Việt Nam - Điểm đến, cầu nối cho một tiến trình hòa bình lịch sử
Sự kiện Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp của nước ta cho công việc chung của thế giới, vì hòa bình, ổn định phát triển. Đây là dấu ấn mới cho thấy uy tín của Việt Nam trong việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn.
Việt Nam - Điểm đến an toàn và tin cậy
Trong lịch sử ngoại giao thế giới, việc chọn địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai được các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài nhìn nhận vì Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên. Việt Nam từ chỗ là bên liên quan tham gia các hội nghị tại Geneva năm 1954 quyết định chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương và sau đó là Hội nghị Paris năm 1973 với việc ký kết Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, đến nay, Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam - trở thành nơi tổ chức hội nghị hòa bình cho các quốc gia khác, khu vực và thế giới.
Lựa chọn Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là một địa điểm phù hợp, mà còn cho thấy Việt Nam có vai trò đóng góp cho công việc chung của thế giới và khu vực, vì hòa bình, ổn định phát triển. Có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước… Việt Nam đã chủ động, tích cực chung tay tham gia các công việc lớn của quốc tế; chủ động đóng góp xây dựng tại các diễn đàn quan trọng, thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, thể hiện sâu sắc tinh thần là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Nếu trong quá khứ, Việt Nam đã là một hình ảnh truyền cảm hứng về một dân tộc vệ quốc kiên cường, thì nay Việt Nam mang đến một hình ảnh truyền cảm hứng về một dân tộc tự cường, mở cửa, phát triển và đóng góp thực sự về nhiều mặt vào nỗ lực chung của khu vực và thế giới.
Yêu cầu đầu tiên của việc chọn địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên phải là an toàn, và Việt Nam đã chứng minh được điều này bằng thực tiễn.
Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều như một nơi rất an toàn, thậm chí cho cả các chính khách. Nhiều chính khách của các cường quốc cũng phải ấn tượng với sự hiếu khách của người Hà Nội. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng rất ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Nội Bài trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 5-2016). Cũng với sự chào đón nồng hậu ấy, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande khi thăm Việt Nam (tháng 9-2016) đã đi bộ tới nhiều điểm đến văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội. Và hình ảnh của Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (tháng 11-2017), và gần đây nhất trong chuyến thăm Việt Nam (ngày 19 đến 21-02-2019) Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã đi bộ và ngồi thưởng thức cà phê vỉa hè tại Hà Nội đã tạo nên câu chuyện về một Hà Nội an toàn và hiếu khách…
Cùng với an toàn là sự tin cậy. Theo GS, TSKH. Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc Hoa Kỳ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cùng đồng ý chọn Hà Nội - Việt Nam làm nơi gặp thượng đỉnh lần hai không chỉ bởi Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi riêng của các quốc gia này mà còn phản ánh mức độ tin cậy rất cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, với Hà Nội về năng lực, bản lĩnh gánh vác trách nhiệm chung. Đó là sự lựa chọn có tính toán, có cân nhắc và rất phù hợp.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Australia - Carl Thayer cho rằng, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện này là do được cả Hoa Kỳ, Triều Tiên cùng các nước liên quan tin cậy. Theo ông Carl Thayer, Hoa Kỳ đánh giá cao Việt Nam trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và luôn nhất quán không ủng hộ phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên tin tưởng Việt Nam, đặc biệt đã cử các đoàn sang Việt Nam tìm hiểu về quá trình đổi mới và mở cửa của Việt Nam.
Ông Carl Thayer nhấn mạnh, trong tương lai, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang là ứng cử viên duy nhất của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Do đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò nhất định trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Triều Tiên (ngày 12 đến 14-02-2019) cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này.
Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, việc Việt Nam được Mỹ và Triều Tiên lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị đã cho thấy uy tín của chúng ta, là một dấu chứng nhận Việt Nam có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hậu cần và bảo đảm an ninh cho những sự kiện lớn. Cùng với đó, Việt Nam còn có tính biểu tượng rất cao, khi đã trải qua quá trình khép lại quá khứ sau một cuộc chiến tranh để tiến tới tương lai với sự đổi mới, hội nhập, mở cửa, phát triển... đây là quá trình Việt Nam có rất nhiều bài học kinh nghiệm có thể chia sẻ. Việc được lựa chọn thực sự cho thấy một đất nước Việt Nam đã rất khác, vị thế quốc tế của Việt Nam đã rất khác.
Việt Nam tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tầm cỡ khu vực và toàn cầu
Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, đối ngoại đa phương Việt Nam đã thực sự được chắp cánh và nâng lên một tầm cao mới, góp phần giúp Việt Nam khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình với tư cách một thành viên đầy trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng quốc tế.
Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Đặc biệt, ba năm qua đã chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Với tầm vóc mới mà đối ngoại đa phương Việt Nam đạt được, chúng ta đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Tiêu biểu là với Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi là nơi hội tụ của toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… Đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ Cấp cao APEC mới có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy. Điều đó khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực cũng như sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho Việt Nam. Với việc các nhà lãnh đạo APEC cam kết “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.
Đánh giá về tổ chức APEC 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét: "Về công tác tổ chức, Việt Nam đã làm mọi thứ có thể để chúng tôi có thể thoải mái làm việc, tạo ra bầu không khí thuận lợi". Không những thể hiện sự chủ động trong công tác hậu cần, Việt Nam còn chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung; đảm nhận tốt công tác chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác của APEC... Việt Nam cũng đã phát huy tốt vai trò chủ nhà trong việc khởi xướng, dẫn dắt và điều phối để hợp tác APEC đem lại những kết quả thực chất.
Phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trên kênh nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã được Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) và các Nghị viện thành viên tin tưởng giao đảm nhiệm tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF vào tháng 01-2018. Đề xuất của Quốc hội Việt Nam về Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng vì đây là cách kết nối chặt chẽ giữa APPF và APEC để cùng hỗ trợ APEC thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Hội nghị APPF-26 đã thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam vốn luôn quan tâm tới sự phát triển chung của ngoại giao nghị viện, tham gia định hướng phát triển của các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế trong bối cảnh mới.
Tiếp nối thành công của Năm APEC 2017 và Hội nghị APPF-26, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) cuối tháng 3-2018 tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực. Điều đặc biệt là Việt Nam đã đưa ra Sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN… cùng sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự - quy mô lớn tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017. Thành công đó đánh dấu sự chủ động và tích cực của Việt Nam cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
Là một trong ba sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) tháng 9-2018 được đánh giá là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm qua khi quy tụ được 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự, với 60 phiên họp. Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam còn trở thành tâm điểm chú ý xuất hiện liên tục trong dòng chảy thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hàng nghìn bài viết, thu hút hàng triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội…
Thành công đó không chỉ thể hiện chủ đề, nội dung Hội nghị WEF ASEAN 2018 đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung của khu vực cũng như thế giới, mà còn khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả Hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho biết, đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức Hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á. Hội nghị thành công trên nhiều khía cạnh, từ nội dung đến công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần, thông tin…
Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) vào tháng 9-2018.
Các nguyên thủ quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ của các cường quốc, đến Việt Nam trong các sự kiện này đều bày tỏ sự hài lòng không chỉ về môi trường an ninh mà công tác tổ chức các sự kiện lớn Việt Nam đều làm rất tốt, tạo thành uy tín quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 7-2017 tại Đức, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Canada tháng 6-2018. Tất cả đã cho thấy sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu.
Việc Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp của Việt Nam cho công việc chung của thế giới, vì hòa bình, ổn định phát triển.
Ý thức rõ vình dự và trách nhiệm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, nhấn mạnh, đây là sự kiện quốc tế nổi bật được toàn thế giới quan tâm. Việt Nam vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị quan trọng đối với hòa bình của khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành “tiếp tục kiểm tra mọi công việc, hoàn thiện mọi phương án, đưa ra các biện pháp hết sức cụ thể để hoàn thiện trước khi các vị khách quý đến Việt Nam”./.
Quan hệ Mỹ-Triều Tiên: Con đường gập ghềnh và những kỳ vọng ở Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội  (24/02/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia  (24/02/2019)
Khai trương Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai  (23/02/2019)
Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn  (23/02/2019)
Bứt phá mạnh mẽ trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước  (23/02/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên