cũng như tính chất khốc liệt của cuộc đối đầu chính trị không có hồi kết này. Và những diễn biến hiện nay sẽ còn tạo ra nhiều sóng gió và biến động trong thời gian tại nhiệm còn lại của Tổng thống D. Trump.
Iran - Iraq thúc đẩy mối quan hệ láng giềng gần gũi
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Iraq Barham Salih. Ảnh: Reuters
Nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị cũng như mở rộng hợp tác thương mại song phương, Tổng thống Iran H. Rouhani thực hiện chuyến thăm tới Iraq trong ba ngày từ 11 đến 13-3-2019. Đây là chuyến thăm chính thức tới quốc gia láng giềng Iraq lần đầu tiên của ông H. Rouhani trên cương vị tổng thống.
Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Baghdad, Tổng thống Iran H. Rouhani và người đồng cấp Iraq B. Salih đã đã thảo luận nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, kiểm soát đường biên giới, cũng như “sự hợp tác chống khủng bố và thúc đẩy các nỗ lực hướng tới an ninh và sự ổn định”. Hai bên nhất trí cần tăng cường hợp tác để bảo đảm an ninh chung cho cả Iraq, Iran và các quốc gia khác ở khu vực Trung Đông.
Diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1, chuyến thăm cho thấy mong muốn của cả hai nước láng giềng nhằm tăng cường hợp tác chính trị, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh chung ở khu vực.
Với Iran, sau khi chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5-2018, Mỹ đã áp đặt trở lại, thậm chí còn tăng cường các biện pháp trừng phạt Tehran, nhằm vào các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế Iran là dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển. Trong bối cảnh đó, Tehran tìm mọi cách mở rộng hợp tác kinh tế và tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới, nhưng không lơ là mục tiêu thúc đẩy hợp tác với nước láng giềng Iraq. Với lợi thế địa chiến lược tại khu vực Tây Á, Iraq được coi là thị trường lớn của Iran, cửa ngõ thương mại chiến lược với thế giới bên ngoài khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran.
Còn với Iraq, cơ sở vững chắc cho triển vọng hợp tác giữa hai nước đó là sự hỗ trợ của Iran đối với các nỗ lực chống khủng bố, nhất là cuộc chiến loại bỏ IS tại Iraq vừa qua. Iran không có sự hiện diện quân sự chính thức ở Iraq, song các nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq vẫn được cho là nhận sự hỗ trợ của Tehran. Cùng “sự đóng góp” cho cuộc chiến chống IS, Tehran cũng được cho là có sự ủng hộ từ một số lực lượng hùng mạnh trong Quốc hội Iraq, những người vẫn nỗ lực để thông qua một dự luật buộc nước ngoài rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq. Họ cũng từng chỉ trích gay gắt quyết định của Mỹ khi để lại lực lượng ở Iraq nhằm mục đích “canh chừng Iran”. Có thể thấy, thông qua các chính trị gia đồng minh và các nhóm bán quân sự, Iran vẫn nổi lên là một trong những lực lượng có ảnh hưởng đáng kể ở Iraq. Trong khi đó, Iraq là đối tác thương mại lớn thứ hai của Iran, sau Trung Quốc. Iraq cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt và điện năng từ Iran.
Với đường biên giới chung dài gần 1.500 km, cùng nhiều ràng buộc lợi ích cả về chính trị lẫn kinh tế, việc Iran và Iraq thúc đẩy mối quan hệ láng giềng gần gũi là điều không khó hiểu.
Xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị tại Algeria
Người dân Algeria. Ảnh: TTXVN
Với việc Tổng thống Algeria A. Bouteflika tuyên bố không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 3 tuần qua do hàng loạt cuộc biểu tình trên toàn Algeria đã có dấu hiệu lắng xuống.
Có thể thấy rằng, lên cầm quyền từ năm 1999, Tổng thống A. Bouteflika, 81 tuổi, là người đã giúp Algeria vượt qua giai đoạn “thập niên đen tối” và nội chiến trong những năm 90 vốn cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người và giành được những thành tựu phát triển nhất định. Ông cũng đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Tuy nhiên, năm 2013, sức khỏe của Tổng thống A. Bouteflika suy giảm nghiêm trọng, khiến phe đối lập luôn bày tỏ hoài nghi về khả năng Tổng thống có đủ sức khỏe để điều hành đất nước. Vào năm 2018, khi đảng Mặt trận giải phóng quốc gia (FLN) cầm quyền tại Algeria quyết định cử ông A. Bouteflika là đại diện tham gia tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2019, mầm mống của cuộc khủng hoảng đã xuất hiện.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình gia tăng cả về số lượng và quy mô người tham gia, Tổng thống A. Bouteflika cho biết nếu tái đắc cử, ông sẽ cân nhắc khả năng chuyển giao quyền lực cho một tổng thống mới. Ngày 10-3, đảng FLN cầm quyền tại Algeria cũng đã kêu gọi tất cả các lực lượng ở nước này cùng hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. FLN nhấn mạnh các lực lượng cần phải bảo đảm sự thống nhất, an ninh và ổn định của đất nước để giải quyết khủng hoảng.
Trong một động thái nhượng bộ trước yêu cầu ngày càng mạnh mẽ của phe đối lập, đồng thời là bước đi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi này, ngày 11-3, Tổng thống A. Bouteflika tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, đồng thời hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 18-4 sắp tới. Ông cũng quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ N. Bedoui làm Thủ tướng, thay thế ông A. Ouyahia. Tổng thống A. Bouteflika cho biết, ông đang lựa chọn nhân sự cho Chính phủ mới và thành lập một cơ quan đặc biệt để soạn thảo Hiến pháp mới nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân.
Theo các nhà phân tích, vượt qua làn sóng nổi dậy “Mùa xuân Arab” tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi năm 2011, Algeria đã mở cửa cho những thay đổi dân chủ. Với việc người dân Algeria xuống đường biểu tình phản đối quyết định tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống A. Bouteflika, niềm tin của người dân đối với chính phủ Algeri đã thay đổi. Và điều này được dự báo sẽ là một thách thức lớn đối với chính phủ Algeria đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu tài nguyên của quốc gia này đang gặp không ít khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 30% ở những người dưới 30 tuổi.
Tiến trình Brexit: Tiếp tục bế tắc
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội Anh về Brexit ở London ngày 12-3. Ảnh: THX/TTXVN
Tiến trình Brexit vẫn “rối như tơ vò” khi các nghị sỹ tại Quốc hội Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng Anh T. May, đồng thời các nghị sỹ cũng đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.
Nguyên nhân mấu chốt gây ra sự bế tắc trong tiến trình Brexit hiện nay chính là vấn đề đường biên giới với Ireland. Cả Anh và EU đều muốn tránh xuất hiện một “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Anh) sau khi Brexit xảy ra. Tuy nhiên, việc thiết lập một “biên giới mở” giữa Anh và EU lại khiến các nghị sỹ Anh phản đối mạnh mẽ vì cho rằng sẽ khiến Anh nằm trong liên minh thuế quan của EU vĩnh viễn. Ngay cả khi EU đã đưa ra những bảo đảm pháp lý về điều khoản “chốt chặn” liên quan đến đường biên giới Ireland thì các nghị sỹ Anh vẫn cho rằng đó là chưa đủ.
Nhìn lại lịch sử, kể từ khi thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” được ký cách đây 2 thập niên, Anh và Ireland thống nhất duy trì một khu vực tự do đi lại chung, cho phép công dân hai nước qua lại lẫn nhau không cần hộ chiếu. Khoảng 23.000 - 30.000 người qua lại biên giới này mỗi ngày, chưa tính những người lao động ở biên giới như các y tá cộng đồng hay nông dân, những người qua lại biên giới này vài lần mỗi ngày. Cũng từ đó, thương mại và dịch vụ giữa hai miền (Ireland và Bắc Ireland) tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho biết, Cộng hòa Ireland chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu quốc tế của Bắc Ireland và trở thành đối tác thương mại số 1 của khu vực này, trong khi nước Mỹ chiếm vị trí thứ 2 với 25%. Phần lớn xuất khẩu của Bắc Ireland sang Cộng hòa Ireland là các mặt hàng thực phẩm, gia súc, đặc biệt các chế phẩm từ sữa, chiếm đến 1/3 tổng kim ngạch. Có thể thấy, nền kinh tế Bắc Ireland phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu sang EU, với 52% hàng hóa vận chuyển tới khối EU, bao gồm 38% hàng hóa xuất sang Cộng hòa Ireland. Chính bởi những lợi ích như vậy nên khi tiến trình Brexit được kích hoạt, cả hai bên đều rất lo ngại về những thiệt hại kinh tế mà Anh và EU sẽ phải gánh chịu nếu một “biên giới cứng” được thiết lập giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU).
Sau hai năm đàm phán, đến nay cản trở lớn nhất đối với tiến trình Brexit vẫn là vấn đề biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được hồi tháng 11-2018, hai bên dự kiến thiết lập một điều khoản “rào chắn” nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, các nghị sỹ Anh đã thẳng thừng bác bỏ vì họ cho rằng điều khoản “rào chắn” sẽ khiến Anh bị mắc kẹt trong liên minh thuế quan của EU vĩnh viễn. Vì vậy thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được hồi tháng 11-2018 đã bị Quốc hội Anh bác bỏ (ngày 15-01-2019).
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anh đã liên tục thực hiện các nỗ lực nhằm đàm phán lại với EU để tìm kiếm những sửa đổi, thay thế cho điều khoản “rào chắn” liên quan biên giới Anh - Ireland sau Brexit. Trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 12-3 với những thỏa thuận Brexit sửa đổi, bà T. May đã nhận được một sự bảo đảm từ phía EU rằng điều khoản “rào chắn” không có thời hạn thực thi vĩnh viễn, EU không bẫy nước Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu, và rằng EU và Anh sẽ nỗ lực tìm giải pháp thay thế điều khoản “rào chắn” trong giai đoạn quá độ, dự kiến từ ngày 29-3-2019 đến 31-12-2020. Nhưng bất chấp những bảo đảm từ EU, các nghị sỹ Anh theo phe ủng hộ Brexit vẫn cho rằng như thế là chưa đủ để bảo đảm quyền lợi của Anh. Về mặt đối nội là việc đặt cho phần lãnh thổ Bắc Ireland một quy chế tách biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh. Về đối ngoại là việc châu Âu ngăn cản Anh tự do tiến hành ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác trên thế giới. Và vì thế, tương lai của đường biên giới giữa khu vực Bắc Ireland của Anh với Cộng hòa Ireland vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết./.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị An toàn - Sức khỏe - Môi trường lần thứ 13  (18/03/2019)
Cùng Agribank “Gửi niềm tin, nhận tài lộc”  (18/03/2019)
Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2019 - Ngày hội của những người làm báo  (17/03/2019)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại tỉnh Điện Biên  (17/03/2019)
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đối thoại với đoàn viên, thanh niên  (17/03/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên